16/11/2024

Hơn 1 triệu người dự Thánh lễ với Đức Thánh Cha tại Guayaquil

GUAYAQUIL – Sáng ngày 6-7-2015, ĐTC Phanxicô đã cử hành Thánh lễ tại Guyaquil, Ecuador, trước sự tham dự của hơn 1 triệu tín hữu. Ngày thứ hai trong chuyến viếng thăm mục vụ tại Nam Mỹ, ĐTC đã rời thủ đô Quito đáp máy bay từ cao độ 2.850 mét xuống Guayaquil cách đó 265 cây số và chỉ cao hơn mặt biển 4 mét. Đây thành phố lớn nhất của Ecuador với hơn 3,6 triệu dân cư. Đây cũng là trung tâm thương mại lớn nhất của nước này với hải cảng bên bờ Thái Bình Dương.

Hơn 1 triệu người dự Thánh lễ với Đức Thánh Cha tại Guayaquil
 
GUAYAQUIL – Sáng ngày 6-7-2015, ĐTC Phanxicô đã cử hành Thánh lễ tại Guyaquil, Ecuador, trước sự tham dự của hơn 1 triệu tín hữu. 

Ngày thứ hai trong chuyến viếng thăm mục vụ tại Nam Mỹ, ĐTC đã rời thủ đô Quito đáp máy bay từ cao độ 2.850 mét xuống Guayaquil cách đó 265 cây số và chỉ cao hơn mặt biển 4 mét. Đây thành phố lớn nhất của Ecuador với hơn 3,6 triệu dân cư. Đây cũng là trung tâm thương mại lớn nhất của nước này với hải cảng bên bờ Thái Bình Dương.

Đến nơi vào lúc gần 10 giờ sáng, ĐTC đi tới Đền thánh quốc gia kính Lòng Thương Xót Chúa, là nơi thờ phượng đứng thứ hai của Tổng Giáo Guayaquil mới hoàn thành cách đây 2 năm, với thánh đường cao 29 mét, chứa được 2.300 người.

Sau khi kính viếng Mình Thánh Chúa và ảnh Lòng Thương Xót Chúa, ĐTC đã cùng mọi người hiện diện đọc kinh Kính Mừng trước khi ban phép lành cho họ, rồi tới tới Công viên Los Samanes rộng 379 hécta, cách đó 25 cây số để cử hành Thánh lễ cho hơn 1 triệu tín hữu tụ tập tại đây, dù trời nóng nực.

Thánh lễ cầu nguyện cho các gia đình. Đồng tế với ĐTC có 40 GM Ecuador cùng với hàng chục GM khách và hàng trăm linh mục. Đặc biệt trong buổi lễ, ĐTC đã dùng chiếc gậy mục tử đơn sơ bằng gỗ ôliu do các tù nhân ở San Remo, bắc Italia, làm tặng cho ngài và ngài đã sử dụng trong Lễ Lá năm nay ở Roma. Đầu gậy có thánh giá và huy hiệu Giáo hoàng của ngài.


Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng Thánh lễ, ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng theo Thánh Gioan thuật lại tiệc cưới Cana với sự hiện diện của Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong số các khách mời, và ngài rút ra những bài học từ thái độ của Mẹ Maria. 

Ngài nói:

“Tiệc cưới Cana được tái diễn trong mọi thế hệ, trong mỗi gia đình, trong mỗi người chúng ta và trong những cố gắng để tâm hồn chúng ta tìm được sự ổn định trong tình yêu lâu bền, phong phú và vui tươi. Chúng ta hãy dành chỗ cho Đức Maria, là Mẹ, như Thánh sử Phúc Âm quả quyết. Cùng với Mẹ, chúng ta hãy thực hiện hành trình Cana.

 - Trước tiên, Mẹ Maria quan tâm để ý: trong tiệc cưới đã bắt đầu, Mẹ chú ý tới những nhu cầu của đôi tân hôn. Mẹ không tự cô lập vào mình, không tập trung vào thế giới riêng, trái lại, tình thương làm cho Mẹ để ý tới người khác. Và vì thế Mẹ thấy họ thiếu rượu. Rượu là dấu chỉ vui mừng, yêu thương, dồi dào. Bao nhiêu thiếu niên và người trẻ nhận thấy rằng trong gia đình họ từ lâu không còn thứ rượu ấy nữa! Bao nhiêu phụ nữ lẻ loi và buồn sầu tự hỏi khi nào tình yêu đã vuột mất khỏi đời sống của họ! Bao nhiêu người già cảm thấy bị bỏ ra ngoài các buổi lễ trong gia đình họ, bỏ vào một xó và từ nay chẳng còn lương thực yêu thương hằng ngày nữa! Sự thiếu rượu cũng có thể là hậu quả của tình trạng thiếu công ăn việc làm, bệnh tật, hoàn cảnh khó khăn mà các gia đình chúng ta đang trải qua. Mẹ Maria không phải là một bà mẹ “yêu sách”, không phải là bà mẹ chồng canh chừng để thích thú vì những thiếu kinh nghiệm của chúng ta, những lầm lẫn hoặc vô ý. Mẹ Maria là mẹ! Mẹ hiện diện, quan tâm và ân cần.

– Thứ hai: Mẹ Maria tín thác ngỏ lời với Chúa Giêsu, Mẹ cầu nguyện. Mẹ không đi gặp người chủ tiệc, nhưng trực tiếp trình bày khó khăn của đôi tân hôn với Con của Mẹ. Câu trả lời mà Mẹ nhận được có vẻ làm nản chí: “Thưa bà, có hệ gì đến con đâu? Giờ của con chưa tới.” Nhưng trong khi đó Mẹ đã đặt vấn đề ở trong tay Chúa. Sự ân cần của Mẹ đối với những nhu cầu của người khác làm cho giờ của Chúa đến sớm hơn. Mẹ Maria là thành phần của giờ ấy, từ hang đá máng cỏ cho đến thập giá. Mẹ đã biết “biến một hang bò lừa thành nhà của Chúa Giêsu, với một vài chiếc tã nghèo nàn, nhưng với một núi dịu dàng” (Tông huấn Ev. Gaudium, 286) và Mẹ đón nhận chúng ta như con cái khi một lưỡi gươm đâm thâu qua tim Mẹ, Mẹ dạy chúng ta đặt gia đình ở trong thay Thiên Chúa; cầu nguyện, nuôi dưỡng niềm hy vọng chỉ cho chúng ta thấy rằng những lo âu của chúng ta cũng là những lo âu của Thiên Chúa.

Cầu nguyện luôn làm cho chúng ta ra khỏi vòng đai những lo âu của chúng ta, làm cho chúng ta đi xa hơn những gì làm cho chúng ta đau khổ, giao động hoặc thiếu thốn, và đặt chúng ta ở trong hoàn cảnh của người khác. Gia đình là trường học trong đó cầu nguyện cũng nhắc nhở chúng ta rằng có “chúng ta”, có một tha nhân ở gần chúng ta: họ đang sống dưới cùng một mái nhà, chia sẻ cuộc sống với chúng ta và có những điều cần thiết.

– Mẹ Maria hành động. Câu nói của Mẹ – “Các ông hãy làm điều mà Người bảo” (c. 5) – được gởi tới những người giúp việc, và cũng là một lời mời gọi được gửi đến chúng ta, hãy đặt mình để tuỳ Chúa Giêsu sử dụng, Ngài đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Phục vụ là tiêu chuẩn tình thương chân thực. Và điều này được đặc biệt học ở trong gia đình, nơi chúng ta trở nên người phục vụ vì yêu thương nhau.”

ĐTC nói tiếp: “Giữa lòng gia đình, không ai bị loại trừ; tại đó “ta học cách khiêm tốn xin phép, nói cám ơn như biểu lộ sự quý chuộng vì những gì chúng ta nhận lãnh, làm chủ tính hung hăng hoặc ham hố của mình, và xin lỗi khi chúng ta làm điều gì sai trái. Những cử chỉ lịch sự chân thành bé nhỏ ấy giúp xây dựng một nền văn hoá đời sống chia sẻ và tôn trọng những gì chung quanh chúng ta.” (Laudato sì, 213). Gia đình là nhà thương gần nhất, là trường học đầu tiên của các trẻ em, là điểm tham chiếu không thể thiếu được đối với người trẻ, là nhà dưỡng lão tốt nhất cho người già. Gia đình là một sự phong phú lớn cho xã hội mà các tổ chức khác không thể thay thế được, và phải được trợ giúp và tăng cường, để không bao giờ bị mất ý nghĩa đích thực của các dịch vụ mà xã hội cống hiến cho các công dân. Thật vậy, các dịch vụ ấy không phải là một hình thức bố thí, nhưng là một món nợ xã hội thực sự đối với định chế gia đình giúp ích rất nhiều cho công ích.

ĐTC nhấn mạnh:

“Gia đình cũng họp thành một Giáo Hội nhỏ, một Giáo Hội tại gia, ngoài sự sống, gia đình cũng thông truyền lòng nhân hậu và thương xót của Chúa. Trong gia đình, đức tin được trộn lẫn với sữa mẹ: khi cảm nghiệm tình thương của cha mẹ, người ta cảm thấy gần gũi tình thương của Thiên Chúa.

Trong gia đình, các phép lạ được thực hiện với điều có được, với những gì chúng ta có, nhiều khi không phải là lý tưởng, không phải là điều chúng ta mơ ước và cũng chẳng phải là điều lẽ ra phải như vậy. Rượu mới của các tiệc cưới Cana nảy sinh từ vò thanh tẩy, có nghĩa là từ nơi mà tất cả đã từ bỏ tội lỗi của họ: “Nơi nào nhiều tội thì ơn thánh càng dồi dào hơn.” (Rm 5,20). Trong mỗi gia đình chúng ta và trong đình chung mà tất cả chúng ta họp thành, không có gì bị gạt bỏ, không gì là vô ích. Ít lâu trước khi bắt đầu Năm Thánh Lòng Thương Xót, Giáo Hội sẽ cử hành Thượng HĐGM khoá thường lệ về Gia đình, để chín muồi phân định đích thực tinh thần và tìm ra những giải pháp cụ thể cho nhiều khó khăn và những thách đố quan trọng mà gia đình phải đương đầu ngày nay. Tôi mời gọi anh chị em gia tăng cầu nguyện cho ý hướng đó để thậm chí cả những gì chúng ta thấy có vẻ là không tinh tuyền, làm cho chúng ta thấy là gương mù hoặc khiến cho chúng ta kinh hãi, Thiên Chúa có thể biến nó thành phép lạ, khi đưa nó đi qua giờ của Ngài.”

ĐTC kết luận: 

“Tất cả bắt đầu vì họ không còn rượu nữa, và tất cả đã có thể được thực hiện vì một phụ nữ – là Đức Trinh Nữ – quan tâm ân cần, biết đặt trong bàn tay Chúa những lo lắng của Mẹ và đã hành động khôn ngoan và can đảm. Nhưng một điều không kém phần đáng để ý đó là sự kiện chung kết: họ đã nếm rượu ngon hơn. Đó là Tin Vui: rượu ngon là điều sắp được uống, thực tại đáng yêu mến hơn, sâu xa hơn và đẹp hơn cho gia đình phải tới nữa. Sẽ đến thời chúng ta nếm hưởng tình yêu hằng ngày, trong đó con cái chúng ta tái khám phá không gian mà chúng ta chia sẻ và những người già hiện diện trong niềm vui hằng ngày. Rượu ngon sắp đến cho mỗi người có can đảm yêu thương.”

Sau Thánh lễ, ĐTC đã dùng bữa trưa với cộng đoàn Dòng Tên gồm 20 linh mục và đoàn tuỳ tùng. Ngài có liên hệ đặc biệt với một linh mục trong cộng đoàn này là Cha Paquito Cortés, 91 tuổi, và khi còn làm Giám tỉnh Dòng Tên ở Argentina, ngài thường gửi một số tu sĩ trẻ đến học kinh nghiệm tại Học viện Javier của Dòng Tên tại Guyaquil này.

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, cho biết ĐTC đã lưu lại cộng đoàn Dòng Tên này 1 tiếng rưỡi đồng hồ. Cuộc gặp gỡ rất vui vẻ và thoải mái. Rồi ĐTC ra phi trường đáp máy bay trở về thủ đô Quito khoảng 6 giờ chiều.