11/01/2025

Rừng Nghệ An đang bị tàn phá

Liên tiếp những vụ lâm tặc tổ chức phá rừng quy mô lớn thời gian gần đây trở thành một thách thức đối với các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An. Không chỉ công an mà cả tỉnh uỷ cũng vào cuộc…

 

Rừng Nghệ An đang bị tàn phá

 

Liên tiếp những vụ lâm tặc tổ chức phá rừng quy mô lớn thời gian gần đây trở thành một thách thức đối với các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An. Không chỉ công an mà cả tỉnh uỷ cũng vào cuộc…

 

 

Giữa đêm, công an rọi đèn pin lập biên bản hai lâm tặc bị bắt quả tang đang khai thác gỗ lậu - Ảnh: Vũ Toàn
Giữa đêm, công an rọi đèn pin lập biên bản hai lâm tặc bị bắt quả tang đang khai thác gỗ lậu – Ảnh: Vũ Toàn

Trong nắng bỏng và gió Lào khô khốc, chúng tôi theo chân tốp trinh sát Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an Nghệ An vào vai lâm tặc, len lỏi trên con đường độc đạo trong các cánh rừng, đột nhập đỉnh Động Đèo cách trung tâm xã Mậu Đức (huyện Con Cuông) gần 20km.

Một chuyến truy lùng lâm tặc

Trưa 29-6, sau khi hóa trang, thiếu tá Hà Quang Chung (đội phó đội 3) trông hệt như một tay lâm tặc sừng sỏ. Khuôn mặt gầy, xám xịt như màu da sốt rét của anh tối sầm lại. Mới 38 tuổi mà mái tóc Chung đã ánh bạc, chân đi dép rọ, hông dắt dao mèo và chai nước.

Dọc con đường độc đạo nối vùng rừng với thị tứ miền núi Mậu Đức là những quả đồi đang bị đốt cháy đen. Tiếng nứa nổ lốp bốp bắn tung tóe khiến khoảng trời bầm lên từng mảng khói đen xịt, khét lẹt.

Vừa qua khỏi vùng đồi cháy, chúng tôi bàng hoàng nhìn thấy một bãi gỗ ngổn ngang. Cách bãi gỗ vài chục mét là vô số gỗ đang tấp giữa suối cạn.

Thiếu tá Chung đưa bàn tay vuốt mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt, hội ý chớp nhoáng với anh em trinh sát: “Mệt nhọc mấy cũng phải nhanh chân, nếu không sẽ không kịp”. Nói đoạn, anh ra ám hiệu khẩn trương tiến về phía rừng sâu.

Đến đoạn đường khó nhất, xe chúng tôi liên tục bị dính bẫy đinh găm của lâm tặc rải trên đường rừng nhằm đối phó với lực lượng chức năng. Một chiến sĩ được cử ở lại bìa rừng trông xe, chờ đợi. Khi gần chạm vùng Động Đèo, chúng tôi lại thấy một bãi gỗ khác nằm ngổn ngang bên suối Khe Cọ. Thiếu tá Chung nhận xét: “Lâm tặc đang thừa cơ làm tới. Mục tiêu chính của đợt này là phải kiên quyết bắt quả tang đối tượng phá rừng”.

Đi thêm 30 phút, chúng tôi phát hiện tiếp một bãi tập kết gỗ của lâm tặc với những súc gỗ tròn, gỗ vuông nằm rải rác xung quanh các lều lán. Thấy chúng tôi hì hục trèo lên đỉnh Động Đèo dốc 450, toán lâm tặc ngồi trong lán không để ý vì tưởng dân đi kéo gỗ. Phía đỉnh Động Đèo tiếng cưa máy xẻ gỗ vang lên náo loạn.

Thiếu tá Chung bàn tính: “Do không có sóng điện thoại nên không thể báo tin ngay cho chỉ huy đang trực ngoài thị tứ được. Cử người chạy bộ về cũng không kịp. Tình thế này buộc chúng ta phải bắt quả tang đối tượng đang xẻ gỗ, sau đó sẽ liên lạc cấp trên huy động lực lượng, kể cả hạt kiểm lâm và ban quản lý rừng phòng hộ, chặn các đường độc đạo để ngăn gỗ lậu tẩu tán”.

Sau đó thiếu tá Chung và hai cán bộ trẻ Trần Thanh Hải, Trần Đoàn Ngọc áp sát tốp cưa thứ nhất trên đồi Khe Cọ. Hai lâm tặc vừa ngẩng đầu lên thì bị các anh khống chế ngay. Thấy động, toán lâm tặc khác ở cách đó chừng 20m vác cưa tháo chạy.

Trong khi đó, một mũi trinh sát khác có mặt tại đồi Khe Hát truy bắt ba máy kéo của lâm tặc đang bốc gỗ, các xe bò kéo đầy gỗ tại đây tháo chạy tán loạn và bị lật nghiêng làm gỗ đổ tung tóe.

Trời nhập nhoạng tối nhưng thiếu tá Chung vẫn soi đèn pin yêu cầu hai lâm tặc Nguyễn Mậu Thạch (25 tuổi, trú xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương) và Lô Hồng Thiện (21 tuổi, bản Kẹ Mẻ, xã Mậu Đức) viết bản tự khai để củng cố hồ sơ rồi mới dẫn giải xuống chân núi, đưa hai lâm tặc ra khỏi vùng Động Đèo.

Hai giờ sau khi ra đến khu vực Khe Lại đã thấy lực lượng PC49 đang khống chế chiếc máy kéo đổ gỗ xuống bãi. Hai tài xế Hà Thanh Thủy (32 tuổi) và Lương Văn Tam (30 tuổi) bị bắt quả tang đang lái máy kéo đều trú tại bản Chòm Muộng, xã Mậu Đức.

Thiếu tá Chung nói: Lâm tặc ở đây làm thuê cho hai loại đầu nậu. Có đầu nậu trang bị đầy đủ phương tiện cưa xẻ, máy kéo, xe bò và lương thực thực phẩm cho lâm tặc. Có đầu nậu mua gỗ lậu tại hiện trường. Bốn lâm tặc vừa bị tóm đều khai làm thuê cho một trùm đầu nậu có tên S.V..

Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn bộ gỗ bị thu giữ trong chuyến truy bắt này vào khoảng 40m3 gồm gỗ giẻ, táu, ngát… Cách đây một tuần, lâm tặc đã tuồn hơn 100m3 gỗ ở vùng rừng này xuống sông Cả bán cho các lái buôn huyện Đô Lương.

Tại đây có năm toán lâm tặc, toán đông nhất là bảy người với ba cưa xăng. Lâm tặc hoạt động trên diện rộng, cứ thấy gỗ là cưa.

Thiếu tá Hà Quang Chung hóa trang thành một lâm tặc thứ thiệt - Ảnh: V.T.
Thiếu tá Hà Quang Chung hoá trang thành một lâm tặc thứ thiệt – Ảnh: V.T.

Tìm cán bộ để 
quy trách nhiệm

Sáng 30-6, PC49 thông báo với UBND huyện Con Cuông vụ bắt giữ lâm tặc và yêu cầu tổ chức cuộc họp khẩn để đối phó với tình hình xấu có thể xảy ra trong và ngoài vùng rừng đang bị lâm tặc tận diệt.

Chủ tịch UBND huyện Con Cuông liền triệu tập lãnh đạo các cơ quan chức năng gồm công an huyện, hạt kiểm lâm, ban quản lý rừng phòng hộ huyện họp khẩn tại trụ sở xã Mậu Đức để bàn hướng xử lý vụ phá rừng vừa bị PC49 triệt phá.

Trong khi đó, một lực lượng khác được huy động gồm cảnh sát môi trường, công an huyện và xã, kiểm lâm, ban quản lý rừng phòng hộ để lo việc canh giữ gỗ lậu tại Động Đèo.

Lực lượng này có nhiệm vụ tổ chức thu gom, vận chuyển toàn bộ gỗ lậu ra khỏi rừng và xác định vị trí rừng bị tàn phá; bảo vệ hiện trường giúp Công an huyện Con Cuông tiếp cận, thu thập chứng cứ để khởi tố vụ án.

“Đây là vụ án phá rừng có quy mô rất lớn và rất trắng trợn” – thượng tá Chu Minh Tiến, phó trưởng PC49 trực tiếp chỉ huy trận truy quét, nói.

Theo đại tá Trần Hồng – trưởng PC49, sở dĩ lâm tặc ngang nhiên tàn phá rừng ở quy mô lớn là do chính quyền cơ sở yếu kém, trách nhiệm của chủ rừng và lực lượng chức năng như kiểm lâm, ban quản lý rừng phòng hộ thì “nhợt nhạt”.

Sự tồn tại của rừng đang đòi hỏi phải siết chặt trách nhiệm của lực lượng bảo vệ rừng, làm rõ sai phạm của tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu, để xử lý nghiêm minh.

Ngoài ra, chức năng giám sát của cấp trên như Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn, chi cục kiểm lâm, chi cục lâm nghiệp cũng cần phải theo kịp tiếng chuông báo động này. Nếu cứ làm ngơ, bỏ mặc thì rừng ngày càng bị tàn phá.

Chúng tôi tìm đến Trạm kiểm soát kiểm lâm Mậu Đức cách đỉnh Động Đèo gần 20km. Đây là cửa ngõ vào rừng, cũng là điểm duy nhất ngăn chặn gỗ lậu ra sông Cả.

Tại đây, chúng tôi gặp ông Vi Văn Bốn, trạm trưởng Trạm kiểm soát kiểm lâm Mậu Đức, để hỏi trạm có biết hay không tình trạng rừng bị tàn phá tan hoang từ Khe Lại vào đến Động Đèo suốt nhiều ngày nay? Trạm trưởng thú thật ông và trạm không biết vì lo kiểm kê chuyện cháy rừng.

Trong khi đó, theo ông Hồ Văn Hải – trưởng Ban quản lý, bảo vệ rừng Con Cuông – chưa xác định được vùng rừng bị tàn phá có thuộc địa phận rừng phòng hộ hay không.

Riêng ông Ngân Văn Dương, phó chủ tịch UBND xã Mậu Đức, nói: “Chúng tôi rất sửng sốt và đau lòng khi biết rừng ở ngay nách mình mà lại bị tàn phá dữ dội như vậy. Do chúng tôi… tin ở các cấp trên nên chỉ lo việc chính quyền là chính”.

Thấy rừng là phá, thấy gỗ là cưa

Nói về nạn “cứ thấy gỗ là cưa” tại nhiều vùng rừng ở Nghệ An, đại tá Trần Hồng cho biết: “Gần đây, lâm tặc không chỉ tàn phá rừng chuyển đổi sang sản xuất, rừng phòng hộ mà còn cả rừng trong khu dự trữ sinh quyển thế giới thuộc địa bàn Pù Huống.

Hồi tháng 5, sau vụ chặt hạ 20m3 gỗ nhóm 2 – 4 ở vùng rừng xã Thanh Sơn (huyện Thanh Chương) là vụ 27mgỗ táu ở xã biên giới Thanh Thuỷ. Sau khi Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Anh Sơn để lâm tặc chặt hạ 20m3 trong rừng Cao Vều thì huyện Tương Dương xảy vụ mất 25m3 gỗ pơmu ở rừng biên giới xã Tam Hợp.

Hiện PC49 đang tập trung lực lượng để truy xét vụ tàn phá gỗ trai quý hiếm trong khu dự trữ sinh quyển thuộc địa bàn giáp ranh ba huyện Quỳ Hợp, Tương Dương và Quế Phong”.

Tỉnh uỷ Nghệ An vào cuộc

Đầu tháng 7, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy đã báo cáo thông tin nóng về vụ tàn phá rừng ở Con Cuông với Ban thường trực Tỉnh ủy. Ngày 
11-7, Ban thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đã giao Uỷ ban kiểm tra Tỉnh uỷ vào cuộc.

Ông Lê Minh Thông, chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Tỉnh uỷ Nghệ An, cho biết: “Hiện chúng tôi đang phối hợp với cơ quan công an, kiểm lâm để làm rõ những sai phạm của tập thể, cá nhân trong vụ tàn phá rừng này. Khi có kết luận, chúng tôi sẽ tổ chức kiểm tra quá trình chỉ đạo, điều hành của các tổ chức Đảng. Nếu phát hiện sai phạm, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm minh”.

 

VŨ TOÀN