11/01/2025

Lấp sông Đồng Nai làm dự án: Chẳng lẽ làm lại ĐTM đến khi được duyệt !?

“Không lẽ đánh giá tác động môi trường cứ làm thiếu, sơ sài thì làm lại, làm lại đến khi nào được duyệt thì thôi hay sao?”, TSKH Đào Thị Việt Nga đặt lại vấn đề sau khi Bộ Tài nguyên – Môi trường muốn cho làm lại ĐTM vụ lấp sông Đồng Nai làm dự án.

 

Lấp sông Đồng Nai làm dự án: Chẳng lẽ làm lại ĐTM đến khi được duyệt !?

 

 

 

“Không lẽ đánh giá tác động môi trường cứ làm thiếu, sơ sài thì làm lại, làm lại đến khi nào được duyệt thì thôi hay sao?”, TSKH Đào Thị Việt Nga đặt lại vấn đề sau khi Bộ Tài nguyên – Môi trường muốn cho làm lại ĐTM vụ lấp sông Đồng Nai làm dự án.



Lấp sông Đồng Nai làm dự án: Chẳng lẽ làm lại ĐTM đến khi được duyệt !?Hiện trường nhếch nhác của dự án lấp sông Đồng Nai (ảnh chụp chiều 15.9) – Ảnh: Tiểu Thiên
Là Giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát triển tài nguyên nước (WARECOD), và cũng là thành viên Hội đồng thẩm định lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án lấp sông Đồng Nai, TS Nga cùng nhiều thành viên trong hội đồng đã không đồng ý thông qua dự án và kiến nghị bằng văn bản: “Dừng dự án vì nếu thực hiện sẽ gây ra tiền lệ xấu cho việc bảo vệ môi trường và tài nguyên nước ở VN”.
Đừng phí thêm thời gian
Theo TS Nga, nếu chỉnh trang bờ sông thành tuyến công viên xanh công cộng thì rất tốt, vì ở VN rất thiếu không gian công cộng xanh sạch cho người dân. Nhưng ở đây lại là lấn sông (tới 7,72/8,4 ha tổng diện tích dự án là vùng đất ngập nước ven sông và mặt nước sông) để lấy thêm diện tích xây khách sạn, nhà hàng, chung cư biệt thự để bán thì không chấp nhận được. Việc lấn sông của dự án vi phạm một loạt các luật liên quan đến môi trường, đặc biệt là luật Bảo vệ môi trường, luật Tài nguyên nước và nhiều quy định liên quan đến quản lý đất ngập nước khác. Có thể nói chủ đầu tư trên thực tế đã bắt đầu dự án sai phép.
Vì thế, với bất kỳ lý do nào, quyết định cho phép thực hiện dự án dưới hình thức lấn sông để phát triển đô thị hoàn toàn đi ngược với quy định luật Bảo vệ môi trường 2014 (điều 80) về bảo vệ môi trường đô thị, trong đó yêu cầu phải được thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững, gắn liền với việc duy trì các yếu tố tự nhiên. Về giao thông đường thuỷ, dự án nếu hoàn thành sẽ trực tiếp gây cản trở lưu thông đường thuỷ nội địa. Tàu thuyền di chuyển trên sông Đồng Nai, khi đến khu vực này phải quẹo vòng quanh và có thể vướng vào chân công trình. Nguy cơ bị tai nạn là không tránh khỏi. Điều này trái với tinh thần của luật Giao thông đường thuỷ nội địa.
Dự án đã vi phạm nhiều luật liên quan đến môi trường, các luật này do chính Bộ Tài nguyên – Môi trường soạn thảo thì lẽ ra Bộ nên đề xuất dừng luôn. Không nên mất thêm thời gian của các bên nữa. Trong trường hợp vẫn hỗ trợ ý tưởng ban đầu của dự án là “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông” thì Bộ nên có ý kiến: Thứ nhất, cần phải nạo vét đất đá đã đổ xuống sông để trả lại nguyên trạng bờ cũ; thứ hai là ĐTM mới chỉ làm cho dự án phát triển trên khu vực bờ sông, không phải bao gồm diện tích lấn sông.
Trả lại nguyên trạng
“Yêu cầu làm lại ĐTM mà vẫn giữ nguyên phần lấn ra lòng sông tới gần 100 m là việc rất vô lý. Tôi không đồng ý với việc này. Dự án đã sai về nguyên tắc (do vi phạm các luật) thì không có lý do gì để làm lại ĐTM, tốn tiền của chủ đầu tư và xã hội. Không lẽ ĐTM cứ làm thiếu, sơ sài thì làm lại, làm lại mãi đến khi nào được duyệt thì thôi hay sao?”, TS Nga đặt vấn đề.
TS Nga cho rằng trong dự án này, câu hỏi đặt ra ai sẽ là người được hưởng lợi trực tiếp lớn nhất? Tất nhiên không phải là người dân quanh khu vực này mà là chủ đầu tư và một số nhóm lợi ích khác. TS Nga khẳng định việc làm lại ĐTM chỉ có ý nghĩa nếu như chủ đầu tư trả lại nguyên trạng cho bờ sông và ĐTM mới chỉ phục vụ việc phát triển đô thị trên khu vưc bờ sông ban đầu mà thôi.
Không thể làm lại ĐTM
Hội đồng thẩm định lại ĐTM vừa họp ở Hà Nội dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Nguyễn Thái Lai nhẽ ra phải gọi đúng tên là “Rà soát, thẩm tra kết quả thẩm định chứ không phải thẩm định lại”.
Chủ tịch Hội đồng kết luận phê phán hồ sơ ĐTM sơ sài, không đủ cơ sở tin cậy về khoa học… là chuẩn xác, nhưng lại giao cho tỉnh Đồng Nai làm lại ĐTM là hoàn toàn sai bởi vì ĐTM là công cụ mang tính dự báo hay nói cách khác phòng bệnh chứ không phải chữa bệnh. Chỉ làm ĐTM trước khi dự án được xây dựng. Không thể làm lại ĐTM đối với dự án đã thực hiện gần hoàn thành như dự án lấn sông Đồng Nai. Tôi đang chờ tỉnh Đồng Nai công bố bản ĐTM làm lại sẽ viết bài phản biện tiếp.
Nhìn rộng hơn, về phương pháp luận làm ĐTM của VN còn nhiều “lỗ hổng”. Ở các nước tiên tiến, chủ đầu tư có quyền đề xuất các dự án nhưng phải phụ thuộc vào ĐTM của cơ quan có thẩm quyền quyết định có cho làm hay không. Nhưng ở VN chính quyền cấp phép đầu tư trước rồi mới làm ĐTM cho nên hầu hết các dự án có ĐTM chỉ mang tính chất hợp thức hoá cho chủ trương đã quyết và ĐTM chỉ mang tính chất giảm thiểu các tác động có hại đến môi trường.
TS Tô Văn Trường
(chuyên gia tài nguyên nước và môi trường, Ban Chủ nhiệm chương trình nghiên cứu khoa học KC08/11-15 Bộ KH-CN)

Nhếch nhác cả một khúc sông
Có mặt tại dự án lấn sông của Công ty Toàn Thịnh Phát (TP.Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) vào chiều 15.9, chúng tôi ghi nhận tình trạng nhếch nhác của cả một khúc sông rộng lớn. Trên công trường san lấp, đất đá, ống cống nằm ngổn ngang. Nhiều máy móc, thiết bị thi công được dồn một góc công trường nằm án binh bất động. Bụi cỏ và cây leo hoang dại đã mọc phủ xanh nhiều chỗ trên công trường san lấp. Phía sát trong khu vực nhà dân, người dân tận dụng đất san lấp để trồng rau màu, chăn nuôi.
Đặc biệt, khu vực chưa san lấp ở cầu tàu khiến cho dòng nước xoáy cuốn vào trở thành cái “rốn” chứa đầy bèo lục bình, rác và xác động vật chết gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Tiểu Thiên

Chí Nhân