11/01/2025

Babut – Nhà báo Pháp dấn thân vì Việt Nam

Alfred-Ernest Babut (1878 – mất năm 1962?) – nhà báo Pháp, người dấn thân suốt đời trong các hoạt động báo chí, hội đoàn nhằm giúp sức các phong trào yêu nước của người Việt Nam chống thực dân Pháp suốt gần nửa 
thế kỷ 20.

 

Babut – Nhà báo Pháp dấn thân vì Việt Nam 

 

 Alfred-Ernest Babut (1878 – mất năm 1962?) – nhà báo Pháp, người dấn thân suốt đời trong các hoạt động báo chí, hội đoàn nhằm giúp sức các phong trào yêu nước của người Việt Nam chống thực dân Pháp suốt gần nửa 
thế kỷ 20. 


 


Babut làm việc ở tòa soạn Đại Việt Tân Báo. Ảnh do Babut gửi về cho người cô ruột Pauline Babut ở Pháp hồi cuối năm 1905, được ông Daniel Danzon, cháu cố của bà Pauline, tặng bà Lê Thị Kinh năm 1999
Babut làm việc ở toà soạn Đại Việt Tân Báo. Ảnh do Babut gửi về cho người cô ruột Pauline Babut ở Pháp hồi cuối năm 1905, được ông Daniel Danzon, cháu cố của bà Pauline, tặng bà Lê Thị Kinh năm 1999

Kỳ 1: Đến Hà Nội lập Đại Việt Tân Báo

Hồ sơ đấu tranh thấm đẫm truyền thống cách mạng Pháp của A.E. Babut đã được chính mật vụ Pháp ghi lại bởi ông bị coi là “phần tử nguy hiểm nhất Đông Dương” đối với chính quyền thực dân. Thế nhưng những ngày cuối đời cũng như phần mộ của ông ở đâu vẫn chưa được biết…

Thật khó hình dung giữa lúc nền cai trị của thực dân Pháp tại nước ta đang ổn cố, cách đây đúng 110 năm giữa Hà Nội, một người Pháp, từng là binh sĩ trong quân đội Pháp ở Việt Nam và sau đó là viên chức của Sở Vận tải đường sông Nam kỳ, đã từ bỏ công việc để đứng ra thành lập một tờ báo.

Tờ báo này có khuynh hướng đấu tranh cho người Việt đang bị áp chế dưới nền cai trị thực dân. Alfred-Ernest Babut có lẽ là trường hợp ít có trong lịch sử chế độ thực dân của người Pháp…

Nhà báo Babut tại Pháp năm 1903 - Ảnh: tư liệu của bà Lê Thị Kinh
Nhà báo Babut tại Pháp năm 1903 – Ảnh: tư liệu của bà Lê Thị Kinh

Tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Bắc kỳ

Bà Lê Thị Kinh (tức Phan Thị Minh) đến chiếc tủ nhỏ được đặt cạnh bàn thờ chí sĩ Phan Châu Trinh lấy ra tập hồ sơ về Babut được bà sưu tầm, biên dịch từ các thư khố của người Pháp hồi năm 1998.

Nhìn di ảnh chí sĩ Phan Châu Trinh – ông ngoại mình, bà Kinh nói trong xúc động: “Ông Babut là người đại diện cho truyền thống cách mạng Pháp, là ân nhân của Phan Châu Trinh, là người bạn chung thủy của nhân dân Việt Nam.

Nhờ cuộc vận động mạnh mẽ của ông cùng với sự giúp sức của các tổ chức nhân quyền người Pháp, cụ Phan mới sớm ra khỏi Côn Đảo rồi sang Pháp tiếp tục công cuộc đấu tranh cho dân tộc được. Với những việc làm của mình, Babut đã vượt khỏi tầm một nhà báo, ông trở thành một chiến sĩ cách mạng quốc tế”.

… Đến Nam kỳ trong đội quân viễn chinh Pháp năm 1899, những ứng xử khi nhận ra tính phi nghĩa của chế độ thực dân có lẽ đã khiến Babut bị kỷ luật nhiều lần rồi ra khỏi quân ngũ chỉ vài năm sau.

Dùng báo chí để đấu tranh cho người bản xứ, trước khi làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ báo có tên đầy đủ là L’Annam – Đại Việt Tân Báo (ĐVTB) từ 1902 – 1904, Babut đã có bài trên hai tờ báo tiếng Pháp là La Tribune Tonkinoise(Diễn Đàn Bắc Kỳ), Indépendence Tonkinoise (Độc Lập Bắc Kỳ) do người Pháp chủ trương.

ĐVTB được coi là tờ báo đầu tiên ở Bắc kỳ và Trung kỳ dùng chữ quốc ngữ song song với chữ Hán.

Với toan tính có sẵn cho tờ ĐVTB của mình, Babut đã chọn mời những nhà khoa bảng Nho học có tư tưởng cấp tiến, cách mạng tham gia điều hành tờ báo.

Những năm đầu ông mời hoàng giáp Đào Nguyên Phổ (1861-1907) làm chủ bút – tức tổng biên tập phần chữ Hán, và tiếp theo từ giữa năm 1907 là phó bảng Phan Châu Trinh.

Dùng chữ Hán cho tờ tuần báo của mình, Babut rõ là có dụng ý, như các cơ quan an ninh Pháp nhận biết sau khi ĐVTB bị đình bản (5-1908), bởi đây là thứ chữ cho phép dùng nhiều từ ngữ mang nhiều ý nghĩa khác nhau, thu hút được nhiều người đọc, nhất là giới nho sĩ có tinh thần cách mạng, người Pháp lại bị hạn chế trong việc kiểm soát ngôn ngữ này.

Dùng báo chí để khơi gợi tư tưởng tự do và tiến bộ cho người dân dưới ách cai trị thực dân, Babut đã luôn khôn khéo sử dụng cách viết nhẹ nhàng để thoát khỏi sự kiểm duyệt của chính quyền. Nhưng ý đồ của Babut cuối cùng vẫn bị người Pháp nhận ra.

Nổi bật là bài báo của Phan Châu Trinh viết về Lê Cơ – nhà thực hành của phong trào Duy Tân ở Quảng Nam – dưới tiêu đề “Một lý trưởng thông minh” nhằm cổ xúy tư tưởng duy tân, cùng một số bài được cho là “tham gia vào những vụ tranh biện công kích có dụng ý”.

Chính khâm sứ Trung kỳ đã đề nghị uỷ ban kiểm soát lưu ý Babut về những bài báo này qua một điện văn gửi ủy ban này ngày 14-12-1907.

Và rồi lưỡi hái cắt đứt sự tồn tại của tờ báo “gieo vào tâm trí tuổi trẻ An Nam những mầm mống gần như cách mạng” đã giáng xuống sau vụ biến Trung kỳ 1908 – cuộc nổi dậy xin giảm sưu thuế của người dân miền Trung. Ngày 5-5-1908, ĐVTB bị đình bản.

Ảnh bìa Đại Việt Tân Báo - Ảnh: sachxua.net
Ảnh bìa Đại Việt Tân Báo - Ảnh: sachxua.net

Một mình quản ba tờ báo

Thật ấn tượng khi được thấy nét hân hoan của Babut qua tấm hình chụp ông ngồi ở toà soạn ĐVTB được lưu lại. Chỉ nhìn qua khuôn mặt Babut cũng có thể thấy ông là con người nghị lực, lạc quan.

Vùi đầu với công việc, như Babut tâm sự trong thư gửi người cô ruột Pauline Babut của mình hồi năm 1905, vì ngoài ĐVTB, đầu năm 1906 Babut còn làmBản tin Đông Dương (Cahiers Indochinois) bằng tiếng Pháp ra mỗi số/tháng.

“Tờ ĐVTB chỉ có người bản xứ đọc và như vậy việc tuyên truyền của cháu không toàn diện, người Pháp kinh doanh thuộc địa và công chức không đọc đến. Các bản tin của cháu sẽ rất nghiêm túc nhưng không hề tẻ nhạt đâu. Nó sẽ khuấy động ý nghĩ mọi người…” – Babut thổ lộ với cô mình.

Quả đúng Babut là nhà báo kiên định và giỏi tiên liệu. Nhắm biết ĐVTB có thể bị cắt hợp đồng, Babut đã vận động kinh phí từ giới thương nhân và quan chức Pháp tại Đông Dương để lập báo Người Tiên Phong Đông Dương (Le Pionnier Indochinois) bằng chữ Pháp kịp xuất bản vào cuối năm 1907.

Không chỉ với mục đích “bảo vệ quyền lợi người An Nam”, tờ tuần báo mới này của Babut còn là nơi truyền bá, cổ xúy những tư tưởng tiến bộ, cấp tiến cho người đọc.

Chẳng hạn chuyên mục “Tư tưởng của người An Nam” của Người Tiên Phong Đông Dương (do biên tập 
viên Tân Nam Tử Nguyễn Văn Vĩnh phụ trách) chọn 
đăng những bài có xu hướng cải cách của các tác giả trong nước.

Đáng chú ý là chuyên mục này trong số báo ra ngày 29-12-1907 đã cho đăng lại bài “Hiện trạng vấn đề” – lời tỏ bày chí thiết của Phan Châu Trinh với mọi người về hiện tình đất nước, đâu là những việc phải làm để vượt qua bóng tối, để tiến bộ là bài đã được đăng ở ĐVTB số 135 ngày 22-12-1907.

Nhà riêng Babut ở 53 Cờ Đen (nay là phố Mã Mây), tòa soạn Đại Việt Tân Báo ở số 13 Hàng Gai, Hà Nội. Đại Việt Tân Báo phát hành mỗi số 1.300 tờ, được đưa đến tận các tổng ở Bắc kỳ và Trung kỳ theo đường công văn…

(Báo cáo của chánh mật thám Bắc kỳ, 16-1-1909)

__________

Kỳ tới: Giải cứu Phan Châu Trinh

Hồ sơ của Alfred-Ernest Babut từ mật vụ Pháp dày thêm lên khi nhà báo Babut thực hiện giải cứu Phan Châu Trinh sớm ra khỏi nhà tù Côn Đảo. Cuộc giải cứu gây tiếng vang và đánh động mạnh đến lương tâm nước Pháp.

 

HUỲNH VĂN MỸ