11/01/2025

Từ xưởng thuỷ đến Ba Son

Không phải ai cũng có dịp tham quan Ba Son, nhưng những ai đã đến Ba Son thì không thể không ấn tượng với chiếc ụ tàu chìm dài hàng trăm mét, rộng và sâu, nguyên vẹn từng viên đá được đẽo hình lục lăng, từng đường ghép nối khít chặt.

 BA SON – TRĂM NĂM CHÌM NỔI: KỲ 2

Từ xưởng thuỷ đến Ba Son

 

Không phải ai cũng có dịp tham quan Ba Son, nhưng những ai đã đến Ba Son thì không thể không ấn tượng với chiếc ụ tàu chìm dài hàng trăm mét, rộng và sâu, nguyên vẹn từng viên đá được đẽo hình lục lăng, từng đường ghép nối khít chặt.



Ụ tàu trong xưởng Ba Son - Ảnh tư liệu
Ụ tàu trong xưởng Ba Son – Ảnh tư liệu

>> Kỳ 1: Xưởng thủy thành Gia Định

Cây thước đo mực nước vẫn rõ ràng từng nấc, dòng chữ ghi dấu ngày khởi công, khánh thành hiện mồn một: “1884 – 1888”, và vẫn hoạt động tốt… Ụ tàu là biểu tượng kỹ thuật và công nghệ của ngày xưởng thuỷ tiếp cận với công nghiệp hiện đại, trở thành Ba Son.

Đóng tàu Albert Sarraut tại xưởng Ba Son
Đóng tàu Albert Sarraut tại xưởng Ba Son

Ụ tàu trăm năm

Năm 1859, quân Pháp và Tây Ban Nha đánh chiếm Sài Gòn lần thứ nhất. Trong tập Ngày Pháp chiếm Nam kỳ có ghi lại tờ trình của đô đốc Rigault de Genouilly với Bộ Hải quân:

“Việc chiếm được thành Sài Gòn và các pháo đài dọc sông đã thu được một số chiến lợi phẩm đáng kể: 200 khẩu đại bác bằng đồng hay sắt, một tàu chiến lớn và bảy, tám thuyền chiến đang đóng trong xưởng. Trong thành có một công binh xưởng đầy đủ…”.

Jean Bouchot chú thích thêm: “Các xưởng này đặt trên rạch Thị Nghè. Trên bờ phải của rạch còn tìm thấy hai ụ tàu đã được đào từ lâu…”.

Sau trận tấn công vào đại đồn Chí Hoà, chiếm hoàn toàn Sài Gòn – Gia Định ngày 25-2-1861, việc đầu tiên quân Pháp thực hiện tại Sài Gòn là khảo sát địa chất để xây dựng xưởng đóng và sửa chữa tàu biển cùng với ụ chìm.

Sau khi hiệp ước Nhâm Tuất (1862) nhượng ba tỉnh miền Đông Nam kỳ được triều đình Huế ký kết, Pháp quyết định chính thức xây dựng arsenal de Saigon (xưởng đóng tàu Sài Gòn).

Vị trí được lựa chọn chính là khu vực thuỷ xưởng của Nguyễn Ánh năm xưa, nơi còn chiếc ụ đất ghép ván đã được sử dụng tạm những ngày còn chiến sự.

Vì một lý do nào đó, như đọc chệch từ tiếng Pháp, bassin – ụ sửa tàu, hay poissons – nhiều cá (theo Eugène Bonhoure trong Indo-Chine 1900 - PV), hay là tên một ông đốc công Nam bộ (theo học giả Vương Hồng Sển trong Sài Gòn năm xưa - PV), mà ngay từ những ngày đầu, người Việt đã gọi xưởng này là Ba Son.

Lần lượt các công trình được thi công: ụ tàu nhỏ, đốc nổi lớn, xưởng gạch ngói, xưởng nồi hơi, xưởng buồm dây, xưởng vỏ tàu, xưởng tời – mái chèo, xưởng gò – hàn, rèn – đúc, cần cẩu, máy công cụ được lắp ráp liên tục…

Xưởng sửa chữa và đóng tàu Ba Son đã thành hình với những công cụ và hoạt động công nghiệp lần đầu xuất hiện ở Việt Nam. Các tàu nhỏ, tàu lớn, tàu chiến cũng như tàu buôn lần lượt nối nhau vào Ba Son nằm ụ để sửa chữa.

Nhu cầu phát triển kinh tế thuộc địa, mở rộng chiến sự để xâm chiếm thêm đất đai của thực dân Pháp càng thúc đẩy sự lớn mạnh của xưởng.

Các trại xưởng bằng gỗ được thay bằng gạch, máy móc ngày một hiện đại hơn, hàng loạt cuộc thăm dò địa chất được tổ chức để tìm địa điểm xây dựng ụ tàu lớn nhằm phục vụ nhu cầu sửa chữa các tàu lớn, chiến hạm Pháp từ khắp nơi trên thế giới.

Sau nhiều thất bại và hàng loạt biện pháp khảo sát: đào giếng, đóng cọc, khoan sâu, vị trí nơi xây dựng ụ lớn đã được xác định trên mỏm đất giữa kênh Thị Nghè và sông Sài Gòn.

Nơi đây không có lớp đá tự nhiên để làm nền nhưng lại có tầng đất sét dày, sâu tới mấy chục mét, bền vững và không thấm nước.

Kỹ sư Berrier Fontaine cho rằng như vậy là đủ điều kiện để xây dựng một công trình đồ sộ và bền vững. Kỹ sư Pavillier nghiên cứu thiết kế và chỉ đạo thi công.

Một công trường khai thác đá được thành lập ở Biên Hoà. Sắt, thép, ximăng, gỗ được chở từ Pháp sang. Hàng ngàn tấn vật liệu và năm năm thi công liên tục, khẩn trương, năm 1888 chiếc ụ lớn đã hoàn thành dài 156m, rộng 21m, sâu hơn 10m.

Gần 130 năm, phục vụ liên tục cho công xưởng hải quân qua mấy cuộc chiến tranh binh lửa, ụ tàu ấy hôm nay vẫn còn nguyên vẹn như ngày khánh thành.

Xây ụ tàu lớn Ba Son năm 1886 - Ảnh tư liệu
Xây ụ tàu lớn Ba Son năm 1886 – Ảnh tư liệu

Bước đi Ba Son

Năm 1890, các xưởng của Ba Son bắt tay vào đóng chiếc tàu đầu tiên. Đến năm 1894, Ba Son hạ thủy thành công bốn chiếc sà lan và một tàu thủy nhỏ.

Năm 1899, được giao đóng thử một chiếc tàu phóng ngư lôi hạng nhất, xưởng đã nhanh chóng hoàn thành và tiếp tục đóng thêm bốn tàu phóng ngư lôi nữa, được các kỹ sư Pháp nhận xét: “Kết quả rất tốt, đúng quy cách, đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật, thời gian thi công nhanh và tiết kiệm nhiều so với mua hoặc đóng ở Pháp”.

Ba Son đã thật sự trở thành một xưởng đóng tàu lớn, hiện đại.

Sản xuất, sửa chữa tàu thuyền trong thời đại của giao thông, vận chuyển đường thủy, lại kiêm thêm vai trò binh công xưởng trong thời gian Pháp nỗ lực mở rộng lãnh thổ bằng vũ lực, Ba Son mau chóng trở thành bộ phận công nghiệp mang tính sống còn với sự hiện diện của người Pháp tại Đông Dương. Chính vì vậy, Ba Son được đầu tư một cách đặc biệt.

Ba Son, sớm nhất Sài Gòn và Đông Dương, được tiếp cận với những thành tựu khoa học kỹ thuật của châu Âu: sử dụng nước máy, máy hơi nước, điện… trong sản xuất.

Sau Ba Son, các nhà máy, cơ sở công nghiệp ở Sài Gòn lần lượt ra đời: năm 1866 – bến tàu Sài Gòn, năm 1869 – nhà máy sợi, máy cưa bằng hơi nước, năm 1877 – nhà máy xay lúa, năm 1885 – nhà máy rượu, năm 1886 – Bưu điện Sài Gòn, năm 1900 – Công ty Nước và điện Đông Dương… Sài Gòn đã trở thành một thành phố thương mại phồn vinh, một thương cảng có sức thu hút đặc biệt.

Trong một cuốn sách hướng dẫn du lịch Đông Dương năm 1913, arsenal de Saigon được quảng cáo: “Vị trí của arsenal hải quân tại ngã ba rạch Thị Nghè và sông Sài Gòn, trên khu vực hải quân công xưởng An Nam cổ.

Cơ quan này là căn cứ chính của hạm đội tàu Pháp ở khu Viễn Đông, có diện tích 22ha, bao gồm ụ tàu 156m. Các xưởng lò rèn và búa máy tại đây được sử dụng để thực hiện việc sửa chữa lớn, thậm chí để xây dựng tàu khu trục. Nhân viên của arsenal de Saigon gồm 1.500 công nhân An Nam và Trung Hoa…”. (Claudius Madrolle, Vers Angkor – Saigon – Phnom Penh, 1913).

Buổi đầu, tham gia đóng, sửa tàu chỉ có những công nhân người Pháp hoặc người Hoa được thuê từ Macau, Hương Cảng, Thượng Hải, Singapore. Nhân công người Việt chỉ được thuê chặt cây, dựng lán trại, đào kênh, đắp đường…

Sau vài năm phát triển, Ba Son đã có những công nhân công nghiệp người Việt đầu tiên. Những người thợ đóng thuyền Việt Nam đã đi từ những kỹ thuật cổ truyền: mộc, rèn, sơn, xảm… đến làm quen với các kỹ thuật mới: điện, tiện, nguội, phay, bào, hàn, lắp ráp động cơ, máy móc…

Hình thức đào tạo nghề cũng ngày một chuyên nghiệp hơn: từ thợ chính đào tạo thợ phụ, Trường Bá nghệ (nay là Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng – PV) được mở ra, trường dạy nghề riêng của xưởng Ba Son cũng được thành lập.

Công nhân kỹ thuật của Ba Son ngày một lành nghề hơn, được đào tạo bài bản hơn, truyền nghề cho nhau không chỉ trong công xưởng mà cả trong gia đình, hình thành nên những thế hệ công nhân truyền đời. Đến nay, ở Ba Son, có gia đình công nhân đã truyền đến đời thứ sáu.

Lịch sử hình thành và đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam cũng khởi đi chính từ xưởng Ba Son này với tiếng tăm của một người thợ: Tôn Đức Thắng.

Tổng công ty Ba Son

Trải qua nhiều đợt chuyển giao sau các biến động lịch sử, hôm nay Tổng công ty Ba Son đã phát triển công nghệ đóng tàu hiện đại, có khả năng sản xuất, hạ thuỷ thành công những tàu tuần tra tìm kiếm cứu nạn xa bờ, có khả năng cứu nạn hàng trăm người, có sàn đỗ cho trực thăng; đã đóng được những tàu tên lửa tấn công nhanh, tàu pháo hiện đại để Quân chủng Hải quân làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo…

P.VŨ

___________

 

PHẠM VŨ