Cảnh báo mưa lũ phức tạp ở Bắc bộ
Cuối ngày 29.7, Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn T.Ư tổ chức họp khẩn thông tin đánh giá tình hình mưa lũ trong những ngày tới có thể diễn biến phức tạp ở các tỉnh Bắc bộ.
Cảnh báo mưa lũ phức tạp ở Bắc bộ
Cuối ngày 29.7, Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn T.Ư tổ chức họp khẩn thông tin đánh giá tình hình mưa lũ trong những ngày tới có thể diễn biến phức tạp ở các tỉnh Bắc bộ.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn T.Ư, cho biết nguyên nhân mưa lớn xảy ra dồn dập ở Quảng Ninh trong những ngày vừa qua là do khu vực vịnh Bắc bộ xuất hiện rãnh áp thấp gây mưa. Nhưng may mắn là rãnh áp thấp này gần như nằm trọn trên khu vực vịnh Bắc bộ nên phần lớn lượng mưa đã rơi xuống biển. Chỉ có một phần nhỏ phía tây cùng vùng áp thấp nằm trên đất liền của Quảng Ninh khiến địa phương này hứng chịu đợt mưa lớn cấp tập, hiếm gặp nhất từ trước đến nay khi đạt kỷ lục mới về quan trắc lượng mưa.
|
Cũng theo ông Hoàng Đức Cường, dự báo trong ngày 29 – 31.7, các tỉnh phía đông Bắc bộ tiếp tục xuất hiện đợt mưa mới. Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn T.Ư đặc biệt cảnh báo mưa lũ trong những ngày tới diễn biến phức tạp. Đặc biệt là từ ngày 31.7 – 3.8, vùng thấp suy yếu nhưng dịch chuyển vào sâu đất liền sẽ khiến các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và trung du miền núi phía bắc tiếp tục có mưa lớn.
Nhận định về đợt mưa này, ông Bùi Minh Tăng, nguyên Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cảnh báo, đây là hình thái thời tiết đặc biệt, có mức độ nguy hiểm nhất so với đợt mưa diễn ra trước đó. Bởi khi tiến sâu vào đất liền, vùng mưa gần như bao trùm toàn bộ các tỉnh Bắc bộ và bắc Trung bộ. Trong ngày 29.7, Bộ Quốc phòng đã điều động, tăng cường thêm tàu HQ 634 của Quân chủng Hải quân lên đường tìm kiếm 7 ngư dân đang còn mất tích do 2 tàu cá bị lốc xoáy nhấn chìm trên vùng biển Hải Phòng và Quảng Ninh.
Quảng Ninh tiếp tục di dân
Do nằm trong khu vực nguy hiểm, trưa 29.7, 70 hộ dân sinh sống tại tổ 3 và 5, khu 4, P.Mông Dương, TP.Cẩm Phả đã được di dời đến nơi an toàn, vì đập 790 ngăn bãi thải của Công ty CP than Cọc Sáu với khu dân cư kể trên đang có nguy cơ bị vỡ. Trước đó, trong hai ngày 26 – 27.7, đất đá từ trên bãi thải này đã tràn xuống, vùi lấp 94 hộ dân tại tổ 1 và 2 cùng khu 4.
Có mặt tại đây chiều qua, PV Thanh Niên ghi nhận đất đá vẫn đang tràn xuống lòng hồ sát chân bãi và tràn qua thành đập, dù hàng trăm công nhân đang dùng bạt và bao cát gia cố thân đập.
Anh Nguyễn Văn Long, một người dân sống ở khu vực này cho biết, ngày 26 và 27.7, đất đá tràn xuống và phủ một lớp dày gần 5 m lên khu dân cư, có nhà bị vùi lấp hết tầng một. Nếu trời tiếp tục mưa, nguy cơ vỡ đập là không tránh khỏi. Tiếp giáp với bãi thải của Công ty CP than Cọc Sáu là bãi thải Đông Cao Sơn, thuộc Công ty than Cao Sơn, cũng là nguy cơ với khu dân cư thuộc tổ 13, cùng P.Mông Dương.
Tại đây, chiều qua cũng có các công nhân của Tổng công ty than và khoáng sản VN đang dùng bao cát đắp thành kè để ngăn dòng chảy đất cát. Trước đó, tại H.Vân Đồn, sáng 29.7, triền đồi khu vực Cầu 2 cũng đã sạt lở khiến giao thông tại đây bị tê liệt.
Kêu gọi ủng hộ khắc phục hậu quả thiên tai ở Quảng Ninh
Tối 29.7, tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ phát động kêu gọi ủng hộ người dân của tỉnh khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định cuộc sống. Trận mưa lũ lớn nhất trong 40 năm qua tại Quảng Ninh làm 17 người chết, nhiều người bị thương, trên 3.700 hộ dân, trường học, bệnh xá bị ngập lụt, nhiều gia đình phải sống ngoài trời, thiếu lương thực, nước uống… Ước tính, thiệt hại về tài sản hơn 1.500 tỉ đồng. Tỉnh Quảng Ninh kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh chia sẻ, hỗ trợ giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định cuộc sống. Ngay trong lễ phát động, ông Phạm Minh Chính, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh thay mặt đoàn công tác trung ương trao cho tỉnh Quảng Ninh 1,7 tỉ đồng (do lãnh đạo và cán bộ Ban Tổ chức Trung ương cùng các cá nhân của Quảng Ninh vận động, quyên góp).
* Bên cạnh đó, trước tình hình thiên tai tại Quảng Ninh, Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên VN và Báo Thanh Niên thiết tha kêu gọi quý bạn đọc, những đơn vị, doanh nghiệp, những nhà hảo tâm trong và ngoài nước, với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, cùng nhau chung tay góp sức giúp đỡ người dân tỉnh Quảng Ninh vượt qua hoạn nạn này.
Mọi đóng góp xin vui lòng gửi về:
– Toà soạn Báo Thanh Niên tại TP.HCM: 248 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM, ĐT: (84.8) 38394046 – 38322026 – 38332955.
– Toà soạn tại Hà Nội: 218 Tây Sơn, Q.Đống Đa, Hà Nội, ĐT: (84.4) 38570981.
– Văn phòng đại diện Đông Bắc bộ: 22 Lý Tự Trọng, Q.Hồng Bàng, TP.Hải Phòng, ĐT: (031) 3822038.
– Văn phòng đại diện khu vực Bắc Trung bộ: 1 Nhà Thờ, TP.Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá, ĐT: (037) 3855748.
– Văn phòng đại diện miền Trung: 144 Bạch Đằng, TP.Đà Nẵng, ĐT: (0511) 3824231.
– Văn phòng thường trú tại Đà Lạt: A22A đường Trần Lê, P.4, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, ĐT: .
– Văn phòng đại diện khu vực Trung Trung bộ và Bắc Tây nguyên: 133 Lê Lợi, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, ĐT: .
– Văn phòng đại diện tại Nha Trang: 120 đường Thống Nhất, P.Vạn Thắng, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà, ĐT: .
– Văn phòng đại diện khu vực Đông Nam bộ: 15A Võ Thị Sáu, TP.Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai, ĐT: (061) 3940818.
– Văn phòng đại diện đồng bằng sông Cửu Long: 99 Trần Văn Hoài, TP.Cần Thơ, ĐT: .
* Chuyển khoản: Bạn đọc có thể gửi về Báo Thanh Niên theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 102010000116341 – Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 tại TP.HCM. Nội dung ghi: Giúp đỡ đồng bào Quảng Ninh bị bão lũ.
Báo Thanh Niên sẽ nhanh chóng chuyển đến tận tay bà con vùng bão lũ tấm lòng quý báu của bạn đọc gần xa.
Thanh Niên
|
Hải Sâm – Phan Hậu