10/01/2025

Ngày Hoà bình Thế giới 2016: Thắng dửng dưng và đạt hoà bình

“Hoà bình là điều có thể tại nơi nào quyền của mỗi người được nhìn nhận và tôn trọng, theo tự do và công lý. Sứ điệp năm 2016 muốn là một văn kiện từ đó khởi hành để tất cả mọi người thiện chí, đặc biệt là những người làm việc trong ngành giáo dục, văn hoá và trong các phương tiện truyền thông, hành động – mỗi người theo khẳ năng và khát vọng tốt đẹp nhất của mình – cùng nhau kiến tạo một thế giới ý thức và từ bi hơn, và nhờ đó xây dựng một thế giới tự do và công chính hơn.”

Ngày Hoà bình Thế giới 2016: Thắng dửng dưng và đạt hoà bình
 
Trong thông cáo công bố hôm 11-8-2015, Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình giải thích:

“Đây là sứ điệp thứ ba của ĐTC Phanxicô nhân Ngày Hoà bình Thế giới. Sự dửng dưng lãnh đạm đối với những tai ương ngày nay là một trong những lý do chính làm cho thiếu hoà bình trên thế giới. Sự dửng dưng ngày nay thường gắn liền với nhiều hình thức cá nhân chủ nghĩa, tạo nên sự cô lập, u mê, ích kỷ, và do đó không dấn thân. Sự gia tăng thông tin tự nó không có nghĩa là gia tăng sự chú ý đối với các vấn đề, nếu không kèm theo một sự cởi mở của lương tâm con người theo chiều hướng liên đới; và với mục đích ấy, điều tối cần thiết là sự đóng góp của các giáo chức, các nhà đào tạo, các nhân viên văn hoá và truyền thông, các nhà trí thức và các nghệ sĩ, có thể dành cho các gia đình. Ta chỉ có thể khắc phục sự dửng dưng bằng cách cùng nhau đương đầu với thách đố này.”

“Hoà bình cần phải được chinh phục: đó không phải là một thiện ích người ta có thể đạt được mà không cần cố gắng, không cần hoán cải, không có tinh thần sáng tạo và trao đổi. Vấn đề ở đây là gây ý thức và huấn luyện về ý thức trách nhiệm đối với những vấn đề rất trầm trọng đang đè nặng trên gia đình nhân loại, như trào lưu cực đoan và các cuộc thảm sát do nó gây ra, những cuộc bách hại vì tín ngưỡng và chủng tộc, những vi phạm tự do và các quyền của các dân tộc, sự bóc lột và nô lệ hoá con người, nạn tham nhũng và tội phạm có tổ chức, chiến tranh và thảm trạng người tị nạn và cưỡng bách di dân. Đồng thời công trình gây ý thức và huấn luyện như thế cũng liên quan tới những cơ hội và những dịp bài trừ các tai ương ấy: phát triển một nền văn hoá tôn trọng luật pháp và giáo dục về đối thoại và cộng tác là những hình thức cơ bản về phản ứng xây dựng trong bối cảnh này.”

“Một lĩnh vực trong đó hoà bình có thể được xây dựng ngày qua ngày bằng cách vượt thắng sự dửng dưng, đó là lĩnh vực những hình thức nô lệ trên thế giới ngày nay, cũng là đề tài Sứ điệp Ngày Hoà bình Thế giới 2015: “Không còn là nô lệ nhưng là anh chị em”. Cần tiếp tục sự dấn thân này, với ý thức và gia tăng cộng tác.”

“Hoà bình là điều có thể tại nơi nào quyền của mỗi người được nhìn nhận và tôn trọng, theo tự do và công lý. Sứ điệp năm 2016 muốn là một văn kiện từ đó khởi hành để tất cả mọi người thiện chí, đặc biệt là những người làm việc trong ngành giáo dục, văn hoá và trong các phương tiện truyền thông, hành động – mỗi người theo khẳ năng và khát vọng tốt đẹp nhất của mình – cùng nhau kiến tạo một thế giới ý thức và từ bi hơn, và nhờ đó xây dựng một thế giới tự do và công chính hơn.”

 

G. Trần Đức Anh OP