Giết người vì muốn nổi tiếng
Một nghịch lý kỳ lạ đang diễn ra tại Mỹ: tỷ lệ tội ác nói chung là giảm, nhưng các vụ xả súng nơi công cộng dường như có chiều hướng gia tăng, theo thống kê của FBI.
Giết người vì muốn nổi tiếng
Một nghịch lý kỳ lạ đang diễn ra tại Mỹ: tỷ lệ tội ác nói chung là giảm, nhưng các vụ xả súng nơi công cộng dường như có chiều hướng gia tăng, theo thống kê của FBI.
Báo cáo cũng cho biết, nước Mỹ chiếm 5% dân số thế giới nhưng lại có đến 31% vụ xả súng so với toàn cầu. Nguyên nhân khá phức tạp, nhưng dữ liệu cho thấy thực tế trên có thể là do súng ống được mua bán và sử dụng hợp pháp tại Mỹ.
Phát biểu trước hội nghị thường niên của Tổ chức Xã hội học Mỹ, trưởng nhóm nghiên cứu Adam Lankford, giáo sư ngành tư pháp tội phạm thuộc Đại học Alabama cho biết số người sở hữu súng tại Mỹ lớn nhất thế giới, và sự thèm khát nổi tiếng cũng thuộc loại số một.
Mối liên hệ khả dĩ giữa các vụ xả súng và khát vọng muốn nổi tiếng là một tổ hợp lạ lùng. Trong ví dụ gần đây nhất, cựu nhân viên Đài truyền hình WDBJ7 Vester Lee Flanagan vào ngày 26.8 đã bắn chết 2 đồng nghiệp cũ trong lúc họ đang ghi hình trực tiếp ngoài trời. Y đích thân quay lại vụ bắn nhau bằng máy GoPro, và vừa tháo chạy khỏi sự truy đuổi của cảnh sát vừa tải clip lên Facebook. Do số nạn nhân ít hơn 4 người nên vụ trên không được liệt vào dạng xả súng giết người hàng loạt, theo định nghĩa phổ biến về dạng tội ác này. Tuy nhiên, ý đồ phát tán clip giết người đã đặt Flanagan vào hàng ngũ những kẻ sát nhân khát máu nhất tại Mỹ trong thập niên qua. “Đặc biệt, một số sát nhân trẻ tuổi muốn được chú ý. Đó là lý do bạn sẽ thấy chúng muốn giết càng nhiều mạng người càng tốt, và cố gắng gây nợ máu lớn hơn vụ trước đó”, trang tin MSN dẫn lời Mary Muscari, chuyên ngành y tá pháp y tại Đại học Binghamton ở New York, đang theo đuổi đề tài về những kẻ sát nhân hàng loạt.
Trong báo cáo vào năm 2014, FBI cố gắng thu hẹp định nghĩa và tập trung vào những tên “chủ động xả súng”, được xác định là những trường hợp một cá nhân cố ý giết nhiều người tại nơi công cộng, và loại trừ các vụ bạo lực liên quan đến băng nhóm tội phạm. Kết quả cho thấy có 160 vụ xả súng dạng này diễn ra từ năm 2000 đến 2013, và số vụ đang có chiều hướng gia tăng.
Trong 7 năm đầu tiên của thống kê, số vụ xả súng trung bình mỗi năm là 6,4. Trong 7 năm sau, con số này lên đến 16,4. Trong 160 trường hợp có 486 người thiệt mạng, 557 người bị thương, chưa kể hung thủ. Trong khi đó, tỷ lệ phạm tội ở Mỹ giảm 14,5% từ năm 2004 đến 2013. Ngược lại, khi phân tích các vụ xả súng với số người chết từ 4 trở lên tại 171 nước, từ năm 1966 đến 2012, Giáo sư Lankford phát hiện tỷ lệ xả súng không có điểm tương quan với tỷ lệ tội phạm về mặt tổng quát.
Sự liên hệ giữa quyền sở hữu súng với các vụ xả súng vẫn tồn tại ở trường hợp các nước khác ngoài Mỹ, như Thuỵ Sĩ và Phần Lan. Tuy nhiên, thực tế chứng minh văn hoá sử dụng súng đã ăn sâu bám rễ trong tiềm thức của dân Mỹ, và rất khó loại bỏ. Bên cạnh đó, các cuộc nghiên cứu còn phát hiện một lý do khác: người Mỹ vốn mê mệt với hào quang của sự nổi tiếng. Một cuộc khảo sát của Hãng Pew Research vào năm 2007 ở người từ 18 đến 25 tuổi cho thấy khoảng phân nửa số người được hỏi khẳng định rằng được nổi tiếng là mục tiêu ưu tiên trong cuộc đời họ.
Và đáng ngạc nhiên hơn, ranh giới của sự nổi tiếng và tai tiếng đang mờ nhạt dần. “Hiện tồn tại một trạng thái tâm lý là “phải nổi tiếng bằng bất cứ giá nào””, theo Giáo sư Lankford. Nhiều kẻ sát nhân dứt khoát đề cập đến “tiếng tăm” khi được hỏi về động cơ giết người không gớm tay.
Chỉ cần dùng cụm từ “muốn nổi hơn vụ Columbine” trên Google, hàng chục bài viết về những tên giết người hoặc muốn giết người cho rằng vụ thảm sát trường trung học Mỹ vào năm 1999 là nguồn cảm hứng của chúng. Trong trường hợp này, chuyên gia Muscari cho rằng một trong những cách giải quyết là phớt lờ hung thủ. Giới báo chí nên tập trung vào nạn nhân thay vì khai thác đời tư của kẻ giết người. “Đừng trao ánh hào quang nổi tiếng (hay tai tiếng) cho chúng”, theo cô Muscari.
Hạo Nhiên