11/01/2025

64% diện tích TP.HCM chìm trong nước?

Điều này có thể xảy ra nếu mưa lớn cùng lúc kết hợp triều cường, xả lũ hồ Trị An và hồ Dầu Tiếng.

 

64% diện tích TP.HCM chìm trong nước?

 

 

Điều này có thể xảy ra nếu mưa lớn cùng lúc kết hợp triều cường, xả lũ hồ Trị An và hồ Dầu Tiếng.

 

64% diện tích TP.HCM  chìm trong nước ?Đường Nguyễn Hữu Cảnh ngập sau mưa và triều cường – Ảnh: Phạm Hữu
Trao đổi với PV Thanh Niên, thạc sĩ Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước thuộc Trung tâm chống ngập TP.HCM, cho biết sau nhiều trận mưa lớn đầu mùa, toàn TP chỉ còn 6 điểm ngập phân bố rải rác tại các vùng ven, khu vực ngoại thành, còn trong nội thị không xảy ra ngập. Nhiều khu vực đã hết ngập hoặc giảm ngập như đường Cô Bắc – Cô Giang (Q.1), đường Ba Tháng Hai đoạn trước Nhà hát Hoà Bình (Q.10), bùng binh Cây Gõ, đường Châu Văn Liêm, đường Hồng Bàng (Q.5)… Sở dĩ có ít điểm ngập như vậy là do thời điểm xảy ra mưa không trùng thời điểm triều cường cao. Bởi nếu mưa kết hợp với triều cường thì 64% diện tích của TP sẽ chìm trong biển nước do địa hình thấp, trũng cộng với tình trạng ồ ạt phát triển các đô thị mới đã làm cho tình trạng ngập úng sâu hơn và thời gian dài hơn. “Trước năm 1996, diện tích mặt thoáng có thể trữ nước trong các kênh, rạch, khu trũng tại TP là trên 25% thì nay với tốc độ đô thị hoá khiến diện tích mặt thoáng có thể trữ nước tại các khu đô thị cũ còn khoảng 4,48% và khu đô thị mới khoảng 10,43%”, thạc sĩ Long nói.
Khu trung tâm có thể ngập 6 giờ
Một mối đe dọa khác khiến tình trạng ngập lụt ngày càng diễn ra trầm trọng là do khai thác nước ngầm, dẫn đến mặt đất nhiều nơi trong TP bị lún từ 10 – 30 mm/năm. Theo kết quả tính toán của Liên doanh tư vấn quốc tế Deltares – Royal Haskoning, với mức độ khai thác nước ngầm như hiện nay thì đến năm 2050 có nhiều nơi mặt đất sẽ bị lún thêm từ 0,5 m đến hơn 1 m. Điều này khiến tình trạng ngập lụt thời gian tới sẽ ngày càng nghiêm trọng.
Đó là chưa kể đến tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng và triều cường. Tổ chức này đưa ra ba kịch bản. Kịch bản 1, nếu mưa lượng 100 mm sẽ khiến khu vực ngoại thành như Q.7, 9, 12, huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn bị ngập úng. Kịch bản 2, khi triều cường đạt đỉnh 1,68 m như thời gian qua thì khu vực Q.7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh sẽ bị ngập. Kịch bản thứ 3, kết hợp mưa và triều cường, xả lũ hồ Trị An và hồ Dầu Tiếng thì 64% diện tích bị chìm trong biển nước, thậm chí khu vực trung tâm sẽ bị ngập lên đến 6 giờ. Theo Deltares – Royal Haskoning, thiệt hại về kinh tế có thể từ 6.000 – 12.000 tỉ đồng/năm, tùy theo tình hình biến đổi khí hậu ít hay nhiều.
Chống ngập tạm thời
Để chống ngập do triều cường, theo thạc sĩ Đỗ Tấn Long, UBND TP.HCM xác định và đưa vào danh mục các dự án cấp bách, đã ưu tiên thực hiện trước. Cụ thể, những năm vừa qua Trung tâm chống ngập kết hợp UBND các quận, huyện đã thực hiện lắp đặt khoảng 1.100 van ngăn triều dọc các khu vực ven sông, rạch; xây dựng được tổng cộng khoảng 500 km đê bao, tường tạm loại nhỏ để ngăn nước triều… nên nay ngập cũng đã giảm. Những khu vực triển khai các dự án này đều là điểm nóng về ngập trước đây như Bến Mễ Cốc, dọc đường Phạm Thế Hiển thuộc Q.8; một số khu vực thuộc Q.Thủ Đức, Q.6… Tuy nhiên, đây chỉ là những công trình chống ngập cấp bách, không bền vững và chỉ chống ngập tạm với thời gian tối đa 5 – 10 năm. “Về lâu dài, để chống ngập bền vững thì không cách nào khác, TP.HCM buộc phải triển khai thực hiện các dự án chống ngập quy mô lớn, vốn đầu tư hàng nghìn tỉ đồng mà Chính phủ đã quy hoạch như các dự án thuộc Quyết định số 1547”, ông Long nói.
Nhận xét về các giải pháp chống ngập nói trên, TS Hồ Long Phi, nguyên Phó ban Điều hành chương trình chống ngập TP.HCM, thành viên Hội đồng tư vấn quốc gia về biến đổi khí hậu, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, cho rằng: “Biện pháp này chỉ phát huy tác dụng khi triều không gặp mưa. Còn khi triều cường mà gặp lúc mưa thì giải pháp này không khả thi, vì khi van đóng lại để ngăn triều cường từ sông tràn vào cũng đồng nghĩa với việc nước mưa không thoát từ cống ra sông được, nước ứ lại. Bởi theo nguyên tắc hoạt động của van ngăn triều, chỉ cần những khu vực thấp, mực nước cao 1 m là van đã đóng lại. Đó là nhược điểm của van ngăn triều cục bộ”.

Đình Mười – Đình Sơn