Dù được đón tiếp hay không chúng ta cũng phải rao giảng
Trong bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay, Đức Giêsu có sáng kiến sai 12 Tông đồ ra đi truyền giáo (x. Mc 6,7-13). Trên thực tế, từ “tông đồ” có nghĩa “sứ giả” hay “phái viên”. Ơn gọi của các ngài chỉ được chu toàn cách trọn vẹn sau khi Chúa sống lại, cùng với hồng ân Thánh Thần trong ngày Lễ Ngũ Tuần.
Dù được đón tiếp hay không chúng ta cũng phải rao giảng
Viếng thăm mục vụ tại giáo phận Frascati, Ý
Thánh lễ tại Quảng trường Thánh Phêrô, Frascati
Chúa Nhật XV TN, 15/7/2012
Anh chị em thân mến,
Tôi rất vui mừng được hiện diện bên anh chị em để cử hành Bí tích Tạ Ơn, và để chia sẻ niềm vui và hy vọng, những nỗ lực và dấn thân, những lý tưởng và khát vọng của cộng đoàn giáo phận này. Tôi chào Đức Hồng y Tarcisio Bertone, là Quốc vụ khanh của tôi và là Giám mục hiệu toà của giáo phận này. Tôi chào Đức Giám mục Raffaello Martinelli, là vị Mục tử của anh chị em, cũng như ngài Thị trưởng Frascati. Tôi xin cảm ơn họ vì đã nhân danh tất cả anh chị em nói lên với tôi những lời chào đón nhã nhặn. Tôi vui mừng được chào ngài Bộ trưởng, các vị Chủ tịch Vùng và Tỉnh, ngài Thị trưởng thành phố Rôma, những Thị trưởng khác đang hiện diện, và tất cả các cấp Chính quyền đáng kính.
Tôi cũng hết sức vui mừng được cử hành Thánh lễ này với vị Giám mục của anh chị em, một cộng sự viên rất trung thành và đầy khả năng của tôi tại Bộ Giáo lý Đức tin, như ngài đã nói, từ hơn 20 năm nay. Ngài đã dấn thân làm việc một cách hết sức âm thầm và thận trọng, đặc biệt trong lĩnh vực giáo lý và giảng dạy giáo lý. Ngài đã cộng tác lo cho Giáo lý của Hội Thánh Công giáo và Bản Tóm tắt Giáo lý Công giáo, do đó, trong bản đại hoà nhạc giao hưởng đức tin, ta cũng thật sự nghe được giọng hát của ngài.
Trong bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay, Đức Giêsu có sáng kiến sai 12 Tông đồ ra đi truyền giáo (x. Mc 6,7-13). Trên thực tế, từ “tông đồ” có nghĩa “sứ giả” hay “phái viên”. Ơn gọi của các ngài chỉ được chu toàn cách trọn vẹn sau khi Chúa sống lại, cùng với hồng ân Thánh Thần trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Thế nhưng, việc Đức Giêsu muốn cho Nhóm 12 bắt tay vào công việc của Người ngay từ đầu là một điều hết sức ý nghĩa. Đây là một loại “thực tập”, nhằm giúp họ lãnh nhận trách nhiệm lớn lao đang chờ đón họ. Sự kiện Đức Giêsu kêu gọi một số môn đệ cộng tác đắc lực vào sứ mệnh của Người chứng tỏ cho ta thấy một khía cạnh tình yêu của Người, nghĩa là Người không từ chối người khác có thể cộng tác vào công việc của Người; Người biết giới hạn, yếu đuối của họ, nhưng Người không hề kinh dể họ. Nhưng trái lại, Đức Giêsu mang lại cho họ phẩm giá làm sứ giả cho Người. Người sai họ đi, từng hai người một, với những chỉ thị mà Thánh sử đã tóm tắt lại trong một vài câu. Chỉ dẫn đầu tiên là tinh thần siêu thoát: Tông đồ không được dính bén vào tiền bạc hay vào những tiện nghi khác. Kế đến, Đức Giêsu cho các môn đệ biết trước rằng không phải lúc nào họ cũng được đón tiếp cách niềm nỡ. Đôi lúc họ bị từ chối, thậm chí còn bị bách hại. Tuy nhiên, điều này không làm cho họ phải sợ hãi: họ phải nói nhân danh Đức Giêsu, và rao giảng Nước Chúa, mà không hề bận tâm xem mình có được thành công hay không. Thành công – sự thành công phải, đó là công việc của Thiên Chúa.
Bài đọc I trình bày cho chúng ta cùng một viễn tượng đó, và chứng tỏ cho chúng ta thấy nhiều khi sứ giả của Chúa không được đón tiếp cách niềm nỡ. Chẳng hạn trường hợp của Tiên tri Hamos được Thiên Chúa sai đến để nói tiên tri tại Đền thánh Bethel thuộc Vương quốc Israel (x. Ha 7,12-15). Hamos rao giảng cách mạnh mẽ để chống lại mọi bất công, đặc biệt, ông tố cáo những lạm dụng của các bậc vua chúa và những bậc vị vọng, họ lạm dụng quyền hạn, xúc phạm đến Chúa và làm cho việc thờ phượng trở nên vô giá trị. Do đó, Amaziah, tư tế tại Bethel, truyền cho Hamos phải rời bỏ xứ này. Hamos trả lời không phải ông chọn sứ mệnh làm tiên tri, mà chính Đức Chúa đã làm cho ông trở thành Tiên tri, và đã sai ông đến Vương quốc Israel. Do đó, cho dù ông được người đời chấp nhận hay từ chối, ông vẫn tiếp tục nói tiên tri, rao giảng bất cứ điều gì Thiên Chúa truyền cho ông, chứ không phải điều con người muốn nghe. Và đó vẫn là mệnh lệnh của Giáo Hội: Giáo Hội không rao giảng điều mà người có quyền, có chức muốn nghe. Tiêu chuẩn của Giáo Hội là chân lý và công lý, cho dù điều đó không đẹp lòng dân và đi ngược lại quyền bính của con người.
Cũng thế, trong bài Phúc Âm hôm nay, Đức Giêsu cảnh tỉnh Nhóm Mười Hai là có những nơi người ta không đón tiếp họ. Nếu như thế, họ sẽ phải đi đến một nơi khác, giũ bụi chân cho mọi người thấy. Dấu hiệu này cho thấy siêu thoát có hai ý nghĩa: siêu thoát tinh thần – như thể nói rằng đó là do anh em từ chối lời rao giảng được dành cho anh em – và siêu thoát vật chất. Chúng ta không đi tìm và không muốn gì cho chúng ta cả. (x. Mc 6,11)
Một chỉ dẫn khác cũng rất quan trọng trong đoạn Tin Mừng hôm nay, đó là Nhóm Mười Hai không được hài lòng về sự rao giảng thống hối. Dựa vào lời chỉ dẫn, và theo gương Đức Giêsu, họ phải làm cho lời rao giảng của mình đi đôi với việc chăm sóc bệnh nhân, chăm sóc những ai bệnh tật trên thân xác và trong tâm hồn. Lời rao giảng phải đề cập đến việc chữa lành bệnh tật cũng như xua đuổi ma quỷ, nghĩa là thanh luyện tinh thần con người, tẩy sạch, tẩy sạch cặp mắt của linh hồn đang bị che khuất bởi những ý thức hệ, và do đó, không thấy được Thiên Chúa, không thấy được chân lý và công lý. Việc chữa lành hai mặt thể xác và tinh thần vẫn luôn là một uỷ nhiệm mà những môn đệ của Đức Kitô đã lãnh nhận. Do đó, sứ mệnh tông đồ phải luôn bao gồm hai khía cạnh là rao giảng Lời Chúa và biểu lộ lòng nhân từ của Ngài qua những cử chỉ bác ái, phục và hiến dâng.
Anh chị em thân mến, tôi cảm ơn Chúa đã sai tôi đến đây để loan báo cho anh chị em một lần nữa Lời cứu độ này! Một Lời làm nền tảng và hành động cho Giáo Hội, cũng như cho Giáo Hội tại Frascati này. Giám mục của anh chị em đã nói với tôi về sự dấn thân mục vụ mà anh chị em đã hết sức quan tâm. Điều thiết yếu là dấn thân lo việc đào tạo, trước tiên là đào tạo những người giảng dạy: đào tạo những nhà đào tạo. Đây chính là điều Đức Giêsu đã làm với các môn đệ, Người giáo huấn họ, Người chuẩn bị họ, và Người cũng đào tạo họ qua việc “thực tập” truyền giáo, để nhờ thế, họ có thể đảm nhận trách nhiệm tông đồ trong Giáo Hội. Trong cộng đoàn Giáo Hội, đây vẫn luôn là sự phục vụ đầu tiên do những người có trách nhiệm đảm nhận: bắt đầu bằng cha mẹ là những người có trách nhiệm giáo dục con cái trong gia đình.
Chúng ta hãy nghĩ đến các linh mục phụ trách giáo xứ là những người có trách nhiệm đào tạo trong cộng đoàn, nghĩ đến tất cả các linh mục trong những lĩnh vực hoạt động khác nhau. Tất cả họ đều sống một chiều kích quan trọng đó là giáo dục. Cũng giống như thế, các tín hữu giáo dân, ngoài vai trò làm cha, làm mẹ mà chúng ta đã nói đến ở trên, họ cũng phải dấn thân trong việc phục vụ công tác đào tạo các bạn trẻ hay người trưởng thành, chẳng hạn những người phụ trách Tông đồ Giáo dân, hay những phong trào khác của Giáo Hội, họ luôn quan tâm nhiều đến việc đào tạo một con người.
Thiên Chúa kêu gọi mọi người, phân phát những hồng ân khác nhau để đảm nhận những trách nhiệm khác nhau trong lòng Giáo Hội. Thiên Chúa kêu gọi người sống đời linh mục và sống đời thánh hiến, và Ngài kêu gọi người sống đời hôn nhân và dấn thân làm người tín hữu, ngay chính trong lòng Giáo Hội cũng như trong xã hội. Điều quan trọng là mọi người phải chấp nhận hồng ân dồi dào của Chúa, đặc biệt là các bạn trẻ; để họ cảm thấy niềm vui đáp lại tiếng Chúa với trọn cả tâm hồn, cảm thấy vui mừng bước đi trên con đường sống đời linh mục hay đời thánh hiến, hay trên con đường hôn nhân, cả hai con đường bổ túc cho nhau, soi sáng và làm cho nhau được phong phú, và cùng nhau làm cho cộng đoàn được phong phú. Trinh khiết vì Nước Trời và hôn nhân, cả hai đều là những ơn gọi, những tiếng gọi đến từ Thiên Chúa mà ta phải đáp trả bằng trọn cả cuộc đời của chúng ta.
Thiên Chúa kêu gọi: chúng ta cần phải lắng nghe, phải lãnh nhận và đáp trả như Đức Maria: “Này tôi là nữ tì Chúa, xin vâng như lời Thiên thần truyền cho tôi” (Lc 1,38). Ở đây cũng thế, trong cộng đoàn giáo phận Frascati này, bàn tay Chúa tràn đầy hạt giống đang gieo vải, Chúa đang kêu gọi toàn dân đi theo Ngài và kéo dài sứ mệnh của Ngài vào trong thời đại chúng ta. Ở đây cũng thế, cũng có nhu cầu tái rao giảng Tin Mừng, và ví lý do đó mà tôi đề nghị anh chị em sống thật mãnh liệt Năm Đức tin được bắt đầu vào tháng Mười, 50 năm sau ngày khai mạc Công đồng chung Vatican II. Công đồng có rất nhiểu tài liệu nói về việc đào tạo các thế hệ Kitô hữu mới, nói về việc đào tạo lương tâm chúng ta. Do đó, hãy đọc các tài liệu đó, hãy đọc sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo và bằng cách ấy, tái khám phá vẻ đẹp làm Kitô hữu, vẻ đẹp được ở trong Giáo Hội, vẻ đẹp sống thực thể cái “chúng ta” vĩ đại, mà Đức Giêsu đã thiết lập chung quanh Người, để rao giảng Tin Mừng cho thế giới. Hãy là cái “chúng ta” của Giáo Hội, không bao giờ khép kín, nhưng luôn mở rộng và đưa tay ra để loan truyền Phúc Âm.
Anh chị em giáo phận Frascati thân mến. Ước gì anh chị em hợp nhất với nhau và đồng thời, sống cởi mở với mọi người, sống truyền giáo. Hãy kiên vững trong đức tin, bén rễ sâu trong Đức Kitô nhờ Lời của Người và Bí tích Thánh Thể; hãy cầu nguyện để luôn mãi sống liên kết với Đức Kitô, như cành liền với cây nho. Đồng thời, chúng ta hãy ra ngoài, hãy mang sứ điệp của Người đến cho tất cả mọi người, đặc biệt cho những người thấp cổ bé họng, cho những người nghèo và những người đau khổ. Trong mỗi cộng đoàn, hãy yêu thương nhau, đừng chia rẽ, nhưng hãy sống như anh chị em với nhau, để cho thế giới có thể tin rằng Đức Giêsu vẫn luôn sống trong Giáo Hội và rằng Nước Chúa đã gần đến. Các Thánh Quan thầy của giáo phận Frascati này là hai Tông đồ: Philipphê và Giacôbê, hai trong Nhóm Mười Hai. Tôi phó dâng nhờ các ngài cầu thay nguyện giúp cho cộng đoàn của anh chị em được tiến triển, để được đổi mới trong đức tin và có thể làm chứng một cách rõ ràng qua các việc làm bác ái. Amen.