14/11/2024

Di tích trong đất vàng

Năm 2009, Sở Văn hoá – thể thao và du lịch TP.HCM đề nghị được bổ sung ụ tàu lớn với tuổi đời hơn 120 năm vào di tích lịch sử xưởng cơ khí – địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

 

Ba Son – Trăm năm chìm nổi – Kỳ cuối: Di tích trong đất vàng

 

Năm 2009, Sở Văn hoá – thể thao và du lịch TP.HCM đề nghị được bổ sung ụ tàu lớn với tuổi đời hơn 120 năm vào di tích lịch sử xưởng cơ khí – địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. 



Toàn cảnh khu vực Ba Son Q.1, TP.HCM - Ảnh: Tự Trung
Toàn cảnh khu vực Ba Son Q.1, TP.HCM – Ảnh: Tự Trung

Cục Di sản văn hoá đồng ý và yêu cầu lập hồ sơ trình lên Bộ Văn hoá – thể thao và du lịch. Hồ sơ đã được lập nhưng việc xếp hạng di tích thì dừng ở đó…

Lối vào di tích

Cách cụm di tích Ba Son 500m, chếch bên kia đường Tôn Đức Thắng là Bảo tàng Tôn Đức Thắng, một trong số những bảo tàng được đánh giá là có hoạt động tích cực và sáng tạo trong việc đưa các bài học lịch sử vào cuộc sống.

Ở đây thường xuyên diễn ra những chuyên đề triển lãm: từ cuộc đời bôn ba, bước đường cách mạng của Bác Tôn đến phong trào công nhân Sài Gòn, lịch sử nhà tù Côn Đảo, quê hương An Giang;

Từ những bức ảnh, mô hình được người xem cảm nhận bằng mắt đến các lá thư trong gia đình được đọc lên bằng chính nỗi thương nhớ của con gái, con trai, cháu ngoại, cháu nội của Bác Tôn. 

Bảo tàng còn tổ chức để thiếu nhi thi vẽ tranh, thi kể chuyện, ca hát sau những chuyến tham quan…

Thế nhưng vẫn là chưa đủ. Tiến sĩ Trần Xuân Thảo, giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng, không đợi hỏi mà nói ngay nỗi mong mỏi của chị: “Giá như bảo tàng được kết nối với di tích thì tính thực tiễn và ý nghĩa những câu chuyện lịch sử sẽ được nâng lên rất nhiều.

Còn ở đây vì di tích xưởng cơ khí và ụ tàu nằm trong khuôn viên Ba Son, thuộc quyền quản lý của Bộ Quốc phòng nên bản thân tôi muốn đến thăm cũng rất khó.

Tổng công ty Ba Son đã tổ chức nhiều hình thức hoạt động: dựng tượng đài Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại xí nghiệp, xây dựng nhà truyền thống Ba Son, xuất bản sách truyền thống, lập học bổng Tôn Đức Thắng, tổ chức “Cúp đua xe đạp đồng bằng sông Cửu Long” nhân ngày sinh Bác Tôn…

Nhưng điều chúng tôi muốn là phối hợp với Bảo tàng Tôn Đức Thắng để thực hiện tuyến tham quan di tích, mang trải nghiệm sinh động cho khách thăm bảo tàng, tổ chức đưa công nhân đến tìm hiểu lịch sử giai cấp mình qua di tích Ba Son… thì vẫn chưa thể thực hiện”.

Trong hội thảo khoa học tổ chức nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, tất cả những nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá đều đồng tình với ý tưởng “phát huy sức sống cho “di tích sống” Ba Son” này.

Thạc sĩ Phạm Lan Hương, Trường ĐH Văn hoá, bổ sung cho lập luận bằng lý thuyết “tính xác thực của di sản”: “Tôi cho rằng bảo tồn và phát huy giá trị di tích này nên xem xét trước hết trên khía cạnh bối cảnh, sự toàn vẹn của địa điểm.

Đó là một bức tranh sống động minh chứng cho ngành công nghiệp, nền kinh tế biển ở Việt Nam, một dấu ấn của sự ra đời giai cấp công nhân Việt Nam cùng phong trào đấu tranh của họ…”.

Nhưng từ khi được đề xuất và đồng ý đến nay đã sáu năm, ụ tàu trăm năm của Ba Son, của Sài Gòn vẫn chưa được xếp hạng di tích.

Ụ sửa chữa tàu xây dựng năm 1884 - 1888 tại xưởng Ba Son, ảnh chụp ngày 4-6-2015 - Ảnh: Tự Trung
Ụ sửa chữa tàu xây dựng năm 1884 – 1888 tại xưởng Ba Son, ảnh chụp ngày 4-6-2015 – Ảnh: Tự Trung

Di dời ? Ở lại ? Rồi lại di dời…

Năm 2008, Thủ tướng có quyết định di dời các cảng trên sông Sài Gòn và Nhà máy đóng tàu Ba Son ra khỏi TP.HCM.

“Bao năm sống và làm việc với Ba Son, tôi đã phải nghe câu chuyện di dời này rất nhiều lần…” – đại tá Ngô Long Minh, nguyên tổng giám đốc Xí nghiệp Liên hợp Ba Son, kể.

Đầu tiên là những lời phàn nàn về đốc nổi của Ba Son chắn ngay đầu những ngọn gió thổi về thành phố. Sau đó đến lượt kế hoạch di dời Ba Son để nhường đất mở rộng Thảo cầm viên. Rồi lại yêu cầu Ba Son di dời để bắc cầu qua sông Sài Gòn.

Bây giờ là kế hoạch di dời các cảng và nhà máy đóng tàu ra khỏi thành phố, xây dựng Ba Son mới ở Thị Vải – Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu).

Gắn bó với Ba Son từ ngày tiếp quản Hải quân công xưởng của Việt Nam cộng hoà năm 1975, không có gì lạ khi đại tá Ngô Long Minh là một trong những người xót xa trước diễn biến mới này.

Nói về Ba Son, ông nhắc đến các người thợ gắn với xưởng cả cuộc đời, những gia đình thợ gắn với xưởng suốt mấy thế hệ.

Ông kể về chuyến cùng các “anh em Ba Son” sang Pháp, trầm mình trong thư viện để sưu tầm hồ sơ, tư liệu về arsenal de Saigon. Ông Minh đã mừng hơn bắt được vàng khi tìm thấy tài liệu về những ụ tàu Ba Son, từ ụ đầu tiên cho đến ụ tàu lớn tới nay vẫn còn hiện hữu nguyên vẹn:

“Tất cả còn nguyên từ phương án, luận chứng thiết kế, bản vẽ cấu trúc, thiết kế thi công, số liệu thuyết minh… Mừng đến rùng mình khi nhớ lại ở Ba Son từng có những ý tưởng, dự định, quyết định chủ quan, mạo hiểm về phương pháp thi công có thể xâm hại, gây nguy hiểm cho ụ”.

Đại tá Ngô Long Minh, nguyên tổng giám đốc Xí nghiệp Liên hợp Ba Son - Ảnh: P.Vũ
Đại tá Ngô Long Minh, nguyên tổng giám đốc Xí nghiệp Liên hợp Ba Son – Ảnh: P.Vũ

Cũng chuyến đi ấy, ông Minh còn tìm được tài liệu, bản vẽ về chiến hạm France, chiếc tàu mà người thợ máy Tôn Đức Thắng đã theo làm thuỷ thủ, đã tham gia phản chiến.

“Từ tài liệu đó, chúng tôi đã thực hiện chính xác mô hình chiến hạm France để đặt tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng, cũng như trước đó đã làm mô hình tàu Amiral Latouche Tréville mà Nguyễn Ái Quốc làm thuỷ thủ đặt tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Tất cả đều là vô giá với chúng tôi, với Ba Son” – ông Minh lặp lại lần nữa.

 

PHẠM VŨ