09/01/2025

Độc đáo thơ văn trên kiến trúc Huế

Trong quá trình khảo sát văn thơ chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy nhiều điều thú vị khi phát hiện hình thức “lưu trữ” và trang trí độc đáo này là có một không hai trên thế giới.

 

Độc đáo thơ văn trên kiến trúc Huế

 

 

Trong quá trình khảo sát văn thơ chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy nhiều điều thú vị khi phát hiện hình thức “lưu trữ” và trang trí độc đáo này là có một không hai trên thế giới.


Nội thất của lăng Khải Định sử dụng hình thức trang trí chữ Hán bằng nghệ thuật trang trí khảm sành sứ - Ảnh: Bùi Ngọc Long

Nội thất của lăng Khải Định sử dụng hình thức trang trí chữ Hán bằng nghệ thuật trang trí 
khảm sành sứ – Ảnh: Bùi NgọcLong

Duy nhất chỉ có ở VN

GS-TS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng di sản văn hoá quốc gia, cho rằng hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế quả thật là một hình thức “xuất bản” và “lưu trữ” tư liệu hết sức độc đáo, duy nhất và hiếm có.
“Đây cũng có thể được coi là một loại hình di sản tư liệu, mà trên đó có sự kết hợp khéo léo, tinh tế, sáng tạo muôn hình muôn vẻ để thể hiện cái đẹp của tự nhiên (cây cỏ, hoa lá, chim, thú…) và cái đẹp, sự sâu sắc, tinh tế, tính xác thực mang dấu ấn của con người, thời gian, không gian văn hoá, hình thức và phong cách thể hiện của thi ca.
Hình thức trang trí mỹ thuật vẽ tranh trên công trình kiến trúc thấy có ở nhiều nơi, nhưng khác với VN là ở chủ đề thể hiện: các bức bích hoạ ở Ấn Độ, Ai Cập, Trung Quốc, Nhật Bản… thể hiện Đức Phật, thánh thần, điển tích… trong khi cách thức trang trí trên di tích cung đình Huế là các mô típ có tính hình học, cây cỏ, hoa lá, khi thì tả thực, khi thì cách điệu.
Bài thơ Vũ trung sơn thủy độc đáo có thể đọc thành 128 bài khác nhau của vua Thiệu Trị ở Điện Long An - Ảnh: Lê Công Doanh

Bài thơ Vũ trung sơn thuỷ độc đáo có thể đọc thành 128 bài khác nhau của vua Thiệu Trị 
ở Điện Long An – Ảnh: Lê Công Doanh

Đặc biệt, hình thức trang trí “nhất thi nhất hoạ”, “nhất tự nhất hoạ” (cách trang trí một ô thơ hoặc một đại tự đi liền với một bức họa) trên hàng trăm công trình kiến trúc với nhiều loại hình khác nhau trở thành một phong cách riêng có trong kiến trúc cung đình Huế. Tôi chưa từng gặp hình thức lưu trữ tư liệu độc đáo như vậy ở các nước khác”, GS-TS Lưu Trần Tiêu khẳng định.
TS Nguyễn Tuấn Cường, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, cho rằng hệ thống văn bản chữ Hán trên kiến trúc cung đình triều Nguyễn tại Huế có 7 đặc trưng là: tính nguyên bản, tính độc bản, tính độc đáo ở chất liệu và loại hình văn tự, tính bác nhã trong lựa chọn văn tự, tính tư liệu, tính nghệ thuật và tính đa dạng về thể loại văn học. Với những giá trị nổi bật này, hệ thống thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí để trở thành di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới của UNESCO.
Đề xuất hướng bảo tồn
Tại hội thảo bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế diễn ra đầu tháng 5 vừa qua, các đại biểu cũng đã đưa ra khuyến nghị Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cần xây dựng kế hoạch dài hạn định hướng bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.
Cụ thể phải nghiên cứu và có sự đầu tư thích đáng để xây dựng một chương trình mang tính chiến lược lâu dài cho việc thu thập nhiều tư liệu về thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, bảo tồn và phát huy giá trị tư liệu; Thành lập tổ chuyên gia am hiểu về thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế để tập trung điều tra, khảo sát, thống kê đầy đủ, cụ thể, ghi chép, số hoá, phiên âm, dịch nghĩa toàn bộ thơ văn, cùng với các hoạ tiết trang trí mỹ thuật trên từng công trình kiến trúc; Phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan, tổ chức các hoạt động nghiệp vụ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống tư liệu quý giá này thông qua các hoạt động như hội thảo, toạ đàm, công bố trên các phương tiện thông tin: báo chí, truyền hình, trang thông tin điện tử, triển lãm trực tuyến dưới dạng công nghệ 3D… nhằm thu hút sự chú ý của công chúng và các nhà nghiên cứu; Cần sớm triển khai đưa kế hoạch quản lý tư liệu thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế vào đề án Kế hoạch quản lý tổng thể quần thể di tích cố đô Huế, giai đoạn 2015 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 ngay khi đề án được thông qua.
Đặc biệt, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cần sớm hoàn thiện hồ sơ để gửi và đề nghị Uỷ ban Quốc gia Chương trình ký ức thế giới VN trình Uỷ ban Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương trước ngày 31.3.2016 để đề nghị UNESCO công nhận hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới.

Bùi Ngọc Long