16/11/2024

Nội dung bài phỏng vấn ĐTC trên chuyến bay từ Paraguay trở về Roma

Chiều Chúa Nhật 12-7 vừa qua, trên chuyến bay từ Paraquay về Roma, ĐTC Phanxicô đã dành cho các nhà báo quốc tế một cuộc phỏng vấn dài, liên quan tới chuyến viếng thăm tại 3 nước Ecuador, Bolivia và Paraguay, cũng như liên quan tới một vài vấn đề thời sự như cuộc khủng hoảng của Hy Lạp, cuộc đối thoại giữa Cuba và Hoa Kỳ, tình hình Colombia và Venenezuel… Say đây chúng tôi xin gửi tới quý vị nội dung phần đầu bài phỏng vấn.

Nội dung bài phỏng vấn ĐTC trên chuyến bay từ Paraguay trở về Roma
 

ĐTC Phanxicô trả lời cuộc phỏng vấn của các nhà báo quốc tế trên chuyến bay từ Paraguay vể Roma 13-7-2015 – OSS_ROM

Chiều Chúa Nhật 12-7 vừa qua, trên chuyến bay từ Paraquay về Roma, ĐTC Phanxicô đã dành cho các nhà báo quốc tế một cuộc phỏng vấn dài, liên quan tới chuyến viếng thăm tại 3 nước Ecuador, Bolivia và Paraguay, cũng như liên quan tới một vài vấn đề thời sự như cuộc khủng hoảng của Hy Lạp, cuộc đối thoại giữa Cuba và Hoa Kỳ, tình hình Colombia và Venenezuel…

Say đây chúng tôi xin gửi tới quý vị nội dung phần đầu bài phỏng vấn. 4 câu đầu ĐTC đã trả lời bằng tiếng Tây Ban Nha, các câu sau bằng tiếng Ý.

Nhà báo Anibal Velazquez của Nhật báo ABC Color Paraguay hỏi: Thưa ĐTC, dân chúng vui mừng vì ĐTC đã nâng Đền thánh Caacupé lên hàng Vương cung Thánh đường, nhưng họ tự hỏi Paraguay có tội gì mà chưa có hồng y?

Đáp: Không có hồng y không phải là một tội. Đa số các nước trên thế giới không có hồng y (HY). Quốc tịch của các HY là thiểu số. Đúng thật là cho tới nay Paraguay chưa có HY nào. Tôi không biết lý do. Đôi khi để chọn các HY người ta cân nhắc, đọc và nghiên cứu các hồ sơ của từng vị, xem xét con người, nhất là đặc sủng của HY sẽ được chọn để cố vấn cho ĐGH và trợ giúp Giáo hoàng trong việc cai quản Giáo Hội hoàn vũ. HY tuy thuộc về một Giáo Hội địa phương nhưng được gia nhập vào Giáo hội Roma và có một cái nhìn đại đồng. Điều này không có nghĩa là tại Paraguay không có các giám mục có quan điểm hoàn vũ. Nhưng lý do vì không thể chỉ định quá 120 HY có quyền bầu Giáo hoàng. Uruguay đã có 2 vị. Một vài nước Trung Mỹ cũng đã có HY, nhưng tất cả tuỳ thuộc các hoàn cảnh, con người và đặc sủng. Nhưng sự kiện này không có nghĩa là các Giám mục Paraguay không có giá trị gì. Paraguay có các giám mục thiên tài. Tôi nhớ là có hai giám mục Bogarin đã làm nên lịch sử Paraguay. Nếu nhìn vào Giáo hội Paraguay thì Paraguay đáng có 2 HY, nhưng nó không liên quan gì tới công nghiệp. Paraguay là một Giáo Hội sống động, tươi vui, một Giáo Hội chiến đấu và có một lịch sử vinh quang.

Hai chị Priscilla Quiroga của Đài Truyền hình Kênh A và chị Cecillia Dorado Nava của Nhật báo El Deber Bolivia hỏi: Xin ĐTC cho biết ý kiến liên quan tới ước muốn  của Bolovia trong cuộc thương thuyết với Chilê để có lối ra Thái Bình Dương. Trong trường hợp hai nước xin Toà Thánh làm trung gian, ĐTC có nhận không?

Đáp: Làm trung gian là một việc rất tế nhị và như là bước cuối cùng. Cũng như trong trường hợp giữa Argentina và Chilê để tránh một cuộc chiến. Tình hình đã rất là căng thẳng nên Toà Thánh đã dấn thân, vì thế Thánh Gioan Phaolô II đã luôn chú ý, ngoài ra có thiện chí của cả hai nước muốn thương thuyết. Có điều lạ, ít nhất là bên Argentina có một nhóm không muốn sự trung gian này, và khi Tổng thống Alfonsin tổ chức trưng cầu dân ý có muốn chấp nhận đề nghị trung gian không, thì đương nhiên đa số dân nói là có, nhưng có một nhóm không muốn. Luôn luôn khi có vấn đề trung gian, thì khó có chuyện toàn dân đều đồng ý. Nhưng việc làm trung gian là bước cuối cùng, vì luôn luôn có các gương mặt ngoại giao và các người tạo thuận tiện khác trợ giúp dàn xếp vấn đề.

Trong lúc này thì tôi cho rằng phải rất tôn trọng để cho Bolivia đưa vấn đề ra một toà án quốc tế. Vì vậy, nếu tôi bình luận trong lúc này – tôi là thủ lãnh của một quốc gia – nó sẽ có thể bị giải thích như là xen mình vào hay gây áp lực hoặc gì khác. Tôi cho rằng cần tôn trọng quyết định của nhân dân Bolivia. Và cũng cần xem trước đây đã có các yêu cầu đối thoại hay chưa. Tôi không rõ. Điều tôi biết đó là vào thời Tổng thống Lagos của Chilê, tôi không nhớ rõ thời gian chính xác, người ta đã tìm một giải pháp. Đây là bình luận mà ĐHY Errazuris nói với tôi. Do đó, tôi không muốn nói gì về điều này cả.

Điểm thứ ba mà tôi muốn thừa nhận rõ ràng. Đó là trong Nhà thờ Chính toà Bolivia tôi đã đề cập đến một vấn đề rất tế nhị, khi chú ý tới tình hình cậy nhờ toà án quốc tế. Tôi nhớ rõ mình đã nói: “Là anh em thì cần đối thoại, các dân tộc Mỹ Latinh cần đối thoại để tạo dựng quốc gia lớn, đối thoại cần thiết.” Tới đó, tôi thinh lặng rồi nói “tôi nghĩ tới biển”, và tiếp tục nói rằng “đối thoại và đối thoại”. Tôi tin rằng sự can thiệp của tôi nhắc tới vấn đề này, nhưng tôn trọng tình hình hiện nay. Vì trong một toà án quốc tế thì không thể nói tới việc làm trung gian, cũng như tạo thuận tiện, mà chỉ hy vọng thôi.

Hỏi: Thưa ĐTC, như thế ước vọng của nhân dân Bolivia có chính đáng không?

Đáp: Luôn luôn có một nền tảng công lý, khi có việc thay đổi ranh giới, và nhất là sau một cuộc chiến. Cần phải liên tục xem xét lại. Tôi sẽ nói rằng việc đề nghị một chuyện thuộc loại này, ước vọng này không phải là không chính đáng. Tôi nhớ là hồi năm 1961, khi đang học triết học năm thứ nhất, chúng tôi nhận được một tài liệu về Bolivia do một cha từ Bolivia đem sang, tôi tin nó có đề tựa là “Mười ngôi sao”. Cha hỏi: “Bolivia có mấy vùng?” Chúng tôi trả lời là có 9 vùng. Cha trả lời là “có 10 vùng”, rồi giới thiệu từng vùng một, và sau cùng là vùng thứ 10 cha nhìn biển và không nói lời nào cả. Tôi rất xúc động. Đó là hồi năm 1961. Nếu người ta thấy là có một khát vọng, thì rõ ràng rồi, sau một trận chiến loại này dấy lên các mất mát, thì tôi tin điều quan trọng nhất là đối thoại, là thương thuyết lành mạnh. Giờ đây trong lúc này, việc đối thoại có được là chạy tới Toà án La Haye.

Ông Fredy Paredes, thuộc Nhật báo Teleamazonas Ecuador, hỏi: Thưa ĐTC, trước chuyến viếng thăm của ĐTC, nưóc Ecuador náo loạn, sau khi ĐTC rời nước này, những người chống đối chính quyền lại xuống đường biểu tình. Xem ra sự hiện diện của ĐTC tại Ecuador bị sử dụng cho mục đích chính trị, đặc biệt câu ĐTC nói: “Nhân dân Ecuador đã đứng lên với phẩm giá.” Con xin hỏi ĐTC theo thứ tự nếu được: “Câu này trả lời cho cái gì? ĐTC có thiện cảm với dự án chính trị của Tổng thống Correa không? ĐTC có tin rằng các lời nhắn nhủ chung mà ĐTC đã đưa ra trong chuyến viếng thăm tại Ecuador nhằm khích lệ sự tăng trưởng, đối thoại, xây dựng dân chủ và không tiếp tục đường lối chính trị gạt bỏ như ĐTC nói, có được thực thi tại Ecuador hay không?

Đáp: Đương nhiên là có các vấn đề chính trị và các cuộc biểu tình. Điều này thì người ta biết rồi. Tôi không biết các khó khăn của nền chính trị tại Ecuador, nên việc đưa ra một ý kiến từ phía tôi sẽ là điều vô nghĩa. Thế rồi người ta nói với tôi, như một dấu ngoặc trong chuyến viếng thăm của tôi, là tôn trọng chuyến viếng thăm của ĐGH, đó là điều tôi xin cám ơn và trân trọng. Giờ đây các sự vật biến chuyển, và đương nhiên là các vấn đề và các thảo luận chính trị tiếp diễn. Liên quan tới câu nói mà anh đề cập đến, tôi có ý ám chỉ ý thức lớn hơn mà người dân Ecuador có đối với giá trị của họ. Một trận chiến biên giới với Peru không làm được nhiều. Có các lịch sử chiến tranh. Rồi có một ý thức lớn hơn đối với sự khác biệt và phong phú chủng tộc của Ecuador. Và điều này trao ban phẩm giá. Ecuador không phải là một nước bị gạt bỏ. Nó quy chiếu toàn dân và tất cả phẩm giá của dân tộc này, sau cuộc chiến biên giới, họ đã đứng lên với phẩm giá, và đã có ý thức hơn về phẩm giá và sự phong phú của sự hiệp nhất trong khác biệt của mình. Không thể gán cho một tình hình cụ thể, bởi vì cũng chính câu này – người ta bình luận, nhưng tôi không thấy như thế – bị lèo lái để giải thích cả hai tình trạng: chính quyền đã đứng lên tại Ecuador hay những người chống chính quyền đã đứng lên. Một câu nói có thể bị lèo lái, và vì thế, tôi tin là cần rất thận trọng. Tôi xin cám ơn câu hỏi của anh, bởi vì đó là một kiểu cẩn thận. Và anh đang nêu gương cẩn thận đấy.

Nếu anh chị em cho phép. Việc giải thích một văn bản thật rất quan trọng trong công việc của anh chị em. Không  thể giải thích nó chỉ với một câu. Có những câu là chìa khoá của việc giải thích, và có những câu không là chìa khoá nhưng là những câu qua đi, hay linh động. Vì vậy, cần xem xét hết bối cảnh, tình hình và lịch sử. Nhìn lịch sử của lúc này, hay chúng ta đang nói tới quá khứ, giải thích một sự kiện quá khứ với kiểu giải thích của thời đó. Chẳng hạn như các cuộc chiến của thập tự quân cần phải giải thích chúng với kiểu giải thích của thời bấy giờ. Điều nòng cốt là giải thích một diễn văn, hay bất cứ bản văn nào, với một loại giải thích toàn vẹn, chứ không cô lập.

Chị Stefania Falasca của Nhật báo Avvenire của Italia hỏi: Thưa ĐTC, trong bài nói chuyện với các Phong trào Bình dân tại Bolivia, ĐTC  đã đề cập tới phong trào tân thực dân và việc tôn thờ thần tiền khống chế nền kinh tế và áp đặt các chính sách thắt lưng buộc bụng luôn luôn thiệt thòi cho dân nghèo. Từ nhiều tuần nay, bên Âu châu chúng ta có trường hợp của Hy Lạp và số phận của nước này có nguy cơ ra khỏi khối Euro. ĐTC nghĩ gì về những điều đang xảy ra tại Hy Lạp và cũng liên quan tới Âu châu?

Đáp: Trước hết, bởi vì sự can thiệp này của tôi trong đại hội của các Phong trào Bình dân là lần can thiệp thứ hai. Lần thứ nhất là tại Vatican trong phòng họp cũ của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới, hồi đó có 120 tham dự viên. Cuộc hội này đã do Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình tổ chức. Tôi gần gũi với nó, bởi vì nó là một hiện tượng trên toàn thế giới. Kể cả bên Đông phương, bên Philippines, Ấn Độ, Thái Lan. Chúng là các phong trào được tổ chức giữa chúng, không phải chỉ để phản đối mà để tiến tới và có thể sống. Và chúng là các phong trào có sức mạnh, và các anh chị em này đông biết bao. Họ không cảm thấy được đại diện bởi các nghiệp đoàn, vì họ nói rằng các nghiệp đoàn ngày nay là một nghiệp hội, không tranh đấu nữa – tôi đang đơn giản hoá một chút – nhưng ý tưởng của biết bao nhiêu người của các anh chị em này đó là các nghiệp đoàn không tranh đấu cho các quyền lợi của người nghèo. Và Giáo Hội không thể thờ ơ. Giáo Hội có một giáo lý xã hội và đối thoại với phong trào này và đối thoại tốt. Anh chị em đã thấy lòng hăng hái cảm nhận được rằng Giáo Hội không xa cách chúng ta, Giáo Hội có một giáo lý giúp chúng ta tranh đấu cho điều này. Đó là một cuộc đối thoại. Không phải Giáo Hội lựa chọn con đường vô chính phủ. Không. Họ không vô chính phủ. Họ là những người làm việc, tìm làm biết bao công việc, kể cả với  những gì bị vứt bỏ, những gì thừa thãi. Họ thực sụ là các công nhân. Đó là tầm quan trọng của sự kiện này.

Liên quan tới Hy Lạp và hệ thống quốc tế: tôi rất dị ứng với kinh tế, bởi vì cha tôi đã là một kế toán viên và khi không làm xong việc ở sở, thì người đem về nhà làm, cả ngày thứ bảy và Chúa Nhật, với các sách thời đó, viết theo kiểu chữ gôtích, người làm việc… tôi trông thấy cha tôi như vậy và tôi dị ứng. Tôi không hiều rõ sự việc ra sao, nhưng chắc chắn sẽ đơn sơ khi nói rằng lỗi chỉ là tại phần này. Các chính quyền Hy Lạp đã đưa tình trạng nợ nần quốc tế tới điểm này cũng có phần trách nhiệm của họ. Với chính quyền mới, người ta đã đi tới một việc duyệt xét hơi đúng. Tôi cầu mong và đây là điều duy nhất tôi có thể nói với chị, vì tôi không biết  rõ… tôi cầu mong họ tìm ra một con đường dể giải quyết vấn đề Hy Lạp, và cả một con đường để giám sát không để xảy ra vấn đề này trong các nước khác; và ước gì điều này giúp chúng ta tiến tới, bởi vì con đường vay mượn và nợ nần sau cùng không bao giờ tận. Người ta đã nói với tôi cách đây 1 năm rằng Liên Hiệp Quốc có một chương trình (nếu ai trong anh chị em biết thì xin giải thích), một chương trình theo đó một quốc gia có thể tuyên bố mình vỡ nợ, không phải là tình trạng default, nhưng một chương trình tôi đã nghe và không biết nó đã đi tới đâu rồi, và có thật hay không. Tôi nói thế để minh giải thôi, nếu một hãng xưởng có thể tuyên bố mình vỡ nợ, thì tại sao một nước lại không thể làm như thế, và đi tới sự trợ giúp của các nước khác? Đó đã là các nền tảng của dự án, nhưng tôi không thể nói thêm gì khác.

Liên quan tới các tân thực dân: đương nhiên là chúng liên quan tới mọi giá trị rồi. Thực dân của chủ thuyết tiêu htụ. Chiếc áo của huynh hướng tiêu thụ đã là một tiến bộ của thực dân. Vì nó đưa tới cho bạn một thói quen không phải là của bạn, và nó cũng khiến cho bạn mất thăng bằng. Chủ thuyết tiêu thụ cũng khiến cho nền kinh tế bên trong một nước mất thăng bằng, cả công lý xã hội, sức khoẻ thể lý và tâm thần cũng mất thăng bằng. Đó là một thí dụ thôi.

Chị Anna Matranga, phóng viên của Đài Trruyền hình CBS, hỏi: Thưa ĐTC, một trong các sứ điệp mạnh mẽ nhất của chuyến công du này đó là hệ thống kinh tế toàn cầu thường áp đặt tâm thức của lợi nhuận bằng mọi giá, gây thiệt hai cho dân nghèo. Điều này bị dân Mỹ coi như là lời chỉ trích trực tiếp hệ thống kinh tế và kiểu sống của họ. ĐTC trả lời thế nào cho nhận thức này? Và đâu là lượng định của ĐTC đối với ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên thế giới?

Đáp: Điều tôi đã nói, câu nói ấy không mới mẻ. Tôi đã nói trong Thông điệp Niềm vui Phúc Âm: “Nền kinh tế này giết chết.” Tôi nhớ rõ câu này. Có một bối cảnh. Và tôi cũng nói trong Thông điệpLaudato si’, việc chỉ trích không phải là một điều mới lạ, người ta biết đó. Tôi đã nghe rằng ở Hoa Kỳ đã có vài lời chỉ trích. Tôi đã nghe, nhưng tôi chưa đọc và nghiên cứu để rồi đối thoại. Chị sẽ hỏi tôi nghĩ gì, nhưng nếu tôi chưa đối thoại với những người đã chỉ trích, thì tôi không có quyền đưa ra một tư tưởng, cô lập khỏi cuộc đối thoại.

Hỏi: Thưa ĐTC, ĐTC sẽ sang Hoa Kỳ, ĐTC có nghĩ mình sẽ được tiếp đón như thế nào không, ĐTC có ý tưởng nào về quốc gia này không?

Đáp: Không, bây giờ tôi phải bắt đầu nghiên cứu, bởi vì cho tới nay tôi đã nghiên cứu 3 nước rất xinh đẹp mới viếng thăm này, chúng là một sự phong phú và là một vẻ đẹp. Bây giờ tôi phải bắt đầu nghiên cứu nước Cuba, vì tôi sẽ viếng thăm trong 2 ngày rưỡi, rồi Hoa Kỳ, 3 thành phố miền Đông – vì tôi không thể đi đến miền Tây – là Whasington, New York và Philadelphia, tôi phải bắt đầu nghiên cứu các chỉ trích này rồi đối thoại một chút.

Chị Aura Vistas Miguel hỏi: Thưa ĐTC, ĐTC đã cảm thấy gì khi trông thấy cây Thánh giá hình búa liềm và Chúa Kitô trên đó, do Tổng thống Morales dâng tặng? Và cây Thánh giá ấy đâu rồi?

Đáp: Thật là lạ, tôi không biết điều này và tôi cũng không biết là Cha Espinal đã là một nhà điêu khắc và cũng là thi sĩ. Tôi mới chỉ biết trong các ngày này thôi. Tôi đã thấy cây Thánh giá, và đối với tôi, nó đã là một ngạc nhiên. Điều thứ hai, có thể coi nó như loại nghệ thuật phản đối. Chẳng hạn tại Buenos Aires, cách đây vài năm, đã có một cuộc triển lãm của một điêu khắc gia rất giỏi, có óc sáng tạo, người Argentina. Bây giờ ông ta chết rồi. Nó đã là nghệ thuật phản kháng, và tôi nhớ có một tác phẩm là “Chúa Kitô bị đóng đinh trên một máy bay bỏ bom đang lao đầu xuống”. Đó đã là một chỉ trích chống lại Kitô giáo liên minh với chế độ tư bản là máy bay bỏ bom. Như thế, điểm thứ nhất tôi đã không biết, điểm thứ hai tôi định tính nó như là nghệ thuật phản kháng, trong một vài trường hợp có thể gây xúc phạm. Thứ ba, trong trường hợp cụ thể ở đây Cha Espinal thuộc loại này. Điều này thì tôi biết, vì hồi đó tôi là phân khoa trưởng phân khoa thần học, và người ta đã nói nhiều tới chuyện này, tới các khuynh hướng khác nhau và ai là các người đại diện. Trong cùng năm ấy, Cha Bề trên Tổng quyền Dòng Tên Arrupe đã viết một bức thư cho toàn dòng liên quan tới việc phân tích thực tại thần học theo khuynh hướng mác xít, và khẳng định rằng làm như thế là không được. Chúng là các điều khác nhau, làm như thế là không được và không đúng đắn. Và 4 năm sau, năm 1984, Bộ Giáo lý Đức tin công bố tập sách nhỏ đầu tiên chỉ trích điều này, đó là tuyên bố đầu tiên về nền thần học giải phóng. Rồi đến tập thứ hai mở ra các viễn tượng có tính chất Kitô hơn. Tôi đang đơn giản hoá một chút có phải thế không ạ? Chúng ta hãy giải thích thời đó Espinal đã là một người hứng khởi đối với phân tích này của thực tại mác xít, cũng như của thực tại thần học, bằng cách dùng chủ thuyết mác xít. Tác phẩm này phát xuất từ đó. Cả các bài thơ của Cha Espinal cũng thuộc loại phản kháng này, nhưng đó đã là cuộc sống, tư tưởng của cha, cha đã là một người đặc biệt, với biết bao nhiêu tài năng thiên phú, và cha tranh đấu trong ý hướng ngay lành. Tôi đã phải giải thích như thế và nói với anh chị em để đừng có các ý kiến sai lầm. Cây thánh giá ấy giờ đây tôi mang theo với tôi, đi với tôi. Có lẽ chị đã nghe là Tổng thống Morales đã muốn trao tặng tôi 2 huân chương, huân chương quan trọng nhất nước Bolivia và huân chương kia thuộc Hội Cha Espinal, một hội mới. Tôi đã không bao giờ nhận một huân chương, nó không thích hợp với tôi. Nhưng Tổng thống đã làm điều này với tất cả thiện chí với ước mong làm tôi hài lòng. Và tôi nghĩ rằng chúng đến từ nhân dân Bolivia. Tôi đã cầu nguyện trên các huân chương ấy, và tôi đã nghĩ, nếu tôi đem về Vatican, thì chúng sẽ nằm trong viện bảo tàng và sẽ không có ai trông thấy. Do đó, tôi đã nghĩ để chúng lại cho Đức Bà Copacabana, là Mẹ của dân nước Bolivia. Chúng sẽ được đem đến Đền thánh Đức Mẹ Copacabana, tôi đã giao 2 huân chương ấy rồi. Trái lại, Chúa Kitô thì tôi đem theo với tôi.

Chị Anaiis Feuga hỏi: Thưa ĐTC, trong Thánh lễ tại Guayaquil ĐTC đã nói rằng Thượng Hội đồng Giám mục phải làm chín muồi một sự phân định để tìm ra các giải pháp cụ thể cho các khó khăn của gia đình. Rồi ĐTC đã xin tín hữu cầu nguyện cho những gì đối với chúng ta xem ra là ô uế, gây gương mù gương xấu, hay khiến cho chúng ta sợ hãi, để Thiên Chúa có thể biến đổi thành phép lạ. Xin ĐTC xác định đâu là các tình trạng ô uế hay gây hoảng sợ hoăc gây gương mù gưong xấu mà ĐTC muốn ám chỉ?

Đáp: Ở đây nữa tôi cũng sẽ giải thích bối cảnh văn bản. Tôi đã nói tới phép lạ rượu ngon, và tôi nói rằng các vại nước đầy, nhưng là để cho việc thanh tẩy. Mỗi người vào dự lễ cưới đều thanh tẩy và để các dơ nhớp tinh thần của mình ở ngoài. Đó là lễ nghi thanh tẩy trước khi vào một nhà nào hay vào đền thờ. Một lễ nghi mà bây giờ chúng ta có trong nước thánh: nó là phần còn lại của lễ nghi Dothái xưa kia. Tôi đã nói rằng chính Chúa Giêsu đã làm ra rượu ngon nhất với nước để rửa các nhơ nhớp, rửa cái tồi tệ nhất. Nói chung chung, tôi đã nghĩ tới việc chú giải này: gia đình bị khủng hoảng – chúng ta tất cả đều biết – chỉ cần đọc tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng Giám mục về Gia đình mà anh chị em biết đó, vì nó đã được trình bày trong đó rồi. Chúng tôi đã ám chỉ tất cả những điều ấy: ước chi Chúa thanh tẩy chúng ta khỏi cuộc khủng hoảng này, khỏi biết bao nhiêu điều được miêu tả trong Tài liệu làm việc. Nó là một điều chung chung, chứ tôi đã không nghĩ đến một điểm đặc biệt nào. Xin Chúa khiến cho chúng ta trở nên tốt lành hơn, cho gia đình của chúng ta trưởng thành và tốt lành hơn. Gia đình đang gặp khủng hoảng, xin Chúa thanh tẩy chúng ta và chúng ta tiến tới. Nhưng các điểm đặc biệt của cuộc khủng hoảng này thì ở trong Tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng Giám mục mà anh chị em có.

Anh Javier Martinez Brocal của Hãng Thông tin Romereports hỏi: Thưa ĐTC, xin cám ơn ĐTC vì cuộc đối thoại giúp cá nhân chúng con cũng như công việc của chúng con. Con hỏi thay mặt tất cả các nhà báo nói tiếng Tây Ban Nha. Chúng ta đã thấy việc trung gian giữa Cuba và Hoa Kỳ xuôi chảy. ĐTC có nghĩ là có thể làm điều gì đó giống như thế trong các tình hình tế nhị khác của Châu Mỹ Latinh hay không, con nghĩ tời Venezuela và cả Colombia nữa? Rồi con có một tò mò: con nghĩ tới cha con ít hơn ĐTC vài tuổi, nhưng chỉ có phân nửa năng lực của ĐTC thôi. Chúng con đã trông thấy năng lực ấy của ĐTC trong chuyến viếng thăm này, và từ 2 năm rưỡi nay. ĐTC có bí quyết nào vậy?

Đáp: Đâu là loại “ma tuý” ĐTC dùng, anh ấy muốn hỏi vậy ấy mà. Đó đã là câu hỏi.

Tiến trình giữa Cuba và Hoa Kỳ đã không có sự trung gian nào. Nó đã không có tính cách trung gian. Đã có ước muốn từ hai phía. Và tôi xin nói thật, điều này đã xảy ra hồi tháng giêng năm ngoái và 3 tháng trôi qua trong đó tôi đã chỉ cầu nguyện cho việc này thôi, tôi đã không quyết định gì: mà có thể làm gì cho hai nước này sau 50 năm họ ở trong tình trạng như thế? Nhưng Chúa đã làm cho tôi nghĩ tới một hồng y. Ngài đã qua đó, đã nói chuyện, rồi tôi cũng đâu có biết gì đâu, rồi một hôm ĐHY Quốc vụ khanh Toà Thánh, cũng hiện diện ở đây, đến nói với tôi: Ngày mai chúng con có cuộc họp với hai phái đoàn… “Mà làm sao?” “Vâng, họ nói chuyện với nhau giữa hai nhóm và họ đang làm điều đó.” Nó đã chạy một mình, đã không có việc làm trung gian. Đó đã là thiện chí của hai nước: công lao là của họ, chính họ đã làm điều này. Chúng tôi hầu như đã không làm gì cả, chỉ làm các điều bé nhỏ thôi, và giữa tháng 12 thì tin được loan ra. Câu chuyện là như thế, thực sự không có gì khác nữa. Điều tôi lo lắng là trong lúc này đây tiến trình hoà bình đừng ngưng lại, và trong nghĩa này, chúng tôi luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ, trong biết bao cách thế. Nhưng sẽ là điều xấu, nếu câu chuyện không tiến tới. Bên Venezuela, HĐGM làm việc để đem lại một chút hoà bình, nhưng ở đây cũng thế, đã không có việc làm trung gian. Trong trường hợp của Hoa Kỳ, đó đã là do Chúa và hai việc tình cờ, rồi nó tiến tới một mình. Đối với Colombia, tôi cầu mong và cầu nguyện, và chúng ta phải cầu nguyện để tiến trình này đừng dừng lại. Nó là một tiến trình đã kéo dài hơn 50 năm nay rồi, và đã có biết bao nhiêu người chết! Tôi nghe nói là có hàng triệu. Liên quan tới Venzuela tôi không có gì để nói.

Ah còn chuyện “ma tuý”. Nhưng mà chỉ có trà mate giúp tôi thôi, tôi đã không nếm coca. Điều này rõ rồi chứ?

Anh Ludwig Ring-Eifel, thuộc Hãng Thông tấn KNA của Đức, hỏi: Thưa ĐTC, trong chuyến công du này chúng con đã nghe biết bao nhiêu sứ điệp mạnh mẽ cho người nghèo, cả các sứ điệp mạnh mẽ, và đôi khi nghêm khắc nữa, đối với người giàu và kẻ quyền thế. Nhưng có một điều mà chúng con đã nghe nói tới rất ít đó là các sứ điệp cho giới trung lưu, nghĩa là những người làm việc, trả thuế, dân thường. Con muốn hỏi tại sao trong huấn quyền của ĐTC lại có ít sứ điệp cho lớp trung lưu như vậy? Và nếu có thì đó là sứ điệp nào?

Đáp: Xin cám ơn anh rất nhiều, đó là một sửa sai rất đẹp. Xin cám ơn. Anh có lý, đó là một sai lầm từ phía tôi. Tôi phải nghĩ tới điều này. Tôi sẽ đưa ra vài bình luận, nhưng không phải để biện minh cho tôi. Anh có lý, tôi phải suy nghĩ một chút. Thế giới này có nhiều cực. Lớp trung lưu trở thành bé nhỏ hơn. Có sự toàn cầu hoá lớn giữa người giàu và người nghèo. Đây là điều có thật, và có lẽ điều này khiến cho tôi đã không chú ý tới giới trung lưu. Tôi nói về thế giới, vài nước thì không, chúng chạy rất tốt, nhưng trên thế giới nói chung người ta trông thấy việc tạo thành hai cực này và con số người nghèo rất lớn. Thế rồi tại sao tôi nói tới người nghèo? Bởi vì nó là trọng tâm của Tin Mừng, và tôi luôn luôn nói từ Tin Mừng về sự nghèo khó, tự nó có tính cách xã hội học. Tôi cũng có vài lời nói về lớp trung lưu, nhưng chỉ lướt qua. Nhưng người dân đơn sơ, người dân thường, lớp công nhân, giai tầng ấy có giá trị lớn. Nhưng tôi tin rằng anh đã nói tới một điều mà tôi phải làm, tôi phải đào sâu hơn giáo huấn về điểm này. Tôi xin cám ơn anh về sự trợ giúp.

Chị Vania De Luca, thuộc Chương trình Truyền hình Rainews 24, giờ hỏi: Thưa ĐTC, trong các ngày này ĐTC đã nhấn mạnh trên sự cần thiết của các lộ trình hội nhập, bao gồm xã hội, chống lại tâm thức gạt bỏ. ĐTC đã ủng hộ cả các dự án đi theo hướng này của việc sống hạnh phúc. Cả khi ĐTC đã cho biết phải nghĩ tới chuyến viếng thăm Hoa Kỳ, ĐTC có nghĩ tới việc đề cập tới các vấn đề này tại Liên Hiệp Quốc, tại Toà Bạch Ốc hay không? ĐTC có nghĩ tới chuyến công du này khi nói  tới các vấn đề này hay không?

Đáp: Không, tôi đã chỉ nghĩ đến chuyến viếng thăm cụ thể này và tới thế giới nói chung. Nhưng nợ nần của các nước trên thế giới trong lúc này thật kinh khủng, Tất cả mọi nước đều nợ, và có một vài nước đã mua nợ của các nước lớn. Đây là một vấn đề quốc tế. Nhưng với điều này tôi đã không đặc biệt nghĩ tới chuyến đi Hoa Kỳ.

Anh Courtney Wals của Đài Fox News hỏi: Thưa ĐTC, chúng ta đã nói một chút về Cuba, nơi ĐTC sẽ viếng thăm vào tháng 9 tới đây trước khi đi Hoa Kỳ, cũng như nói tới vai trò của Vaticăng trong việc làm cho hai nước xích lại gần nhau. Bây giờ Cuba sẽ có một vai trò lớn hơn trong cộng đồng quốc tế, theo ĐTC chính quyền La Habana có phải cải tiến danh tiếng của mình liên quan tới việc tôn trọng các quyền con người kể cả quyền tự do tôn giáo không? Và ĐTC có tin rằng Cuba có nguy  cơ mất đi điều gì trong liên hệ mới này với quốc gia mạnh nhất thế giới hay không?

Đáp: Các quyền con người là để cho tất cà mọi người và người ta tôn trọng các quyền con người chỉ trong một hai nước mà thôi. Tôi sẽ nói rằng trong biết bao nhiêu nước, trong biết bao nhiêu miền trên thế giới này người ta không tôn trọng các quyền con người.

Cuba mất cái gì và Hoa Kỳ mất cái gì? Điều mà cả hai nước đều có được đó là hoà bình. Đây là điều chắc chắn. Sự gặp gỡ, tình bạn, sự cộng tác: đó là điều chiếm được. Nhưng hai nước mất cái gì thì tôi chưa nghĩ ra được; sẽ là những điều cụ thể, nhưng luôn luôn trong một cuộc thương thuyết nguời ta được và mất. Trở lại với các quyền con người và tự do tôn giáo, anh chị em hãy nghĩ trên thế giới có các nước, kể cả vài nước Âu châu, vì các lý do khác nhau người ta không để cho bạn làm một dấu chỉ tôn giáo nữa. Và trong các đại lục khác cũng thế, đúng không? Điều này đúng, tự do tôn giáo không được tôn trọng trên toàn thế giới, trong biết bao nhiêu nước xảy ra như thế.

Anh Benedicte Lutaud hỏi: Thưa ĐTC, ĐTC như là vị lãnh đạo quốc tế mới của các chính sách thay thế , con muốn biết tại sao ĐTC lại chú ý tới các Phong trào bình dân, và ít chú ý tới thế giới kinh doanh như vậy, và ĐTC có nghĩ rằng Giáo Hội sẽ theo ĐTC trong việc giang tay ra cho các Phong trào Bình dân rất đời hay không?

Đáp: Thế giới của các Phong trào Bình dân là một thực tại; nó là một thực tại rất to lớn trên toàn thế giới. Vậy tôi đã làm gì? Điều tôi đã làm là trao ban giáo lý xã hội của Giáo Hội cho nó, đó cũng là điều tôi làm đối với giới kinh doanh. Có một giáo lý xã hội của Giáo Hội. Nếu anh đọc điều tôi đã nói với các Phong trào Bình dân, là một diễn văn khá dài, nó là một tóm lược giáo lý của Giáo Hội. Tất cả những gì tôi đã nói là giáo lý xã hội của Giáo Hội, và khi tôi phải nói với thế giới kinh doanh tôi cũng nói cùng điều đó, nghĩa là Giáo lý xã hội của Giáo Hội nói gì với thế giới kinh doanh. Thí dụ trong Thông điệp “Laudato si’” có một đoạn về công ích và cả nợ nần xã hội của tư sản đi theo chiều hướng này, đó là áp dụng giáo lý xã hội của Giáo Hội.

Hỏi: ĐTC có nghĩ rằng Giáo Hội sẽ theo ĐTC trong việc giang tay này không?

Đáp: Ở đây, chính tôi theo Giáo Hội, bởi vì tôi chỉ đơn sơ rao giảng Giáo lý xã hội của Giáo Hội cho Phong trào này. Đó không phải là một bàn tay giang ra cho một kẻ thù, nó không phải là một sự kiện chính trị. Không. Nó là một sự kiện dạy giáo lý. Tôi muốn rằng điều này rõ ràng.

Chị Cristina Cabrejas hỏi: Thưa ĐTC, ĐTC có sợ hãi rằng các diễn văn của ĐTC bị lèo lái bởi các chính quyền, các nhóm quyền lực, các phong trào không?

Đáp: Tôi lặp lại một chút những gì đã nói từ đầu. Mỗi một lời nói, mỗi một câu của một diễn văn có thể bị lèo lái. Đó là điều nhà báo Ecuador đã hỏi tôi. Cùng một câu ấy nhưng có vài nguời nói là phò chính quyền, và người khác thì nói là chống chính quyền. Đôi khi có các tin tức chỉ lấy một câu và bên ngoài bối cảnh. Vâng, tôi không sợ, tôi chỉ nói một cách đơn sơ nhưng anh chị em hãy nhìn bối cảnh. Nếu tôi sai, thì với một chút xấu hổ tôi xin lỗi thôi và tiếp tục.

Hỏi: Thưa ĐTC, xin cho phép con hỏi đùa một chút. ĐTC nghĩ gì về tất cả các hình tự chụp giữa Thánh lễ mà giới trẻ, trẻ em và các bạn bè họ làm?

Đáp: Tôi nghĩ gì ấy à? Đó là một nền văn hoá khác. Tôi cảm thấy mình là ông cố nội. Hôm nay khi từ giã, một anh cảnh sát to lớn, có lẽ khoảng 40 tuổi, đã nói với tôi: Con xin chụp một bức hình với ĐTC. Tôi đã nói với anh: mà anh là một thiếu niên. Vâng, đó là một nền văn hoá khác, nhưng tôi tôn trọng nó.

Anh Andrea Tornielli hỏi: Thưa ĐTC, đúc kết lại, ĐTC đã muốn để lại cho Giáo Hội tại châu Mỹ Latinh sứ điệp nào trong những ngày này? Và Giáo hội Mỹ Latinh có vai trò nào, kể cả như dấu chỉ trong thế giới?

Đáp: Giáo hội Mỹ Latinh có một sự phong phú lớn: đó là một Giáo Hội trẻ và điều này quan trọng. Một Giáo Hội trẻ với một sự tươi mát, cả với một vài không hình thức. Nó cũng có một nền thần học, một nghiên cứu phong phú. Tôi đã muốn trao ban tâm hồn cho Giáo Hội trẻ này và tôi tin rằng Giáo Hội trẻ này có thể cho chúng ta biết bao nhiêu điều hay đẹp. Trong cả ba quốc gia, dọc đường có các người cha các bà mẹ với trẻ em; họ cho thấy các em. Chưa bao giờ tôi đã lại trông thấy nhiều trẻ em như vậy, biết bao nhiêu trẻ em. Đó là một dân, và Giáo Hội cũng như vậy, đó là một bài học cho chúng ta, cho Âu châu, nơi số sinh giảm sút gây hoảng sợ một chút, và cả việc cũng ít có các đường lối chính trị trợ giúp các gia đình đông con. Tôi nghĩ tới nước Pháp có một đường lối chính trị đẹp trợ giúp các gia đình đông con nên đã đạt hơn 2% số sinh, trong khi các nước khác thì có số sinh gần zero, cả khi không phải mọi nước đều như thế. Tôi tin rằng tại Albania có 45%, nhưng bên Paraguay có tói hơn 70% dân số từ 40 tuổi trở xuống. Sự phong phú của dân tộc và Giáo Hội này đó là một Giáo Hội sống động. Đó là một sự phong phú, một Giáo Hội của sự sống. Điều này quan trọng. Tôi tin rằng chúng ta phải học hỏi từ điều này và sửa chữa lại, bởi nếu không, nếu không có con cái… Đó là điều mà tôi đã nói biết bao lần về sự gạt bỏ! Người ta gạt bỏ trẻ em, người ta gạt bỏ người già, và với sự kiện thiếu công ăn việc làm, người ta gạt bỏ người trẻ. Vì thế, các dân tộc mới, các dân tộc trẻ trao ban cho chúng ta nhiều sức mạnh hơn. Đối với Giáo Hội tôi sẽ nói rằng một Giáo Hội trẻ – với biết bao nhiêu vấn đề, bởi vì có các vấn đề – tôi tin rằng đó là sứ điệp mà tôi tìm thấy: đừng sợ hãi cho tuổi trẻ này và cho sự tươi mát này của Giáo Hội. Có thể đó là một Giáo Hội hơi vô kỷ luật một chút, nhưng với thời gian sẽ kỷ luật và trao ban cho chúng ta biết bao điều tốt đẹp.

(SD 13-7-2015)