10/01/2025

Tiếng nói của ĐTC Phanxicô ngày càng được Liên Hiệp Quốc lắng nghe

Một số nhận định của Đức TGM Bernardito Auza, Quan sát viên thường trực của Toà Thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc ở New York.

Tiếng nói của ĐTC Phanxicô ngày càng được Liên Hiệp Quốc lắng nghe
 
Phỏng vấn Đức TGM Bernardito Auza, 
Quan sát viên thường trực của Toà Thánh cạnh Liên Hiệp Quốc


Chỉ còn một tháng nữa ĐTC Phanxicô sẽ viếng thăm Cuba và Hoa Kỳ. Tại Hoa Kỳ, ngoài việc viếng thăm Toà Bạch Ốc và chủ sự Cuộc Gặp gỡ các Gia đình Thế giới tại Philadelphia, ĐTC sẽ phát biểu trước Quốc hội và trước Hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử một vị Giáo hoàng được mời phát biểu trước Quốc hội Hoa Kỳ. Các biến cố này sẽ có ý nghĩa hơn nữa từ âm hưởng rông lớn mà Thông điệp Laudato si’ đã dấy lên trong cộng đồng quốc tế.

Sau đây là một số nhận định của Đức TGM Bernardito Auza, Quan sát viên thường trực của Toà Thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc ở New York.

Hỏi: Thưa Đức TGM Auza, ĐC nghĩ gì về âm hưởng mà Thông điệp Laudato si’ của ĐTC đã gây ra trên thế giới?

Đáp: Tôi xin nói ngay rằng tôi đã rất hài lòng về các phản ứng rất tích cực đối với Thông điệp của ĐTC: mọi người đều đã nói tới nó trước khi Thông điệp được công bố và rồi nhất là sau khi nó được công bố. Như một nhà ngoại giao của một nước lớn đã nói trong khi có các cuộc thương thuyết về sự phát triển có thể chịu đựng được. Ông ta nói: “Chúng ta đang ở dây để thương thuyết với nhau một cách khó khăn và chúng ta mất biết bao nhiêu thời giờ cho tài liệu liên quan tới sự phát triển có thể chju đựng được, thế mà xem ra điều này thật ít được chú ý, trái lại, tất cả mọi người đều biết vài điều về Thông điệp.” Tôi nghĩ rằng điều này tóm tắt một chút chú ý mà Thông điệp đã dấy lên, cả trong bối cảnh của Liên Hiệp Quốc nữa. Tôi có thể nói là tôi đã rất hài lòng, bởi vì cả trong các cuộc thương thuyết mới đây giữa các chính quyền về lịch trình làm việc sau năm 2015 về sự phát triển có thể chịu đựng nổi, biết bao nhiêu phái đoàn đã trích dẫn Thông điệp Laudato si’. Vì thế, tôi có thể nói rằng, bên trong Liên Hiệp Quốc, Thông điệp đã được tiếp nhận rất tốt.

Hỏi: Thông điệp đòi hỏi một mô thức mới của việc phát triển kinh tế, chú ý nhiều hơn đến người nghèo và việc bảo vệ môi sinh. Nó nối liền hai vấn đề với nhau. Có người đã chỉ trích việc nhắc nhớ này của ĐTC, ĐC nghĩ sao?

Đáp: Trong lĩnh vực công việc của tôi tại Liên Hiệp Quốc, khi lắng nghe các bài phát biểu chính thức của các quốc gia thành viên, nhất là các nước đang trên đường phát triển và các quốc gia của các tổ chức quốc tế lớn liên quan tới kinh tế và thương mại, tôi tin rằng mình đã hiểu và nhận ra một ý thức gia tăng đối với việc hiểu một nền kinh tế toàn vẹn, như ĐTC đã nói. Lời kêu gọi chúng ta hãy tránh xa ám ảnh của một việc phát triển kinh tế chỉ dựa trên lợi tức quốc gia – đây không phải là một nền kinh tế nâng đỡ một sự phát triển có thể chịu đựng nổi. Đó là sức mạnh của lời kêu gọi lựa chọn một nền kinh tế chú ý nhiều hơn đến các người nghèo, lưu tâm nhiều hơn tới môi sinh, và đó chính là tinh thần mà Liên Hiệp Quốc muốn đưa vào trung tâm chương trình làm việc liên quan tới sự phát triển có thể chịu đựng được cho tới năm 2030.

Hỏi: Thưa Đức TGM Auza, vào tháng 11 tới đây sẽ có Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu tại Paris. Đức TGM có nghĩ rằng lời của ĐTC Phanxicô sẽ có một vai trò ảnh hưởng trên các quyết định của Liên Hiệp Quốc trong thời điểm gặp gỡ quan trọng này hay không?

Đáp: Tôi nghĩ là có. Ảnh hưởng gợi hứng mà Thông điệp đã gây ra đối với tôi thật là hiển nhiên, ngay trong các cuộc thương thuyết vể phát triển. Hội nghị tại Paris vào tháng 11 tới đây chắc chắn sẽ là hội nghị kỹ thuật. Nhưng trong khi nói chuyện với các phái đoàn tôi nghĩ rằng sự gợi hứng và cả triết lý và thần học luân lý thúc đẩy các quốc gia, các người nam nữ đạt tới một thoả hiệp, ĐTC đã đề ra trong Thông diêp này.

Hỏi: Chỉ còn không đầy một tháng nữa ĐTC sẽ viếng thăm và nói chuyện tại Liên Hiệp Quốc. Bầu khí chờ đợi tại dây như thế nào. Người ta có đợi chờ nào đối với biến cố quan trọng này, thưa ĐC?

Đáp: Dấu chỉ đầu tiên của sự chờ đợi lớn lao này đối với chuyến viếng thăm của ĐTC đó là đã có hàng ngàn đơn xin vé tham dự cuộc gặp gỡ với ĐTC, nhưng rất tiếc là chúng tôi không thể cho được. Tại Liên Hiệp Quốc, chúng tôi nói chuyện mỗi ngày và tôi đã gặp các vị hữu trách chương trình cuộc gặp gỡ để xem có cách nào đáp ứng một cách tốt đẹp nhất biết bao chờ mong và đơn xin có thể nhìn thấy ĐTC, cả từ xa xa. Chắc chắn là chúng tôi muốn sống kinh nghiệm cuộc gặp gỡ này – một biến cố lớn đối với cả Liên Hiệp Quốc nữa.

** Liên quan tới Thông điệp Laudato si’ của ĐTC, trong các ngày từ mồng 10 đến 23 tháng 8, Chương trình Ý ngữ Đài Vatican đã cho phát nội dung vào lúc 6 giờ 30 chiều, với các giọng đọc và các thứ tiếng động của thiên nhiên, chim hót, nưóc chảy…  Đây đã là một dịp rất tốt giúp cùng nhau suy tư về giá trị của thụ tạo, và sự tôn trọng mà mọi người trong gia đình nhân loại đều phải có đối với thiên nhiên và môi sinh, Sau đây là một vài nhận xét của Cha Federico Lombardi, Tổng Giám đốc Đài Vatican.

Hỏi: Thưa Cha, Cha có nhận xét gì về Thông điệp Laudato si’ của ĐTC?

Đáp: Thông điệp Laudato si’ của ĐTC chắc chắn là tài liệu chính của giai đoạn này. Chúng ta biết là nó đã có tiếng vang rất lớn trên toàn thế giới, nhưng cũng cần phải đọc nó, lắng nghe nó, chứ không phải chỉ nghe nói về thông điệp mà thôi. Về phần mình, Đài Vatican nghĩ là phải phổ biến thông điệp với dụng cụ và kỹ thuật thích hợp, qua việc soạn các chương trình phát, cống hiến khả thể lắng nghe cho thính giả một cách thích thú, một tài liệu rất bao la và cũng hấp đề cập tới rất nhiều vấn đề ngoại thường và rất quan trọng đối với thời sự và tương lai của nhân loại. Đây thật là một tài liệu toàn cầu. Đài Vatican đã chuyển tài liệu thành tiếng nói và âm thanh có đệm nhạc… Đã có bản CD tiếng Ý, sẽ có bản tiếng Anh và tiếng Bồ Đào Nha cho Brasil. Bản CD tiếng Ý là bản mẫu dẫn lối được thực hiện với sự đồng ý của Nhà Xuất bản Vatican, có quyền trên mọi tài liệu viết của ĐTC.

Hỏi: Đây là dịp giúp lắng nghe và suy tư cho tất cả mọi người, cách riêng cho các anh chị em bị mù, không đọc được các văn bản và tài liệu của các Giáo hoàng, có đúng thế không, thưa cha?

Đáp: Vâng, chắc chắn rồi. Đây là truyền thống rất tốt đẹp của Đài Vatican, vì trong số các thính giả của chúng tôi có cả các anh chị em khiếm thị và những ngưòi gặp khó khăn trong việc đọc sách, nhưng họ có thể lắng nghe và thích nghe. Từ rất lâu, với chương trình “Chân trời Kitô” là chương trình tu đức và đào tạo đức tin, và hiện nay với chương trình “Các trò chơi của sự hài hoà” chúng tôi có rất đông thính giả. Sáng kiến chuyển văn bản Thông điệp thành lời đòi hỏi nhiều dấn thân vì văn bản rất dài và súc tích, chúng tôi cũng nhắm phục vụ các thính giả loại này. Tôi phải nói là chúng tôi đã nhận được rất nhiều khích lệ uy tín. Chẳng hạn ĐHY Agostino Vallini, Giám quản Roma, đã xin và khích lệ Đài Vatican làm việc này cho các người tàn tật, nhân dịp công bố Thông điệp.

Hỏi: Như vậy, ai có vấn đề thị giác cũng có thể vào website Đài Vatican để nghe các chương trình này?

Đáp: Đúng thế. Đây không phải chỉ là những người khiếm thị, nhưng cũng cho những người nhìn không rõ. Đối với các anh chị em này đài đã phát triển các kỹ thuật cần thiết cho việc nhìn trong trang Web tiếng Ý và tiếng Anh thích hợp với việc đọc tài liệu bằng tiếng cho người khiếm thị.

Hỏi: Trong mùa hè 2015, Thông điệp Laudato si’ của ĐTC đã là một trong những cuốn sách được nhiều người đọc nhất: có sự tái khám phá ra nền văn hoá môi sinh không, hay chỉ là một việc tình cờ, thưa cha?

Đáp: Không, tôi sẽ nói nó là dấu chỉ ĐTC, với tài liệu này, đã biết đề cập tới các câu hỏi rất sống động, các vấn nạn liên quan tới nhân loại trong tổng thể của nó, bởi vì thành công này của việc in ấn không chỉ liên quan tới tiếng Ý, mà còn liên quan tới nhiều ngôn ngữ khác nữa. Điều này có nghĩa là trong tất cả mọi nền văn hoá, trong các đại lục khác nhau, người ta ý thức được sự nghiêm trọng và cấp bách của các vấn đề ĐTC đã đề cập tới và sự kiện chúng được nhắc tới với một uy tín luân lý, một khả tín và cả một sự quân bình và đào sâu thực sự lớn lao. Vì thế, Thông điệp là một tài liệu được thính giả và dân chúng toàn cầu tôn trọng.

(RG 13-8-2015)


 

Linh Tiến Khải