28/11/2024

Biên Hoà mưa là… ngập

Giờ đây, cứ sau một trận mưa thì nhiều tuyến giao thông huyết mạch của TP.Biên Hoà (Đồng Nai) lại bị chìm trong biển nước.

 

Biên Hoà mưa là… ngập

 

 

Giờ đây, cứ sau một trận mưa thì nhiều tuyến giao thông huyết mạch của TP.Biên Hoà (Đồng Nai) lại bị chìm trong biển nước. Mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần họp bàn, đề xuất các giải pháp chống ngập nhưng vẫn chưa giải quyết được.



Ngập lụt ở TP.Biên Hòa khiến người dân khốn khổ, giao thông hỗn loạn (ảnh chụp chiều 25.8)

Ngập lụt ở TP.Biên Hòa khiến người dân khốn khổ, giao thông hỗn loạn (ảnh chụp chiều 25.8) – Ảnh: Tiểu Thiên

Cơn mưa chiều 25.8 chỉ kéo dài khoảng hơn 1 giờ (từ 13 giờ 30 đến 14 giờ 30) nhưng đã gây ngập lụt cục bộ tại hầu hết các tuyến giao thông trọng yếu của TP.Biên Hoà – trung tâm tỉnh Đồng Nai. Nước ngập lênh láng ngoài đường; nước tràn cả vào nhà dân gây hư hỏng đồ đạc, làm đảo lộn cuộc sống của nhiều người dân, gây mất vệ sinh.
Tại những điểm nút giao thông quan trọng, cảnh hàng trăm xe mô tô bị chết máy, giao thông ùn ứ làm hỗn loạn… đã dần trở nên quen thuộc đối với người dân.
“Nước từ khắp nơi đổ về”
Tại KP.3, P.Long Bình Tân, những người dân tiếp xúc với PV Thanh Niên hôm qua đều tỏ thái độ ngao ngán, bức xúc trước tình cảnh nước ngập.

 
 
Biên Hòa mưa là... ngập - ảnh 2

 

Nguyên nhân ngập chủ yếu là do địa hình và hệ thống thoát nước không đáp ứng kịp tốc độ đô thị hoá. Như ở vòng xoay Biên Hùng, nước từ 5 ngả đường đổ dồn về và không thể thoát ra được chỗ nào nữa

 

Biên Hòa mưa là... ngập - ảnh 3
 

 

Ông Trần Dương Vũ, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hoà

 

 
Ông Dương Khắc Ngọc (70 tuổi), nhà nằm trên đường Võ Nguyên Giáp cho hay: “Hễ có mưa lớn là ngập, từ đầu năm đến nay đã ngập tới 5 lần. Nước từ khắp nơi đổ về, các con suối quanh vùng thoát không kịp nên gây ngập. Trận mưa chiều 25.8 nước dâng cao gần 70 cm, gây ngập từ lúc 13 giờ đến 17 giờ chiều mới rút. Những nhà đã kê nền lên cao còn đỡ, còn nhà thấp, ô tô đi ngoài đường tạo sóng đánh nước vào nhà làm hư hỏng hết đồ đạc”.
Phơi đống sách vở của con bị ướt nhẹp do trận ngập chiều 25.8, anh Tạ Văn Tiến (31 tuổi), nói: “Nước dâng nhanh quá nên tôi dọn đồ không kịp. Quần áo, máy giặt rồi sách vở của con đều ướt và hư hỏng hết. Sống trong cảnh nước ngập như thế này chúng tôi chịu không nổi!”.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Hiền (45 tuổi) cho hay: “Từ 5 năm nay năm nào ở đây cũng bị ngập ít nhất từ 3-4 lần, càng ngày càng bị ngập nặng mà nước thì rút đi chậm hơn. Cứ có mưa lớn chút xíu là ngập. Trận mưa chiều 25.8 khiến nước dâng cao gần 1 m, cả xóm này ai cũng bị ngập hư hết đồ đạc trong nhà. Nước đổ về nhanh và mạnh khiến tấm kính ở cửa chắn nhà tôi cũng bị bể. Nước tràn vào làm hư đầu đĩa nghe nhạc và các đồ dùng khác. Tội nhất là nhà bên cạnh, bốn mẹ con có hai tủ quần áo mà bị ướt hết không còn bộ đồ nào để mặc”, bà Hiền ngao ngán.
Biên Hòa mưa là... ngập
23 “điểm đen”
Theo thống kê của Sở Xây dựng Đồng Nai, trên địa bàn TP.Biên Hòa có 23 “điểm đen” thường xuyên bị ngập úng khi có mưa lớn. Trong đó có 15 điểm ngập nặng như đường Nguyễn Ái Quốc, ngã tư Phạm Văn Thuận – Võ Thị Sáu; xa lộ Hà Nội (khu vực Bệnh viện Thống Nhất và đoạn từ cầu Sập đến giáo xứ Hà Nội); QL1K (đoạn qua chợ Hoá An); QL51; khu vực P.Long Bình Tân (Cầu Đen), đường Đồng Khởi (đoạn từ cầu Đồng Khởi đến cây xăng 26), P.Bửu Long đoạn QL1 – ngã tư đường Cách Mạng Tháng 8 với Nguyễn Ái Quốc kéo dài đến sông Đồng Nai; vòng xoay Biên Hùng và đường Hưng Đạo Vương (khu vực trước cổng UBND TP.Biên Hòa)…
Trao đổi với PV Thanh Niên, một cán bộ Sở Xây dựng Đồng Nai phân tích: “Đoạn sông Đồng Nai chảy qua TP.Biên Hòa có nhiều suối, rạch, ao, hồ khác nhau đổ vào, như suối Săn Máu, suối Linh, suối Chùa, suối Tân Mai, suối Bà Bột, rạch Lung, rạch Bàu Sấu, rạch cầu ông Gia… Hệ thống suối rạch này có tác dụng tiêu thoát nước mưa cho thành phố. Tuy nhiên TP.Biên Hoà có địa hình dạng đồi nhỏ, dốc thoải không đều, nghiêng dần về sông Đồng Nai và các suối nhỏ. Các suối này làm nhiệm vụ thu gom nước mưa của từng lưu vực và xả ra sông Đồng Nai. Do địa hình phức tạp kết hợp với những ngày triều cường sông Đồng Nai dâng cao thường gây ra ngập úng ở những khu vực thấp, trũng”.
Ông Trần Dương Vũ, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa, lý giải: “Nguyên nhân ngập chủ yếu là do địa hình và hệ thống thoát nước không đáp ứng kịp tốc độ đô thị hoá. Như ở vòng xoay Biên Hùng, nước từ 5 ngả đường đổ dồn về và không thể thoát ra được chỗ nào nữa. Chúng tôi đã phải đặt máy bơm hút nước ở vòng xoay bơm vòng qua các ngã đường để xả ra chỗ trũng thì mới giải quyết được”.

 
 

Trả lại nguyên trạng ban đầu cho sông, suối, ao hồ

 
Về các giải pháp trước mắt để giảm ngập cho TP.Biên Hoà khi mùa mưa còn diễn biến phức tạp, ông Lý Thành Phương – Phó giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai, cho biết: UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng, UBND TP.Biên Hoà khẩn trương nạo vét, khơi thông dòng chảy nhằm đảm bảo không gây ứ đọng, ngập nước khi mưa lớn. Ngoài ra UBND tỉnh cũng yêu cầu TP.Biên Hoà tăng cường công tác quản lý đô thị, xử lý dứt điểm các công trình lấn chiếm trả lại nguyên trạng ban đầu cho các sông, suối, ao hồ bị thu hẹp nhằm đảm bảo khả năng tiêu thoát lũ.

 

 
Theo ông Vũ, hệ thống thoát nước ngoài đường chỉ phục vụ thoát nước bề mặt, nay gánh thêm phần nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư, trong nhà dân ra thì quá tải. Rác thải xả xuống dòng chảy nhiều nên khi qua những khúc suối hẹp gây ách dòng chảy và ngập úng. “Có 23 điểm ngập nhưng mới xử lý được 6 điểm. Hầu hết là theo phương thức tạm thời, như lắp đặt các đường ống chia nước ra chỗ trũng, xẻ dải phân cách cho nước đi qua, khơi thông ống cống, mở thêm nhiều cửa thu và thoát nước”, ông Vũ nói.
700 triệu USD và “đại dự án”
Ông Lý Thành Phương, Phó giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai cho biết UBND tỉnh đã phê duyệt và giao Sở Xây dựng làm chủ đầu tư dự án “Thoát nước và xử lý nước thải TP.Biên Hoà giai đoạn 1” với tổng kinh phí 700 triệu USD từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Hiện nay, Sở Xây dựng cùng với các sở, ngành và UBND TP đang tập trung hoàn tất hồ sơ, giải phóng mặt bằng trình các bộ, ngành và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để dự án có thể ký được hiệp định vay vốn trong năm tài khoá 2015 và triển khai thực hiện dự án giai đoạn 2016 – 2020. “Khi dự án này được triển khai sẽ giải quyết cơ bản và toàn diện tình trạng ngập úng trên địa bàn. Hiện Sở KH-ĐT, Sở Tài chính đang nghiên cứu tham mưu, đề xuất UBND tỉnh giải pháp xử lý cơ chế tài chính cho dự án”, ông Phương cho hay. Dù muốn hay không, “đại dự án” thoát nước và xử lý nước thải của tỉnh vẫn đang nằm chờ vốn từ đối tác Nhật Bản.
Trong khi đó, dự án nạo vét suối Săn Máu (dài 6.052 m), một trong những dòng suối lớn chảy qua TP.Biên Hoà nhằm mục đích tiêu thoát nước, chống ngập cho phần lớn khu vực 4 phường gồm Trảng Dài, Tân Phong, Tân Tiến và Thống Nhất được UBND tỉnh phê duyệt cách nay 17 năm (1998), khởi công tháng 12.2011 và dự kiến hoàn thành năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa xong. Theo ông Phan Văn Kỉnh, Giám đốc Ban Quản lý dự án chuyên ngành NN-PTNT (Sở NN-PTNT Đồng Nai), hiện dự án còn vướng 3 hộ dân chưa nhận suất tái định cư và khoảng 140 m chưa được Trung tâm phát triển quỹ đất bàn giao để thi công.
Biên Hòa mưa là... ngập 2
“UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng lên 554 tỉ đồng thay vì 409 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh như ban đầu. Lý do là đơn giá đền bù thay đổi, chi phí xây dựng công trình tăng. Chúng tôi đang gấp rút tiến hành đấu thầu và triển khai các gói thầu theo kế hoạch để đảm bảo tiến độ dự án sẽ hoàn thành vào năm 2017”, ông Kỉnh nói.

Đức Nguyễn – Tiểu Thiên