09/01/2025

Hai tấm bằng đại học của Oanh

“Nếu chỉ tốt nghiệp song bằng thì cũng bình thường. Nhưng cả hai tấm bằng cử nhân đều đạt loại giỏi như em Oanh thì rất hiếm, không phải ai cũng làm được”.

 

Hai tấm bằng đại học của Oanh

 

 “Nếu chỉ tốt nghiệp song bằng thì cũng bình thường. Nhưng cả hai tấm bằng cử nhân đều đạt loại giỏi như em Oanh thì rất hiếm, không phải ai cũng làm được”.  



Đó là nhận xét của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – luật (ĐHQG TP.HCM), về cô sinh viên của trường.

Phan Kiều Oanh và hai tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi - Ảnh: Như Hùng
Phan Kiều Oanh và hai tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi – Ảnh: Như Hùng

Những ngày qua, cả trường đang xôn xao khi nghe tin Phan Kiều Oanh (22 tuổi, quê TP Đồng Hới, Quảng Bình) tốt nghiệp loại giỏi cùng lúc hai ngành học kinh tế đối ngoại và quản trị kinh doanh. Như vậy, Oanh trở thành người đầu tiên tốt nghiệp song bằng ở Trường ĐH Kinh tế – luật.

Mệt mỏi thì về với ba mẹ

Sinh ra trong một gia đình miền Trung có truyền thống buôn bán, kinh doanh nhỏ, Oanh thừa nhận mình chịu ảnh hưởng khá nhiều từ họ hàng nội ngoại. Mỗi dịp nghỉ hè, lễ tết, bạn đều xin đi phụ bán ở các cửa hàng của gia đình và nhen nhóm đam mê từ đó.

Với Oanh, “kinh doanh là một nghệ thuật đòi hỏi phải sáng tạo, phải khác người và làm nên giá trị của chính mình”.

Đậu vào Trường ĐH Kinh tế – luật ở cả hai khối A và D1, Oanh quyết định học kinh tế chứ không học luật vì bản thân thích được đi nhiều nơi, gặp nhiều người đến từ các nền văn hoá khác nhau cũng như tìm hiểu sâu về nền kinh tế thị trường và trao đổi hàng hoá.

Đây cũng là cái duyên để Oanh chọn ngành kinh tế đối ngoại làm “bến đỗ” suốt bốn năm đại học.

Thế nhưng chỉ học hết học kỳ đầu tiên, cô sinh viên trẻ này hoàn toàn bị “sốc” bởi điểm số của mình chỉ đứng ở 1/3… tốp cuối lớp. Từ đó, Oanh phấn đấu phải vực dậy việc học để ra trường loại giỏi.

Đến khi nghe nhà trường tư vấn về chương trình học song bằng, Oanh mạnh dạn đăng ký thêm ngành quản trị kinh doanh để học tiếp.

Nhớ về những ngày đó, Oanh vui vẻ nói: “Mình thấy học đại học rảnh rang quá, năm nhất toàn ngủ, đi học thì ít nên học thêm một ngành nữa sẽ tận dụng được thời gian rất nhiều”.

Học hai ngành cũng có nghĩa Oanh phải nỗ lực gấp đôi những bạn sinh viên bình thường. Mỗi ngày đi học từ 6g sáng và về nhà vào 6g-7g tối, nhiều lúc Oanh bị căng thẳng nặng do áp lực bài vở, tự hỏi học hai ngành thì có lợi gì mà đêm nào cũng phải thức tới 1g-2g sáng.

“Những lúc ấy chỉ cần mẹ gọi điện thôi là mình sẽ khóc oà. Rất may ba mẹ mình khá tâm lý, và trước mỗi quyết định của mình đều hỏi kỹ mục đích của mình, chỉ cần hợp lý và mình thích thì ba mẹ luôn ủng hộ” – Oanh chia sẻ.

“Khi các bạn của mình khoe được công ty lớn tuyển ngay từ trên giảng đường, mình thấy rất chạnh lòng. Nhưng nghĩ lại mỗi người đều có một con đường riêng. Nên nếu đã chọn con đường của mình thì hãy chấp nhận và chúc mừng cho các bạn ấy

PHAN KIỀU OANH

Bản thân tôi cũng là giảng viên từng dạy em. Oanh là một sinh viên năng động, học giỏi, tham gia đầy đủ các hoạt động ở trường. Có một sinh viên như vậy, đi đâu chúng tôi cũng tự hào giới thiệu “sản phẩm” do khoa đào tạo

ThS NGUYỄN DUY QUANG (phó trưởng khoa kinh tế đối ngoại)

“Học được gì chứ không phải học để làm gì”

Việc học song song hai ngành đòi hỏi Oanh phải có sự sắp xếp, phân bổ thích hợp với một phương pháp khoa học. Với quan niệm “chỉ học hiệu quả khi yêu thích và hứng thú”, Oanh luôn cố gắng phát biểu, nắm bài ngay từ trên lớp, sau đó vận dụng vào các bài tập nhóm được thầy cô giao thường xuyên.

Oanh cũng không hề lơ là hay “đối phó” với những môn không thích. Oanh thống kê tất cả các nguồn thông tin về môn học đó từ kiến thức trên lớp, giáo trình và tìm hiểu trên mạng.

“Việc học hai ngành thật sự rất có ích, mình vừa được học các vấn đề chung về kinh tế ở ngành này, vừa được tìm hiểu nội tại một công ty ở ngành kia. Hai ngành vừa riêng biệt vừa giao thoa với nhau giúp mình có kiến thức vừa rộng vừa sâu. Mình học được cái gì có ích cho bản thân chứ không phải học để sau này ra trường làm gì” – Oanh nói.

Ngoài đi học, cô sinh viên này còn dành thời gian để chơi cầu lông, đọc truyện, xem phim và tán gẫu với bạn bè. Oanh còn thu xếp làm gia sư hồi năm nhất và tham gia một số cuộc thi như “Nhà hoạch định tương lai”, “Vietnam Young Spikes”, “Nielsen Case Competition”…

Oanh nói: “Đôi lúc lười muốn ở nhà, bạn bè liền kéo mình lên thư viện để học bài, truy bài lẫn nhau. Nếu có kẹt lịch học nhóm giữa hai ngành, các bạn cũng sẵn sàng “ưu ái” dời lịch họp nhóm để mình cùng tham gia”.

Học song bằng, Oanh cũng có chút hối tiếc khi thời gian và sức lực của mình bị dàn trải và kết quả không thể quá cao như sinh viên chỉ học một ngành. Mặt khác, khi bạn bè cầm trong tay tấm bằng IELTS 8.0 thì Oanh chỉ đạt được mức IELTS 6.0, là kết quả mà cô sinh viên này chưa thể hài lòng.

Sau khi tốt nghiệp, Oanh dự định sẽ đi du học rồi trở về quê hương. Ước mơ của cô cử nhân song bằng này là tạo nên một thương hiệu thời trang cho riêng mình, kết hợp hai lĩnh vực yêu thích là kinh doanh và nghệ thuật.

Gần 50 sinh viên đang theo học

Chương trình đào tạo song bằng tại Trường ĐH Kinh tế – luật được thực hiện từ năm 2012. Theo đó, sinh viên chính quy đã học xong năm đầu tiên của ngành thứ nhất (có kết quả học từ loại khá trở lên) được học ngành thứ hai.

Những môn trùng nhau hoặc tương đương của ngành thứ nhất sẽ được chuyển sang ngành thứ hai. Vì vậy, sinh viên học song bằng sẽ giảm được một số tín chỉ tích luỹ của môn học chung.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – luật, cho biết trường hiện có gần 50 sinh viên học song bằng. Trường hợp đặc biệt như Oanh sẽ được nhà trường nêu gương rộng rãi trong toàn trường để sinh viên học tập. Định hướng của nhà trường trong giai đoạn tiếp theo là xây dựng chương trình sinh viên “4B”: song bằng, bằng tiếng Anh và bằng lái xe bốn chỗ.

 

HỒNG NGUYÊN