10/01/2025

Sạt lở tiếp diễn ở Quảng Ninh

Chiều 31.7, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ đã có mặt tại Quảng Ninh kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống mưa lũ trên địa bàn.

 

Sạt lở tiếp diễn ở Quảng Ninh

 

 

Chiều 31.7, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ đã có mặt tại Quảng Ninh kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống mưa lũ trên địa bàn.


Du khách xếp hàng ở Cô Tô chờ xuống tàu hải quân về đất liền - Ảnh của độc giả Phương Quỳnh

Du khách xếp hàng ở Cô Tô chờ xuống tàu hải quân về đất liền – Ảnh của độc giả Phương Quỳnh

Phó thủ tướng đã gửi lời thăm hỏi và chia buồn đến các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản, đồng thời yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh phải vào cuộc để nhanh chóng khắc phục những thiệt hại. Phó thủ tướng cũng chỉ đạo cần có ngay biện pháp để đối phó kịp thời với tình hình mưa lũ vẫn đang diễn biến phức tạp, có khả năng xảy ra lũ ống, lũ quét và giông lốc trên địa bàn.
Hơn 100 điểm nguy hiểm giữa TP.Hạ Long
Đến chiều qua, do trời vẫn mưa, kèm lượng nước lớn đọng lại trên các đồi cao nên tình trạng sạt lở vẫn diễn ra tại một số khu vực, đe doạ tính mạng người dân. PV Thanh Niên ghi nhận tại khu vực Cầu 3 (H.Vân Đồn) giao thông có nguy cơ ách tắc chỉ sau một ngày thông xe vì đất đá, bùn nước từ trên đồi lại tiếp tục tràn xuống dưới. Tại QL18, đoạn qua tổ 6, khu 2, P.Cửa Ông, TP.Cẩm Phả, đất đá từ trên đồi cũng tràn xuống đường, nước cùng bùn từ trên ào ào chảy xuống khiến mặt đường rất lầy lội.
Tại TP.Hạ Long vẫn còn nhiều điểm sạt lở nhỏ tại các phường: Cao Xanh, Cao Thắng… Theo thống kê của UBND TP.Hạ Long, hiện trên địa bàn có hơn 100 điểm có nguy cơ tiếp tục sạt lở đất đá lớn. Ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết tỉnh đã chỉ đạo các địa phương di dời toàn bộ các hộ dân tại những khu vực này để bảo vệ tính mạng người dân.
Chiến sĩ Lữ đoàn 147 đang dọn đất đá ở P.Mông Dương - Ảnh: Lê TânChiến sĩ Lữ đoàn 147 đang dọn đất đá ở P.Mông Dương – Ảnh: Lê Tân
Trong khi đó, trao đổi với PV tối 31.7, ông Mạc Thành Luân, Chủ tịch UBND H.Vân Đồn, cho biết lo lắng lớn nhất của huyện này là nguy cơ vỡ đập nước hồ Voòng Tre, thôn Voòng Tre, xã Đài Xuyên. Hồ Voòng Tre có sức chứa 100.000 m3 nước, được nâng cấp từ năm 2009 với kinh phí hơn 20 tỉ đồng, cấp tưới cho 60 ha đất nông nghiệp. Nếu đập chính Voòng Tre bị vỡ, nước sẽ làm ngập khoảng 80 hộ dân phía hạ lưu, trong khi mưa lớn đã làm sạt một góc đập. H.Vân Đồn đã huy động hơn 100 bộ đội cùng 300 dân quân khắc phục sự cố, nhưng nếu mưa vẫn còn tiếp tục, sẽ phải tính phương án phá đập phụ, giữ đập chính, đồng thời sơ tán dân khẩn cấp nếu không thể giữ được đập chính. Tại Voòng Tre tối qua vẫn có mưa liên tục, lực lượng cứu hộ đang ứng trực.
Trước đó, tại thôn Bản Sen, cũng thuộc H.Vân Đồn, mưa lớn đã gây ngập lụt cao đến hơn 14 m; 27 hộ dân đã được di dời và đảm bảo điều kiện sinh hoạt. Chiều 31.7, nước đã rút đáng kể, có chỗ xuống hơn 11 m nhưng khu vực này vẫn đang bị chia cắt hoàn toàn và nhu yếu phẩm ở đây còn đủ cho người dân trong khoảng 10 ngày nữa.
Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc hôm qua đã ra thông báo yêu cầu tất cả các cơ quan trong tỉnh tiếp tục làm việc trong 2 ngày cuối tuần để giải quyết, xử lý hậu quả mưa lũ.
Tàu hải quân giải tỏa du khách tại Cô Tô
Trao đổi với PV lúc 20 giờ tối qua, ông Hoàng Bá Nam, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND H.Cô Tô, cho biết: Tàu hải quân HQ-634 hoạt động suốt đêm 31.7 để đưa toàn bộ du khách mắc kẹt trên đảo trở về đất liền.
Tính đến 20 giờ hôm qua, đã có gần 1.100 du khách mắc kẹt trên đảo Cô Tô được đưa về bờ. Tuy nhiên, trên đảo vẫn còn khoảng 1.200 du khách và số khách này sẽ được đưa về đất liền trên các chuyến tàu ngay trong đêm. Theo ông Nam, số du khách nhiều hơn thống kê ban đầu là do chưa tính đến những người đi du lịch và trải nghiệm tại nhà dân.
Còn theo ông Đoàn Mạnh Linh, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở VH-TT-DL Quảng Ninh, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo hỗ trợ 200.000 đồng cho mỗi du khách trở về từ đảo Cô Tô để làm lộ phí.
Mực nước sông báo động 2, sẽ xuất hiện đợt lũ mới
Mưa lớn khiến lũ trên các sông ở Bắc bộ như sông Cầu, sông Lục Nam, sông Kỳ Cùng đang lên nhanh. Cụ thể, lúc 7 giờ ngày 31.7, mực nước trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương (Bắc Giang) ở mức báo động 1 với 4,3 m; lũ trên sông Kỳ Cùng (Lạng Sơn) đạt mức 252,3 m trên báo động 1.
Theo dự báo, từ ngày 31.7 – 4.8, hệ thống sông Hồng – Thái Bình sẽ xuất hiện đợt lũ mới biên độ ở thượng lưu từ 3 – 7 m, ở hạ lưu từ 2 – 4 m. Lũ trên sông Kỳ Cùng có nguy cơ lên trở lại và đạt mức báo động 2.
Ghi nhận tại Lạng Sơn, mưa lớn trong những ngày qua khiến địa phương này có thêm 1 người mất tích, nạn nhân là ông Trần Văn Đán (81 tuổi, trú TT.Đồng Mỏ, H.Chi Lăng) bị lũ cuốn trôi. Mưa lũ gây sạt lở đất làm 3 ngôi nhà bị sập, 2 ngôi nhà bị hư hỏng và trên 300 ha lúa, hoa màu ngập nước. Hồ Khun Diếm (xã An Hùng, H.Văn Lãng) có dung tích 50.000 m3 xảy ra sự cố xói lở, chính quyền địa phương phải huy động người dân gia cố bằng bao tải đất để đảm bảo an toàn cho công trình.
Còn tại Bằng Giang, mưa kéo dài từ ngày 29.7 cũng khiến 45 hộ dân bị ngập lụt, người dân phải sơ tán đến nơi an toàn. Nước lũ gây ra nhiều sự cố sạt lở cho các công trình thuỷ lợi và gần 30 ha lúa, hoa màu bị lũ cuốn trôi.
Nằm trong số địa phương có mưa lớn trong những ngày qua, Lào Cai cũng bị thiệt hại do mưa lũ. Đến ngày 31.7, đã có 33 ha hoa màu của người dân tại các huyện Bắc Hà và Si Ma Cai bị hư hỏng do nước lũ và sạt lở đất. Trong đêm 30 – 31.7, mưa lớn khiến tuyến đường giao thông từ TP.Lào Cai đi H.Văn Bàn bị nước lũ chia cắt, làm gián đoạn trong nhiều giờ.

Sáng 31.7, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội đồng bảo trợ Quỹ bảo trợ trẻ em VN, dẫn đầu đoàn công tác đã đến thăm hỏi, động viên, trao hỗ trợ cho trẻ em và các gia đình gặp khó khăn trong trận mưa lũ tại tỉnh Quảng Ninh với tổng số tiền 820 triệu đồng (trong đó, Phó chủ tịch nước ủng hộ 200 triệu đồng).
Trước những diễn biến phức tạp của mưa lũ kéo dài, Quỹ bảo trợ trẻ em VN cũng đã kêu gọi các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có những đóng góp thiết thực, kịp thời.
T.Hằng

Thanh Niên