10/01/2025

Đức Thánh Cha tiếp Phong trào Giới trẻ Thánh Thể

VATICAN – Sáng ngày 7-8-2015, ĐTC đã tiếp kiến hàng ngàn bạn trẻ quốc tế thuộc Phong trào Giới trẻ Thánh Thể, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập phong trào. 1.500 thành viên thuộc 38 đoàn đại biểu quốc gia Phong trào Giới trẻ Thánh Thể, trong đó phần lớn là các Huynh trưởng Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể, tham dự đại hội quốc tế ở Roma từ ngày 4 đến 7-8-2015.

Đức Thánh Cha tiếp Phong trào Giới trẻ Thánh Thể
 

Đức Thánh Cha tiếp Phong trào Giới trẻ Thánh Thể – OSS_ROM

VATICAN – Sáng ngày 7-8-2015, ĐTC đã tiếp kiến hàng ngàn bạn trẻ quốc tế thuộc Phong trào Giới trẻ Thánh Thể, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập phong trào.

1.500 thành viên thuộc 38 đoàn đại biểu quốc gia Phong trào Giới trẻ Thánh Thể, trong đó phần lớn là các Huynh trưởng Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể, tham dự đại hội quốc tế ở Roma từ ngày 4 đến 7-8-2015. Phong trào do các cha Dòng Tên, Phân bộ Phong trào Tông đồ Cầu nguyện đề xướng và đang hiện diện tại 56 quốc gia trên thế giới, với hơn 1.100.000 đoàn viên, tuổi từ 5 đến 25.

Tham dự buổi tiếp kiến cũng có Cha Adolfo Nicolas, Bề trên Tổng quyền Dòng Tên. Ngoài ra có một số Huynh Trưởng người Việt của phong trào này ở Mỹ, Canada, Australia và một số nơi khác.

Mở đầu buổi tiếp kiến, Cha Frédéric Fornos, Dòng Tên, Tổng Giám đốc Thừa uỷ của Phong trào, đã giới thiệu Phong trào Giới trẻ Thánh Thể và các thành phần hiện diện, trong số 1.500 đại biểu có 120 bạn trẻ nói tiếng Tây Ban Nha, 54 người nói tiếng Bồ Đào Nha, 471 người nói tiếng Anh, 412 nói tiếng Ý, 330 bạn trẻ nói tiếng Pháp và nhiều người nói các ngôn ngữ khác. Ngoài ra có 600 thân nhân của các bạn trẻ. Cha nhắc lại rằng Phong trào được khai sinh năm 1915, vào đầu Thế chiến I, trong thời kỳ đen tối và bạo lực, để cầu nguyện cho hoà bình.

6 đại biện bạn trẻ nam nữ từ Sénégal, Indonesia, Pháp, Argentina, Brazil, Đài Loan đã lần lượt tự giới thiệu và nêu thắc mắc với ĐTC.


Huấn dụ của ĐTC

Trong phần trả lời và huấn dụ, ngài ứng khẩu nhắn nhủ các bạn trẻ đừng sợ những căng thẳng và xung đột, đó là điều vẫn thường xảy ra trong cuộc đời, trong gia đình, trong xã hội. Đó là những chuyện thường tình trong cuộc sống. Chỉ nơi thiên đời mới không có căng thẳng và xung đột. Điều quan trọng là đừng để căng thẳng biến thành xung đột, nhưng tìm cách giải quyết bằng đối thoại. Căng thẳng xảy đến để giúp chúng ta tiến bước hướng về một sự hoà hợp lớn hơn; căng thẳng làm cho chúng ta tăng trưởng.

Về xung đột. Cả những xung đột cũng giúp chúng ta hiểu những khác biệt và làm cho chúng ta hiểu rằng nếu không giải quyết xung đột, thì sẽ có một cuộc sống chiến tranh. Trong một xã hội như Indonesia (Gregorius nêu câu hỏi là người nước này) với bao nhiêu nền văn hoá khác nhau trong đó, cần phải tìm sự hiệp nhất trong sự tôn trọng căn tính của mỗi người. Xung đột được giải quyết bằng sự tôn trọng căn tính..

Tiếp đến, ĐTC kêu gọi các bạn trẻ hãy cầu xin Chúa ban ơn hoà bình trong nội tâm giữa các thử thách và khó khăn. Cần tránh thứ hoà bình hời hợt bên ngoài. ĐTC cho biết ngài rất vui khi thấy bao nhiêu bạn trẻ tin tượng nơi sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu trong Thánh Thể. Ngài nhắc nhở các bạn trẻ về các ông bà nội ngoại trong gia đình như kho tàng ký ức. Các ông bà là những người bị quên lãng nhiều ngày nay và khuyến khích các bạn trẻ hãy năng liên lạc và nói chuyện với các ông bà của mình. ĐTC không quên nhắn nhủ các bạn trẻ tìm gặp Chúa Giêsu trong cuộc sống của mình.

Trong những ngày đại hội, các bạn trẻ có những cuộc gặp gỡ, cầu nguyện, thuyết trình, hành hương và lễ hội, với chủ đề tổng quát là “Để niềm vui ở cùng các con”. Mỗi ngày có một tiểu đề phản ánh chủ đề ấy, ví dụ “Niềm vui được ở cùng nhau”, “Niềm vui của sứ mạng”, “Niềm vui được là thành phần của dân Chúa”.

Ngày 7-8 được dành cho các cộng đồng Kitô tiên khởi, với cuộc viếng thăm Hang Toại đạo Thánh Callisto ở Roma.

Sau phần huấn dụ của ĐTC, các vị đại diện của 38 phái đoàn quốc gia đã được ngài đích thân bắt tay chào thăm, trong đó có Cha Phanxicô Nguyễn Bình, Dòng Ngôi Lời, điều hợp viên toàn quốc Hoa Kỳ của Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể; Chị Hà Thị Kim Lý từ Australia; và Anh Huỳnh Ngọc Trung từ Canada.
 

G. Trần Đức Anh OP