11/01/2025

Làm gì trước đặt hàng của Thủ tướng?

Bán chiếc xe Matiz, tài sản lớn nhất của mình, để dồn tiền mua một con robot từ Nhật về phục vụ nghiên cứu cách đây ba tháng.

 

Làm gì trước đặt hàng của Thủ tướng?

 

Bán chiếc xe Matiz, tài sản lớn nhất của mình, để dồn tiền mua một con robot từ Nhật về phục vụ nghiên cứu cách đây ba tháng.


 


TS Nguyễn Bá Hải tặng “Mắt thần” cho người hát rong bán vé số - Ảnh: H.B.
TS Nguyễn Bá Hải tặng “Mắt thần” cho người hát rong bán vé số – Ảnh: H.B.

Khi ấy, TS Nguyễn Bá Hải không nghĩ rằng sẽ có một ngày, một trong những 
kết quả nghiên cứu của anh và cộng sự được Thủ tướng quyết định hỗ trợ kinh phí lập đề án sản xuất với 
quy mô lớn.

Sau cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và 70 nhà khoa học trẻ hôm 11-9, TS Nguyễn Bá Hải chia sẻ với Tuổi Trẻ:

– Tuy đã đạt một số kết quả từ vài năm nay nhưng chưa bao giờ tôi thấy lòng tin vào sự lựa chọn theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học của mình lại nở hoa hơn thế.

Đam mê của người làm khoa học là bay bổng trên bầu trời sáng tạo nhưng cũng cần khao khát trả lời những câu hỏi từ cuộc sống.

Nhưng ngay cả khi đã xác định cho mình những mục tiêu nghiên cứu cụ thể, gần gũi cuộc sống thì chặng đường đi đến được kết quả thành công cũng không đơn giản.

Tôi chỉ có một suy nghĩ đơn giản, cái gì tốt thì phải làm trên đất nước mình, cống hiến cho đất nước, dân tộc mình theo khả năng, sức lực. Làm như vậy thật sự rất sướng. Mặc dù cũng vẫn còn áp lực lắm

Tiến sĩ 
NGUYỄN BÁ HẢI

* Anh có thể kể một câu chuyện cụ thể của chặng đường chông gai này?

– 14 năm trên con đường làm nghiên cứu khoa học, có những lúc khó khăn tưởng như không thể vượt qua nổi, nhất là giai đoạn một năm sau khi đi học tiến sĩ ở nước ngoài về. Đã có lúc nghĩ hay mình chuyển qua làm kinh doanh cái gì đó chứ tiến sĩ gì mà… nghèo quá.

Ngày bắt tay vào nghiên cứu kính “Mắt thần”, cũng nghĩ mình sẽ làm trong vài tháng, nhưng đến giờ đã hơn bốn năm, trải qua chín lần thử nghiệm cải tiến, đã ra đến phiên bản 2, sắp tới là phiên bản 3, phiên bản 4.

Song song với dự án đó, tôi và cộng sự trong nhóm còn theo mấy hướng nghiên cứu khác. Có bốn cái xe trong tay mua về để thử nghiệm cũng mang ra bán dần, bán đến cái cuối cùng, giờ chạy nhờ xe máy của vợ.

* Sản phẩm “Mắt thần” đã được đề nghị trả 2-3 tỉ đồng để thương mại hóa, trong hoàn cảnh eo hẹp về kinh phí, tại sao anh không bán?

– Lúc đầu sáng chế được trả giá 
2-3 tỉ đồng. Sau đó có doanh nghiệp đã trả 10 tỉ đồng để phát triển sản phẩm ra nước ngoài. Nhưng tôi không bán. Tôi muốn giữ lời hứa với những người dân đã góp gạo, mua dưa cà mắm muối nuôi mình từ những ngày còn mày mò nghiên cứu trong căn nhà trọ. Tôi không thương mại hoá mà dành tặng cho xã hội để phục vụ cộng đồng, phục vụ người mù.

* Làm khoa học trong nhiều năm, nghiên cứu cùng lúc nhiều đề tài nhưng lại chưa tiếp cận với những nguồn kinh phí hỗ trợ khoa học công nghệ mà tự mình xoay xở. Vì sao vậy?

– Trước đây, tôi cũng từng làm hồ sơ đăng ký xin kinh phí nghiên cứu nhưng đã bị thất vọng nên có chút bi quan.

Với quy định về thủ tục như hiện nay, muốn xin được kinh phí nghiên cứu từ Nhà nước thì lâu quá, phải chờ nửa năm, một năm mới được xét duyệt thì không còn cảm hứng nghiên cứu nữa.

Nhưng tôi không coi đó là khó khăn có thể ngăn cản tôi đi trên con đường làm khoa học. Tôi đi ở trọ, bán đồ, đi dạy thêm để có tiền dành cho các nghiên cứu, làm thử nghiệm.

Trong khi mình chưa hài lòng, mình vẫn phải nỗ lực làm việc, phải tự thân mình vận động. Coi khó khăn là thử thách, nếu sản phẩm của mình tốt thật sự, một ngày nào đó sẽ được xã hội công nhận.

* Khi đã được Thủ tướng đồng ý đầu tư, anh và cộng sự định làm gì tiếp theo?

– Là loại kính điện tử gọn nhẹ, lập trình sẵn nhận diện các vật cản để báo cho người sử dụng biết chọn hướng đi an toàn, 1.000 “Mắt thần” của chúng tôi đã được cung cấp miễn phí cho người mù có hoàn cảnh khó khăn trong chương trình phối hợp với Trung ương Đoàn.

Sau nhiều lần nâng cấp, từ sản phẩm nặng 2kg với giá thành 20 triệu đồng, chúng tôi đã đưa “Mắt thần 2” chỉ còn nặng 200g, giá thành 2 triệu đồng/cái vào sản xuất hàng loạt.

Chúng tôi sẽ cho ra mắt phiên bản “Mắt thần 3” được tối ưu hóa, chỉ còn là một chiếc kính đeo gọn nhẹ, thuận tiện cho người sử dụng. Dự kiến mùa xuân năm 2016, phiên bản “Mắt thần 4” với nhiều tính năng sử dụng mới sẽ ra đời.

Câu hỏi thách thức nhất của Thủ tướng

TS Nguyễn Bá Hải cho biết trong năm câu mà Thủ tướng đặt ra cho anh, câu hỏi thách thức nhất là: “Trong vòng một năm tới có làm được 300.000 sản phẩm không?”.

Sản xuất nhiều sản phẩm thì sao không thích, nhưng để cho ra đời sản phẩm đạt chất lượng, được tín nhiệm là điều nhà khoa học phải đặt lên hàng đầu.

Vì vậy, TS Nguyễn Bá Hải đã trả lời Thủ tướng: “Một năm làm 300.000 cái thì phải cân nhắc lại xem có đáp ứng được không vì quy mô hiện nay là có thể làm được 50.000 – 60.000 cái. 300.000 sản phẩm là gấp sáu lần. Phải tính toán và chuẩn bị kỹ. Tôi nghĩ trong hai năm sẽ chắc chắn hơn”.

 

THANH HÀ , [email protected]