11/01/2025

Hàng chục doanh nghiệp ‘giết’ sông Chà Và

Ngày 9.9, Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp UBND xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu) làm việc với 15 hộ dân có cá nuôi lồng bè chết trên sông Chà Và để xác định thiệt hại.

 

Hàng chục doanh nghiệp ‘giết’ sông Chà Và

 

 

Ngày 9.9, Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp UBND xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu) làm việc với 15 hộ dân có cá nuôi lồng bè chết trên sông Chà Và để xác định thiệt hại.



Nước đen kịt được xả từ cống số 6 ra sông - Ảnh: Nguyễn Long

Nước đen kịt được xả từ cống số 6 ra sông - Ảnh: Nguyễn Long

Cùng ngày, UBND tỉnh có văn bản báo cáo Văn phòng Chính phủ về tình trạng cá chết trên sông Chà Và (Thanh Niên đã phản ánh).
Theo báo cáo, lúc 0 giờ 30 ngày 6.9, người dân phát hiện cá nuôi lồng bè chết hàng loạt. Thiệt hại ước tính ban đầu lên đến hơn 5 tỉ đồng. Trong đó, hộ ông Dương Văn Hùng thiệt hại nặng nhất khoảng 1,3 tỉ đồng; hộ ông Nguyễn Văn An gần 1,1 tỉ đồng; các hộ còn lại thiệt hại từ 70 – 500 triệu đồng/hộ.
Theo các hộ dân, nguyên nhân gây ra cá chết là do các cơ sở chế biến hải sản khu vực xã Tân Hải, H.Tân Thành (thượng nguồn sông Chà Và) xả nước thải ô nhiễm ra sông.
Anh Lê Văn Thuận, ngụ xã Long Sơn, cho biết người nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và ai cũng cầm cố đất đai, nhà cửa và ruộng muối để vay ngân hàng đầu tư con giống, thức ăn. “Nhiều năm qua, nước sông liên tục ô nhiễm làm cá nuôi chết hàng loạt khiến dân đổ nợ. Không có tiền đáo hạn ngân hàng để lấy sổ đỏ đã thế chấp vay tiếp nên người nuôi cá phải vay nóng bên ngoài, dẫn đến nhiều người tán gia bại sản, ruộng muối bị xiết nợ”, anh Thuận bức xúc.
Riêng nhà anh, để đầu tư nuôi cá, ngoài lấy sổ đỏ của 3 căn nhà để vay ngân hàng, vay nóng còn mượn thêm sổ đỏ của người thân để thế chấp. “Ban đầu tôi nuôi 42 lồng nhưng 3 năm nay không dám đầu tư thêm. Giờ nuôi cá là để cầm chừng, giữ bè, giữ lồng chứ nước sông ô nhiễm không ai dám nuôi nữa”, anh Thuận chua chát.
Chiều 9.9, chúng tôi đến đầm chứa nước thải của các cơ sở chế biến hải sản ở cống số 6 xã Tân Hải. Đầm nước rộng hàng chục ngàn mét vuông phía sau các vách tường của những nhà máy chế biến hải sản đang chứa một lượng nước đen kịt, hôi tanh. Mùi hôi xộc vào mũi, ám vào quần áo.
Lúc 15 giờ cùng ngày, nước sông Rạch Ván đang ròng, nước từ cống số 6 đen kịt hôi tanh chảy như thác đổ vào sông. Sau đó, dòng nước này chảy ra sông Chà Và, nơi có hàng trăm hộ dân xã Long Sơn nuôi cá lồng bè từ nhiều năm qua. Những người dân tổ 9, 10, thôn Cát Hải sống cách đầm nước này vài chục mét, cho biết từ khi các công ty, nhà máy chế biến hải sản về đây hoạt động thì nơi này bị ô nhiễm rất trầm trọng. Nước trong đầm lúc màu đen, lúc màu sữa, có lúc thì có màu si rô sữa, thay nhau xả ra sông.
“Lúc trước trong đầm này cá nhiều lắm, nhưng giờ thì hết rồi, không có con gì sống nổi. Mỗi lúc nước trong đầm xả ra sông Rạch Ván, sông Chà Và thì cá tự nhiên còn chết huống gì cá nuôi của người dân”, anh Huỳnh Khánh Sơn (ngụ tổ 9, thôn Cát Hải) bức xúc. Nhiều hộ dân tổ 9, 10 thôn Cát Hải còn cho biết những năm gần đây máy móc, thiết bị điện tử trong nhà họ rất nhanh hư hỏng do nhà gần đầm nước ô nhiễm này.
Bà Lê Thị Công, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết có 22 cơ sở làm bột cá và chế biến hải sản tại xã Tân Hải. Trong đó, 14 cơ sở xả nước thải trực tiếp ra đầm rồi theo cống số 6 chảy ra sông Rạch Ván, chảy vào sông Chà Và. “Theo kết quả thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm về công tác bảo vệ môi trường đối với 22 cơ sở chế biến hải sản từ năm 2008 – 2014 cho thấy năm nào cũng có cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đặc biệt trong năm 2008 có 13/22 cơ sở gây ô nhiễm…”, bà Công nói.
Cũng theo Sở TN-MT, mặc dù tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp có giảm theo từng năm nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn chưa được cải thiện, đặc biệt là đầm chứa nước thải trước cống số 6.
11/22 cơ sở xây trái phép
Báo cáo tại cuộc họp HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vào ngày 7.8, Sở TN-MT cho rằng việc để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu chế biến hải sản Tân Hải kéo dài trong thời gian qua đến nay chưa được khắc phục triệt để là do trách nhiệm của nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan.
Trong đó cơ quan quản lý đất đai chưa kịp thời ngăn chặn việc doanh nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích, chủ yếu sử dụng đất nông nghiệp để đầu tư cơ sở sản xuất. Cơ quan quản lý về xây dựng, chính quyền địa phương không cương quyết ngăn chặn, xử lý các trường hợp xây dựng không phép. Hiện có 11/22 cơ sở xây dựng trái phép tại đây.

Nguyễn Long