11/01/2025

“Tỉ phú” 
vịt trời

Vịt trời vốn là loài biết bay sống trong tự nhiên, thế nhưng vài năm trở lại đây chúng được nuôi thành công trong một số trang trại.

 

“Tỉ phú” 
vịt trời

 

Vịt trời vốn là loài biết bay sống trong tự nhiên, thế nhưng vài năm trở lại đây chúng được nuôi thành công trong một số trang trại. 



lVịt trời sắp xuất bán được nuôi nhốt trong những ngăn chuồng riêng biệt - Ảnh: YẾN TRINH
lVịt trời sắp xuất bán được nuôi nhốt trong những ngăn chuồng riêng biệt – Ảnh: YẾN TRINH

Những đàn vịt trời nuôi này luôn biết trở về với chủ, giúp chủ vượt khỏi thân phận nghèo khó để trở thành “phú ông”.

Trang trại rộng 2,5ha của anh Nguyễn Đăng Cường (37 tuổi) nằm sâu trong vùng đồng ruộng thuộc xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đi từ xa nghe tiếng vịt kêu vang không khác gì đàn vịt nhà.

Nghề nuôi cũng lắm công phu

Nông dân cấy lúa gần đó bảo: “Thằng Cường nó hay lắm, nuôi vịt trời mà không bay mất”. Thật vậy, khi chúng tôi đi sát lại mặt ao nơi vịt trời đang tập trung đông, chúng không hề bay. Lý giải tại sao vịt có thể “ngoan ngoãn” ở với mình, anh Cường cho biết chủ yếu là do việc cho ăn hợp lý.

Mỗi ngày, anh Cường cho đàn vịt ăn hai lần với thức ăn là cám gạo trộn với bèo tây. “Tôi tốn khoảng 10 xe cút kít thức ăn một ngày cho đàn vịt.

Có lẽ nhờ ăn đầy đủ nên chúng không màng đến việc bay đi kiếm ăn. Và ăn cám trộn với bèo theo một tỉ lệ pha trộn nhất định còn giúp thịt vịt chắc, ít mỡ” – anh nói.

Dẫn chúng tôi đi xem từng mặt ao với vịt trưởng thành, vịt đẻ, vịt giống, từng ngăn chuồng nhốt vịt con 3-5 ngày tuổi, vịt sắp xuất bán…, anh cho biết hiện đàn vịt của anh là 4 vạn con.

Rồi anh kể: “Dĩ nhiên vịt trời cũng bay, đặc biệt vào chiều mát. Từng cụm từng cụm mấy chục con bay vèo ra mấy cánh đồng gần đó, nhưng sau đó chúng lại bay về”.

Mỗi khi sắp bắt vịt bán, anh Cường phải quây lưới ở một mặt ao rộng rồi lùa vịt vào, vì khi dồn bắt vịt hoảng sợ rất dễ… bay đi biệt tích. Và nuôi vịt trời đã gần bảy năm nên anh cũng quên đi cảm giác phập phồng mỗi khi đàn vịt bay đi bởi sợ chúng không trở về nữa!

Còn với trang trại của ông Tô Quang Dần (44 tuổi, xã Đông Phú, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang), bí quyết của ông là với vịt lứa F1, những ngày đầu ông thường cắt lông cánh để chúng khỏi bay xa. Một điều ông luôn nhớ đó là luôn cho vịt ăn đầy đủ để dù chúng có bay đi đâu cũng nhớ về ăn.

Khác với trang trại anh Cường, đàn vịt của ông Dần được cho ăn thức ăn tùy thuộc từng giai đoạn sinh trưởng, chủ yếu là cám và lúa.

“Vịt mới nở những ngày đầu nên cho chúng ăn cám viên loại nhỏ, sau đó chuyển sang loại cám khác. Sau ba tháng chủ yếu cho ăn lúa để thịt chắc…” – ông Dần nói.

Xưa nay có lẽ chuyện hái lá thuốc nấu cho vịt uống chỉ có ở trang trại anh Cường. Anh làm vậy mỗi ngày để vịt giảm nguy cơ nhiễm bệnh.

“Tôi biết điều này khi tham gia học lớp kỹ sư chăn nuôi. Cây thuốc tôi trồng xung quanh trang trại nên việc hái nấu cũng nhanh chóng đơn giản mà lại phòng bệnh được cho đàn vịt” – anh nói.

Đồng thời để không lâm vào cảnh mất trắng vì bệnh dịch, anh thường xuyên vệ sinh chuồng trại, quan sát theo dõi sức khỏe của đàn vịt để có gì bất thường thì phát hiện ngay.

Theo kinh nghiệm của anh, vịt trời tuy sức đề kháng cao hơn vịt nhà do tập tính hoang dã nhưng người nuôi phải chú ý tiêm phòng đầy đủ cho chúng, đặc biệt vào đầu năm thời tiết 
thất thường.

Ông Tô Quang Dần, chủ trang trại vịt trời ở Bắc Giang (ảnh nhỏ) - Ảnh: T.Hiên
Ông Tô Quang Dần, chủ trang trại vịt trời ở Bắc Giang (ảnh nhỏ) – Ảnh: T.Hiên

Khởi nghiệp từ 
60 con vịt

Anh Cường đã khởi nghiệp từ việc nuôi vịt nhà nhưng không thành công. Rồi anh chuyển qua nuôi các giống gia cầm khác, hiệu quả không cao.

Năm 2007, một lần tình cờ được ăn thịt vịt trời, anh mới nhờ người bạn mua giúp khoảng 60 con vịt giống nguồn gốc Campuchia.

Được vài tháng, phân nửa số vịt chết không rõ nguyên nhân. Nhìn số vịt trời lèo tèo còn lại, anh thấy nản nhưng chẳng lẽ lại bỏ cuộc! Vậy là anh kiên trì chăm sóc, không ngờ hai tháng sau chúng đẻ lứa đầu tiên, nhưng khi anh đem ấp thì đều hỏng.

Phải đến vài lứa sau, mẻ ấp đầu tiên mới nở ra… vịt trời. Để tránh xôi hỏng bỏng không, anh giữ chúng năm ngày đầu trong chuồng, sau đó lông cánh mọc đủ mới cho xuống nước. Dần dần, đàn vịt lên 50 con, rồi 100 con, và sinh sôi nảy nở đông đúc như bây giờ.

Người ngoài nhìn vào khó có thể thấy được công sức mà người chủ trang trại này đã bỏ ra, những tháng năm mà anh đùa vui là mình chỉ sống với vịt. Nay thì anh đã có vợ và sắp đón đứa con đầu lòng, cả nhà sẽ sống cùng nhau ở nơi vịt kêu đồng, cách xa thị thành này.

Trong khi đó, ông Dần bén duyên với vịt trời từ vài con vịt giống mà ông chăm như chăm con cách đây ba năm. Ở vùng đồi núi heo hút thuộc tỉnh Bắc Giang, chuyện có người nuôi vịt trời là điều gì đó rất lạ lùng.

Bỏ ngoài tai những lời gièm pha, ông Dần lọ mọ chăm sóc, ngày nào cũng cho vịt ăn đúng giờ đầy đủ. Ban đầu chúng rất sợ người nhưng sau hai tháng ông thả chúng ra ao nước nhỏ có rào lưới và đặt sẵn máng thức ăn.

Sau đó thả tự do thì chúng bay vút lên cao tưởng chừng không về nhưng đến chiều tối vào giờ cho ăn, ông ngó ra thì thấy chúng đứng sẵn ở máng thức ăn. “Lúc đó tôi mới thở phào nhẹ nhõm” – ông Dần nói.

Từ vài con vịt ban đầu, ông nhân giống, xây chuồng trại và mở rộng chăn nuôi. Có được cơ ngơi kha khá từ việc “điên rồ” ban đầu khi nuôi vịt trời trong chuồng gà cũ, ông Dần luôn nhỏ nhẹ nói đó là do mình may mắn.

Ngoài nuôi vịt thương phẩm, ông Dần và anh Cường đều chú ý chọn ra chừng 60 con vịt giống để nhốt riêng, nhằm giữ giống vịt cho chất lượng thịt gần với vịt trời tự nhiên nhất.

Ông Dần nói việc nuôi vịt trời thú vị ở chỗ ông thường xuyên ghi chép, rút kinh nghiệm từ việc quan sát đặc tính của chúng. Khi chọn vịt giống, kinh nghiệm cho ông biết nên chọn giống vịt trọng lượng lớn, màu da màu lông khoẻ, mỏ vàng.

Còn tại trang trại vịt trời của anh Cường, ao nước nhốt vịt giống được nguỵ trang cây lá hệt như ngoài đồng hoang. Mỗi con vịt giống bố mẹ được anh buộc khoen chân cẩn thận để tránh việc nhân giống cận huyết.

Món ăn thường ngày?

Trang trại của anh Cường mỗi ngày cung cấp hàng trăm con vịt trời cho một số nhà hàng tại TP Bắc Ninh. Nhiều người đã tìm đến trang trại học hỏi mô hình nuôi vịt khá mới mẻ này. Chỉ trong buổi sáng anh đã đón bốn người đến tham quan.

Ông Bùi Công Hoàng, nhà ở tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết: “Tôi đang có trang trại nuôi vịt cỏ rộng 5ha nhưng nghe nói ở đây có giống vịt trời thuần hoá nên đến xem thử, thấy hiệu quả kinh tế khá cao. Đợt này chắc tôi mua 50 con giống về nuôi thử xem sao”.

Anh Cường nói thêm số lượng người đến tìm hiểu khá nhiều nhưng về nuôi gặp thất bại không ít bởi không kiên trì thực hiện đúng các tiêu chuẩn nuôi vịt trời.

Người nuôi nào cũng muốn sản phẩm của mình đến được với càng nhiều người càng tốt. Nhưng hiện nay giá vịt trời trung bình các chủ trang trại bán cho các quán ăn nhà hàng là 180.000 – 200.000 đồng/kg, giá chế biến ở nhà hàng là từ 600.000 đồng/con nên đây vẫn là giá khá cao đối với người muốn dùng vịt trời trong bữa cơm gia đình.

Nắm được điều này, anh Cường cho biết trang trại của anh đang mở rộng quy mô để tăng năng suất, giảm giá thành. Anh đang cố gắng để số lượng đạt 100.000 con vào năm 2018. “Có như vậy thì bà con mới có vịt trời để ăn thường ngày” – anh nói.

“Đặc sản” trong nhà hàng

Từ một vài trang trại nuôi lẻ tẻ, hiện trên cả nước có khoảng 10 trang trại nuôi vịt trời ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu…, chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng quán ăn tại một số đô thị.

Tại Hà Nội, một số cửa hàng bán thực phẩm sạch đã bán thịt vịt trời với giá khoảng 220.000 
đồng/kg như cửa hàng Clever Food, trang web vittroi… bán với giá 250.000 đồng/kg, quảng cáo có hai loại là vịt trời Bắc Mỹ và vịt châu Á.

Theo một số chủ trang trại, thịt vịt trời được ưa chuộng bởi chắc, ít mỡ và nhỏ xương. Vịt nuôi đến năm tháng có thể xuất bán, nặng chừng 800g đến 1kg.

Mới “đáp” xuống chưa bao lâu nhưng vịt trời đã xuất hiện khá nhiều trong thực đơn của các nhà hàng quán ăn thị thành.

Quản lý của nhà hàng GK (đường Nguyễn Khang, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Quán bổ sung thực đơn món vịt trời chừng nửa năm nay, lượng khách gọi món này chiếm đa số nhưng có bữa chúng tôi không có hàng để bán. Mấy bữa nay nhân viên quán cũng đang dò hỏi thêm mối cung cấp vịt trời”.

Thật vậy, chừng 16g là quán đã kín bàn. Các món ăn chế biến từ vịt trời được khách ưu ái gọi vì lạ và ngon.

Tại nhà hàng MQ ngay trung tâm TP Bắc Ninh, nhân viên nhà hàng cho biết sáng nào cũng chia nhau đến trang trại cách đó 20km để lấy chừng 50 con vịt về chế biến.

Nhiều khách đến mua về nhà nhưng nhà hàng đành từ chối vì không đủ số lượng cung cấp cho khách ăn tại chỗ. Theo đó, mỗi ngày phải trên 100 con vịt trời thì nhà hàng mới đáp ứng hết nhu cầu của thực khách.

 

YẾN TRINH