10/01/2025

Bão số 3 gây mưa lớn nhiều nơi

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn T.Ư, khoảng 20 giờ 30 đến 21 giờ hôm qua, bão số 3 đã đi vào khu vực giữa Quảng Nam và Đà Nẵng, sau đó suy yếu nhanh thành áp thấp nhiệt đới.

 

Bão số 3 gây mưa lớn nhiều nơi

 

 

 

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn T.Ư, khoảng 20 giờ 30 đến 21 giờ hôm qua, bão số 3 đã đi vào khu vực giữa Quảng Nam và Đà Nẵng, sau đó suy yếu nhanh thành áp thấp nhiệt đới. Trên biển, bão số 3 gây gió mạnh cấp 8, giật cấp 9 – 10. Còn trên đất liền từ Hà Tĩnh trở vào đến Quảng Ngãi có gió giật cấp 6 – 7.




Trục vớt tàu cá mang số hiệu QNa 90208 bị đắm do bão - Ảnh: Hoàng SơnTrục vớt tàu cá mang số hiệu QNa 90208 bị đắm do bão – Ảnh: Hoàng Sơn
Thống kê đến 19 giờ ngày 14.9, mưa phổ biến từ 150 – 250 mm từ Hà Tĩnh trở vào đến bắc Bình Định. Nhiều nơi mưa trên 300 mm như Nam Đông (Huế) 354 mm, Tiên Sa (Quảng Nam) 312 mm. Đến 21 giờ, tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,6 độ vĩ bắc; 108,4 độ kinh đông, trên địa phận các tỉnh Quảng Nam – Quảng Ngãi, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 7, tức từ 50 – 60 km/giờ, giật cấp 8 – 9. Dự báo từ đêm 14 – 16.9, các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế, Kon Tum có mưa to đến rất to trong khoảng 150 – 250 mm, các tỉnh từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi mưa 100 – 150 mm. Từ ngày 15 – 18.9, các tỉnh từ Thanh Hoá đến Hà Tĩnh có mưa từ 200 – 300 mm, đồng bằng Bắc bộ mưa 50 – 150 mm.
Du khách kẹt trên đảo, siêu thị Đà Nẵng cháy hàng
Khoảng 18 giờ ngày 14.9, bão số 3 tràn qua vùng biển Lý Sơn với sức gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 10, biển động dữ dội khiến cả huyện đảo Lý Sơn mất điện hoàn toàn trong thời gian ngắn. Tối qua, bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện đảo, cho biết do tàu thuyền không được xuất bến nên hơn 200 du khách không thể vào đất liền, bị mắc kẹt lại đảo Lý Sơn.
Trong khi đó, hàng vạn học sinh tại TP.Đà Nẵng và Quảng Nam hôm qua phải nghỉ học. Mưa gió suốt ngày 14.9 khiến TP.Đà Nẵng bị ngập cục bộ tại 58 điểm. Nhiều cơ quan thông báo nghỉ làm việc từ chiều 14.9. Nhiều người dân chạy xe máy, xe đạp bị ngã khi qua cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý. Cầu Thuận Phước bắc qua cửa biển cũng đã được lệnh ngưng không cho lưu thông vào trưa 14.9 để đảm bảo an toàn. Gió mạnh khiến một cây lớn trên đường Nguyễn Văn Linh bị bật gốc, đè bẹp 1 chiếc taxi, rất may không có thiệt hại về người. Tại các siêu thị, chợ ở Đà Nẵng, ngày 14.9 các mặt hàng mì tôm, thức ăn sẵn cháy hàng vì nhiều người mua dự trữ.
Sóng đánh chìm nhiều tàu
Tại Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết đến 22 giờ 20 hôm qua mưa to vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Ông Thanh cho biết công tác trục vớt 2 tàu cá của ngư dân (mã lực 120 CV và 830 CV) bị đắm tại H.Núi Thành khi đang neo đậu gần bờ vẫn đang tiếp tục.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, vào thời điểm bão đổ bộ, một số địa phương tại Quảng Nam ngớt mưa, có gió giật nhưng không mạnh như trước đó. Trong khi đó, ở khu vực miền núi cao, tình trạng sạt lở đường đã xảy ra tại nhiều vị trí, đáng chú ý lũ lớn đã tràn qua con đập trên QL14G đoạn Dốc Rùa thuộc xã A Ting (H.Đông Giang) đã gây ách tắc giao thông. Lũ cũng gây chia cắt cục bộ ở các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang… Tại Cù Lao Chàm (Hội An), thượng tá Nguyễn Văn Mỹ, Đồn trưởng Đồn biên phòng Cù Lao Chàm, cho biết bão khiến nhiều nhánh cây gãy đổ xuống đường, tuy nhiên chưa ghi nhận thiệt hại liên quan đến nhà cửa, tàu thuyền… của người dân. Ngoài ra, gió lớn, sóng mạnh khiến nhiều đoạn kè tại TP.Hội An (Quảng Nam) bị sạt lở.
Tại Đà Nẵng, cũng có 2 tàu cá gần bờ bị sóng đánh chìm, trong đó có 1 tàu neo đậu tại bãi ngang Mân Thái, 1 tàu ở bãi Bắc, Q.Sơn Trà.
Các địa phương chủ động phòng chống thiên tai
Tại cuộc họp với Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai ở Hà Nội ngày 14.9, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý hiện tượng thời tiết thiên tai cực đoan, bất thường xảy ra ngày càng nhiều gây khó khăn cho việc phòng chống, ứng phó. Phó thủ tướng nhấn mạnh, thiệt hại về giá trị kinh tế vật chất 8 tháng đầu năm 2015 do mưa lũ thiên tai gấp 3,5 lần so với năm 2014. Trong khi đó, công tác ứng phó hiện tại còn lúng túng trong tình huống xảy ra thiên tai bất thường. Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát những vùng dân cư có nguy cơ cao hoặc nằm trong vùng nguy hiểm khi xảy ra thiên tai, chủ động phương án di chuyển đến nơi an toàn.

Hàng chục chuyến bay dừng, huỷ
Hôm qua 14.9, Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific cho biết đã phải dừng, hoãn hủy hàng chục chuyến bay do ảnh hưởng của bão số 3 tại khu vực miền Trung và Tây nguyên. Cụ thể, Vietnam Airlines không khai thác 16 chuyến bay đi/đến Đà Nẵng trong khung giờ 14 – 17 giờ, gồm 7 chuyến của đường bay TP.HCM – Đà Nẵng, 5 chuyến đường bay Hà Nội – Đà Nẵng, 2 chuyến đường bay Đà Nẵng – Hải Phòng và 4 chuyến thuộc đường bay quốc tế đến/đi Hàng Châu (Trung Quốc) và Siem Reap (Campuchia) từ Đà Nẵng. Trước đó, Vietnam Airlines cũng đã không khai thác 4 chuyến bay đến/đi Buôn Ma Thuột và 2 chuyến bay đến/đi Chu Lai từ Hà Nội và TP.HCM. Dự kiến, do bão số 3 tiếp tục ảnh hưởng mạnh đến khu vực miền Trung và Tây nguyên nên kế hoạch khai thác của hãng đến khu vực này có thể phải tiếp tục thay đổi.
Vietjet Air cho biết, do ảnh hưởng của bão nên các chuyến bay đi Huế, Đà Nẵng, Chu Lai cũng buộc phải hủy chuyến. Còn Jetstar Pacific, do sân bay Buôn Ma Thuột có mưa, trần mây thấp không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn hạ cánh cho phép, nên 2 chuyến bay của hãng từ TP.HCM và Hải Phòng đến Buôn Ma Thuột phải chuyển hướng hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Do ảnh hưởng của bão số 3, tình hình thời tiết tại Buôn Ma Thuột tiếp tục diễn biến xấu nên 2 chuyến bay BL570, BL539 sau khi hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất không thể tiếp tục cất cánh trở lại Buôn Ma Thuột. Hai chuyến bay khác BL538 và BL571 từ Buôn Ma Thuột đi TP.HCM và Hải Phòng cũng phải huỷ. Hành khách của 3 chuyến bay BL570, BL571 và BL538 được chuyển đổi miễn phí sang chuyến bay của ngày hôm sau, những hành khách khác có nhu cầu được thực hiện hoàn vé miễn phí. Riêng hành khách chuyến bay BL539 được hỗ trợ mỗi người 250.000 đồng để chủ động di chuyển lên Buôn Ma Thuột.
Mai Hà – N.Tr.Tâm

Thanh Niên