28/11/2024

Bằng cấp tiến sĩ thời phong kiến

Tại cuộc triển lãm Một số tư liệu về tiến sĩ VN dưới các triều đại phong kiến, diễn ra sáng 29.8 ở Trường lang Tử cấm thành, Đại nội Huế (Thừa Thiên-Huế), nhiều tư liệu quý, hiếm về thi cử được trưng bày.

 

Bằng cấp tiến sĩ thời phong kiến

 

Tại cuộc triển lãm Một số tư liệu về tiến sĩ VN dưới các triều đại phong kiến, diễn ra sáng 29.8 ở Trường lang Tử cấm thành, Đại nội Huế (Thừa Thiên-Huế), nhiều tư liệu quý, hiếm về thi cử được trưng bày.




Tấm bằng tiến sĩ cấp cho ông Lê Huy Trâm - Ảnh: B.N.L

Tấm bằng tiến sĩ cấp cho ông Lê Huy Trâm – Ảnh: B.N.L

Triển lãm do Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp Trung tâm hoạt động văn hoá khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám (trực thuộc Sở VH-TT-DL Hà Nội) tổ chức. TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết trong hơn 8 thế kỷ từ thời nhà Lý đến nhà Nguyễn, đã diễn ra 183 khoa thi đại khoa, tuyển chọn được 2.897 vị tiến sĩ. Khoa thi đầu tiên diễn ra năm 1075 dưới triều Lý Nhân Tông (trị vì từ năm 1072 – 1127) đến khoa thi cuối cùng vào năm Kỷ Mùi (1919) đời nhà Nguyễn triều vua Khải Định. Thông qua các ảnh tư liệu về bằng tiến sĩ, sắc phong quan chức cho các tiến sĩ, các nho sinh đỗ tam trường, tứ trường, sắc phong tước hiệu cho gia đình các tiến sĩ và một số tài liệu khác liên quan đến tiến sĩ và các dòng họ khoa bảng ở VN, triển lãm giới thiệu đến đông đảo công chúng một cách nhìn trân trọng đối với vấn đề khoa cử, học vấn dưới thời quân chủ.
 

Bằng cấp tiến sĩ thời phong kiến - ảnh 2

Sắc phong cho cha ông Lê Huy Trâm là Lê Nguyễn Cảnh – Ảnh: B.N.L

Bằng cấp tiến sĩ thời phong kiến - ảnh 3

Quang cảnh kỳ thi Hương năm 1897 tại Nam Định – Ảnh: B.N.L chụp lại từ tư liệu

Hai tấm bằng tiến sĩ còn lưu lại
Đáng chú ý nhất tại cuộc triển lãm là hai tấm bằng tiến sĩ dưới thời phong kiến đã được sưu tầm và giới thiệu. Theo đó, tấm bằng thứ nhất là bằng tiến sĩ được cấp cho ông Lê Huy Trâm, năm Cảnh Hưng thứ 41 (1780) thời vua Lê Hiển Tông (trị vì từ năm 1740 – 1786). Tấm bằng do Bộ Lại, vâng mệnh nhà vua cấp.
Nội dung của văn bằng được dịch như sau: “Ngày 12 tháng 3 năm Cảnh Hưng thứ 41 (1780) các quan ở nha môn Ty lễ giám kính vâng sắc chỉ cho phép Bộ này ghi trong 15 vị tiến sĩ khoa thi Kỷ Hợi, Lê Huy Trâm đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, thưởng ngũ tư. Vâng theo mệnh trên, ngày 12 tháng đó, năm đó quan bản bộ đã dâng tấu ở cửa Kính Thiên, điền khoa tự số 1. Đóng dấu, ban ấn cho Lê Huy Trâm làm bằng chứng. Cần cấp bằng cho Lê Huy Trâm (người làng Bối Khê, huyện Thanh Oai, nho sinh trúng thức được ban Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Hợi, thưởng ngũ tư). Người được cấp bằng đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, thưởng ngũ tư Lê Huy Trâm hãy vâng theo. Ngày 12 tháng 3 năm Cảnh Hưng thứ 41, Đô lại đồng Tri phủ Phạm Đình Nghi vào sổ bạ”.
Cùng tấm bằng tiến sĩ này là bảng sắc phong của vua Lê Hiển Tông, sắc phong cho cha của ông Lê Huy Trâm, là Lê Nguyễn Cảnh, chức Ngoại lang vào năm Cảnh Hưng thứ 42 (1781) vì có công giáo dưỡng con đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ.
Tấm bằng thứ hai được cấp cho Trần Ân Triêm (người xã An Lâm, H.An Định chức Tri huyện, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ, khoa thi Ất Mùi), vào năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715), triều vua Lê Dụ Tông (trị vì từ năm 1705 đến 1729) do Bộ Lại vâng mệnh nhà vua cấp văn bằng, tương tự như văn bằng trên. Bên cạnh tấm bằng tiến sĩ này còn có bản sắc phong cho ông Trần Ân Triêm, chức Triều liệt đại phu Quốc tử giám Tế tửu, khuôn mỹ thiếu bản trung liệt, vì đã có công trung thành, cần mẫn theo thánh chỉ, vào năm Long Đức thứ nhất (1732) dưới triều vua Lê Thuần Tông (trị vì từ năm 1732 đến 1735).
Ngoài ra, 10 tờ châu bản của triều Nguyễn (chủ yếu dưới thời các vua Thiệu Trị, Tự Đức và Thành Thái) được trưng bày, bao gồm nhiều bản tấu của các quan phụ trách thi cử tấu trình lên vua việc quy định độ tuổi, nội dung thi cũng như đề nghị bổ nhiệm quan lại đối với các người thi đỗ qua các kỳ thi.
Những hình ảnh về khoa thi Hương năm Đinh Dậu (1897) do một tác giả người Pháp tên là Selles chụp, cho thấy đây là kỳ thi diễn ra trong bối cảnh đất nước đã đặt dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Vì vậy, trong kỳ thi ngoài các quan giám khảo của triều Nguyễn còn có vợ chồng toàn quyền Paul Doumer mới sang nhậm chức.
Các nhà nghiên cứu có mặt tại cuộc triển lãm cho rằng, từ nội dung cũng như hình thức của hai tấm bằng tiến sĩ với sắc phong kèm theo cho thấy các triều đại phong kiến rất trọng vọng, tôn vinh và hậu đãi hiền tài qua các kỳ thi cử.
Từ cuộc triển lãm này, PGS-TS Trần Hữu Dàn, Chủ tịch Hội Liêp hiệp Khoa học kỹ thuật Thừa Thiên-Huế, đề xuất ý tưởng các trường đại học nên đưa lễ trao bằng tiến sĩ hiện nay vào tổ chức ở di tích Quốc tử giám của triều Nguyễn để tăng thêm phần trang trọng và ý nghĩa.

Bùi Ngọc Long