11/01/2025

Đồ án của JiNa quy hoạch sông Hàn như công viên giải trí

Qua tham khảo các bản vẽ và thuyết minh đề xuất của JiNa, ấn tượng đầu tiên cho thấy đây là một đồ án nghiên cứu công phu, thể hiện đẹp.

 

Thận trọng với sông Hàn – Kỳ 5: Đồ án của JiNa quy hoạch sông Hàn như công viên giải trí

 

 

Qua tham khảo các bản vẽ và thuyết minh đề xuất của JiNa, ấn tượng đầu tiên cho thấy đây là một đồ án nghiên cứu công phu, thể hiện đẹp. Tuy nhiên, hầu hết các lô đất đều được tận dụng phát triển các công trình đem lại hiệu quả đầu tư địa ốc, còn phần diện tích dành cho không gian xanh và mặt nước phần lớn là dựa vào lấn sông.

 

 

Thận trọng với sông Hàn - Kỳ 5: Đồ án của JiNa quy hoạch  sông Hàn như công viên giải trí  - ảnh 1Phối cảnh quy hoạch hai bờ sông Hàn của đơn vị tư vấn JiNa
Cần giảm diện tích bê tông hoá
 
 
Thận trọng với sông Hàn - Kỳ 5: Đồ án của JiNa quy hoạch  sông Hàn như công viên giải trí  - ảnh 2 Không nên cho phép xây cất các cao ốc sắp hàng dài dọc theo sông Hàn và nhất là không nên cho phép xây công trình cao ốc che chắn tầm nhìn thoáng từ lõi trung tâm về phía Ngũ Hành Sơn. Bởi vì sông Hàn và Ngũ Hành Sơn có ý nghĩa với Đà Nẵng không khác với sông Hương, núi Ngự đối với Huế
Thận trọng với sông Hàn - Kỳ 5: Đồ án của JiNa quy hoạch  sông Hàn như công viên giải trí  - ảnh 3
 
 
 

Thực tế hiện nay, việc quy hoạch các khu vực gần biển hoặc có nguy cơ chịu tác động của nước biển dâng do biến đổi khí hậu trên thế giới đều cần phải dựa trên nền tảng bản đồ các kịch bản ngập lụt để đưa ra giải pháp quy hoạch phù hợp. Đề xuất của JiNa cần phải được đánh giá lại trên cơ sở này.

Bản thân đề xuất của JiNa đã bỏ qua những cơ hội dùng thiết kế đô thị để cải tạo môi trường. Ví dụ, quy hoạch dọc bờ sông không nên tổ chức thành những dãy công trình nối tiếp liên tục với nhau như bức tường thành kéo dài, mà cần cắt thành nhiều cụm với những mảng xanh chuyển tiếp, có thể là tại vị trí khu vực chân các cầu vượt, nối kết liên hoàn với các đại lộ xanh thẳng góc với dòng sông và kéo dài ra biển (như đường Hồ Xuân Hương, Phan Tứ, Nguyễn Văn Thoại, Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng…) để dẫn luồng gió mát vào sâu trong đất liền, giúp cải tạo vi khí hậu đô thị.
Tương tự, thay vì lấn sông để làm mảng xanh, nên giảm mật độ công trình ven sông để dành đất cho một tỷ lệ cây xanh mặt nước phù hợp. Các không gian sân bãi quảng trường nên giảm diện tích bê tông hoá để giảm hiệu ứng đảo nhiệt trong điều kiện chưa làm được cho toàn thành phố.
Không đưa nhiều bến du thuyền vào trung tâm
Thận trọng với sông Hàn - Kỳ 5: Đồ án của JiNa quy hoạch  sông Hàn như công viên giải trí  - ảnh 4Quy hoạch thiết kế bến du thuyền của DHC lấn sông Hàn – Ảnh: chụp lại từ đồ án

Đề xuất JiNa hiện chưa tạo được bản sắc sông Hàn đúng tầm giá trị văn hóa lịch sử và kinh tế xã hội của Đà Nẵng, mà chỉ đang tổ chức sông Hàn như một công viên giải trí trên sông. Trước hết, trục biểu tượng được đề xuất xác định bởi vòng xoay mặt trời ở phía nam và tháp quan sát ở phía bắc, đều là những công trình dịch vụ thương mại.
Thực tế, trục biểu tượng nên được xác định bởi các công trình có ý nghĩa văn hoá lịch sử như điểm nhấn thiên nhiên Ngũ Hành Sơn xa hơn về phía nam (là linh địa mang tính biểu tượng của Đà Nẵng và đã đưa vào logo chính thức của TP); cụm công trình cao tầng Trung tâm hành chính (bao gồm Novotel, Bảo tàng Đà Nẵng và công trình di tích quốc gia Thành Điện Hải); tháp quan sát kiêm hải đăng (nên xét chọn vị trí lô đất nhô ra cuối sông Hàn mở ra cửa biển thay vì ở chân cầu Thuận Phước), và một vài cụm công trình cao tầng mang tính biểu tượng khác, nếu có.
Không nên cho phép xây cất các cao ốc sắp hàng dài dọc theo sông Hàn và nhất là không nên cho phép xây công trình cao ốc che chắn tầm nhìn thoáng từ lõi trung tâm về phía Ngũ Hành Sơn. Bởi vì sông Hàn và Ngũ Hành Sơn có ý nghĩa với Đà Nẵng không khác với sông Hương, núi Ngự đối với Huế.
Đồ án cũng chưa quan tâm tổ chức lại các khu vực xung quanh các điểm nhấn văn hóa lịch sử để tạo thành các khu vực có bản sắc riêng, như khu chợ Hàn, khu Bảo tàng Chăm, khu làng chài cũ bên sông Hàn… Khu văn hóa thể thao và các khu đất gần cầu Tiên Sơn tuy đã có quy hoạch, vẫn cần phải nghiên cứu lại khu đất ven sông và khu mặt nước trong đất liền để tạo không gian kết nối tốt. Ranh giới nghiên cứu, do đó không nên dừng ở cầu Trần Thị Lý, mà phải mở rộng đến khu vực ngã ba sông Hàn giao với các sông Cẩm Lệ và sông Đô Tỏa, bao gồm cầu Tiên Sơn. Trên sông không chỉ có những khu vực sinh hoạt náo nhiệt, mà cũng rất cần thêm những không gian yên tĩnh để thư giãn. Việc tạo nên những không gian đô thị có bản sắc đa dạng dọc theo bờ sông Hàn sẽ làm tăng giá trị văn hoá lịch sử và kinh tế xã hội của Đà Nẵng.
Về giao thông, đồ án của JiNa đang còn phát triển trên nền tảng giao thông cá nhân, tập trung vào các giải pháp bãi xe cá nhân, bến du thuyền và tổ chức đường bộ. Nhưng quy hoạch sông Hàn cần phải được tổ chức trên nền khung sườn giao thông công cộng phối hợp hài hòa với không gian và giao thông cho người đi bộ. Không nên đưa quá nhiều du thuyền vào sâu khu vực trung tâm, gây ảnh hưởng đến giao thông thủy nói chung và đến cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên của sông Hàn nói riêng. Trên thế giới, khu bến du thuyền chính thường đặt ở vị trí gần cửa sông mở ra biển và chỉ cho phép một số du thuyền hạn chế đi vào phía trong.
Với tất cả những thiếu sót và thiếu hợp lý trên, đề xuất JiNa nên được xem như thiết kế ý tưởng ban đầu. Qua thu thập ý kiến chuyên gia và người dân, JiNa cần hợp tác với một đơn vị tư vấn có kinh nghiệm và tầm nhìn trong nước để cùng nghiên cứu lại hiện trạng, nhiệm vụ thiết kế, ranh giới thiết kế và xác định lại các định hướng chính cho phát triển, sau đó mới chính thức đề xuất các giải pháp quy hoạch cho sông Hàn. Như vậy, chúng ta sẽ có được một quy hoạch tốt và đúng tầm hơn.

 

n TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn 
(Đình Sơn ghi)