10/01/2025

Miền Tây khát giữa mùa mưa

Nước ngọt ngày càng trở thành “chuyện khó” ở nhiều nơi tại vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Biến đổi khí hậu và bàn tay con người đang làm nảy sinh nạn thiếu nước sạch, căng thẳng chưa từng có.

 MIỀN TÂY ĐIÊU ĐỨNG VÌ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU – KỲ 2:

Miền Tây khát giữa mùa mưa

 

Nước ngọt ngày càng trở thành “chuyện khó” ở nhiều nơi tại vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Biến đổi khí hậu và bàn tay con người đang làm nảy sinh nạn thiếu nước sạch, căng thẳng chưa từng có.


 

Một thửa đất (xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, Cà Mau) trước đây là vườn dâu, nay bị nước mặn xâm nhập khiến dâu chết hàng loạt, đất xác xơ - Ảnh: Kiên Thành
Một thửa đất (xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, Cà Mau) trước đây là vườn dâu, nay bị nước mặn xâm nhập khiến dâu chết hàng loạt, đất xác xơ – Ảnh: Kiên Thành

Những cơn mưa đầu mùa tưởng đã làm dịu lắng nỗi bận tâm về nước ở vùng rộng lớn giáp ranh giữa Cà Mau và Kiên Giang, nơi mà mỗi mùa khô đến người dân tại đây hứng chịu những cơn khát. Nhưng khát vẫn khát.

Sống bên sông vẫn 
thiếu nước gay gắt

Ông Nguyễn Văn Hoàng (ấp 18, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, Cà Mau) nói từ nhiều năm nay, người dân ở đây đã tìm hết cách để có nước sinh sống. Qua một mùa khô hạn kéo dài, cách mà họ phải chịu là mua nước với giá trên trời (40.000 đồng/lu nước 1m3).

“Nhà báo nói làm sao cho vùng này sớm có nước ngọt về, chứ dân ở đây “túng” nước xưa nay rồi”, hầu như người dân nào tại xã Biển Bạch cũng gửi gắm những hi vọng thoát khỏi cảnh thiếu thốn nước nôi, điều mà họ phải chịu từ nhiều năm nay.

Xã Biển Bạch bên sông Trẹm, một trong những con sông lớn của tỉnh Cà Mau. Trớ trêu thay, chính những hộ dân sống ven sông này lại là những người hằng năm phải chịu cảnh vô cùng khó khăn về nước.

Xã có 2.000 hộ dân thì có đến 1.400 hộ nằm ven sông này hằng năm thiếu nước gay gắt. Mùa khô, đến hẹn lại lên, dòng sông này trở nên nhiễm mặn ngày càng nặng. Khó chồng thêm khó khi nguồn nước ngầm tại đây cũng chẳng khá gì hơn.

Từ nhiều năm nay, năm nào cũng có vài hộ dân đánh liều thuê người khoan cây nước ngầm với giá 3 – 5 triệu đồng mỗi cây nước. Tuy nhiên cũng ngần ấy năm, chưa có hộ dân nào được thoả nguyện từ nguồn nước ngầm sinh hoạt này. Bởi nguồn nước ngầm ở đây cũng bị nhiễm mặn, nhiễm phèn không thua gì nước trên sông vào mùa khô.

Đưa chúng tôi ra phía sau nhà, nơi có cây nước vừa mới khoan và cũng vừa bị bỏ phế, chị Phạm Thị Hận (ấp 18, xã Biển Bạch) nói gia đình chị đã bỏ ra 4 triệu đồng thuê thợ từ xã Tân Bằng đến khoan đất tìm nước ngầm.

Sau nhiều giờ khoan đến độ sâu 50m thì có nước. Cả nhà chưa kịp vui thì thợ đòi… rút ống lên, vì nước mà họ phát hiện được vừa mặn vừa chua, vừa có mùi hôi. Chưa hết hi vọng, vợ chồng chị Hận ra chợ mua máy bơm điện về gắn vào đường ống với suy nghĩ khi bơm hết nước phèn mặn sẽ tới lớp nước ngọt. Nhưng sau nhiều ngày bơm, họ cũng không sao có được nước sạch.

Cạnh nhà chị Hận là nhà bà Tư Tròn, Tư Thanh, Hai Mứt… hay bên kia sông Trẹm, nhà Út Khánh, Bảy Lái, Năm Xíu… cũng từng đổ tiền khoan cây nước rồi bỏ. Số hộ dân “đánh liều” như thế cứ nhiều hơn sau mỗi mùa khô.

Khoan sâu 100m cũng không có nước sạch

Không chỉ bị nhiễm phèn, mặn, nhiều địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang đối diện với tình trạng nhiều giếng nước ngầm bị bỏ phế do không còn nước để lấy.

Theo một báo cáo của Sở TN-MT tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh có 141.226 giếng nước ngầm, nhiều nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long (cứ mỗi 2km có 30 giếng nước ngầm).

Cà Mau cũng là tỉnh được đánh giá có nguồn nước ngầm dồi dào, với trữ lượng khoảng 5,8 triệu m3/ngày, phân bổ ở sáu tầng sâu.

Cứ mỗi ngày đêm, người dân Cà Mau lấy trên 370.000m3 nước ngầm. Bị khai thác quá mức, nhiều giếng nước ngầm trở nên kiệt, không còn nước để bơm. Lúc này, người dân chỉ còn cách bỏ phế cây nước đã khoan.

Tại Cà Mau đã có trên 2.000 giếng nước bị bỏ như thế. Một cán bộ quản lý nước Sở TN-MT Cà Mau cho hay các giếng nước bị bỏ này trở thành nguy cơ gây ô nhiễm hệ thống nước ngầm. Tỉnh phải xuất trên 6 tỉ đồng ngân sách để trám lấp các giếng nước không còn sử dụng.

“Năm 2014, tỉnh chúng tôi đã trám lấp 800 cây nước. Kế hoạch năm nay sẽ trám lấp 1.000 cây. Năm sau sẽ trám các cây nước còn lại” – ông này cho biết.

Tương tự, tại Bạc Liêu cũng đã có khoảng 2.000 giếng nước ngầm bị hư hỏng, bỏ phế cần 
trám lấp.

Từ nhiều giếng nước ngầm bị bỏ hoang, để tiếp tục có nước sử dụng, người dân nơi đây lại tiếp tục thuê thợ khoan giếng ở tầng sâu hơn. Một thợ khoan nước tại xã Hồ Thị Kỷ (huyện Thới Bình, Cà Mau) cho biết có rất nhiều giếng đã khoan nhưng không tìm được nước, hoặc khoan đến độ sâu 100m gặp nước bị nhiễm mặn.

Thế là thợ khoan bỏ lỗ khoan tìm vị trí khác. Phần lớn thợ khoan nước là dân “tay ngang”, cứ khoan theo cảm tính, khi không có nước thì rút giàn khoan để khoan chỗ khác, bỏ lại lỗ thủng và tạo nên hiện tượng thông tầng, ô nhiễm lây lan.

Những vườn dâu 
bị mặn bức tử

Ông Trần Văn Chuối (74 tuổi, ấp 18, xã Biển Bạch) cho biết thời gian gần đây, đặc biệt mùa khô năm nay, vùng này bị nhiễm mặn nặng nề. Dân ở đây không những không có nước sinh hoạt, nước mặn xâm nhập còn bức tử hàng loạt vườn dâu của người dân trong vùng.

Người dân Biển Bạch một thời từng rất tự hào về những vườn dâu nổi tiếng của xứ sở. Theo ông Chuối, những năm gần đây nước mặn xâm nhập đã làm dâu chết hàng loạt.

Ông Chuối kể mới năm trước có đài truyền hình còn vào quay phim quảng bá các vườn dâu ở xóm ông, nhưng năm nay thì không còn vườn dâu nào nữa.

“Nhà Út Loan, Út Hô, Chín Mến, Năm Tấn… dâu chết, người ta chặt bỏ lấy đất làm vuông tôm. Xứ này thất nước lắm rồi!” – ông cụ thở dài. Đưa chúng tôi ra vườn nhà xơ xác, bà Huỳnh Thị Ni (ấp 18, xã Biển Bạch) cho hay vườn dâu 10 năm tuổi của bà bị nước mặn “giết” chết năm rồi. Bà Ni chỉ về góc vườn xa: “Táng cây khô đó là cây dâu duy nhất còn lại”.

Người dân Biển Bạch cho biết mấy năm trước dân ở đây cũng có giai đoạn được sử dụng nước sạch, đó là khi vùng này được đầu tư xây dựng hệ thống nước sạch kéo tới tận nhà dân, dân háo hức đóng tiền để kéo nước về nhà.

Được thời gian ngắn, người có trách nhiệm thông báo với dân nhà máy nước bị hư. Người dân một lần nữa lại đóng tiền để sửa hệ thống nước. Nhưng không ngờ nước tới nhà dân lại bị phèn, mặn, “chỉ có đàn ông mới dám tắm nước đó, đàn bà không tắm vì nước quá dơ, chứ chưa nói ăn uống” – ông Hoàng nói.

Tình trạng đó kéo dài không lâu thì hệ thống này ngưng cung cấp nước, dù là “chỉ để cho đàn ông tắm”. Dân trong vùng lại trở lại tình trạng như trước.

Chị Phạm Thị Hận (ấp 18, xã Biển Bạch) vừa khoan được cây nước nhưng phải bỏ phế vì nước bị nhiễm phèn, mặn không thể sử dụng - Ảnh: Kiên Thành
Chị Phạm Thị Hận (ấp 18, xã Biển Bạch) vừa khoan được cây nước nhưng phải bỏ phế vì nước bị nhiễm phèn, mặn không thể sử dụng – Ảnh: Kiên Thành

Khan hiếm nước ngọt là nỗi bận tâm lớn ở nhiều địa phương ven biển đồng bằng sông Cửu Long những năm gần đây. Bạc Liêu, Sóc Trăng có hơn nửa diện tích tự nhiên bị nhiễm mặn. Các tỉnh Bến Tre, Kiên Giang, Long An, Trà Vinh… nguồn nước ngọt vẫn luôn thiếu hụt. Đã thế, ở các địa phương này ngày càng bị ảnh hưởng rõ rệt của nạn xâm nhập mặn. Trong tình thế đó, người ta chỉ còn biết trông chờ vào nguồn nước ngầm. Tuy nhiên, nguồn nước này cũng đã bắt đầu bị sụt giảm nghiêm trọng.

Phải nghiên cứu giải pháp thay thế nước ngầm

Lý giải vấn đề xâm nhập mặn giữa mùa mưa gây cảnh thiếu nước sinh hoạt ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, thạc sĩ Kỷ Quang Vinh – văn phòng công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ – nhận định từ đầu tháng 6 đến nay mực nước trên sông Mekong đo tại Tân Châu và Châu Đốc (An Giang) thấp chứng tỏ nước ở thượng nguồn không có (do không có mưa), trong khi một số vùng hạ nguồn có mưa thì lượng mưa này ra biển hết.

Ngoài vấn đề thiếu nước từ thượng nguồn, có khả năng nước biển vừa qua nhiều hơn do băng tan cộng với gió đông nam mạnh đã đẩy luồng nước mặt vào sâu hơn gây mặn ở một số khu vực của đồng bằng sông Cửu Long.

Về vấn đề khan nước ngọt ở Cà Mau và Kiên Giang, ông Vinh cho biết theo nghiên cứu của những chuyên gia hàng đầu về địa chất thì nước ngầm tại đồng bằng sông Cửu Long thuộc dạng túi, bao quanh bởi đất sét và các mạch nước ngầm đan xen nhau trong đó.

Khác với mạch nước ngầm ở đồng bằng sông Hồng hay vùng TP.HCM, mạch nước ngầm dạng túi một khi đã được hút lên để sử dụng thì không bổ cập (tái tạo) trở lại, vì vậy càng xài nhiều càng cạn kiệt.

Trong khi những vùng có giải pháp nước ngọt thay thế, cơ quan chức năng cấm khai thác nước ngầm quá mức thì vùng nhiễm mặn, nước ngầm cạn kiệt như Cà Mau, Kiên Giang rất khó để cấm dân khai thác nước ngầm, cứ thế nước ngầm bị khai thác càng nhiều và ngày càng hiếm hoi.

Trước thực trạng này, ông Vinh cho rằng giải pháp là cần tận dụng các kênh, mương hiện có ở đồng bằng sông Cửu Long, chỗ nào có thể làm hồ chứa được thì làm hồ chứa (có thể mỗi xã làm mỗi hồ chứa) để tích nước mưa, nước lũ vào mùa mưa cho dân sử dụng trong mùa khô.

Giải pháp này ít tốn kém và không gây xung đột trong quá trình vận hành như những dự án trữ nước mang tính “đao to búa lớn” hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng.

Giải pháp này cần được thực hiện đồng bộ với việc sử dụng tiết kiệm nước hiện có bằng việc chuyển đổi cây trồng bằng những loại cây ít cần nước hơn.

Ngoài ra các nhà khoa học, cơ quan hữu quan cần phải nghiên cứu giải pháp tái tạo cho mạch nước ngầm mà nhiều nước tiên tiến đang làm (làm sạch nước mưa, nước lũ để bơm vào tầng nước ngầm); nghiên cứu xử lý nước mặn thành nước ngọt để cung cấp cho dân mà các nước như Israel hay Singapore đã làm được, có thể học tập và nhờ sự giúp đỡ của họ.

Một vấn đề khác đơn giản hơn, theo ông Vinh, vùng Cà Mau, Kiên Giang có lượng mưa nhiều, vì vậy cần nghiên cứu sử dụng cẩn trọng nguồn nước mưa cũng là cách giải quyết hiệu quả cho câu chuyện khan nước ngọt của vùng này.

CHÍ QUỐC

 

KIÊN THÀNH