Hệ thống kênh tạo nên sự khác biệt cho Bruges
|
Vừa đặt chân đến thành phố Bruges (Bỉ), tôi có cảm giác như mình đang lạc vào một bộ phim tái hiện quá khứ xa xôi trong tiềm thức. Đó là con đường lát đá gồ ghề, tiếng vó ngựa lách cách, những ngôi nhà cổ nhỏ thấp với những cánh cửa gỗ nâu đỏ được ghi phía ngoài là xây dựng từ thế kỷ 13 – 16. Đó là những tu viện cổ của các nữ tu dòng Begijnhof, nhà thờ Đức Mẹ cao 122 m.
Đó còn là nhà thờ Heilig Bloedbasiliek uy nghiêm sừng sững có từ thế kỷ 12, tượng Đức mẹ Madonna và con trai vốn được cho là công trình điêu khắc duy nhất của Michelangelo bên ngoài nước Ý, giáo đường Saint Salvator và tòa thị chính Bruges… Tất cả đem đến cảm giác đắm chìm trong quá khứ, gợi nhớ dư âm của một thời hoàng kim nơi đây.
Một thời hoàng kim
Bruges vừa là thủ phủ, vừa là thành phố lớn nhất của tỉnh Flanders, nằm ở phía tây bắc nước Bỉ, gần biên giới Hà Lan. Bruges rộng khoảng 140 km2, dân số khoảng 117.000 người sử dụng ngôn ngữ Pháp, Đức và Hà Lan.
Theo một số tài liệu lịch sử, Bruges từng là một trong các cảng quan trọng nhất trên “Con đường hổ phách”, dùng để chỉ cụm tuyến thương mại vận chuyển hổ phách có từ thế kỷ 16 trước Công nguyên, nối liền châu Á, châu Âu và cả Bắc Phi cùng biển Baltic. Tuy nhiên, phải đến gần 3.000 năm sau, vào khoảng thế kỷ 13, Bruges mới thực sự vươn tầm trở thành một trong các thành phố thịnh vượng và sầm uất nhất châu Âu. Lúc bấy giờ, với vị trí đắc địa, Bruges ban đầu là cửa ngõ quan trọng kết nối thị trường vải của Pháp.
Hệ thống mạng lưới kênh đào được xây dựng từ thế kỷ 12 cũng trở thành mạng lưới hạ tầng vào sự phát triển thương mại Bruges về sau. Không dừng lại ở đó, các thương nhân ở thành phố này nhanh chóng cải tiến hoạt động kinh doanh, không còn bị giới hạn bởi những mô hình cũ. Giới thương nhân quốc tế cũng tập trung về Bruges nhiều hơn. Trong đó, theo tài liệu lịch sử được lưu giữ bởi Bảo tàng Ngân hàng quốc gia Bỉ, giới thương nhân Ý kết hợp cùng người buôn bán địa phương dần hình thành việc trao đổi hàng hoá bằng hình thức trái phiếu, hối phiếu. Vì thế, Bruges được xem là nơi khai sinh ra thị trường chứng khoán.
Vào thế kỷ 14, Bruges trở thành đầu mối nối kết hai khu vực thương mại rộng lớn là Địa Trung Hải và biển Baltic. Thành phố này không còn giới hạn với một số mặt hàng truyền thống mà còn trở thành nơi giao thương của nhiều loại sản phẩm như len, rượu, gia vị… Chính vì thế, khoảng từ thế kỷ 14 – 16, Bruges được xem là thành phố giàu có, thịnh vượng và sầm uất nhất châu Âu, trở thành một dấu ấn quan trọng của lịch sử thương mại thế giới.
Dấu ấn ngày cũ
Năm tháng dần qua, những biến chuyển của lịch sử khiến Bruges không còn là nơi phồn hoa đô hội. Mặc dù vậy, những giá trị mà Bruges hình thành trong suốt hàng ngàn năm lịch sử giúp nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn ở châu Âu.
Tháp chuông ở khu trung tâm – Ảnh: N.H.A
|
Trong khu phố cổ là một quần thể kiến trúc từ thời Trung cổ được bảo tồn nguyên vẹn, đã được UNESCO công nhận di sản văn hoá thế giới vào năm 2000. Bruges được xếp hạng là một trong 5 thành phố cổ đẹp nhất châu Âu. Nơi đây bạn chỉ có thể đi bộ, đi xe đạp, xe ngựa hoặc đi tàu dọc các con kênh mà hai bên bờ kênh là những ngôi nhà xây sát mép nước được bao phủ bởi cây xanh và hoa.
Hệ thống các con kênh đào chằng chịt ở Bruges đã tạo nên một vẻ đẹp khó trộn lẫn với các thành phố cổ châu Âu khác. Thêm vào đó, những sắc hoa đa màu mọc quanh bờ kênh hay trên những lan can các ngôi nhà khiến cả thành phố như một bức tranh nghệ thuật khổng lồ, để người ta có thể gọi Bruges là Venice của vùng phương bắc.
Cứ 30 phút có một chuyến tàu thủy nhỏ đưa du khách đi ngang dọc các dòng kênh xanh mát. Đâu đó các ngôi nhà hai bên bờ kênh được trang trí những bức tranh làm từ ren, đăng ten, đan móc các kiểu, các loại hoa hay hình khối khác nhau, hoài niệm về một thành phố làm ren sôi động một thời. Xen lẫn trên phố là các cửa hàng bán sô cô la hay các quán cà phê mang phong cách cổ điển vẫn nườm nượp khách ra vào mua bán hay ngồi hóng mát hai bên bờ kênh trong xanh. Khung cảnh càng hữu tình hơn với những bầy thiên nga trắng lững thững bơi lội, hay cùng bầy vịt trời phơi mình tắm nắng bên những rặng liễu, rặng hoa rủ xuống đong đưa. Đâu đó những cô gái trong bộ váy áo nóng bỏng đối nghịch với dãy hàng đồ cổ đồ cũ dọc bờ kênh tạo nên những nét chấm phá tuyệt vời. Du khách còn có thể ghé thăm bảo tàng kim cương, bảo tàng ren, đăng ten hay bảo tàng sô cô la cũng có nguồn gốc lịch sử rất lâu đời từ đây.
Tối đến, trong các quán ăn dưới các hầm rượu, hoà quyện cùng không gian xưa cũ thân thương, bình yên, ấm áp của một thành phố cảng sầm uất thời Trung cổ là các loại bia nổi tiếng. Kèm theo đó, các món thịt nướng hay vị ngọt thơm ngất ngây của sô cô la nóng hay trong món bánh táo ăn kèm kem hạnh nhân tráng miệng cứ như muốn níu chân du khách với lời thì thầm: “Đừng về, hãy ở lại nơi đây, hỡi bạn!”.
Nhờ vào sự sầm uất và thịnh vượng, Bruges còn thu hút giới nghệ sĩ và những người ưu tú trong nhiều lĩnh vực khác. Chính vì thế, không có gì khó hiểu khi thành phố này trở thành nơi duy nhất bên ngoài nước Ý có tác phẩm của Michelangelo (1475 – 1564) – một tượng đài thời phục hưng Ý.
Họa sĩ nổi tiếng Jan van Eyck (1370 – 1441) dành phần lớn cuộc sống của mình ở Bruges và một bức tượng tôn vinh ông được tìm thấy tại quảng trường được đặt tên theo nhà điêu khắc Jan Calloigne. Cho nên, bên cạnh vị thế cầu nối giao thương, Bruges còn là thành phố của hội hoạ và điêu khắc với các tác phẩm hội hoạ, điêu khắc hiện diện khắp mọi nơi.
|