Hình ảnh Thành nhà Hồ được giới thiệu trong bài viết của CNN – Ảnh: Ron emmons
|
“Bạn có thể cho rằng chính quyền hiện nay xa lạ với chế độ quân chủ từng tồn tại ở VN trong quá khứ, nhưng thực ra những nhà lãnh đạo VN đã nhận thấy lợi ích của việc lưu giữ những di tích của các vương triều đã qua và quảng bá những thành trì xưa như là những điểm đến du lịch” – Ron Emmons mở đầu bài viết.
|
|
Khó khăn trong bảo tồn
Ron cho biết VN đã cam kết với UNESCO sẽ bảo vệ di sản thành cổ, nghĩa là ngăn cấm bất cứ công trình xây dựng mới nào ảnh hưởng tới cảnh quan của thành, và giới hạn việc trồng cấy lúa trong thành. Tuy nhiên, anh cũng dẫn lời Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ cho biết: “Vì người dân vùng này sử dụng đất hợp pháp, nên họ cứ tiếp tục xây nhà cửa và những công trình khác khiến cho việc bảo tồn di sản rất khó khăn”. Ông cũng nói rằng người dân cày bừa, đào xới đất trong thành đã làm lộ ra nhiều di vật khảo cổ và ảnh hưởng tiêu cực đến việc khảo cổ dưới lòng di tích.
|
|
|
Tiếp theo, tác giả thông tin về các di sản thế giới tại VN: “Từ năm 1993, 8 địa danh tại VN – trong đó có 3 thành – đã được UNESCO công nhận di sản thế giới. Nhiều địa danh trong số này có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp hoặc một lịch sử ấn tượng, chẳng hạn như vịnh Hạ Long và quần thể di tích cố đô Huế”. Trong tương quan với các di sản khác của VN, Thành nhà Hồ khi được UNESCO công nhận năm 2011 đã gây ra sự bất ngờ với người nước ngoài vì nơi này “hầu như không được biết đến, nằm ở một vùng trũng xa xôi ở tỉnh Thanh Hoá, cách Hà Nội khoảng 150 km về phía nam”.
Theo tác giả, việc UNESCO lựa chọn Thành nhà Hồ để trao một “danh hiệu danh giá” như thế khá “lạ lùng” bởi 2 lý do: một là nhà Hồ chỉ tồn tại trong 7 năm (1400 – 1407) trong một giai đoạn nhiều biến động của lịch sử VN, hai là thành hiện tại thật sự “trụi lủi” – không có cung điện, đền đài, tượng đài… mà chỉ có 4 bức tường thành bao quanh một vùng đất hiện chỉ là ruộng để người ta trồng trọt. Tuy nhiên, UNESCO lại đánh giá Thành nhà Hồ là “mẫu mực nổi bật cho phong cách mới của kinh thành Đông Nam Á”.
Thành nhà Hồ còn lại gì ?
Ron cùng người bạn tên Xuân, hiện sống tại Ninh Bình, đến cổng bắc của Thành nhà Hồ. Họ mua vé hết 10.000 đồng để vào tham quan di tích và bò trên những bờ tường đầy cỏ để chụp ảnh toàn cảnh từ trên cao.
Ron kể lại: “Xuân nói rằng địa điểm xây thành được chọn do những nguyên tắc phong thuỷ, và anh chỉ ra hai dãy núi Đốn Sơn và Tượng Sơn bao quanh như trấn giữ khu vực xây thành, trong khi sông Mã và Bưởi chảy hai bên thành”. Tác giả cũng chú ý tới những khối đá khổng lồ trên tường thành. “Chúng được xếp khít vào nhau mà không cần hồ vữa. Những bức tường thành 600 năm tuổi, trải dài gần 1 km mỗi chiều, vẫn nguyên vẹn một cách đáng ngạc nhiên, và bốn cổng vòm của thành vẫn đứng sừng sững như từ mấy trăm năm trước” – anh nhận xét. Ron mô tả rằng có những phần của tường thành bị lún xuống hoặc bị cỏ cây trùm lấn – điều không thể tránh khỏi, nhưng như thế lại “tạo cho di tích vẻ huyền bí”. Xung quanh thành là những cánh đồng ngô, lúa và con đường đất trải dài; dưới mắt Ron, chúng như không hề chịu ảnh hưởng của thời gian.
“Vậy tại sao nhà Hồ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn như thế?” – Ron hỏi Xuân. Người bạn của Ron đã giải thích cho anh hiểu ngọn ngành. “Mặc dù thời gian cầm quyền rất ngắn ngủi, nhưng Hồ Quý Ly đã ban hành tiền giấy và chính sách hạn điền, mở cửa giao thương với nước ngoài, mở rộng giáo dục với những môn như toán học và nông học” – Ron viết về người đã cho xây toà thành đồ sộ chỉ trong vòng 3 tháng.