10/01/2025

Cần cân nhắc khi đổi rừng lấy cao su

Hàng trăm héc ta rừng cây tự nhiên lâu năm tại huyện Lệ Thuỷ, nơi được đánh giá có độ che phủ tốt, đã được UBND Quảng Bình giao cho Tổng công ty 15 trồng cây cao su; nhiều diện tích rừng đã bị chặt hạ khiến người dân địa phương lo lắng.

 

Cần cân nhắc khi đổi rừng lấy cao su

 

 

Hàng trăm héc ta rừng cây tự nhiên lâu năm tại huyện Lệ Thuỷ, nơi được đánh giá có độ che phủ tốt, đã được UBND Quảng Bình giao cho Tổng công ty 15 trồng cây cao su; nhiều diện tích rừng đã bị chặt hạ khiến người dân địa phương lo lắng.

 

 

Hầu hết gỗ bị chặt có đường kính và chiều dài rất lớn - Ảnh: T.Q.N

Hầu hết gỗ bị chặt có đường kính và chiều dài rất lớn – Ảnh: T.Q.N

Theo quyết định thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất và cho Tổng công ty 15 thuê trồng cao su của UBND tỉnh, tổng diện tích chuyển đổi hơn 300 ha thuộc địa bàn 3 xã: Kim Thủy, Ngân Thuỷ và Lâm Thuỷ, thời hạn sử dụng đến năm 2065. Xã Lâm Thuỷ có diện tích chuyển đổi lớn nhất với hơn 231 ha. Đây cũng là địa bàn rừng có độ che phủ tốt với hệ thống cây cổ thụ, cây nhiều tầng. Theo hồ sơ thiết kế khai thác tận dụng gỗ tại đây, tổng số cây phải chặt là 10.729 cây có đường kính từ 25 cm trở lên, sản lượng gỗ thương phẩm hơn 4.402 m3.
Dư luận địa phương đồng tình với chủ trương chuyển đổi đất rừng nghèo kiệt sang sản xuất kinh tế tạo giá trị. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người băn khoăn là có nên đổi khu vực rừng có độ che phủ tốt lấy cao su khi hiệu quả kinh tế của cao su rất thấp, ảnh hưởng đến môi trường, vấn đề giữ nước, mưa lũ… ra sao?
Thanh Niên đã đi thực tế vào khu vực thực hiện dự án. Đường rất khó đi, lởm chởm đá, phải lội qua mười mấy con suối đầy nước, hướng nước chảy đều từ vị trí thực hiện dự án, chứng tỏ rừng ở đấy giữ nước cực kỳ tốt, điều này rất quan trọng khi Quảng Bình đang đối mặt với khô hạn.
Đi gần 1 tiếng đồng hồ, băng qua bản Bạch Đàn, chúng tôi đến được vị trí khai thác. Khu vực này cây cối xanh tốt, nhiều cây gỗ cổ thụ có đường kính hơn 50 cm nằm chất từng đống. Lần theo tiếng máy cưa và con đường mới mở, chúng tôi ra được đường dẫn lên bản Eo Bù Chút Mút (đường 16).
Vừa ra đến đường, đập vào mắt chúng tôi là những bãi gỗ khổng lồ với những cây gỗ tròn rất lớn và dài nằm la liệt; hầu hết gỗ có đường kính 40 cm trở lên, có những cây đường kính lớn hơn sải tay. Càng đi vào trong càng có nhiều gỗ lớn chất hai bên đường, gỗ để dọc đoạn đường dài mấy cây số. Những người dân địa phương dẫn đường cho chúng tôi cũng hết sức ngạc nhiên trước lượng gỗ khủng đến như thế. Một thanh niên nói: “Lâu nay người dân bị cấm vào rừng khai thác, giờ thì công ty được phép. Khu vực này gần Lào rồi. Mùa mưa, vùng này mưa cực lớn, lũ cuốn và gây sạt lở đường nghiêm trọng; từ giờ các bản dân cư phía trong sẽ đối mặt với nhiều nguy hiểm. Chúng tôi lo lắm”.
Trên thực tế, giá mủ cao su rớt liên tục từ 3 năm nay và đang ở mức thê thảm khiến nhiều người trồng cao su trên khắp các tỉnh thành lao đao, phải chặt bỏ. Vì vậy, nhiều người cho rằng vấn đề được mất giữa bảo tồn phát triển rừng vì môi trường với hiệu quả kinh tế rất thấp của cao su rất cần được cân nhắc.
Từ 400 ha xuống còn 300 ha
Ngày 18.11.2013, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Văn Tuân ký quyết định cho phép chuyển đổi 401,4 ha rừng tự nhiên là rừng nghèo để cho Tổng công ty 15 lập dự án trồng cao su.
Quyết định được ký dựa trên đề nghị của Sở NN-PTNT. Tuy nhiên, sau đó Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phản đối, đề nghị bóc tách 100 ha rừng ra khỏi phạm vi dự án. Đến ngày 31.10.2014, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tuân tiếp tục ra quyết định điều chỉnh địa danh, diện tích xuống còn hơn 300 ha.
Liên quan đến việc này, một số lãnh đạo, cán bộ của Chi cục Lâm nghiệp và Trung tâm quy hoạch thiết kế nông lâm nghiệp Quảng Bình bị kiểm điểm.

Trương Quang Nam