30/10/2024

Cần cấp thiết củng cố liên lạc giữa gia đình và cộng đoàn Kitô

Củng cố mối dây giữa gia đình và cộng đoàn Kitô là điều cấp thiết. Giữa Giáo Hội và gia đình có một mối dây nối kết “tự nhiên”, bởi vì Giáo Hội là một gia đình tinh thần và gia đình là một Giáo Hội nhỏ. Một Giáo Hội theo Tin Mừng chỉ có thể có hình thái của một căn nhà tiếp đón với cánh cửa luôn luôn rộng mở. Các nhà thờ, các giáo xứ, các cơ cấu với cửa đóng, thì không được gọi là nhà thờ, mà phải gọi là viện bảo tàng.

Cần cấp thiết củng cố liên lạc giữa gia đình và cộng đoàn Kitô
 

ĐTC chào và bế đứa con nhỏ của một đôi tân hôn trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư 9-9-2015 – OSS_ROM

Củng cố mối dây giữa gia đình và cộng đoàn Kitô là điều cấp thiết.

Giữa Giáo Hội và gia đình có một mối dây nối kết “tự nhiên”, bởi vì Giáo Hội là một gia đình tinh thần và gia đình là một Giáo Hội nhỏ. Một Giáo Hội theo Tin Mừng chỉ có thể có hình thái của một căn nhà tiếp đón với cánh cửa luôn luôn rộng mở. Các nhà thờ, các giáo xứ, các cơ cấu với cửa đóng, thì không được gọi là nhà thờ, mà phải gọi là viện bảo tàng.

ĐTC Phanxicô đã khẳng định như trên với hơn 50.000 tín hữu và du khách hành hương 5 châu trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư mùng 9 tháng 9. Trong bài huấn dụ, ĐTC đã khai triển đề tài giáo lý “Tương quan giữa gia đình và cộng đoàn Kitô”.


Ngài nói:

Cộng đoàn Kitô là căn nhà của những người tin nơi Chúa Giêsu như là suối nguồn của tình huynh đệ giữa tất cả mọi người. Giáo Hội bước đi giữa các dân tộc, trong lịch sử của các người nam nữ, của cha mẹ, con trai con gái: đó là lịch sử có giá trị đối với Chúa. Các biến cố lớn của các quyền lực trần gian được ghi trong lịch sử và ở lại trong đó. Nhưng lịch sử của các yêu thương nhân loại được viết trực tiếp trong con tim của Thiên Chúa, và nó là lịch sử vĩnh cửu. Đó là nơi chốn của cuộc sống đức tin. Gia đình là nơi khai tâm của chúng ta vào lịch sử đó – không thể thay thế được và không thể huỷ diệt được. Khai tâm vào lịch sử này của cuộc sống tràn đầy sẽ kết thúc trong việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa đời đời trên Trời, nhưng bắt đầu từ gia đình. Và chính vì thế mà gia đình quan trọng biết bao.

Con Thiên Chúa đã học lịch sử nhân loại qua con đường này và đã đi nó cho tới cùng (x. Dt 2,18; 5,8). Thật là đẹp chiêm nguỡng trở lại Chúa Giêsu và các dấu chỉ của mối dây liên lạc ấy! Ngài đã sinh ra trong một gia đình, và ở đó Ngài học hiểu thế giới: một hàng quán, bốn căn nhà, một xứ bé nhỏ vô nghĩa. Ấy thế mà khi sống 30 năm kinh nghiệm này, Chúa Giêsu đã tiêu hoá điều kiện là người, bằng cách đón nhận nó trong sự hiệp thông với Thiên Chúa Cha và trong chính sứ mạng tông đồ. Thế rồi khi bỏ Nazareth và bắt đầu cuộc sống công khai, Chúa Giêsu thành lập một cộng đoàn chung quanh mình, một “cộng đồng”, nghĩa là một cùng mời gọi các con người. Đó là ý nghĩa từ Giáo Hội.

Tiếp tục bài huấn dụ, ĐTC nói: Trong các Phúc Âm, cộng đoàn của Chúa Giêsu có hình thái của một gia đình và của một gia đình hiếu khách, chứ không phải của một giáo phái khai trừ, khép kín: chúng ta tìm thấy ở đó Phêrô và Gioan, nhưng cũng tìm thấy người đói, kẻ khát, người ngoại kiều và người bị bách hại, phụ nữ tội lỗi và người thu thuế, các người Pharisêu và các đám đông. Và Chúa Giêsu không ngừng tiếp đón và nói chuyện với tất cả mọi người, cả với người không chờ đợi gặp gỡ Thiên Chúa trong cuộc đời họ nữa. Đây là một bài học mạnh mẽ cho Giáo Hội! Chính các môn đệ đã được chọn dể lo lắng cho cộng đoàn này, cho gia đình các khách này của Thiên Chúa.

Để cho thực tại cộng đoàn này của Chúa Giêsu sống động ngày nay, cần phải làm sống động trở lại giao ước giữa gia đình và cộng đoàn Kitô. Chúng ta có thể nói rằng gia đình và giáo xứ là hai nơi chốn, trong đó được thực hiện sự hiệp thông tình yêu tìm thấy hình thái cuối cùng của nó nơi chính Thiên Chúa. Một Giáo Hội thực sự theo Tin Mừng chỉ có thể có hình thái của một căn nhà tiếp đón với cánh cửa luôn luôn rộng mở. Các nhà thờ, các giáo xứ, các cơ cấu với cửa đóng, thì không được gọi là nhà thờ, mà phải gọi là viện bảo tàng! 

ĐTC quảng diễn thêm:

Và ngày nay đó là một giao ước định đoạt “chống lại các trung tâm quyền lực ý thức hệ tài chánh và chính trị, chúng ta đặt hy vọng nơi các trung tâm quyền lực này hay sao? Không! Nhưng đặt hy vọng nơi các trung tâm tình yêu! Niềm hy vọng của chúng ta là nơi các trung tâm tình yêu này, các trung tâm rao truyền Tin Mừng, phong phú hơi ấm tình người, dựa trên tình liên đới và sự chia sẻ” (Hội đồng Toà Thánh về Gia đình, Các giáo huấn của Đức J. M. Bergoglio – Papa Francesco sulla famiglia e sulla vita 1999-2014, LEV 2014, 189). Cả trên sự tha thứ giữa chúng ta nữa.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: Củng cố mối dây giữa gia đình và cộng đoàn Kitô ngày nay là điều không thể thiếu và cấp thiết. Chắc chắn rồi, cần phải có một niềm tin quảng đại để tìm lại sư thông minh và lòng can đảm giúp canh tân giao ước này. Đôi khi các gia đình tháo lui và nói mình không ở trên độ cao phải có: “Thưa cha, chúng con là một gia đình nghèo và cũng hơi xập xệ một chút”, “Chúng con không có khả năng”, “Chúng con có biết bao nhiều vấn đề trong nhà”, “Chúng con không có sức”. Điều này đúng thật. Nhưng không có ai  xứng đáng, không có ai ở độ cao, không có ai có sức mạnh! Không có ơn thánh Chúa chúng ta sẽ không làm được gì cả. Tất cả đều được ban cho chúng ta, được ban một cách nhưng không! Và Chúa không bao giờ đến trong một gia đình mà không làm vài phép lạ. Chúng ta hãy nhớ lại điều Ngài làm tại tiệc cưới Cana! Phải, ở đó Chúa, nếu chúng ta đặt mình trong tay Ngài, Ngài làm cho chúng ta hoàn thành các phép lạ – nhưng các phép lạ của mỗi ngày – khi có Chúa, ở đó, trong gia đình ấy.

Dĩ nhiên, cả cộng đoàn Kitô cũng phải góp phần mình. Chẳng hạn, tìm thắng vượt các thái độ quá ra lệnh hay quá dễ dãi, tạo thuận tiện cho việc đối thoại liên bản vị và hiểu biết quý trọng lẫn nhau. Các gia đình hãy có sáng kiến và cảm thấy trách nhiệm đem các món quà quý báu cho cộng đoàn. Tất cả chúng ta phải ý thức rằng đức tin được sống trên sân rộng mở của cuộc sống chia sẻ với tất cả mọi người, gia đình và giáo xứ phải hoàn thành phép lạ của một cuộc sống cộng đoàn hơn đối với toàn xã hội.

Tại Cana, đã có Mẹ Chúa Giêsu, là Mẹ “chỉ bào đàng lành”. Chúng ta hãy lắng nghe lời Mẹ: “Hãy làm những gì Ngài bảo.” (x. Ga 2,5). Các gia đình, các cộng đoàn giáo xứ thân mến, chúng ta hãy để cho mình được linh hứng bởi Mẹ, hãy làm tất cả những gì Chúa Giêsu sẽ nói với chúng ta và chúng ta sẽ đứng trước phép lạ, phép lạ của mỗi ngày!

ĐTC đã chào nhiều nhóm khác nhau. Với các nhóm đến từ Pháp và Thuỵ Sĩ, ngài chào đặc biệt các chủng sinh Đại Chủng viện Thánh Giuse do ĐHY Jean Pierre Ricard, TGM Bordeaux, hướng dẫn. Ngài khuyến khích các gia đình quảng đại dấn thân giúp người trẻ sống kinh nghiệm tình yêu của Thiên Chúa, tình bác ái huynh đệ và tiếp đón tha nhân.

Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ các nước Bắc Mỹ, Bắc Âu, Nam Phi, Trung Quốc, Philippines và Singapore, đoàn cảnh sát viên Colombia, các tín hữu châu Mỹ Latinh, các GM Bồ Đào Nha về Roma viếng mộ hai Thánh Phêrô Phaolô và thăm Toà Thánh; các tín hữu Ả Rập, đặc biệt các Kitô hữu Iraq và Ai Cập. 

Trong các nhóm Ý, ĐTC chào các bạn trẻ Phong trào Phan Sinh Italia cũng như các đoàn hành hương các Giáo phận Mantova và Chiavari do các GM sở tại hướng dẫn; phái đoàn Liên Hiệp Quốc tế giải phẫu thần kinh, cũng như các thành viên hiệp hội chuyên viên vật lý trị liệu vùng Puglia nam Italia.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn, ĐTC nhắc cho mọi người biết hôm qua là lễ Thánh Pietro Claver, Dòng Tên, bổn mạng các nhà truyền giáo Phi châu. Ngài cầu mong giới trẻ noi gương thánh nhân phục vụ người nghèo và liên đới với những người cần được trợ giúp. Ngài xin cho các bệnh nhân được sức mạnh tinh thần của thánh nhân trợ lực can đảm vác thánh giá khổ đau; cho các đôi tân hôn được tình yêu của thánh nhân đối với Chúa Kitô giúp lấy tình yêu làm trung tâm cuộc sống gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Toà Thánh ĐTC ban cho mọi nguời.

Linh Tiến Khải