10/01/2025

Nhà máy nước đi xin nước

Gần đây, cứ tới mùa hè là sông Cẩm Lệ tại khu vực Cầu Đỏ (Q.Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) nhiễm mặn khiến người dân Đà Nẵng lo thiếu nguồn nước sinh hoạt.

 

Nhà máy nước đi xin nước

 

Gần đây, cứ tới mùa hè là sông Cẩm Lệ tại khu vực Cầu Đỏ (Q.Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) nhiễm mặn khiến người dân Đà Nẵng lo thiếu nguồn nước sinh hoạt. 


 

Trong những ngày sông Cẩm Lệ nhiễm mặn, Nhà máy nước Cầu Đỏ phải hoạt động cầm chừng nhờ nguồn nước từ trạm bơm ngăn mặn An Trạch - Ảnh: Trường Trung
Trong những ngày sông Cẩm Lệ nhiễm mặn, Nhà máy nước Cầu Đỏ phải hoạt động cầm chừng nhờ nguồn nước từ trạm bơm ngăn mặn An Trạch – Ảnh: Trường Trung

Vào thời điểm 3g – 8g ngày 28-7 độ nhiễm mặn cao nhất từ trước đến nay, có lúc nồng độ mặn của nước là 13.568 mlg/lít, vượt gấp hơn 65 lần độ nhiễm mặn cho phép để khai thác nước thô

Ông NGUYỄN MINH CHÍNH (giám đốc xí nghiệp sản xuất nước Nhà máy nước Cầu Đỏ dẫn chứng thời điểm nước nhiễm mặn “khủng”)

Cuối tháng 7, sông Cẩm Lệ nhiễm mặn lịch sử khiến Nhà máy nước Cầu Đỏ khốn đốn.

TP Đà Nẵng phải kiến nghị Bộ Công thương “đi xin” nước từ các nhà máy thủy điện đầu nguồn để đảm bảo nước phục vụ dân sinh.

Mặn gấp 65 lần do thuỷ điện tích nước

Đưa chúng tôi ra khu vực cửa thu nước trên sông Cẩm Lệ, một cán bộ phòng quản lý chất lượng thuộc xí nghiệp sản xuất nước Nhà máy nước Cầu Đỏ chỉ vào ống thí nghiệm có nước ngả màu từ vàng sang đỏ nói: “Như vậy là độ mặn gấp 19 lần cho phép, liên tục mấy hôm nay trời không mưa nên mặn luôn ở mức cao như vậy”.

Theo Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (DAWACO), liên tục từ giữa tháng 7 đến nay nước trên sông Cẩm Lệ nhiễm mặn ở mức cao khiến Nhà máy nước Cầu Đỏ 
hoạt động khó khăn.

Sông Cẩm Lệ là nguồn nước thô chính phục vụ sản xuất cho Nhà máy nước Cầu Đỏ và Nhà máy nước Sân Bay, cung cấp nước thủy cục cho toàn TP Đà Nẵng nên khi nguồn nước thô gặp khó, áp lực nước ở các khu vực cuối tuyến nước sạch thấp khiến một số hộ dân hai quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn không có nước sinh hoạt.

Ông Nguyễn Minh Chính, giám đốc xí nghiệp sản xuất nước Nhà máy nước Cầu Đỏ, cho biết từ năm 2010 tới nay mức độ nhiễm mặn ở cửa thu luôn mặn hơn mức cho phép, dù nơi này cách cửa sông hơn 10km.

Theo ông Minh, từ năm 2010 – 2012 nhiễm mặn chỉ xảy ra vào những tháng mùa khô nhất (thường từ tháng 5 – 6 âm lịch), nhưng từ năm 2012 đến nay lúc nào cũng nhiễm 
mặn, kể cả mùa mưa.

“Trong tháng 7 năm nay có 23 ngày nước ở khu vực cửa thu nhiễm mặn. Tình trạng này lên xuống thất thường, trong đó có những thời điểm tình trạng nhiễm mặn ở đây xảy ra cao nhất từ trước đến nay – vượt gấp hơn 65 lần độ nhiễm mặn cho phép để khai thác nước thô.

Cũng thời điểm này, tôi theo dõi mực nước của các hồ chứa thuỷ điện đầu nguồn sông Vu Gia, Thu Bồn trên trang của Tổng công ty Điện lực Việt Nam thì thấy các nhà máy thuỷ điện đầu nguồn chỉ tích nước vào hồ chứa chứ không hoạt động” 
- ông Chính nói.

Trước tình thế này, Nhà máy nước Cầu Đỏ buộc phải chuyển sang phương án khai thác nguồn nước thô tại trạm bơm ngăn mặn ở đập An Trạch (xã Hoà Tiến, huyện Hoà Vang).

Tuy nhiên, nguồn nước ở đây cũng rất hạn chế do nước từ đầu nguồn về quá ít, đồng thời phải chia sẻ nguồn nước phục vụ thuỷ lợi nên nhiều khi hoạt động sản xuất nước của nhà máy bị tê liệt.

3 tháng hai lần đi xin nước

Ngày 11-8, UBND TP Đà Nẵng có văn bản đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo các nhà máy thuỷ điện ở thượng nguồn sông Vu Gia (gồm thuỷ điện Sông Bung 4, thuỷ điện A Vương và đặc biệt thuỷ điện Đăk Mi 4) phải vận hành xả nước thường xuyên, liên tục về hạ du sông Vu Gia nhằm bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân và không để tái diễn nhiễm mặn đạt 
đỉnh như thời gian qua.

Theo văn bản này, nguyên nhân chính của đợt nhiễm mặn kéo dài thời gian qua là do các nhà máy thuỷ điện A Vương, Sông Bung 4 không vận hành hoặc chỉ vận hành cầm chừng.

Trong khi đó, thuỷ điện Đăk Mi 4 khi vận hành phát điện đã chuyển nước từ sông Vu Gia về sông Thu Bồn, nhưng lại không xả trả nước về hạ du sông Vu Gia qua cống xả sâu, nên lượng nước về hạ du rất ít.

Lần xin nước nói trên là lần thứ hai Đà Nẵng có văn bản đi xin nước trong vòng ba tháng qua. Trước đây vào ngày 19-5, UBND TP Đà Nẵng cũng kiến nghị với Bộ Công thương về việc điều tiết nước mùa khô phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hữu Ba – phó giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng – cho biết trong những năm qua phải vận hành liên tục trạm bơm phòng mặn An Trạch để cấp nước cho Nhà máy nước Cầu Đỏ khiến chi phí cấp nước tăng lên.

Trong bảy tháng qua, số giờ vận hành trạm bơm phòng mặn An Trạch là 364 giờ với lượng nước thô bơm về là 1,66 triệu m3.

Tuy nhiên, cái đáng lo là lượng nước về đập An Trạch đang giảm và thường xuyên dao động ở mức 1,4 – 1,8m trong khi mực nước cần thiết để hoạt động trạm bơm An Trạch là 1,8 – 2m.

Ở đây cũng không sử dụng nguồn điện ưu tiên, không có điện dự phòng nên nhiều khi xảy ra sự cố như mất điện, bể ống nước là coi như hoạt động cấp 
nước toàn thành phố tê liệt

 

TRƯỜNG TRUNG