07/01/2025

Chúa Nhật XXII TN-B-2015: Thanh tẩy tâm trí để phát triển sự sống diệu kỳ

Cần phải phát triển tinh thần nhập thế của Đức Kitô bằng việc tích cực loan báo Tin Mừng, không phải chỉ bằng “những lời ngoài môi miệng nhưng lòng lại ở xa Chúa”, không phải chỉ bằng những hành động đi lễ, đi nhà thờ, rước sách, đi hành hương…mà quên lo cho con người toàn diện.

 

Thanh tẩy tâm trí để phát triển sự sống diệu kỳ 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Sau 5 tuần liên tiếp suy niệm về Đức Giêsu là tấm bánh hằng sống theo Phúc Âm thánh Gioan, trong Chúa Nhật tuần này, Giáo Hội như tiếp tục mời gọi chúng ta suy niệm về việc đón nhận Thánh Thể qua các bài Thánh Kinh, nhất là bài Phúc Âm theo thánh Marcô (x.7,1-8.14-15.21-23) về việc rửa tay trước khi ăn và giữ lòng trong sạch để phát huy sức sống của Thiên Chúa.

1. Hiện trạng của tín hữu với bí tích Thánh Thể

Rất nhiều tín hữu đi dự lễ hằng tuần, thậm chí hằng ngày và thường xuyên rước Mình và Máu Chúa Kitô với lòng tin yêu mạnh mẽ vào Người, nhưng không phát huy được sức sống kỳ diệu phi thường mà Chúa Giêsu chia sẻ cho họ. Họ như cảm thấy mình đi trong đêm tối của đức tin giống như chị thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu trong 7 năm cuối đời của mình. Chị nói: “Trong những năm này tôi hoàn toàn bước đi trong đêm tối của dức tin và không cảm nhận được một ơn an ủi nào”. Rất nhiều người chúng ta sẽ trải qua giai đoạn đó để trưởng thành trong đức tin và tình yêu.

Tuy nhiên, khi gắn bó với Chúa Giêsu, chúng ta được Người chuyển thông cho chúng ta sự sống kỳ diệu của Chúa Cha để chúng ta loan báo Tin Mừng cứu độ cho mọi người mọi vật, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, cho kẻ chết sống lại, mang bình an đến cho tất cả. Nhưng hầu như chúng ta không cảm thấy và không phát huy được sức sống kỳ diệu ấy cho anh chị em. Rất nhiều người hỏi tại sao?

Tuần vừa qua Chúa Giêsu bật mí cho chúng ta nguyên nhân của tình trạng này: đó là chúng ta chưa thở hít được Thần Khí của Người vì “Lời Người là Thần Khí và là sự sống”. Thần Khí ấy chuyển dòng máu đen tội lỗi của chúng ta thành dòng máu đỏ tinh tuyền của Chúa Giêsu để làm cho sự sống ấy phát triển ở trong ta giống như dưỡng khí làm cho dòng máu đen tự nhiên của ta thành dòng máu đỏ để nuôi sống toàn thân. Từng giây, từng phút nếu không có dưỡng khí ta không thể sống được. Nếu không thở hít được Thần Khí ta cũng không thể phát huy hiệu quả của bí tích Thánh Thể là đem sự sống Thiên Chúa vào trong con người.

2. Điều kiện để thở được Thần Khí

Tuần này, Giáo Hội mời gọi chúng ta tiến xa hơn để thấy rằng: cần thanh tẩy tinh thần để có thể thở được Thần Khí của Đức Giêsu Kitô. Thần Khí và Thần Trí có liên hệ mật thiết với nhau vì cùng một bản chất và một từ diễn tả. Từ “pneuma” trong bản Thánh Kinh Hy Lạp vừa có nghĩa là làn gió, làn khí, vừa có nghĩa là tinh thần. Thần Khí đó có thể thanh tẩy tinh thần hay tâm trí của ta khỏi mọi vết nhơ bẩn để dòng máu đen tội lỗi của ta trở thành dòng máu đỏ tinh tuyền của Chúa Giêsu. Nhiều khi chúng ta rước Mình Máu Thánh Chúa nhưng tâm trí lại chứa đầy những tham vọng bất công và dục vọng bất chính giống như những chất độc hại hoà lẫn với lương thực bổ dưỡng thì sự sống vẫn không thể nào phát triển tốt đẹp trong ta.

Chính vì thế Chúa Giêsu mời gọi ta thay vì chỉ rửa tay hay chén đĩa trước khi ăn như các kinh sư và người Do Thái quen làm, ta cần phải loại trừ tất cả những gì là “tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng ganh tị, phỉ báng, kiêu ngại, ngông cuồng” ra khỏi lòng trí con người. Có làm như thế ta mới xứng đáng đón nhận Thiên Chúa vô cùng cao quý và trong sạch vào tâm hồn mình để phát huy sự sống phi thường của Chúa ở trong ta.

Thánh Giacôbê tông đồ, trong Bài đọc II (x. Gc 1,17-18.21-27), đã nhắc nhở chúng ta rằng: “Thiên Chúa Cha là nguồn ban ơn lành và phúc lộc hoàn hảo…Người đã tự ý dùng Lời chân lý mà sinh ra chúng ta”. Lời chân lý đó là chính Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể và chúng ta được dựng nên nhờ Người và cho Người. Vì thế, chúng ta hãy “giữ lòng đạo đức, tinh tuyền, không tỳ ố trước mặt Thiên Chúa Cha và giữ mình khỏi mọi vết nhơ của thế gian” để xứng đáng đón nhận Lời cứu độ linh hồn mình.

3. Hiệu quả của việc giữ lòng trong sạch

Ngày nay, giống như người Do Thái, chúng ta cũng quen rửa tay trước khi dùng bữa để đồ ăn không bị dính bẩn. Nhưng bây giờ không phải chúng ta chỉ rửa tay mà còn phải rửa chính đồ ăn nữa và nhiều khi rửa cũng không đảm bảo hết độc hại vì nhiều nông sản, thực phẩm chứa thuốc trừ sâu, chất tăng trưởng, chất bảo quản được bơm trực tiếp vào trong rau quả, vật nuôi.

Tuần vừa rồi một số anh chị em ở đây đã nhận được quà tặng nông sản của anh chị Xôi chè ở số 111 Bùi Thị Xuân gửi tặng. Đây là dưa leo giống của Úc được trồng bằng công nghệ Úc tại Trung tâm Ươm trồng của Doanh nghiệp Công nghệ Cao ở Củ Chi,Tp.HCM. Nông sản này đã được kiểm nghiệm là hoàn toàn sạch và an toàn. Anh chị muốn dâng của đầu mùa này lên Chúa để tạ ơn Người và chia sẻ với anh chị em đồng đạo. Chúng tôi hy vọng có nhiều người Công giáo bắt chước anh chị trồng nông sản sạch và sản xuất lương thực an toàn để bán trong các xứ đạo giúp cho đất nước chúng ta thoát khỏi tình trạng có nhiều người làm ăn bất chính như hiện nay.

Giống như những anh em Công giáo Hàn Quốc chỉ sản xuất những nông sản và lương thực sạch, rồi mở những siêu thị bán những nông sản và lương thực sạch ấy nên ở Hàn Quốc người Công giáo có uy tín rất lớn. Hàn Quốc cách đây 60 năm tổng sản phẩm nội địa hằng năm (GDP) lúc bấy giờ chỉ có 83 đô la Mỹ/người, trong khi Việt Nam Cộng hoà trên 200 đô la Mỹ, hiện nay là 25.000USD/người, trong khi Việt Nam chỉ có 1.400USD/người. Nhờ đó, việc truyền giáo đạt được hiệu quả tốt đẹp: trong vòng 60 năm (1949), từ 1% dân số theo Chúa Giêsu, hiện nay 33% dân số Hàn Quốc tin theo Đức Giêsu, và người ta quyết tâm trong vòng 15 năm nữa sẽ có một nửa dân số Hàn Quốc tin Người vì theo Chúa Giêsu là khoẻ mạnh, trẻ đẹp, giàu sang.

Việt Nam chúng ta cũng có thể làm được như vậy, nếu những doanh nghiệp, doanh nhân có thể đang ngồi ở đây, cùng nâng đỡ nhau lập nên những siêu thị Công giáo để bán những nông sản và lương thực sạch của người Công giáo. Thậm chí, chúng ta không cần phải mở những siệu thị lớn mà tổ chức ngay tại nhà xứ, dành một hai phòng nhỏ với vài anh chị em của các hội đoàn Công giáo Tiến hành làm việc, chúng ta chuyển những nông sản sạch ấy với giá rẻ đến mọi người. Lúc ấy có thể cả những người ngoài Công giáo cũng đến xếp hàng mua nông sản của chúng ta. Đây là điều mà chúng ta có thể làm được, nhưng tại sao chúng ta lại không làm?

4. Cần phải thanh tẩy tâm hồn

Muốn làm được điều đó có lẽ trước tiên chúng ta phải thanh tẩy tâm hồn.

Có nhiều người Công giáo tham lam, chỉ nghĩ đến vật chất và đi tìm cái lợi khi sản xuất những nông sản, hàng hoá độc hại dù họ biết rằng những chất bảo quản, tăng trưởng, thuốc trừ sâu, có thể giết người, xúc phạm đến sự sống con người, lỗi điều răn thứ 5 của Chúa. Tôi xuống Hố Nai mấy tuần qua, có vài cha xứ nói với tôi: “Cha đừng ăn rau của mấy người bán ở đây vì rất độc hại, rau quả chúng con ăn là những loại trồng riêng, rất sạch. Thịt heo, thịt gà chúng con cũng nuôi riêng”. Bao nhiêu địa phương có nhiều người Công giáo sinh sống đang hành động ngược với lương tâm ngay chính, ngược với giới răn của Chúa, làm cho dân tộc Việt Nam chúng ta mỗi ngày một suy yếu, tàn tạ? Họ rất cần thanh tẩy tâm trí để biết rằng Chúa nhìn thấy từng hành động nhỏ bé nhất và người ta phải trả lẽ với Chúa về mọi việc mình làm.

Muốn làm được điều đó thì các vị lãnh đạo trong Giáo hội, nhất là các linh mục tu sĩ, cũng cần phải thay đổi tâm thức để xác tín rằng: việc lo cho người ta cái ăn cái mặc như thế không phải là “việc đời”, nhưng là từ chính lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Chính anh em hãy lo cho họ ăn” (Mt 14,16) và đừng nguỵ biện rằng: “ Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống là điều không phải” (Cv 6,2).

Chúng ta có lẽ cần phải phát triển tinh thần nhập thế của Đức Kitô bằng việc tích cực loan báo Tin Mừng, không phải chỉ bằng “những lời ngoài môi miệng nhưng lòng lại ở xa Chúa”, không phải chỉ bằng những hành động đi lễ, đi nhà thờ, rước sách, đi hành hương…mà quên lo cho con người toàn diện. Các việc đó cũng tốt nhưng nếu chỉ tiếp tục như vậy thì chúng ta đã thấy 130 năm nay không tăng được 1% dân số Công giáo.

Lời kết

Nói như vậy để thấy rằng chúng ta đang được mời gọi để giúp “Việt Nam trở thành một dân tộc khôn ngoan và thông minh”, trở thành dân tộc làm chứng cho Chúa Giêsu là nguồn của sự khôn ngoan, nguồn của chân thiện mỹ như Bài Đọc I diễn tả (Đnl 4,1-2.6-8). Hội đồng Giám mục Việt Nam mời gọi từ năm 2015 này, nhân dịp kỷ niệm 400 năm dân tộc Việt Nam đón nhận Phúc Âm từ đoàn thừa sai Dòng Tên, chúng ta bắt đầu một giai đoạn mới – giai đoạn tân Phúc Âm hoá – để thay đổi toàn diện khuôn mặt của Giáo hội Việt Nam cũng như giúp cho dân tộc Việt Nam chúng ta phát triển bền vững.