11/01/2025

Thận trọng với sông Hàn: Đồ án của JiNa có nhiều điểm lấn sông

Đó là phát hiện của một số chuyên gia khi nghiên cứu đồ án Quy hoạch hai bờ sông Hàn do Công ty tư vấn thiết kế JiNa (Hàn Quốc) thực hiện.

 

Thận trọng với sông Hàn: Đồ án của JiNa có nhiều điểm lấn sông

 

 

Đó là phát hiện của một số chuyên gia khi nghiên cứu đồ án Quy hoạch hai bờ sông Hàn do Công ty tư vấn thiết kế JiNa (Hàn Quốc) thực hiện.

 

Thận trọng với sông Hàn: Đồ án của JiNa có nhiều điểm lấn sông - ảnh 1Không để các công trình xây dựng lấn át sông Hàn – Ảnh: Nguyễn Tú
Cho biết lãnh đạo Đà Nẵng mới đây có tiếp Hội, ông Nguyễn Ngọc Chính, Chủ tịch T.Ư Hội Quy hoạch VN, phân tích lý do Đà Nẵng chọn công ty của Hàn Quốc thiết kế vì họ từng thiết kế các công trình tương tự ở Hàn Quốc. Nhưng sông ở Hàn Quốc dài hơn, quỹ đất hai bên sông lớn hơn nên không thể áp dụng nguyên trạng vào Đà Nẵng. Phải làm thế nào để không có nhiều công trình xây lấn át dòng sông, ảnh hưởng dòng chảy, nguy hại đến thuỷ văn thuỷ lợi dòng sông.
Trả lại bãi biển thì đừng bức tử sông
 
 
Tổ chức lấy ý kiến chuyên gia về quy hoạch sông Hàn
Ngày 14.7, Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng cho biết sở này đang chuẩn bị để chiều thứ sáu (17.7) tổ chức lấy ý kiến rộng rãi từ các sở, ban, ngành liên quan trên địa bàn thành phố và các chuyên gia về đồ án Quy hoạch hai bờ sông Hàn do Công ty tư vấn thiết kế JiNa (Hàn Quốc) thực hiện. Cũng theo Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng, việc góp ý trực tiếp cũng như các ý kiến đóng góp, phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học và người dân qua email: [email protected] sẽ được chọn lọc, tập hợp đầy đủ để báo cáo lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng xem xét.
Hữu Trà
 

“Sông Hàn phía Bạch Đằng Tây đã xây dựng kín rồi, nhà cao tầng mọc nhiều. Phía Bạch Đằng Đông cần bàn nhiều bởi còn rất ít dự án, chưa tạo nên bộ mặt kiến trúc có thể thiết kế cho phù hợp. Ở đây có thể thiết kế các tổ hợp kiến trúc hài hòa thông thoáng để nhìn ra biển Mỹ Khê. Phía bờ sông tây làm thế nào thêm một số khối nhà cao tầng. Phía bờ đông nhà cao tầng còn ít, nhưng chỉ nên tạo nên các tổ hợp kiến trúc hiện đại không được quá cao. Phía biển sẽ có độ cao thấp hơn bên tây và tạo nên nhiều khoảng hở bằng nhà thấp tầng và cây xanh để không bị che chắn tầm nhìn ra biển và gió biển có thể thổi vào đất liền. Sông Hàn là đường phố bằng sông, tránh xây dựng dày đặc, các công trình quy mô quá lớn”, ông Chính nói.

KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, cũng cho rằng ý tưởng xanh của đơn vị tư vấn Hàn Quốc rất hay nhưng xây cầu cảng du thuyền cao 5 tầng với chiều dài cả 1 km thì cần phải xem lại. Đã là cầu cảng thì không thể xanh vì có nhiều hệ lụy do dầu của các du thuyền, ca nô… sẽ làm ô nhiễm nguồn nước khiến bờ sông không đẹp được. Đà Nẵng đã ban hành chính sách trả lại bãi biển cho cộng đồng thì cũng nên áp dụng đối với bờ sông vì bờ sông, cảnh quan cũng là của người dân.
“Nếu thật sự muốn làm một bờ sông đẹp thì hãy để bờ sông thông thoáng. Không nên bức tử bờ sông bằng những công trình cao tầng như vậy. Nếu làm du thuyền thì làm xa khu trung tâm. Từ đó có thể di chuyển đi các nơi bằng xe hay thuyền nhỏ. Đà Nẵng đã bỏ ngọn hải đăng, Nha Trang cũng đã bỏ nhiều dự án bức tử bãi biển, vì vậy không có lý gì cho tồn tại bến du thuyền này”, KTS Lưu thẳng thắn.
Dứt khoát không được lấn sông
Ví sông Hàn như một nàng thơ, KTS Bùi Huy Trí, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch – Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng, đánh giá nghiên cứu của JiNa đề xuất được một số ý tưởng hay nhưng chỉ đến vậy thì e rằng “nàng thơ” cũng chỉ ở mức ưa nhìn chứ không vươn tới tầm hoa hậu được.
Ông cho rằng: “Một công năng quan trọng cần tính đến là hoạt động du lịch trên sông. Trên đoạn sông từ cầu Trần Thị Lý đến cầu Thuận Phước với chiều dài 5 km, rộng từ 320 m đến 800 m đã quy hoạch 6 vị trí bến du thuyền. Cần phải tính đến quy mô phục vụ, tức là số lượng du khách và du thuyền trên sông, không nên suy nghĩ theo kiểu có bao nhiêu phục vụ tuốt. Như vậy sẽ biến hình ảnh mặt sông trở nên chật chội, bon chen, không thanh lịch, không sang trọng. Kiến trúc hai bờ sông Hàn cần có thiết kế đô thị riêng với định hướng hiện đại, sang trọng, không lai tạp. Bên cạnh đó, cần khống chế số lượng các công trình cao tầng ở mức vừa phải, không để tạo thành hai bức tường khổng lồ bên bờ sông bằng việc xây dựng và ban hành quy chế quản lý kiến trúc cho hai vệt bên sông. Nên định hướng phát triển kiến trúc xanh cho toàn khu vực”.
Cùng quan điểm, KTS Phạm Phú Bình – Phó chủ tịch Hiệp hội Tư vấn xây dựng VN cho rằng: “Hướng nhìn chính của sông Hàn là từ tây qua đông. Việc đưa các block nhà chung cư cao tầng vào bên bờ tây sông Hàn như đồ án của JiNa khiến mọi người nhìn không thiện cảm, không tạo ra bộ mặt mới về kiến trúc, sự thay đổi về không gian kiến trúc bởi việc quy hoạch các nhà cao tầng này đều đều, không thể hiện được tính hiện đại của một thành phố”. Đặc biệt, theo ông Bình, hai bờ sông Hàn hiện đã được xây kè che chắn tương đối bền vững và được thử thách qua mưa lũ. Nhưng đồ án của JiNa có nhiều vị trí lấn sông, tạo ra những bờ sông hình răng cưa để lấn sông. Như vậy sẽ gây ra cản trở dòng chảy. “Dòng sông quý lắm – vì vậy, kiên quyết là không nên mở rộng, lấn chiếm làm thu hẹp dòng sông Hàn. Dứt khoát không được lấn sông!”, ông Bình nói.
Về quy hoạch cầu tàu, bến du thuyền dọc sông Hàn, KTS Phạm Phú Bình cho rằng khu vực này quy hoạch quá dày đặc và làm theo kiểu tự do. Trong khi đó, bến du thuyền thì phải đậu có chỗ chứ không chạy rải rác dọc sông Hàn như vậy được. Một số vị trí xây dựng bến du thuyền, cầu tàu không hợp lý như vị trí cầu tàu ở công viên xanh phía nam cầu Rồng (gần dự án Euro Village hiện tại). Đây là nơi dòng chảy mạnh nhất, tàu không thể đậu được và sẽ gây cản trở dòng chảy nghiêm trọng. Đó là chưa kể trong đồ án quy hoạch của mình, JiNa đã xây dựng thêm cầu đi bộ, khu đảo lấn dòng chảy ở cuối nguồn sông Hàn.
“Toàn bộ phần bờ sông hướng bên đường Bạch Đằng đi liền các hoạt động du lịch, dịch vụ, văn hóa với không gian mở, vì vậy nhất quyết không được xây dựng che chắn tầm nhìn. Không thể vì lợi ích của cá nhân các doanh nghiệp làm mất đi giá trị sử dụng của một cộng đồng. Quy hoạch phải nghĩ đến tính bền vững cho cả trước mắt và tương lai”, KTS Phạm Phú Bình bày tỏ quan điểm.

Đình Sơn – Trần Phương