10/01/2025

Chàng trai trẻ và mối duyên trầm – vàng

Những ngày này, các sản phẩm của ông chủ 27 tuổi Hoàng Nguyên Ân (xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) đang đến với người dùng tại hội chợ quà tặng Singapore Fair 2015.

 

Chàng trai trẻ và mối duyên trầm – vàng

 

Những ngày này, các sản phẩm của ông chủ 27 tuổi Hoàng Nguyên Ân (xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) đang đến với người dùng tại hội chợ quà tặng Singapore Fair 2015.


 

Ân với một chuỗi vòng đeo tay đính vàng loại đốt trúc, chuỗi vòng trên cổ không đính vàng, là hạt trầm loại 1 (thả vào nước sẽ chìm) - Ảnh: H.V.M.
Ân với một chuỗi vòng đeo tay đính vàng loại đốt trúc, chuỗi vòng trên cổ không đính vàng, là hạt trầm loại 1 (thả vào nước sẽ chìm) – Ảnh: H.V.M.

Phòng xúc tiến thương mại thuộc Ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam đã giới thiệu và hỗ trợ. 

“Các mặt hàng tôi mang theo trưng bày ở hội chợ này là hàng mỹ nghệ trầm, trong đó nổi bật hơn là hàng trang sức trầm – vàng của mình. Hi vọng qua hội chợ này, mình sẽ giới thiệu được những sản phẩm mới, học hỏi được cách phát triển thị trường, cải tiến sản phẩm” – anh Ân nói.

Làm thợ mạ thiết bị ôtô kiếm vốn

Đầu năm 2014, chàng trai Hoàng Nguyên Ân sau ba năm làm công nhân mạ điện thiết bị ôtô tại Nhật trở về đã xắn tay vào “cuộc chơi” với sự kết hợp của trầm và vàng. “Bạn bè khi đọc thông tin trên mạng thấy Ân làm trang sức trầm hương ngạc nhiên lắm. Một ít bạn còn ở Nhật và cả bạn người Nhật đã mua sản phẩm của Ân.

Nhưng với Ân, đây là một việc làm được Ân lập trình từ rất lâu và có kế hoạch. Ba mẹ Ân kinh doanh trầm hương nhưng Ân lại thích làm thời trang. “Chuyện xin đi Nhật là để kiếm vốn cho dự tính làm trang sức bằng trầm hương” – Ân nói.

“Đeo sợi vòng trầm đính vàng ở tay hay ở cổ vừa đẹp vừa thơm. Cái thơm của trầm dễ chịu, thoang thoảng mà thơm mãi. Đeo trầm có lợi cho sức khoẻ như thế nào thì xin để các nhà y học nói. Nhưng mùi thơm của trầm làm mình thấy dễ chịu thì coi như là lợi cho tinh thần, cho sức khoẻ mình rồi…” – Ân giải thích.

Chính suy nghĩ này đã làm Ân mạnh dạn làm đồ trang sức bằng trầm loại cao (loại 1, loại 2 – trầm thả xuống nước sẽ chìm) thay vì toàn làm bằng trầm các loại thấp (loại 6, loại 7 và cả gỗ dó trắng được tạo màu đen) như một số người đã làm từ dăm bảy năm nay.

Chuyện đưa vàng vào các chuỗi vòng đeo tay, đeo cổ cũng là ý tưởng mới mẻ. “Biết chuỗi vòng bằng trầm hạng cao là quý nhưng trông nó một màu đen thì tuy đẹp nhưng đơn điệu, không “nổi” được. Tại sao mình không đưa vàng vào chuỗi vòng để nó đẹp hơn, quý hơn?” – Ân lý giải chuyện mình nghĩ ra việc đưa vàng vào chuỗi vòng trầm.

Hạt trầm được đính vàng hai đầu với hình hoa mai liên kết với hạt vàng nhỏ ở giữa là một trong những mẫu mới của Ân, được khách hàng rất thích - Ảnh: H.V.M.
Hạt trầm được đính vàng hai đầu với hình hoa mai liên kết với hạt vàng nhỏ ở giữa là một trong những mẫu mới của Ân, được khách hàng rất thích – Ảnh: H.V.M.

Vững tin với sáng tạo

Mới hơn một năm Ân đã tạo ra gần 30 mẫu sản phẩm: hạt tròn, hạt đốt trúc, hạt hình thoi, hình vuông, hình quả trám rồi vàng bọc/đính ở hai đầu, ở giữa hạt, hạt bằng vàng xen giữa hai hạt trầm, các họa tiết tạo trên vàng, trên trầm do chính Ân phác vẽ trước khi được thợ tiện ra.

Chọn trầm tạo hạt cũng đủ khâu phức tạp từ loại 1, loại 2 đến các loại trầm tốc (loại phổ biến) để hạt có màu sắc, có vân xoắn đa dạng tạo sự độc đáo cho sản phẩm.

“Cái hay của trang sức trầm là mình phải làm sao để không có sản phẩm trùng lặp, mỗi cái có vẻ đẹp riêng, nét riêng. Bởi vậy mình phải luôn nghĩ ra hình mẫu mới, giảm tối đa sự lặp lại…” – Ân nói.

Sau sự e dè buổi đầu của khách hàng, non nửa năm lại đây loại trang sức trầm cao cấp do Ân làm bán ra khá mạnh.

“Từ tháng 3-2015 đến nay, số khách đặt mua hàng theo địa chỉ của Ân trên Facebook mỗi ngày khá nhiều. Có những mảnh trầm loại 1 bé tí tẹo dùng làm mặt cho dây chuyền với giá 20 – 30 triệu đồng, có những sợi dây không kết vàng giá đến 20 triệu đồng vẫn có người mua. Khách mua hàng cao cấp nhiều nhất vẫn là ở Hà Nội. Còn Đà Nẵng là thị trường tiềm năng, chỉ mới bán một ít để người mua làm quen với hàng cao cấp. Riêng các sản phẩm bình dân bán rộng rãi tại nhiều nơi trong nước…” – Ân kể.

Băn khoăn nhất hiện nay của ông chủ trẻ là vốn và thợ. Vàng với trầm khỏi nói cũng biết giá trị, thợ kim hoàn trình độ mỹ nghệ cao ở địa phương không nhiều nên Ân chưa bung ra được nhanh theo nhu cầu. Hiện Ân chỉ có “lợi thế” do có sẵn xưởng trầm tại nhà nên về nguyên liệu trầm và thợ làm hạt trầm không khó.

Để món trang sức mới của mình đến nhiều người, Ân đang nhắm tới những mặt hàng có giá phải chăng. Hiện Ân bắt đầu làm những dây đeo có giá khoảng 2 triệu đồng/dây với trầm loại 2, trầm tốc, trong đó có loại hạt nhỏ cho trẻ em.

“Biến trầm thành trang sức đẹp, phổ biến là mở rộng thêm đường cho người trồng dó, nâng thêm giá trị, công dụng thực tiễn của trầm, tạo thêm được việc làm cho thợ trầm, thợ vàng. Nhưng “từ mang hàng giao tận tay cho người mua để tránh gian lận, ngờ vực như hiện nay, phải tính đến chuyện mở một cửa hàng ở Đà Nẵng rồi tính tiếp” – Ân nói.

“Anh Ân tuy ra nghề muộn trong lĩnh vực trầm mỹ nghệ nhưng có năng khiếu về thời trang và thẩm mỹ, đặc biệt là việc mạnh dạn phối hợp vàng và trầm loại cao trong sản phẩm trang sức. Hơn nữa, điều quan trọng là Ân đã tạo lập được uy tín trong việc bán hàng vì hàng trang sức trầm, nhất là hàng cao cấp, nên việc làm ăn của Ân đã có những tiến bộ nhất định, tạo được việc làm cho thợ trầm, thợ kim hoàn ở địa phương, nhất là thợ kim hoàn, có người mỗi ngày thu được đến 800.000 đồng” – ông Hoàng Văn Trưởng (chủ tịch Hội Trầm hương huyện Tiên Phước, Quảng Nam) nói.

Trong khi đó ông Nguyễn Văn Phúc, chuyên viên phòng xúc tiến thương mại thuộc Ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Chúng tôi chọn cơ sở sản xuất trầm mỹ nghệ của anh Ân tham gia hội chợ hàng lưu niệm Singapore Fair 2015 bởi sản phẩm trầm mỹ nghệ của anh đã bước đầu kết nối được với các doanh nghiệp, thị trường Singapore sau lần anh tham gia hội chợ lần đầu ở Singapore hồi giữa năm 2014”.

 

HUỲNH VĂN MỸ