Quảng Ninh ngổn ngang sau mưa lụt
Đã có 3 người chết, hàng trăm nhà dân bị ngập lụt, giao thông tê liệt trong nhiều giờ, hàng ngàn du khách bị kẹt lại đảo Cô Tô do không có tàu về bờ sau trận mưa lụt lịch sử kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ vào chiều tối 26.7 tại Quảng Ninh.
Quảng Ninh ngổn ngang sau mưa lụt
Đã có 3 người chết, hàng trăm nhà dân bị ngập lụt, giao thông tê liệt trong nhiều giờ, hàng ngàn du khách bị kẹt lại đảo Cô Tô do không có tàu về bờ sau trận mưa lụt lịch sử kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ vào chiều tối 26.7 tại Quảng Ninh.
Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh, tối 26.7, tại tổ 3, khu 9, P.Mông Dương xảy ra lũ lụt cục bộ làm 3 người chết, gồm chị Nguyễn Thị Lan (28 tuổi) cùng hai con là Đỗ Ngọc Hà (7 tuổi) và Đỗ Thùy Chi (4 tuổi). Cũng theo báo cáo, do ảnh hưởng của mưa tại H.Vân Đồn, hồ Nhà Thạch (xã Đoàn Kết) có nguy cơ bị vỡ, địa phương đã cho phá vai tràn để tiêu thoát nước; di dời hàng chục hộ dân đến nơi an toàn và đã kiểm soát được tình hình. Huyện đã tổ chức sơ tán 10 hộ dân thuộc xã Bản Sen đến nơi an toàn. Tại TP.Hạ Long, hơn 200 hộ dân ở một số phường bị ngập nước, khiến nhiều hộ phải di dời.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, đến chiều 27.7, toàn tỉnh vẫn đang gồng mình để khắc phục hậu quả nặng nề do mưa lụt gây ra. Địa bàn bị thiệt hại nhiều nhất là P.Mông Dương, TP.Cẩm Phả. Tại tổ 1, 2, khu 4, hàng trăm người dân lấm lem bùn đất đang ngóng về phía những ngôi nhà bị vùi lấp trong bùn đất do lũ. Đi sâu vào phía trong, bùn tràn xuống đường, tràn vào nhà dân, vùi lấp toàn bộ đồ đạc. Khắp khu dân cư chỗ nào cũng thấy ngổn ngang, người dân bỏ chạy thoát thân nên không ai kịp mang bất cứ thứ gì ngay cả đồ quý giá.
Ông Đỗ Ngọc Thắng, Trưởng khu dân cư cho biết tổ 1, 2 có 94 hộ dân sinh sống, phía sau là bãi thải của Công ty CP than cọc 6 và Công ty than Cao Sơn. Thời điểm mưa lớn nhất lúc hơn 19 giờ, ông Thắng thấy nước ngập rất nhanh, đồng thời bùn, đất đá cùng gỗ từ phía sau khu dân cư lao xuống ầm ầm nên đã cấp báo chính quyền địa phương, yêu cầu các hộ dân di dời khỏi nhà để đảm bảo an toàn. Đến chiều 27.7, đã di dời được 90 hộ dân khỏi nơi nguy hiểm.
Cho đến chiều qua, giao thông giữa TP.Hạ Long với TP.Cẩm Phả vẫn chưa thông suốt do nước vẫn ngập tại khu vực Đèo Bụt (điểm nối hai thành phố). Ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết mưa lụt khiến 1.500 du khách bị mắc kẹt tại các đảo Cô Tô và Quan Lạn vì không có tàu về lại đất liền do biển có sóng cấp 6 – 7. Theo UBND H.Cô Tô, huyện đã vận động các khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở lưu trú giảm tiền phòng cho du khách.
Tính đến cuối ngày hôm qua, thống kê bước đầu của cơ quan chức năng, mưa lụt khiến 2.260 hộ dân, trường học, bệnh xá bị ngập lụt; sập đổ 6 nhà dân, đổ 500 m tường kè; 68 ha lúa và hoa màu và 2.5 ha đầm nuôi trồng thủy sản bị ngập; 1 cột điện hạ thế bị đổ… Ước tính tổng thiệt hại 112 tỉ đồng.
Hồ Dầu Tiếng xả lũ, 2 nữ sinh bị nước cuốn trôi
Đến tối 27.7, lực lượng PCCC và cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh Bình Dương đã tìm thấy thi thể em Lê Thị Anh Thư (16 tuổi, ngụ P.Ninh Thạnh, TP.Tây Ninh) bị nước cuốn mất tích tại khu vực xã Định Thành, H.Dầu Tiếng (Bình Dương) khi hồ Dầu Tiếng xả lũ vào trưa 26.7. Trước đó, sáng cùng ngày, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể em Đặng Thái Thanh Hồng (16 tuổi, học sinh lớp 11 Trường THPT Trần Đại Nghĩa, cùng ngụ P.Ninh Thạnh) cách nơi bị nạn khoảng 2 km.
Theo thông tin ban đầu, trưa 26.7, một nhóm học sinh (lớp 11, ngụ Tây Ninh) gồm 9 em đến khu vực gần đập chính hồ Dầu Tiếng chơi. Sau đó, cả nhóm đến hồ Cá Nóc (thuộc xã Định Thành, giáp ranh với H.Dương Minh Châu, Tây Ninh). Lúc này, bất ngờ hồ xả lũ khiến 4 học sinh bị nước cuốn, trong đó 2 em kịp bám vào vách đá và được cứu, 2 em còn lại bị nước cuốn trôi.
Nguyên nhân đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Giang Phương
|
Linh Linh