09/01/2025

“Mở ra” để hiệp thông với Thiên Chúa và anh chị em

Từ “effatà – hãy mở ra”, tóm tắt toàn bộ sứ mạng của Đức Kitô. Đức Kitô làm người, để cho con người, bị tội lỗi làm cho câm điếc về mặt nội tâm, trở nên có khả năng lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa, tiếng nói của Tình Yêu đang nói với tâm hồn con người, và như thế, đến phiên mình, con người học nói ngôn ngữ của tình yêu, học liên lạc với Thiên Chúa và tha nhân.

 “Mở ra” để hiệp thông với Thiên Chúa và anh chị em

 

Kinh Truyền Tin,
Dinh Tông Toà Castel Gandolfo
Chúa Nhật XXIII TN, 9/9/2012

Anh chị em thân mến,

Trong bài Phúc Âm hôm nay (Mc 7,31-37), có một từ nhỏ nhưng hết sức quan trọng. Một từ – theo nghĩa sâu xa nhất của nó – tóm tắt được toàn bộ sứ điệp và công việc của Đức Kitô. Thánh sử Maccô ghi lại chính từ ngữ Đức Giêsu dùng, như thế, chúng ta nghe được từ ngữ này một cách sống động hơn nữa. Đó là từ “effatà”, có nghĩa: “Hãy mở ra”. Chúng ta hãy xem bối cảnh của từ ngữ này. Đức Giêsu đi qua vùng “Décapole” – Thập Tỉnh – , giữa bờ biển Tyr và Sidon và Galilê; như thế, đây không phải là một vùng của người Do Thái. Người ta mang đến cho Người một người câm điếc để xin Người chữa lành – dĩ nhiên danh tiếng Người đã đồn tới đây. Đức Giêsu đưa anh ra xa đám đông, Người chạm đến tai và lưỡi anh, và đoạn, Người ngước mắt nhìn trời, thở dài và nói: “Effatà”, có nghĩa: “Hãy mở ra”. Và lập tức anh bắt đầu nghe được và nói được một cách nhanh nhẹn (x. Mc 7,35). Như thế, đây là nghĩa lịch sử, nghĩa đen của từ ngữ này: nhờ Đức Giêsu can thiệp, người câm điếc “mở ra”; trước đó, anh khép kín, anh bị cô lập, anh khó mà giao tiếp được với người khác; đối với anh, chữa lành có nghĩa là “mở ra” với người khác và thế giới, mở ra khởi đi từ các giác quan nghe và nói, bao hàm cả con người và cuộc sống của anh: cuối cùng, anh đã có thể liên lạc được, và như thế, giao tiếp một cách mới mẻ.

Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều biết rằng sự khép kín và cô lập của con người không chỉ lệ thuộc vào các bộ phận giác quan. Còn có một sự khép kín nội tâm liên quan đến hạt nhân sâu xa của con người, hạt nhân mà Kinh Thánh gọi là “con tim”. Cũng vì thế mà Đức Giêsu đã đến “mở”, giải phóng, để nhờ thế, làm cho chúng ta có khả năng sống mối tương quan trọn vẹn với Thiên Chúa và tha nhân. Chính vì thế mà tôi đã nói từ ngữ bé nhỏ này: “effatà – hãy mở ra”, tóm tắt toàn bộ sứ mạng của Đức Kitô. Đức Kitô làm người, để cho con người, bị tội lỗi làm cho câm điếc về mặt nội tâm, trở nên có khả năng lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa, tiếng nói của Tình Yêu đang nói với tâm hồn con người, và như thế, đến phiên mình, con người học nói ngôn ngữ của tình yêu, học liên lạc với Thiên Chúa và tha nhân. Chính vì lý do đó mà từ ngữ và cử chỉ “effatà” đã được đưa vào trong nghi lễ Rửa Tội, được xem là một trong những dấu hiệu minh hoạ ý nghĩa của Bí tích Rửa Tội: khi đưa tay chạm vào miệng và tai của người mới được rửa tội, linh mục nói: “Effatà”, ngài cầu nguyện để cho người tân tòng có thể mau mắn lắng nghe Lời Thiên Chúa và tuyên xưng đức tin của mình. Qua Bí tích Rửa Tội, ta có thể nói được rằng con người “hít thở” Chúa Thánh Thần, Đấng mà Đức Giêsu đã cầu xin Chúa Cha qua một tiếng thở dài, để chữa cho người câm điếc.

Giờ đây, chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh mà hôm qua chúng ta mừng ngày lễ Sinh Nhật. Vì mối tương quan đặc biệt của Mẹ với Ngôi Lời Nhập Thể, Đức Maria hoàn toàn “mở ra” với tình yêu Thiên Chúa, tâm hồn Mẹ không ngừng lắng nghe Lời của Người. Nhờ lời cầu thay nguyện giúp đầy tình mẫu tử của Mẹ, ước gì mỗi ngày chúng ta đều có thể cảm nghiệm được, trong đức tin, phép lạ “effatà”, để sống hiệp thông với Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta.