10/01/2025

Hãy vượt quá các nhu cầu vật chất để làm no thoả cái đói sự sống vĩnh cửu

Ngoài cái đói của thâm xác con người còn mang trong mình một cái đói khác quan trọng hơn, không thể được no nê với thực phẩm thường tình. Đó là cái đói sự sống, cái đói sự vĩnh cửu, mà chỉ có Chúa Giêsu mới có thể thỏa mãn được mà thôi, vì Ngài là bánh sự sống. ĐTC Phanxicô đã khẳng định như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin chúng trưa Chúa Nhật 2-8.

Hãy vượt quá các nhu cầu vật chất để làm no thoả cái đói sự sống vĩnh cửu
 
Ngoài cái đói của thâm xác con người còn mang trong mình một cái đói khác quan trọng hơn, không thể được no nê với thực phẩm thường tình. Đó là cái đói sự sống, cái đói sự vĩnh cửu, mà chỉ có Chúa Giêsu mới có thể thỏa mãn được mà thôi, vì Ngài là bánh sự sống.

ĐTC Phanxicô đã khẳng định như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền  Tin chúng trưa Chúa Nhật 2-8. 

Ngài nói trong bài huấn dụ: Ngày Chúa Nhật hôm nay tiếp tục bài đọc chương 6 Phúc Âm Thánh Gioan. Sau việc nhân bánh ra nhiều dân chúng tìm Chúa Giêsu và sau cùng họ tìm thấy Người gần Capharnaum. Người hiểu rõ mục đích của sự hăng hái theo Người và vén mở nó một cách rõ ràng: “Các ngươi tìm tôi không phải vì các ngươi đã trông thấy các dấu lạ, nhưng vì đã ăn bánh và đuợc no nê.” (Ga 6,26). Thật ra, những người ấy theo Chúa Giêsu vì bánh vật chất, mà hôm trước đã làm dịu cái đói của họ, khi Chúa Giêsu đã hóa bánh ra nhiều. Họ đã không hiểu rằng bánh đó bẻ ra cho biết bao người, cho nhiều người, diễn tả tình yêu của chính Chúa Giêsu. 
 


ĐTC giải thích thái độ của dân chúng:

Họ đã ban cho bánh đó nhiều giá trị hơn là Người cho bánh. Trước sự mù lòa tinh thần này Chúa Giêsu minh nhiên sự cần thiết đi xa hơn việc thoả mãn lập tức các nhu cầu vật chất, và khám phá ra, nhận biết Đấng ban ơn, chính Thiên Chúa là ơn và là Đấng ban ơn. Và như thế từ bánh đó, từ cử chỉ đó dân chúng có thể tìm thấy Đấng cho nó là Thiên Chúa. Người mời gọi rộng mở cho một viễn tượng không chỉ là viễn tượng của các lo lắng thường ngày cho ăn, mặc, thành công, chức tước. Chúa Giêsu nói tới một lương thực khác, một thứ lương thực không thể hư nát; và tìm kiếm và tiếp nhận nó là điều tốt. 

Ngài khích lệ: “Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực không kéo dài, nhưng vì lương thực tồn tại cho cuộc sống vĩnh cửu mà Con Người sẽ ban cho.” (c. 27). Nghĩa là kiếm tìm ơn cứu rỗi, gặp gỡ với Thiên Chúa.

Với các lời này Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu rằng, ngoài cái đói của thân xác, con người còn mang trong mình một cái đói khác – tất cả chúng ta đều có cái đói này – một cái đói quan trọng hơn, không thể được làm no nê với thực phẩm thường tình. Đó là cái đói sự sống, cái đói sự vĩnh cửu, mà chỉ có Chúa Giêsu mới có thể thoả mãn được mà thôi, vì Ngài là bánh sự sống (c. 35). Chúa Giêsu không loại bỏ sự lo lắng và kiếm tìm lương thực hàng ngày, không, Ngài không loại bỏ sự lo lắng cho tất cả những gì có thế khiến cho cuộc sống con người tiến bộ hơn. 

ĐTC quảng diễn tư tưởng này:

Chúa Giêsu nhắc cho chúng ta biết rằng ý nghĩa đích thật cuộc sống của chúng ta trên trần gian này là ở tận cùng, trong sự vĩnh cửu, trong sự gặp gỡ với Ngài, là ơn và là Đấng ban ơn; và Ngài cũng nhắc cho chúng ta nhớ rằng  lịch sử con người, với các khổ đau và niềm vui của nó, phải được sống trong một chân trời của sự vĩnh cửu, nghĩa là trong chân trời của cuộc gặp gỡ vĩnh viễn với Ngài. Và cuộc gặp gỡ này soi sáng tất cả mọi ngày sống của cuộc đời chúng ta. Nếu chúng ta nghĩ tới cuộc gặp gỡ này, nghĩ tới ơn lớn lao này, nghĩ tới các ơn bé nhỏ của cuộc sống, cả các khổ đau, các lo lắng sẽ được soi sáng bởi niềm hy vọng của cuộc gặp gỡ đó. “Ta là bánh sư sống, ai đến với Ta sẽ không còn đói nữa, và ai tin vào Ta sẽ không bao giờ khát nữa.” (c. 35). Và diều này quy chiếu về Thánh Thể là ơn lơn nhất no thoả linh hồn và thân xác. Gặp gỡ và tiếp đón trong chúng ta Chúa Giêsu, “Bánh sự sống”, trao ban ý nghĩa và niềm hy vọng cho con đường thường cong queo của cuộc sống. Nhưng “Bánh sự sống “ này được ban cho chúng ta như là một nhiệm vụ, nghĩa là để tới lượt mình chúng ta làm no thoả cái khát tinh thần và vật chất của các anh chị em khác, bằng cách loan báo Tin Mừng khắp nơi. Với chứng tá của thái độ sống huynh đệ và liên đới đối với tha nhân, chúng ta khiến cho Chúa Kitô và tình yêu của Ngài hiện diện giữa loài người.

Xin Đức Trinh Nữ Thánh nâng đỡ chúng ta trong việc kiếm tìm và bước theo Con Mẹ là Chúa Giêsu, “Bánh thật”, Bánh hằng sống không hư nát và kéo dài cho cuộc sống vĩnh cửu.

Tiếp đến, ĐTC đã cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin, ĐTC đã chào nhiều nhóm tín hữu, đặc biệt nhóm hành hương đi ngựa từ Firenze của Huynh đoàn “Parte Guelfa”. Ngài nhắc tới ơn “tha thứ Asissi”, tức ơn “toàn xá Porziuncula” mà Thánh Phanxicô đã xin được cho các tín hữu thời ngài và truyền lại cho đến nay. 

ĐTC nói: Nó là một lời nhắc nhở mạnh mẽ tới gần Chúa trong Bí tích của Lòng Thương Xót và rước Mình Thánh Chúa. Có người sợ hãi đến gần toà giải tội, và quên rằng ở đó người ta không gặp gỡ một vị thẩm phán nghiêm khắc, nhưng gặp gỡ Người Cha vô cùng thương xót. Có đúng thật là khi chúng ta đi xưng tội, chúng ta cảm thấy hơi xấu hổ. Điều này xảy ra cho tất cả mọi người, nhưng chúng ta phải nhớ rằng cả sự xấu hổ đó cũng là một ơn chuẩn bị cho chúng ta vào vòng tay ôm của Thiên  Chúa Cha, là Đấng luôn luôn tha thứ và tha thứ tất cả.

Sau cùng, ĐTC đã chúc mọi người một ngày Chúa Nhật tươi vui và xin đừng quên cầu nguyện cho ngài.

 

Linh Tiến Khải