Kỷ niệm 70 năm bom nguyện tử nổ tại Hiroshima và Nagasaki
Hai quả bom nguyên tử đầu tiên đã khiến cho hai thành phố Hiroshima và Nagasaki trở thành bình địa và con số gần 300.000 người chết tức khắc chứng minh cho thấy sức tiêu diệt khủng khiếp của vũ khí hạt nhân.
Ngày mồng 6 tháng 8 vừa qua, Nhật Bản đã cử hành lễ tưởng niệm biến cố bom nguyên tử nổ cách đây 70 năm. Trái bom “Thằng bé – Little boy” đã được thả xuống trên thành phố Hiroshima lúc 8:15 phút sáng ngày mồng 6 tháng 8 năm 1945, khiến cho gần 200.000 người chết ngay tại chỗ và những tuần tiếp theo đó. Ba ngày sau, mồng 9 tháng 8, quả bom thứ hai “Người mập – Fatman” đã được ném xuống thành phố Nagasaki làm cho 70.000 người khác thiệt mạng. Những người bị thương và bị nhiễm chất phóng xạ nguyên tử đều theo nhau chết sau đó. Và người ta không biết chính xác là bao nhiêu. Bom “Thằng bé” được chế bẳng Uranium 235, trong khi bom “Người mập” được chế bằng Plutonium 239.
Hai quả bom nguyên tử đầu tiên đã khiến cho hai thành phố Hiroshima và Nagasaki trở thành bình địa và con số gần 300.000 người chết tức khắc chứng minh cho thấy sức tiêu diệt khủng khiếp của vũ khí hạt nhân.
Hiện diện trong lễ nghi kỷ niệm có 55.000 người, trong đó có các nguyên thủ và phái đoàn của 100 quốc gia toàn thế giới. Hội đồng Đại kết các Giáo hội Kitô cũng gửi phái đoàn tham dự, gồm nhiều giám mục và mục sư. Phát biểu trong buổi lễ kỷ niệm, Thủ tướng Zhinzo Abe nói: “Trong tư cách là quốc gia duy nhất đã là nạn nhân của vũ khí nguyên tử, chúng ta có sứ mạng phải tạo dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Nhật Bản sẽ đệ trình lên Liên Hiệp Quốc một dự thảo nghi quyết mới nhắm huỷ bỏ moị thứ vũ khí nguyên tử.”
Sau phút thinh lặng tưởng niệm, Thị trưởng Thành phố Hiroshima tuyên bố rằng “để có thể sống chung hoà bình, chúng ta phải loại bỏ các vũ khí hạt nhân, là sự ác tuyệt đối và là tột đỉnh của sự vô nhân”.
Từ Malaysia, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cũng nhấn mạnh rằng, dưới ánh sáng của lịch sử thoả hiệp mà Hoa Kỳ đã đạt được với Iran liên quan tới đề tài hạt nhân, thật là quan trọng phải loại bỏ vũ khí nguyên tử.
Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương 5 châu trưa Chúa Nhật mồng 9 tháng 8, ĐTC Phanxicô kêu gọi toàn thế giới cầu nguyện và dấn thân cho hoà bình, phổ biến trên thế giới một nền luân lý của tình huynh đệ và một bầu khí chung sống thanh thản giữa các dân tộc.
Ngài nói: Cách đây 70 năm, ngày mồng 6 và mồng 9 tháng 8 năm 1945, đã xảy ra các vụ bỏ bom nguyên tử kinh khủng trên hai thành phố Hiroshima và Nagasaki. Sau bao nhiêu năm, biến cố thê thảm này vẫn còn dấy lên sự kinh hoàng và nhờm gớm. Nó đã trở thành biểu tượng của quyền lực tàn phá vô độ của con người, khi con người sử dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật một cách sai lạc, và nó là một lời cảnh cáo trường kỳ cho nhân loại, để nhân loại luôn luôn khước từ và bài trừ các vũ khí nguyên tử và mọi vũ khí tàn phá hàng loạt. Dịp kỷ niệm buồn thương này mời gọi chúng ta cầu nguyện và dấn thân cho hoà bình, để phổ biến trên thế giới một nền luân lý của tình huynh đệ và một bầu khí của sự sống chung thanh thản giữa các dân tộc. Ước chi từ mọi miền đều dấy lên một tiếng nói duy nhất: “Không” với chiến tranh và bạo lực và “có” với đối thoại, “có” với hoà bình. Với chiến tranh người ta luôn luôn mất mát. Cách duy nhất để chiến thắng một cuộc chiến là đừng gây chiến tranh.
Nhân dịp tham dự lễ nghi tưởng niệm các nạn nhân của vũ khí nguyên tử, Hội đồng Đại kết các Giáo hội Kitô đã đưa ra lời kêu gọi các chính quyền trên toàn thế giới canh tân quyết tâm bài trừ vũ khí nguyên tử.
Mục đích chuyến viếng thăm của phái đoàn các Giáo hội Kitô thành viên là nêu bật ơn gọi của các Giáo hội Kitô tố cáo các chiến tranh xung khắc, bất công và khổ đau gây ra cho nhân loại. Phái đoàn đã gặp gỡ các nạn nhân còn sống sót thời đó. Đã có 113 chính quyền lên tiếng ủng hộ lời kêu gọi của Hội đồng Đại kết các Giáo hội Kitô, trong khi vẫn còn có 40 chính quyền tin tưởng nơi vũ khí hạt nhân, 9 nước có vũ khí hạt nhân và 31 nước khác sẵn sàng để cho Hoa Kỳ sử dụng cho họ. Nghĩa là ngày nay vẫn còn có hơn 70 nước tin tưởng nơi các vũ khí hạt nhân. Và đây là một trong các lý do khiến cho nền hoà bình thế giới vẫn luôn luôn bị đe doạ nặng nề và một cuộc chiến nguyên tử rất có thể xảy ra trong tương lai.
Báo chí thế giới cũng dành nhiều chỗ cho biến cố kỷ niệm này. Nhật báo Le Monde của Pháp đã dành hồ sơ dày 8 trang cho biến cố này với tựa đề “70 năm Hiroshima, tiếng nói của những kẻ sống sót”.
Trên trang đầu tiên, có bài phân tích nói về mối đe doạ tiềm tàng của vũ khí hạt nhân. Theo Le Monde, tuy ngày 14 tháng 7 vừa qua, nhóm 5 cường quốc cộng 1, gồm Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc và Đức, đã ký kết một thoả hiệp hạt nhân lịch sử với Iran, nhưng tình hình hiện nay cũng không khả quan bao nhiêu. Bên cạnh 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, còn có 3 nước khác có vũ khí hạt nhân là Israel, Ấn Độ và Pakistan.
Chế độ Bắc Triều Tiên cũng có những chương trình thử nghiệm hạt nhân, lồng vào bối cảnh các nước châu Á đang chạy đua vũ trang, giữa một bên là tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc và một bên là chủ nghĩa dân tộc của Nhật Bản.
Vẫn theo nhật báo Le Monde, vũ khí hạt nhân không chỉ đơn thuần mang tính răn đe, mà còn trở thành một hình thức ”bảo hiểm” cho sự tồn tại của các chế độ toàn trị.
Tờ báo đơn cử 2 ví dụ. Thứ nhất là trường hợp của Libya. Một số người tin chắc rằng giả sử như Libya duy trì chương trình phát triển hạt nhân, thì chưa chắc gì Đại tá Muhammad Kadhafi đã bị lật đổ. Trường hợp thứ hai là của Ukraina, nếu như chính quyền Kiev không giải trừ kho vũ khí hạt nhân từ năm 1994 và trả chúng cho Nga, thì liệu nước Nga giờ đây có dám thôn tính sáp nhập vùng Criméa vào lãnh thổ của mình hay không.
Kể từ thập niên 1970, với Hiệp ước Salt I và Salt II, cho tới những năm 1990, với các Hiệp ước Start I và Start II, hai siêu cường Mỹ và Nga đã từ từ ‘‘hạ nhiệt’’, xuống thang, bằng cách giảm dần kho vũ khí hạt nhân của mình.
Người ta tưởng chừng các mối hiểm nguy đã qua, nhưng ngờ đâu lại có các mối đe doạ tiềm tàng khác xuất hiện trong một thế giới đa cực, trong đó các cường quốc vẫn ngấm ngầm nghiên cứu, phát triển và tàng trữ các vũ khí hạt nhân. Các mối tranh chấp xung đột gần đây cho thấy là cuộc chạy đua vũ trang giờ đây mang tính chiến thuật. Các nước không còn cần phải tích trữ trong kho các loại vũ khí hạt nhân, mà lại chế tạo những vũ khí có gắn đầu đạn hạt nhân, tinh vi và chính xác hơn, có thể đánh lừa hệ thống phòng thủ của đối phương. Mục tiêu hạn chế tối đa các loại vũ khí hạt nhân, mà Tổng thống Barack Obama từng công bố trong bài diễn văn đọc tại Praha vào năm 2009, ngày càng trở nên xa vời.
Các chế độ toàn trị dùng việc thử nghiệm hạt nhân như một “món hàng” để đổi chác mặc cả với phương Tây, các nhà độc tài thì xem vũ khí nguyên tử như một ‘‘lá bùa hộ mệnh’’, một kiểu ‘‘bảo hiểm nhân thọ’’ cho chế độ.
Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị một số nhận định của Linh mục Arnaldo Negri, Cha sở Giáo xứ Chúa Kitô Vua ở Nihara, thuộc Giáo phận Hiroshima.
Hỏi: Thưa cha, Giáo Hội công giáo đã tưởng niệm biến cố buồn thương này như thế nào?
Đáp: Liên quan tới Giáo hội Công giáo Nhật, trong nhà thờ chính toà luôn luôn có thánh lễ lúc 8 giờ 15 phút, là giờ bom nguyên tử nổ tại Hiroshima, để cầu nguyện cho các nạn nhân. Nhà thờ Chính toà Hiroshima đã bị bom nguyên tử phá huỷ, nhưng đã được tái thiết với các trợ giúp của Đức. Và nó được gọi là Nhà thờ Chính toà Tưởng Niệm Hoà Bình.
Hỏi: Trong lễ tưởng niệm năm nay cha cũng đã đưa người trẻ trong giáo xứ tới thăm Công viên Tưởng Niệm Hoà Bình, có đúng thế không?
Đáp: Vâng, năm nào cũng có một cuộc rước vào ban chiều: sau khi cầu nguyện cho hoà bình tại công viên tưởng niệm có cuộc rước về nhà thờ chính toà, nơi có buổi cử hành phụng vụ. Từ vài năm nay cũng có sự tham dự của các tín hữu Anh giáo và tín hữu các cộng đoàn Kitô khác. Đó là một ít cử chỉ công khai của Gíáo phận Hiroshima trong cả năm.
Hỏi: Thưa cha, hồi năm ngoái, Thủ tướng Zhinzo Abe đã quyết định khởi sự chương trình sử dụng năng lượng nguyên tử cho mục đích dân sự. Nhưng chương trình đã bị ngưng lại sau vu nổ lò nguyên tử tại Fukushima, và ông đã bị dân chúng chỉ trích rất nhiều, có đúng thế không?
Đáp: Vâng, sau tai nạn xảy ra tại lò nguyên tử Fukushima, người dân ở đây đã không bao giờ hiểu người ta có thể để các chất thải nguyên tử ở đâu. Tôi nghĩ rằng sẽ có một trung tâm nguyên tử lực tái hoạt động trong tháng tới đây.
Hỏi: Trong lời phát biểu truyền thống nhân lễ tưởng niệm 70 năm bom nguyên tử nổ ngày mồng 6 tháng 8 vừa qua, ông Thị trưởng Thành phố Hiroshima đã kêu gọi giới lãnh đạo thế giới thăng tiến sự tin tưởng lẫn nhau và đối thoại. Thảm cảnh của bom nguyên tử nổ ở Hiroshima có thể dạy cho con người ngày nay điều gì?
Đáp: Thảm cảnh của Thành phố Hiroshima bị bom nguyên tử tàn phá cách đây 70 năm có thể dạy cho biết rằng điều đã xảy ra cách đây 70 năm với Đệ nhị Thế chiến có thể xảy ra bây giờ, vào bất cứ lúc nào. Chiến tranh đã không bao giờ là một đường tắt giúp giải quyết các vấn đề trên thế giới này.