10/01/2025

Lộ bảo vật quốc gia sau cơn mưa

Hành trình “giải mã” những bí ẩn của thời gian ẩn sâu dưới lòng đất mà giới khảo cổ theo đuổi luôn chứa đựng bất ngờ. Nhiều di chỉ hàng nghìn năm tuổi tại Quảng Nam được phát lộ từ những manh mối khó tin nhất, nhưng lại cho kết quả đặc biệt.

 

Bất ngờ lòng đất – Kỳ 1: Lộ bảo vật quốc gia sau cơn mưa

 

 

Hành trình “giải mã” những bí ẩn của thời gian ẩn sâu dưới lòng đất mà giới khảo cổ theo đuổi luôn chứa đựng bất ngờ. Nhiều di chỉ hàng nghìn năm tuổi tại Quảng Nam được phát lộ từ những manh mối khó tin nhất, nhưng lại cho kết quả đặc biệt.


Phát hiện bảo vật ở góc đông bắc tháp E1 sau trận mưa lớn - Ảnh: BQL Di tích và du lịch Mỹ Sơn cung cấpPhát hiện bảo vật ở góc đông bắc tháp E1 sau trận mưa lớn - Ảnh: BQL Di tích và du lịch Mỹ Sơn cung cấp

Ekamukhalinga, linga có hình đầu thần Siva, được công nhận bảo vật quốc gia hồi tháng 1.2015 sau lần tìm thấy rất tình cờ từ một cơn mưa lớn tại tháp Mỹ Sơn E1, nhưng cuộc tìm kiếm bảo vật này vốn dĩ đã manh nha từ hàng chục năm trước.

Hàng chục năm dò tìm
Có chẵn 20 năm công tác tại Mỹ Sơn, ông Nguyễn Công Hường (nguyên Trưởng ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn) khẳng định “dấu vết” của bảo vật đã được lờ mờ nhận ra qua các tư liệu từ bia ký tháp E1 và dự đoán của nhà khảo cổ danh tiếng người Pháp H.Parmentier. “Nhưng rồi, linga lại được tìm thấy trong trường hợp bất ngờ nhất”, ông Hường nhớ lại.
Đó là buổi sáng mùa đông năm 2012, mưa lớn kéo dài gây ngập nặng ở khu E, F. Nhóm cán bộ của tổ bảo tồn bám sát hiện trường để xử lý nước bề mặt. Việc mở rãnh thoát nước rất cẩn thận, chủ yếu dùng tay bới. Lúc đó, họ chỉ chạm vào phần nhỏ như miệng chén của hiện vật, sau mới nhận rõ phần đỉnh của linga. Riêng đầu thần Siva tạc trên đỉnh linga lại úp xuống dưới, khiến cho cuộc bóc tách từng lớp đất trở nên hồi hộp hơn bao giờ hết. Họ nhanh chóng khoanh vùng và tổ chức khai quật kỹ lưỡng, nếu không rất dễ làm hỏng chi tiết đầu thần Siva. “Các chuyên gia Ý cũng đã sớm nghi ngờ khu vực này có Ekamukhalinga, nhưng hơn 10 năm để tâm tìm kiếm họ vẫn không phát hiện. Cuối cùng, sau một cơn mưa, các cán bộ bảo tồn của Mỹ Sơn lại thấy linh vật. Nói không phải quá lời đây rõ ràng là hồng phúc, là cơ duyên của Mỹ Sơn”, ông Hường tâm sự.
Chúng tôi vẫn chưa quên cảm giác khác lạ của mình khi đối diện Ekamukhalinga, lúc linh vật vừa “rời” khoảnh đất ẩm ướt cạnh tháp E1 để chuyển về lưu giữ trong kho. Còn bây giờ thì bảo vật được cẩn thận lồng trong khung kính, giới thiệu rộng rãi cho công chúng. Địa phương cũng sửa soạn đón bằng công nhận bảo vật quốc gia cho linh vật, nhưng theo tính toán của ông Đinh Hài (Giám đốc Sở VH-TT-DL) cần “lồng ghép” với sự kiện văn hoá nào đó tại Mỹ Sơn để tạo thêm sự chú ý trong giới nghiên cứu, du khách và người dân địa phương.
Kiệt tác vùi dưới đất
Bản thuyết minh do Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn (Quảng Nam) lập khi đề nghị công nhận bảo vật quốc gia có đưa ra 2 lý do để lựa chọn Ekamukhalinga. Ngoài yếu tố gốc, độc bản và duy nhất trong tổng số 1.010 hiện vật đăng ký ở khu di tích Mỹ Sơn, đây còn là hiện vật duy nhất thể hiện linga có đầu thần Siva trong nền nghệ thuật điêu khắc Champa. So sánh niên đại khoảng đầu thế kỷ 8 và vị trí phát hiện tại góc đông bắc tháp E1, các nhà nghiên cứu kết luận nhiều khả năng đây chính là linga trên đài thờ Mỹ Sơn E1 từng được nhắc đến trong các văn bia Chăm. Sự liên hệ mật thiết với đài thờ Mỹ Sơn E1 – bảo vật quốc gia công nhận năm 2012 và trưng bày tại Bảo tàng điêu khắc Chăm TP.Đà Nẵng – khiến Ekamukhalinga được nâng tầm giá trị, được nhìn nhận là kiệt tác của nền điêu khắc Champa dựa trên phong cách thể hiện cũng như giá trị lịch sử của chính nó.
Hình dáng lạ lẫm của Ekamukhalinga tại Mỹ Sơn ngay lập tức thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu. Với chất liệu đá sa thạch vàng nâu, hiện vật có 3 phần gần bằng nhau gồm hình tròn, hình bát giác và hình vuông, cao 126 cm. Riêng phần hình tròn trên cùng chạm nổi đầu tượng của đấng Huỷ diệt và Tái tạo vũ trụ trong Ấn Độ giáo. Khuôn mặt của đầu tượng hiển lộ rõ nét thanh tú, trang nghiêm của thần Siva dù đã bị mòn mờ ít nhiều một cách tự nhiên qua thời gian. Đầu tượng có kiểu búi tóc cao khá tiêu biểu, phía sau lại có đường vân đá cong hình cánh cung tương đối đều nhau…
PGS-TS Ngô Văn Doanh (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á) nhận xét Ekamunkhalinga ở Mỹ Sơn có đầy đủ chuẩn mực về hình dáng và ý nghĩa biểu tượng, là chiếc Mukhalinga (linga có hình người) thực sự bằng đá đầu tiên của Champa được phát hiện. Nhà nghiên cứu này cũng không tiếc lời khen ngợi đây là một trong những Mukhalinga đẹp và độc đáo nhất của cả khu vực Đông Nam Á thời cổ. Linh vật ấy đã chọn cách để hiển lộ không thể bất ngờ hơn, sau bao nhiêu năm dò tìm trong khấp khởi hy vọng của những người biết rất rõ giá trị của bảo vật…
Bảo vật thu hút du khách
Ông Nguyễn Công Khiết, Phó trưởng ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn, cho biết kể từ khi Thủ tướng ký quyết định công nhận bảo vật quốc gia ngày 13.1.2015, lượng du khách vào xem trực tiếp Ekamukhalinga đang trưng bày bên ngoài Khe Thẻ tăng cao. “Lâu nay, nhà trưng bày này giới thiệu những hiện vật do các chuyên gia Ý khai quật từ dự án trùng tu nhóm tháp G, bây giờ lại có thêm bảo vật quốc gia Ekamukhalinga. Du khách rất thích thú khi tiếp cận những hiện vật độc đáo như thế”, ông Khiết nói.

Hứa Xuyên Huỳnh