Cứu sông Hậu
Trước thực trạng nhiều doanh nghiệp lén lút xả thải gây ô nhiễm dòng sông Hậu, các lực lượng chức năng của TP.Cần Thơ đang quyết liệt vào cuộc để cứu lấy con sông này.
Cứu sông Hậu
Trước thực trạng nhiều doanh nghiệp lén lút xả thải gây ô nhiễm dòng sông Hậu, các lực lượng chức năng của TP.Cần Thơ đang quyết liệt vào cuộc để cứu lấy con sông này.
Sau nhiều tháng “mật phục”, lúc 22 giờ ngày 4.9, trinh sát Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49, Công an TP.Cần Thơ) bắt quả tang công nhân của Công ty TNHH Phương Duy (trụ sở tại KCN Trà Nóc 2, Q.Ô Môn) xả chất thải chưa qua xử lý ra sông Hậu. Đây không phải lần đầu tiên lực lượng chức năng phát hiện doanh nghiệp này xả thải ra sông.
Theo đại tá Nguyễn Hồng Trinh, Trưởng PC49, thời gian gần đây các doanh nghiệp dùng nhiều thủ đoạn tinh vi đối phó với lực lượng kiểm tra nhằm xả chất thải chưa qua xử lý xuống các kênh, rạch trên sông Hậu.
Trước đó, PC49 đã phát hiện Công ty TNHH sản xuất thương mại Huy Việt – Tây Đô (P.Thuận An, Q.Thốt Nốt) và Công ty TNHH Thuận Hưng (P.Ba Láng, Q.Cái Răng) lén lút xả thải bằng “quy trình” rất công phu. Công ty Huy Việt – Tây Đô (chuyên sản xuất cồn, thực phẩm, khí CO2…) cho bơm nước thải chưa qua xử lý xuống xà lan, đợi đến tối đem xả ra sông Hậu (đoạn P.Trung Kiên) qua 2 đường ống bằng kim loại có gắn van được lắp đặt ở đuôi xà lan. Còn Công ty Thuận Hưng (chuyên gia công, sản xuất, chế biến hàng thuỷ sản đông lạnh) thì bị bắt khi đang xả nước thải không qua xử lý bằng hệ thống ngầm ra sông Ba Láng (một nhánh của sông Hậu, thuộc Q.Cái Răng).
Theo một trinh sát PC49, việc lắp đặt máy bơm, ống ngầm có van xả đã được công ty này thực hiện thời gian dài và có sự chỉ đạo rất chặt chẽ từ ban giám đốc đến người thực hiện. Do đó, khi phát hiện, lực lượng kiểm tra phải thuê công nhân đào khắp khu vực sản xuất mới xử lý triệt để hệ thống ống ngầm.
Tại hội nghị sơ kết ngành tài nguyên – môi trường TP.Cần Thơ vào tháng 7.2015, bà Đỗ Thị Ngọc Hoa, Trưởng phòng TN-MT Q.Ô Môn, cho biết mặc dù lực lượng chức năng từ T.Ư đến địa phương đã nhiều lần xử phạt Công ty CP chế biến thực phẩm Sông Hậu, song công ty này vẫn tiếp tục xả nước thải có màu đen, hôi thối ra tuyến kênh giáp ranh giữa P.Long Hưng (Q.Ô Môn) và xã Thới Hưng (H.Cờ Đỏ).
Ngày 29.7.2015, Sở TN-MT TP.Cần Thơ chủ trì cuộc họp cùng với Công an TP.Cần Thơ, Phòng TN-MT H.Cờ Đỏ làm việc, yêu cầu công ty này phải chấm dứt ngay hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn; nếu tái phạm sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Sở TN-MT TP.Cần Thơ nhìn nhận, hiện các KCN tập trung thải ra khoảng 30.000 m3 nước/ngày đêm, cộng với nước thải sinh hoạt tại các khu dân cư khoảng 70.000 m3/ngày đêm thải trực tiếp ra sông, rạch. 6 tháng đầu năm 2015, lực lượng chức năng kiểm tra 49 đơn vị tại các KCN trên địa bàn thì tất cả đều vi phạm về xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép ra môi trường.
Một nghiên cứu của Trường ĐH Cần Thơ cho thấy, tại rạch Sang Trắng 1 cách KCN Trà Nóc 2 khoảng 200 m, hàm lượng COD (mức độ hiện diện chất hữu cơ trong nước) vượt chuẩn cho phép từ 5 – 6 lần. Trong khi đó, ở rạch Sang Trắng 2, nơi cách xa KCN hơn thì hàm lượng hữu cơ vượt tiêu chuẩn 4 – 6 lần.
Theo dự báo của Cục Môi trường miền Nam, đến năm 2020, lượng nước thải sinh hoạt tại ĐBSCL lên tới 1,4 triệu m3/ngày đêm; nước thải công nghiệp lên tới 900.000 m3/ngày đêm; trong đó Cần Thơ thải nhiều nhất và tất nhiên sông Hậu sẽ là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, khẳng định: “Chúng tôi đã có những giải pháp cụ thể để hạn chế tối đa nguy cơ ô nhiễm với sông Hậu, bởi nó ảnh hưởng rất lớn đến không chỉ Cần Thơ mà cả khu vực. Trước hết, doanh nghiệp phải xem bảo vệ môi trường là trách nhiệm”.
Đình Tuyển
|
Mai Trâm