16/11/2024

Tưởng niệm 10 năm thầy Roger Schutz bị sát hại

Lễ tưởng niệm Thầy được cử hành ngoài trời tại Taizé bên Pháp, trước sự tham dự của 7.000 bạn trẻ quốc tế, gần 100 tu huynh và khoảng 100 đại diện các Giáo hội Kitô và tôn giáo khác, trong đó có ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, đại diện ĐTC Phanxicô. Ban sáng, ngài đã chủ sự thánh lễ Công giáo tại Nhà thờ Hoà Giải ở Taizé và trong buổi lễ tưởng niệm ban chiều do thầy Alois Tu viện trưởng Taizé chủ sự, ĐHY đã đọc thư cám ơn của ĐTC Phanxicô.

Tưởng niệm 10 năm thầy Roger Schutz bị sát hại

TAIZÉ – Chúa nhật 16-8-2015, Tu viện Đại kết đã tưởng niệm 10 năm vị sáng lập là thầy Roger Schutz, bị sát hại tối ngày 16-8-2005 trong buổi cầu nguyện chung.

 Một phụ nữ người Rumani bị bệnh tâm trí đã đâm thầy Roger nhiều nhát dao khiến thầy từ trần ngay sau đó.

 Lễ tưởng niệm Thầy được cử hành ngoài trời tại Taizé bên Pháp, trước sự tham dự của 7.000 bạn trẻ quốc tế, gần 100 tu huynh và khoảng 100 đại diện các Giáo hội Kitô và tôn giáo khác, trong đó có ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, đại diện ĐTC Phanxicô. Ban sáng, ngài đã chủ sự thánh lễ Công giáo tại Nhà thờ Hoà Giải ở Taizé và trong buổi lễ tưởng niệm ban chiều do thầy Alois Tu viện trưởng Taizé chủ sự, ĐHY đã đọc thư cám ơn của ĐTC Phanxicô.

 Trong số các vị khách khác, có Mục sư Olav Fykse Tveit, người Na Uy, Tổng Thư ký Hội đồng Đại kết các Giáo hội Kitô ở Genève, Nữ Mục sư Phó Chủ tịch Hội đồng các Giáo hội Kitô Âu châu và Đức TGM John Santamu của Giáo phận York bên Anh quốc, trong tư cách là Đại diện Liên hiệp Anh giáo.

 Lễ tưởng niệm thầy Roger cũng là dịp kỷ niệm 75 năm thầy thành lập Tu viện Đại kết Taizé.

 - ĐHY Kurt Koch ca ngợi tu viện đại kết Taizé ”như một phòng thí nghiệm, nơi các bạn trẻ có thể dấn thân đối thoại liên tôn”. Ngài nhắc lại lời ĐTC Phanxicô về quan hệ chặt chẽ của ngài với Taizé và ĐHY cũng tái khẳng định sự gần gũi của ngài với tu viện đại kết này, một nơi có linh đạo sâu xa.

 - Mục sư Olav Fykse Tveit cũng đề cao Taizé như một gương mẫu sáng ngời cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô. Mục sư nói: “Các cuộc gặp gỡ đều đặn tại Taizé giúp vượt thắng những chia rẽ trong Giáo hội do những đặc tính riêng và các truyền thống của Giáo Hội… Chúng ta hãy từ bỏ những cách thức tự mãn và coi mình ở trung tâm để đi với đức tin và cuộc sống Kitô. Nhờ Chúa Kitô Giáo Hội là một. Giáo Hội phải trở thành một dấu hiệu ngôn sứ cho thế giới và báo trước vương quốc hoà bình đang tới của Thiên Chúa.”

 

– ĐHY Reinhard Marx, TGM Munich, Chủ tịch HĐGM Đức, đã công bố một tuyên ngôn tại thành phố Bonn bên Đức, trong đó ngài đề cao linh đạo và chứng tá đức tin của Tu viện Taizé. ĐHY viết: “Chúng tôi biết ơn vì những gì từ Taizé chiếu toả ra các nơi trên thế giới trong bao nhiêu năm qua. Kinh nguyện đại kết và chứng tá về Chúa trong xã hội này là điều không thể thiếu được. Đó là điều mà Tu viện Taizé đang sống một cách đáng tin cậy qua cộng đoàn của mình.”

 ĐHY Marx cũng nhận xét rằng tuy 75 năm trôi qua, nhưng Tu viện Taizé vẫn không giảm mất sức thu hút đối với thế hệ trẻ. “Thật là tốt khi chúng ta có những nơi mà người trẻ có thể chia sẻ đức tin và cảm nghiệm tình hiệp thông trong Chúa Kitô.”

 Thành lập cộng đoàn mới tại Cuba

 Cũng liên quan đến Taizé, tu viện này sẽ thành lập một huynh đoàn nhỏ đầu tiên với 2 tu huynh kể từ tháng 9 tới đây.

 Thầy Alois Loeser, tu viện trưởng, tuyên bố như trên hôm 15-8-2015 vừa qua, với hãng tin Công giáo Đức. Huynh đoàn này được thành lập theo lời mời của một GM Công Giáo và một chủng viện Tin Lành ở Cuba. Hai tu huynh cho biết chưa thiết lập chương trình hoạt động tại Cuba. Điều đầu tiên là các thầy muốn lắng nghe và tìm hiểu nhu cầu địa phương.

 Thầy Alois kể lại: hồi năm ngoái, có nhiều bạn trẻ nói với thầy là họ cảm thấy bị lẻ loi cô lập và không thấy có viễn tượng tương lai nào nơi quê hương của họ. Trong bối cảnh đó, Tu viện Taizé muốn liên hệ với giới trẻ tại Cuba.

 Tu viện Đại kết Taizé do thầy Roger Schutz, thuộc Giáo hội Tin Lành Cải cách Thuỵ Sĩ, sáng lập và hiện có khoảng 100 tu huynh thuộc các hệ phái Kitô khác nhau, Công giáo, Tin Lành, Chính thống, Anh giáo… Trong số này có khoảng 1 phần 4 các tu huynh sống trong các huynh đoàn nhỏ ở Á, Phi và Mỹ châu Latinh. Các thầy hoạt động với các trẻ em bụi đời, các tù nhân, người gần qua đời và những người cô đơn. (KNA 15-8-2015)