Cụ ông trên 80 tuổi vẫn… học cao học
Đó là trường hợp của học viên Lê Phước Thiệt (sinh năm 1933, ở thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam). Cụ ông Lê Phước Thiệt vừa được Trường ĐH Duy Tân đặc cách học cao học khoá 12 ngành quản trị kinh doanh.
Cụ ông trên 80 tuổi vẫn… học cao học
Đó là trường hợp của học viên Lê Phước Thiệt (sinh năm 1933, ở thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam). Cụ ông Lê Phước Thiệt vừa được Trường ĐH Duy Tân đặc cách học cao học khoá 12 ngành quản trị kinh doanh.
Cụ Lê Phước Thiệt (83 tuổi, đứng giữa) cùng những người cháu của mình tại buổi khai giảng cao học khoá 12 Trường ĐH Duy Tân – Ảnh: T.TRUNG |
Trong buổi khai giảng khoá cao học mới đầu tháng 8, nhiều người đã bất ngờ khi ở hàng ghế học viên xuất hiện một người tóc bạc trắng ở tuổi… cụ.
Cụ Thiệt đến với buổi khai giảng khoá học mới cùng với những người cháu đang ở tuổi ông bà. Khi được mời lên phát biểu trước 145 học viên khoá mới, cụ Thiệt lạc quan: “Tôi già rồi, có khi gấp ba tuổi đời các anh chị ở đây nên nhiều khi chậm chạp, lẩm cẩm và hay quên lắm.
Dù sức khoẻ không được tốt nhưng tôi cũng sẽ cố gắng theo cho kịp để lấy bằng cao học, có gì mong các anh chị giúp đỡ”.
Cụ Thiệt có bằng ĐH kinh tế tài chính ở Đại học bang California, ở Hayward. Một năm trước, cụ đến Trường ĐH Duy Tân để đăng ký thi cao học nhưng không ngờ được nhà trường đặc cách trúng tuyển và miễn hoàn toàn học phí.
Các người cháu của cụ Thiệt kể cụ qua Mỹ năm 1975. Những năm mới qua đây có quá nhiều khó khăn, phải đi làm quần quật để nuôi vợ và bảy người con nên không có điều kiện đi học. Đến năm 1995 khi các con đã tạm yên bề gia thất cụ mới đăng ký đi học ĐH.
“Tôi bắt đầu học ĐH năm 62 tuổi nên phải mất tới gần bảy năm mới ra trường. Hồi đó mình cũng thảnh thơi ngồi nghĩ ngợi. Tôi thấy người châu Á mình phải qua đó học rất nhiều trong khi tôi ở ngay bản địa mà không học cũng phí thời gian nên đăng ký đi học.
Người Việt mình thấy ở tuổi tôi mà còn đi học lấy làm lạ nhưng bên đó những người như tôi không phải hiếm. Bên Mỹ họ hay bảo “never too late” tôi thấy cũng đúng vì tôi lấy bằng đại học năm 69 tuổi kia mà” – cụ Thiệt nói rồi khoe chiếc nhẫn có khắc con số 2001, năm tốt nghiệp ĐH.
Tới năm 2013 cụ Thiệt và vợ quyết định về sống hẳn ở quê nhà để thuận tiện cho việc điều trị bệnh giảm trí nhớ của vợ. Hiện nay vợ chồng cụ đang ở cùng những người cháu gọi bằng cậu. Còn 7 người con, 15 người cháu và 3 chắt của hai cụ vẫn định cư tại Mỹ.
Giải thích lý do đi học cao học ở tuổi xưa nay hiếm, cụ Thiệt bảo: “Không ai bắt mình phải hành xác. Ở tuổi này tôi đi học cũng chẳng phải vì chức tước hay điều gì cả.
Tôi muốn đi học đơn giản vì nghĩ rằng chỉ có học mới duy trì được trí nhớ, hơn nữa tôi cũng muốn làm gương cho con cháu biết quý trọng kiến thức hơn tiền bạc”.
Để chuẩn bị cho hành trang cao học, cụ Thiệt và những người cháu của mình đã tính đến việc thuê ký túc xá gần trường và biển để vừa thuận tiện đi học, vừa thuận tiện cho việc luyện tập sức khoẻ.
Nhận xét về việc được đặc cách xét tuyển mà không qua thi cử, cụ Thiệt hóm hỉnh: “Không phải mình đi xin đâu nhé mà là vì mình tuổi cao, lại có bằng ĐH ở Mỹ nên mới được.
Mình chỉ có lợi thế là tiếng Anh nhưng ở tuổi mình thì làm sao theo kịp các bạn trẻ nên cũng hơi lo. Chỉ mong mình có đủ sức khoẻ để theo hết chương trình học”.
Trong buổi lễ khai giảng, NGƯT Lê Công Cơ, hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, nói: “Chúng tôi rất vui khi được nhìn thấy tấm gương hiếu học của cụ Thiệt ở đây.
Tôi mong tất cả chúng ta noi gương cụ Thiệt cùng học tập với tinh thần sáng tạo, làm sao đưa ra được những đề tài giá trị có tính ứng dụng cao ra xã hội và đặc biệt không để xảy ra tiêu cực trong quá trình học”.
Hai vợ chồng nhận chứng chỉ đào tạo luật sư ở tuổi 70
Sau thời gian miệt mài đèn sách, tối 7-8, vợ chồng ông Trần Hữu Tài (71 tuổi) và bà Lê Thị Bạch Vân (68 tuổi) lại có mặt tại buổi lễ bế giảng và nhận chứng chỉ tốt nghiệp khoá đào tạo nghiệp vụ luật sư tại Học viện Tư pháp cơ sở TP.HCM (số 3 Dân Chủ, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức). Trước đó cũng tại Học viện Tư pháp hồi tháng 6-2014, cả hai vợ chồng cũng đã nhận chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ công chứng lúc cả hai vợ chồng đều gần 70 tuổi. Phát biểu tại buổi lễ, thầy Nguyễn Trường Thiệp, phó giám đốc Học viện Tư pháp, phụ trách phía Nam, đã biểu dương tinh thần ham học của hai “học viên cao tuổi” trước sự ngạc nhiên của nhiều quan khách. Cũng trong bài phát biểu, thầy Thiệp nhấn mạnh rằng chương trình đào tạo nghiệp vụ luật sư là đào tạo về kỹ năng hành nghề nên rất nặng so với các nghiệp vụ khác, nhiều bạn trẻ đã tốt nghiệp thạc sĩ luật nhưng khi học chương trình này cũng phải rất cố gắng mới qua được. Vì thế, để nhận được chứng chỉ này, các học viên phải nỗ lực phấn đấu không ngừng. Nhiều thầy cô có chung một nhận xét khi nói về hai học viên đặc biệt này: “Tuy lớn tuổi nhưng hai học viên này luôn tham gia đầy đủ các buổi học. Trong các hoạt động văn nghệ, thể thao do trường tổ chức, tuy không trực tiếp tham gia nhưng hai vợ chồng anh Tài chị Vân luôn là những cổ động viên nhiệt tình nhất, họ là những tấm gương và là động lực tinh thần cho các học viên khác”. Hiện tại ông Tài và bà Vân đều là giáo viên đã nghỉ hưu, đang sinh sống tại phường 3, quận 6, TP. HCM. Họ đã cùng nhau học và lấy bốn bằng ĐH và nhiều chứng chỉ nghiệp vụ khác. Khi được hỏi về kế hoạch sắp tới của hai vợ chồng, ông Tài tâm sự: “Trước mắt, chúng tôi sẽ tìm nơi đăng ký tập sự hành nghề luật sư. Trong thời gian tập sự, nếu điều kiện sức khoẻ và kinh tế cho phép, chúng tôi sẽ tiếp tục đăng ký thi và học thạc sĩ luật ở một trường nào đó phù hợp”. |