10/01/2025

Miền Tây điêu đứng vì biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu đang có những tác động mạnh mẽ đến ĐBSCL: nước nhiễm mặn bất thường trong mùa mưa, thiếu nước ngọt trầm trọng, nhiều vùng đất bị nước “ngoạm”, cá tôm không còn nữa…

 

Miền Tây điêu đứng vì biến đổi khí hậu 

 

Biến đổi khí hậu đang có những tác động mạnh mẽ đến ĐBSCL: nước nhiễm mặn bất thường trong mùa mưa, thiếu nước ngọt trầm trọng, nhiều vùng đất bị nước “ngoạm”, cá tôm không còn nữa… 


Kỳ 1: Mặn tấn công, trở tay không kịp

Nước nhiễm mặn cùng với nhiễm phèn kết lại từng mảng lớn trên mặt ruộng khiến lúa chết ở phường Vĩnh Thông, Rạch Giá, Kiên Giang - Ảnh: Hữu Khoa
Nước nhiễm mặn cùng với nhiễm phèn kết lại từng mảng lớn trên mặt ruộng khiến lúa chết ở phường Vĩnh Thông, Rạch Giá, Kiên Giang – Ảnh: Hữu Khoa

Những thay đổi chưa từng có trong lịch sử miền Tây từng được các nhà khoa học cảnh báo và bây giờ xảy ra làm người dân điêu đứng.

Những ngày cuối tháng 7 này, dù đã vào mùa mưa nhưng ở nhiều vùng ngọt hoá tại ĐBSCL bất ngờ bị nước mặn tấn công, đẩy cuộc sống nhiều hộ dân nơi đây vào thế trở tay không kịp.

“Nhà báo nếm thử coi, nước gì mà đắng chát. Đời thuở giờ tui mới thấy nước gì mà lạ quá” – bà Võ Thị Dung (ấp Phương An 2, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng) nhăn nhó. Cạnh đó, ông Võ Văn Đẹp (chồng bà Dung) rầu rĩ vớt từ bè cá lên từng đợt cá lóc chết phơi bụng.

Một tuần nay, bè cá của vợ chồng ông Đẹp và các hộ dân lân cận bỗng dưng chết hàng loạt. Người nuôi cá ở đây càng bất ngờ hơn khi biết “thủ phạm” huỷ diệt cá nuôi là sông bị nhiễm mặn.

“Hồi nào giờ đâu có tình trạng nước mặn thế này” – ông Đẹp thở dài. Ông nuôi 25.000 con cá lóc được 100 ngày, dự định sang tháng 8 thu hoạch, nhưng chưa kịp bán thì cá chết.

Chưa từng thấy

“Mấy ngày trước thấy lục bình trên sông bắt đầu héo chết, tôi nghĩ người ta phun thuốc khai hoang. Nhưng tới khi cá chết, tôi nếm thử nước mới hay nước bị mặn. Sống ở đây mấy chục năm nay tôi đâu thấy cảnh này. Nuôi cá có bệnh mình còn dùng thuốc trị được, còn nước mặn thì chạy đường nào?” – ông Nguyễn Văn Lâm, hàng xóm nhà ông Đẹp, nói.

Ông cho biết gia đình mình đã đầu tư 160 triệu đồng để nuôi 25.000 con cá lóc, cá trê trên sông. Khu vực này vốn là vùng nước ngọt nên người dân cũng không nghĩ tới chuyện bị nước mặn “viếng” như vậy. Quá bất ngờ, người nuôi cá đành chỉ còn biết “chịu trận”.

Ông Đặng Minh Phương, cán bộ nông nghiệp xã Hưng Phú, nói xã này từ trước đến nay nước ngọt quanh năm, chỉ mấy ngày gần đây nước mặn đổ về làm 70 hộ nuôi cá trong xã bị thiệt hại lớn.

Ngoài ra, diện tích 700ha trồng cây ăn trái cũng rơi vào cảnh không có nước tưới vì toàn bộ nước trên sông Quản Lộ – Phụng Hiệp đã bị nhiễm mặn nặng.

Ông Nguyễn Hoàng Cơ, phó phòng nông nghiệp huyện Mỹ Tú, cho hay hôm 10-7, người dân ở khu vực giáp ranh huyện Ngã Năm (Sóc Trăng) bên lưu vực sông Quản Lộ – Phụng Hiệp báo về bị nước mặn tấn công. Khi ông tiến hành quan trắc bất ngờ ghi nhận độ mặn lên 4 – 5‰.

“Đặc biệt ngày 30 (âm lịch) vừa rồi, triều cường lên cao làm nước mặn xâm nhập sâu vào vùng ngọt” – ông Cơ nói.

Nông dân huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang phải phá bỏ lúa bị hư hại do nhiễm mặn - Ảnh: Hữu Khoa
Nông dân huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang phải phá bỏ lúa bị hư hại do nhiễm mặn – Ảnh: Hữu Khoa

Cuộc sống đảo lộn

Ở vùng lân cận, người dân xã Phương Phú (huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) cũng lần đầu tiên chứng kiến cảnh nước mặn tấn công.

Bà Đoàn Thị Đèo (61 tuổi, ấp Phương Bình, xã Phương Phú) nói: “Mấy chục năm trước có lần nước trên sông bị lợ lợ hai, ba ngày rồi hết. Còn tình trạng mặn như năm nay là chưa từng có”.

Nhà bà Đèo trồng 800 gốc cam, trước giờ vẫn tưới bằng nước sông Quản Lộ – Phụng Hiệp. Nhưng sông bất ngờ bị mặn, bà chỉ còn trông vào nguồn nước máy, nhưng không ngờ nước máy cũng bị mặn.

Mọi sinh hoạt của người dân đều bị ảnh hưởng vì nước mặn. Ông Nguyễn Văn Liệt, người dân ấp Phương Hoà (xã Phương Phú), nói do nước trên sông bị mặn nên tắm giặt hay nấu ăn cũng đều khó khăn. “Chúng tôi phải tắm bằng nước mặn, rồi lên xả bằng nước mưa. Nấu cơm cũng vậy, phải vo gạo bằng nước mặn rồi mới nấu bằng nước mưa dự trữ”.

Theo ông Ngô Ngọc Nhàn – chủ nhà máy nước tinh khiết ở thị trấn Trà Lồng (huyện Long Mỹ, Hậu Giang), hơn 10 ngày nay cơ sở của ông phải ngưng hoạt động vì nước từ nhà máy xử lý nước trong thị trấn bị nhiễm mặn.

Ông Phan Văn Hiền, chủ nhà máy xử lý nước cung cấp cho hơn 600 hộ dân tại thị trấn Trà Lồng, kể cơ sở của ông hoạt động gần 20 năm nay, lần đầu tiên ông phải chịu cảnh cung cấp nước mặn cho bà con.

“Nước bị phèn, bị dơ chúng tôi xử lý được. Còn nước mặn như thế này là thua” – ông Hiền cho biết. Hiện người dân sống trong khu vực Phương Phú, Trà Lồng rơi vào cảnh thiếu nước ngọt nghiêm trọng.

Ông Lê Phước Đại, chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Hậu Giang, cho biết nước mặn tăng đột biến trong tháng 7. Mặn đã ảnh hưởng đến TP Vị Thanh, các xã Vĩnh Viễn, Vĩnh Viễn A, Lương Tâm, Lương Nghĩa, Thuận Hoà, Lương Phú, Tân Phú, Trà Lồng của huyện Long Mỹ; xã Phương Phú, thị trấn Búng Tàu, xã Tân Phước Hưng của huyện Phụng Hiệp…

“Nếu triều cường từ Bạc Liêu đưa lên mạnh (qua đường sông Quản Lộ – Phụng Hiệp) thì sẽ nhiễm mặn đến thị xã Ngã Bảy của Hậu Giang, điều trước nay chưa từng có. Mặn xâm nhập đã đe dọa đến 18.000ha đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Hiện nay chúng tôi đã đóng các cửa cống, bồi tức đê bao, thông báo cho bà con không nên lấy nước sông nhiễm mặn để tưới lúa” – ông Đại nói.

Nguồn: Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Kiên Giang – Đồ hoạ: Tấn Đạt

“Chạy” mặn

Tại Kiên Giang, từ giữa tháng 7 thường lệ mọi năm vụ lúa hè thu đã trổ đòng đòng, nhưng năm nay ven bờ hai con sông Cái Bé và Cái Lớn thuộc hai huyện Châu Thành và An Biên là những cánh đồng đỏ quạch màu phèn, nước trong ruộng nhiễm mặn nên nông dân không thể sạ lúa.

Dưới chân cầu Cái Bé, ông Danh Tui (46 tuổi, ngụ ấp An Phước, xã Bình An, Châu Thành) đứng thẫn thờ nhìn dòng nước mặn dưới con kênh Xả Xiêm rồi lủi thủi trở về nhà.

Ông Tui cho biết khoảng ba năm trở lại đây, thời gian nước ngọt đổ về ngày càng xa dần. Mọi năm giờ này lúa hè thu chỉ còn hơn tháng nữa là có thể thu hoạch, nhưng năm nay đến giờ vẫn chưa sạ được nên chắc phải chờ tới vụ đông xuân. Vậy là coi như mất trắng một vụ lúa.

Ông Tui cho hay do mấy năm nay thời tiết thất thường nên hai cha con ông phải “chạy mặn”, dẫn nhau đi làm công nhân cầu đường ở Phú Quốc. Cách đây hơn một tháng, ông Tui xin nghỉ phép năm ngày về nhà sạ lúa. Nhưng chờ đến nay đã mòn mỏi, trong nhà sắp hết gạo ăn mà nước ngọt vẫn chưa về.

Ven quốc lộ 63, chị Thị Chơn (31 tuổi, ngụ ấp An Thới, xã Bình An) cũng trong tình cảnh tương tự. Chồng chị Chơn không chờ được nước ngọt đã rời nhà đi làm thợ hồ kiếm sống.

Dọc con đường dẫn về trung tâm ấp An Thới là những ngôi nhà đóng cửa im lìm vì vắng chủ, phía sau là những cánh đồng nhiễm mặn nối đuôi nhau chạy dài hút tầm mắt. Những cánh đồng ven tuyến kênh Rạch Giá – Long Xuyên thuộc địa phận Rạch Giá cũng bị nhiễm mặn.

Chị Danh Thị Kim Linh, ngụ xã Phi Thông (Rạch Giá), cho hay chị và nhiều người dân địa phương được chủ ruộng thuê giặm lại lúa bị nhiễm mặn. Đây cũng là lần đầu tiên giữa vụ hè thu lại có người thuê đi giặm lúa.

* Ông CAM QUANG VINH, chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), cho biết do tình hình mặn xâm nhập bất ngờ nên người dân địa phương gặp nhiều lúng túng trong xử lý. Đây là lần đầu tiên trong 20 năm qua địa bàn huyện Phụng Hiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi xâm nhập mặn vào giữa mùa mưa.

Ông NGUYỄN VĂN TÂM, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, cho biết đợt hạn hán từ đầu tháng 7 đến nay hết sức bất thường, chưa từng ghi nhận suốt 15 năm qua.

Không nên cố gắng lấy nước 
đủ bù

Theo TS Lê Anh Tuấn – phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), tình trạng xâm nhập mặn bất thường vào mùa mưa trong những ngày qua có nguyên nhân do thượng nguồn sông Mekong khu vực giữa Lào và Thái Lan vẫn chưa có mưa và bị khô hạn rất nhiều, nước từ thượng nguồn đổ về khu vực ĐBSCL rất thấp.

Trong khi đó, lượng mưa tại ĐBSCL thời gian qua không đều, khả năng chứa nước ở các hồ chứa như tại Kiên Giang cũng ít, vì vậy mặn từ Biển Tây và Biển Đông có điều kiện xâm nhập sâu hơn vào đất liền.

Ông Tuấn cũng cho biết theo dự báo từ đài khí tượng các quốc gia dọc sông Mekong, ít nhất đến giữa tháng 8 mới có mưa trở lại ở thượng nguồn, lúc đó mới có đủ lượng nước phục vụ sinh hoạt và nông nghiệp.

Ông Tuấn nói do Thái Lan vẫn đang khô hạn nhiều, chính phủ nước này đã yêu cầu nông dân không được dùng nước kênh rạch tưới tiêu.

Ông Tuấn khuyến nghị ở các quốc gia khác, một khi khô hạn là phải chấp nhận thiệt hại của ngành nông nghiệp, ngành này không nên cố gắng lấy nước đủ bù sự thiếu hụt vì đó là nơi lấy nước nhiều nhất. Nên ưu tiên nước cho mục đích sinh hoạt trước và chấp nhận bị thiệt hại về mặt sản lượng nông nghiệp nhằm đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân.

Ông Tuấn nhận định trước đây cũng có tình trạng khô hạn ở thượng nguồn nhưng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, không kéo dài như những gì đang diễn ra. Nguyên nhân của tình trạng kéo dài này là do hiện tượng El Nino đang trở lại.

 

K.THÀNH – K.NAM – 
H.KHOA – C.QUỐC, (còn nữa)