28/11/2024

Khoét sông đắp đường cao tốc

Tình trạng thiếu trầm trọng đất để san lấp, đắp nền dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đã khiến lòng sông mẹ Vu Gia – Thu Bồn ở Quảng Nam dậy sóng bởi ghe tàu hút cát ngày đêm.

 

Khoét sông đắp đường cao tốc

 

Tình trạng thiếu trầm trọng đất để san lấp, đắp nền dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đã khiến lòng sông mẹ Vu Gia – Thu Bồn ở Quảng Nam dậy sóng bởi ghe tàu hút cát ngày đêm.


Xe ben chở cát sông Thu Bồn về làm đường cao tốc, đoạn đường dẫn vào cầu Kỳ Lam - Ảnh: Tr.Trung
Xe ben chở cát sông Thu Bồn về làm đường cao tốc, đoạn đường dẫn vào cầu Kỳ Lam – Ảnh: Tr.Trung

Đi theo sông Vu Gia – Thu Bồn đoạn qua huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn những ngày cuối tháng 7, chúng tôi bất ngờ trước tình trạng khai thác cát vô tội vạ, tràn lan từ các bãi ven sông xuống đáy sông.

Tiếng ghe, tàu hút cát xình xịch đêm ngày đã khiến đoạn sông nhộn nhịp này “không bao giờ ngủ”.

Đại công trường giữa lòng sông

Những ngày này, các con đường làng dẫn tới đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đều tấp nập các loại xe chở cát ra vào.

Khi ánh điện ca ba hối hả trên công trường đường cao tốc biến đêm thành ngày cũng là lúc dưới sông, các sà lan chở cát cao ngút biến những đoạn sông thành tuyến đường thủy nhộn nhịp.

Đứng nhìn hàng trăm xe cát lũ lượt mỗi ngày chạy ngang để xây hầm đường bộ đường cao tốc đoạn qua xã Duy Sơn (H.Duy Xuyên), anh Trần Xuân Tám (thôn Chiêm Sơn) nói: “Không biết lấy đâu ra nhiều cát thế, ngày nào cũng vài trăm lượt xe chạy từ ngã ba Trà Kiệu vào đây. Xe chở cát chạy liên tục, choán hết tuyến đường đi, bụi bay mờ mịt”.

Chúng tôi bám theo những xe chở cát tìm đến bãi tập kết cát dưới chân cầu Chìm (xã Duy Trung, H.Duy Xuyên). Người dân ở đây bảo cát chở đến hầu hết là cát khai thác dọc sông Bà Rén.

Men theo bên bờ sông, chúng tôi nhìn thấy hàng chục lượt ghe chở cát từ hướng cầu Bà Rén về đây mỗi giờ.

Chị Lê Thị Bông (xã Duy Trung) có đất canh tác dọc sông Bà Rén, chỉ cho chúng tôi xem một vạt đất hình “vầng trăng khuyết”, rồi nói:

“Ban ngày các tàu khai thác cát ở giữa lòng sông nhưng ban đêm thường hay đun vòi vào khu vực bãi bồi cạnh điểm tập kết này để hút cát. Dân tụi tui đã phản ảnh nhưng không thấy dẹp, mấy hôm sau bờ sông cạnh bãi nhà tôi bị hút mất”.

Đứng trên cầu đường sắt Kỳ Lam, nối xã Điện Quang và Điện Thọ (thị xã Điện Bàn), nhìn xuống bên dưới thật khó có thể tưởng tượng đây là sông, bởi nơi đây đã biến thành đại công trường… cát.

Khi con đường cao tốc được đắp cát cao ngất thì dưới lòng sông, hàng giờ ghe, tàu, sà lan chở cát qua cầu không ngơi nghỉ. Các sà lan chở cát nặng nề, sàn sà lan ngấp nghé con nước, liên tục qua lại biến đường sông này trở nên nhộn nhịp mà nhiều người dân quê chưa bao giờ ngờ tới.

Từng bãi cát mịn nằm phơi mình dưới nắng liên tục được hút đầy lên các sà lan này để chở về tập kết ở khu vực cầu Kỳ Lam, từ đó các xe chở đi đổ xuống đắp đường cao tốc.

“Đời tôi chưa bao giờ thấy khai thác cát kinh hoàng như mấy năm nay. Từ sáng tới tối ghe khai thác đi đụng nhau trên sông. Dự án về quê hương như sang trang mới, bởi có cầu, có đường. Bao năm nay ở đây chỉ có mỗi “đặc sản” là lũ nên giờ khai thác cát thế này lũ về cũng ớn.

Mới hơn một năm mà đã xoá sổ một bãi đất phía bắc hơn 200m, cứ đà này mà không được bồi lấp là mấy khu vực này dễ “đi” luôn” – anh Nguyễn Hoàng Thành, người dân xã Điện Thọ, lo lắng.

Đại công trường dưới lòng sông Thu Bồn, thuộc xã Điện Quang - Ảnh: Tr.Trung
Đại công trường dưới lòng sông Thu Bồn, thuộc xã Điện Quang – Ảnh: Tr.Trung

Dự án tràn qua mới mở mỏ cát

Mùa này, tại nhánh sông Thu Bồn ở khu vực bến Giáng Ngự (cầu Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, H.Duy Xuyên) êm đềm như tranh vẽ.

Từ trên cầu đường sắt nhìn xuống có ô xanh mơn mởn, có mảng đã ngả vàng. Đó là màu của những cánh đồng ngô và đậu bắp đang vào mùa thu hoạch.

Vậy mà cách đó không xa, tiếng máy nổ xình xịch từ hàng chục xe múc, máy ủi và xe ben chở cát phục vụ dự án đường cao tốc xé tan không gian yên tĩnh. Để thuận tiện khai thác, người ta đã mở một đường lớn để các phương tiện cơ giới qua lại dưới lòng sông vào mùa con nước nhỏ.

Con đường dài này vắt ngang qua sông nối hai bờ. Khi phát hiện lực lượng chức năng truy quét, những người khai thác cát mở một lối đi mới qua xã Điện Quang.

Ông Trần Huỳnh Quang, người dân ở đây, cho biết những người khai thác cát tại đây tranh thủ làm nhiều đoạn đường tạm từ bãi khai thác khớp nối với các tuyến đường này nhằm tiết kiệm chi phí vận chuyển cát.

Theo ban điều hành dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đường cao tốc này cần hơn 26 triệu m3 đất, cát để san lấp, đắp nền nhưng đào đắp đất tại chỗ chỉ được hơn 4 triệu m3, vậy là còn thiếu 22 triệu m3, trong đó Quảng Nam thiếu khoảng 14 triệu m3.

Theo ông Nguyễn Thế Hởi, trưởng Phòng tài nguyên – môi trường H.Duy Xuyên, việc quản lý lòng sông Thu Bồn hết sức phức tạp, trước đây việc khai thác cát trái phép trên sông rất khó kiểm soát bởi “cát tặc” chạy từ địa phương này sang địa phương khác, ghe tàu không đăng kiểm gì cả.

Khi đường cao tốc triển khai, tình trạng khai thác cát rầm rộ lên nên tỉnh đã tăng cường, thành lập các tổ chốt chặn kiểm tra. Ông Hởi cho biết việc cấp phép khai thác cát do cấp tỉnh thực hiện, còn việc quản lý thì do cấp huyện.

“Hiện nay ngoài tổ chốt chặn do tỉnh thành lập còn có các tổ của huyện và xã cùng kiểm tra các trường hợp khai thác cát trái phép” – ông Hởi khẳng định.

“Nhu cầu cát phục vụ xây dựng là rất lớn nên tôi đề nghị tỉnh phải tính toán trước nhu cầu để cấp giấy phép mở mỏ cát cho hợp lý, chứ không nên có dự án tràn qua thì mới bắt đầu tìm mỏ lấy cát vô tội vạ khiến các lòng sông bị huỷ hoại trầm trọng” – ông Hởi đề xuất.

Còn ông Phan Minh Dũng, phó chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, cho biết hiện trên địa bàn có 128 phương tiện được đăng kiểm, có 21 bến bãi tập kết cát dọc sông và có năm trạm kiểm soát đường sông ở năm xã để kiểm tra, kiểm soát việc khai thác cát trái phép.

Trước đây không có phương tiện nào được đăng kiểm, thuyền không số chạy tứ tung trên sông. Vừa qua tỉnh Quảng Nam cử tổ công tác ra làm triệt để nên giờ mới nắm được số lượng tàu thuyền này.

Ông cũng xác nhận việc khai thác cát trái phép vẫn còn diễn ra làm sạt lở bờ. Còn các đơn vị khai thác theo giấy phép được quy hoạch UBND tỉnh cấp thì huyện giám sát, quản lý tình trạng khai thác cát.

“Trên địa bàn hiện có bốn mỏ được tỉnh cấp phép khai thác từ 6g sáng đến 6g tối. Hằng tháng đều có người đến đo đạc cắm mốc kiểm tra toạ độ các mỏ khai thác này.

Với nhu cầu cát trong ngành xây dựng tăng cao, UBND tỉnh phải quyết định cho khai thác nhưng việc khai thác ở đâu, sản lượng bao nhiêu, tác động đến đời sống dân cư như thế nào phải được quản lý.

Đồng thời phải tăng cường công tác quản lý tại địa phương, kiểm soát được toạ độ, vị trí khai thác cát… thì mới mong việc khai thác cát trái phép, ảnh hưởng đến đời sống người dân chấm 
dứt” – ông Dũng nói.

Loạn xạ cát trái phép và có phép

Hồi giữa tháng 7, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Sở GTVT chủ trì phối hợp với các ngành gồm cảnh sát môi trường, CSGT đường thuỷ, thanh tra Sở TN-MT thành lập trạm kiểm tra, kiểm soát các phương tiện đường thuỷ trên các sông Vu Gia, Thu Bồn nhằm chống nạn khai thác cát, sỏi trái phép.

UBND tỉnh cũng đã yêu cầu đơn vị thi công các công trình xây dựng trên địa bàn, nhất là đơn vị tham gia xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi phải sử dụng đất, cát, sỏi có nguồn gốc rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng vật liệu do các đối tượng khai thác trái phép cung cấp.

Một lãnh đạo ban điều hành dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi cho biết rất khó xác định được các đơn vị xây dựng sử sụng đất, cát, sỏi trái phép hay có phép bởi họ đều mua từ nhiều nguồn khác nhau đổ tại công trường, có hoá đơn, chứng từ hợp pháp.

 

VIỆT HÙNG – TRƯỜNG TRUNG