Phần mềm y khoa của cậu học trò 13 tuổi
Phần mềm này được ví như cuốn y khoa tổng hợp bỏ túi, tiện lợi cho các bác sĩ, điều dưỡng trong việc tra cứu bệnh lý, phác đồ điều trị, tiếp cận kiến thức mới qua những tài liệu được cập nhật trong phần mềm hằng tháng.
Phần mềm y khoa của cậu học trò 13 tuổi
Phần mềm này được ví như cuốn y khoa tổng hợp bỏ túi, tiện lợi cho các bác sĩ, điều dưỡng trong việc tra cứu bệnh lý, phác đồ điều trị, tiếp cận kiến thức mới qua những tài liệu được cập nhật trong phần mềm hằng tháng.
Nguyễn Lê Gia Thịnh – Ảnh: Minh Tâm |
Ở Hậu Giang có một cậu học trò nhí đã miệt mài sáng tạo nên phần mềm “Sức khoẻ cho mọi người”. Vừa qua, phần mềm độc đáo này đã đoạt giải nhất tại hội thi “Sáng tạo kỹ thuật” tỉnh Hậu Giang.
Điều bất ngờ là tác giả của phần mềm này chỉ mới 13 tuổi, tên Nguyễn Lê Gia Thịnh, học sinh lớp 7 Trường THCS Lê Quý Đôn, TP Vị Thanh.
Trước đây muốn tra cứu bệnh lý hay tìm một loại thuốc phải tra phác đồ điều trị gần cả ngàn trang, mất rất nhiều thời gian và công sức. Từ khi có phần mềm này, công việc thuận lợi và tiết kiệm thời gian rất nhiều. Theo tôi, phần mềm rất hữu ích cho bác sĩ, điều dưỡng trong việc tra cứu bệnh lý cũng như có thể tiếp cận kiến thức mới, ôn lại kiến thức cũ và trao đổi kiến thức y khoa thông qua những tài liệu, bài tập được cập nhật hằng tháng. Phần mềm lại đơn giản và dễ sử dụng |
Bác sĩ MAI VĂN THẮM (Bệnh viện đa khoa Hậu Giang) |
Thiết kế theo đơn đặt hàng của người thân
Xuất thân trong một gia đình có truyền thống y khoa, cha mẹ đều công tác trong ngành y, anh trai hiện cũng là sinh viên y khoa, đó là cơ duyên đưa cậu học trò đến với phần mềm này.
Số là khi xem báo đài, Thịnh thấy có những trường hợp tai biến rủi ro trong y khoa đã ảnh hưởng đến sức khoẻ, cuộc sống của người bệnh. Rồi những ngày theo mẹ vào bệnh viện, Thịnh chứng kiến cảnh mẹ và các cô chú vất vả tốn thời gian trong việc tra cứu phác đồ điều trị.
Cạnh đó, bà Lê Thị Cương – mẹ Thịnh, vốn là trưởng khoa nội Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang – nên hằng năm phải cập nhật phác đồ điều trị tốn khá nhiều thời gian và mất công sức. Thương mẹ nên Thịnh nghĩ phải làm điều gì đó để giúp bà.
Bà Cương nhớ lại: “Lúc đó Thịnh hỏi mẹ cần gì, con sẽ viết phần mềm để giúp mẹ giải quyết những phần khó khăn đó. Tôi nói nếu được, con hãy làm cho mẹ một phần mềm về bệnh lý để mẹ tra cứu phác đồ nhanh chóng, dễ dàng, từ đó tiết kiệm được nhiều thời gian mà vẫn có được phác đồ điều trị phù hợp, giúp kết quả điều trị tốt nhất…”.
Còn anh trai Thịnh thường nói vui ước gì Thịnh làm cho mình một quyển sách y khoa toàn thư bỏ túi để thuận tiện cho việc học… Vậy là từ “đơn đặt hàng” của người thân, Thịnh quyết định thiết kế phần mềm sức khỏe để các bác sĩ, điều dưỡng dễ dàng trong việc tra cứu bệnh lý hoặc tra cứu sự tương tác thuốc hay tra cứu kỹ thuật y khoa.
Đồng thời có thể giúp tránh được những sai sót, tai biến rủi ro cho người bệnh. Đây cũng là chương trình để bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên y khoa có thể ôn lại và trau dồi kiến thức y khoa thông qua những tài liệu, bài tập được cập nhật hằng tháng…
Bắt tay viết phần mềm vào thời điểm nghỉ hè năm lớp 6 nên Thịnh dồn hết thời gian cho đam mê của mình. Đến khi bắt đầu vào học lớp 7, mỗi ngày Thịnh nhín ra hai giờ cho phần mềm của mình. Trong quá trình nghiên cứu, phần trầy trật nhất là thiết kế bộ khung. Phần tốn thời gian nhất là tìm tài liệu y khoa.
Thịnh thổ lộ: “Các tài liệu y khoa em tìm đều chính thống. Trong đó có nhiều phiên bản, em phải chọn ra những cái mới nhất và đầy đủ nhất rồi tham khảo ý kiến cha mẹ.
Cạnh đó, em nhờ cha mẹ và anh trai hỗ trợ tìm giúp những tài liệu y khoa có giá trị và đáng tin cậy nhất từ các nguồn sách y khoa nước ngoài, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức… để làm dữ liệu hoàn chỉnh đưa vào phần mềm này”.
Bộ tài liệu y khoa độc đáo
Gần sáu tháng miệt mài, Thịnh hoàn thành xong phần mềm “Sức khỏe cho mọi người”. Phần mềm được thiết kế với những nội dung được chuyển thể từ nhiều quyển sách, nhiều trang mạng rất khó sưu tầm thành bộ tài liệu đầy đủ, cập nhật mới nhất, tra cứu linh hoạt, nhanh chóng tại nơi làm việc hoặc bất cứ nơi nào với một máy tính bảng. Bộ tài liệu này lại được mở nguồn để người sử dụng có thể cập nhật yêu cầu theo thời gian, theo sự tiến bộ của y học.
Phần mềm này gồm các chuyên mục: phác đồ điều trị, tương tác thuốc, quy trình kỹ thuật, vươn tầm kiến thức y khoa, tư vấn sức khoẻ và góp ý…
Thịnh thổ lộ: “Để có thể áp dụng rộng rãi ở nhiều nơi, cho nhiều đối tượng nên em thiết kế giao diện thân thiện, đơn giản, dễ sử dụng.
Chẳng hạn trong phần danh mục “phác đồ điều trị” có mã số chia theo từng chuyên ngành nội, ngoại, sản, nhi, y học cổ truyền, mắt, tai – mũi – họng, răng – hàm – mặt.
Người sử dụng muốn tra cứu phác đồ điều trị của bệnh lý nào chỉ cần nhấp chuột vào chuyên ngành, mã số hoặc tên bệnh đó thì nội dung phác đồ điều trị sẽ hiện ra. Có gần 300 phác đồ điều trị từ những bệnh thường gặp đến những bệnh hiếm thấy đều được Thịnh cập nhật vào phần mềm của mình”.
Riêng phần “tương tác thuốc”, Thịnh thiết kế danh mục có đến gần 7.000 loại thuốc. Chỉ cần vài cái “click chuột”, thầy thuốc sẽ biết loại thuốc này có tương tác với loại thuốc khác không?
Nếu có tương tác thì tương tác như thế nào: hợp đồng, đối lập, tăng độc tính, ảnh hưởng đến gan, thận, thai phụ… để đảm bảo người bệnh được sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả nhất, rút ngắn thời gian nằm viện, giảm chi phí điều trị cho người bệnh lẫn bệnh viện.
Đặc biệt, người bán thuốc ở các nhà thuốc có thể sử dụng phần mềm để tham khảo dễ dàng theo hướng dẫn, người sử dụng thuốc cũng có thể tham khảo để xem thuốc mình sử dụng có an toàn không…
Cứ vậy, Thịnh thiết kế phần mềm với từng thông số, chỉ tiêu có tính năng kỹ thuật riêng. Chẳng hạn như phần “quy trình kỹ thuật”, muốn tra cứu kỹ thuật y khoa nào người sử dụng chỉ cần click vào danh mục để chọn kỹ thuật đó.
Quy trình kỹ thuật gồm hai nội dung chính: các bước, nội dung cần chuẩn bị cho việc thực hiện kỹ thuật ấy và những vấn đề tai biến cần theo dõi cùng cách xử lý tai biến nếu có.
Phần chuyên mục này góp phần giúp thầy thuốc tránh sai sót, nhầm lẫn trong khám chữa bệnh, trong thực hiện kỹ thuật trên người bệnh.
Riêng phần “vươn tầm kiến thức y khoa” với lập trình được thiết kế theo phương pháp mỗi tuần cho ra mỗi chuyên đề, tự động kết thúc khi hết thời hạn. Mỗi chuyên đề gồm 10 bộ câu hỏi được trích từ tài liệu chuyên môn y khoa và các văn bản pháp luật của Bộ Y tế.
Mỗi câu hỏi có bốn đáp án, trong đó có một đáp án đúng. Rồi các chuyên mục: tư vấn sức khỏe, góp ý… tạo điều kiện để thầy thuốc nâng cao kiến thức chuyên môn, pháp luật y tế đều được Thịnh đưa vào phần mềm của mình…
Để thử sức, Thịnh gửi phần mềm “Sức khoẻ cho mọi người” dự hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hậu Giang. Phần mềm được ban giám khảo đánh giá cao và vinh dự đoạt giải nhất. Sau đó, phần mềm được đưa vào sử dụng tại khoa nội Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang nhằm mục đích giúp bác sĩ cập nhật kiến thức.
Bác sĩ Mai Văn Thắm, bác sĩ khoa nội Bệnh viện Đa khoa Hậu Giang, thổ lộ: “Trước đây muốn tra cứu bệnh lý hay tìm một loại thuốc phải tra phác đồ điều trị gần cả ngàn trang, mất rất nhiều thời gian và công sức.
Từ khi có phần mềm này, công việc thuận lợi và tiết kiệm thời gian rất nhiều. Theo tôi, phần mềm rất hữu ích cho bác sĩ, điều dưỡng trong việc tra cứu bệnh lý cũng như có thể tiếp cận kiến thức mới, ôn lại kiến thức cũ và trao đổi kiến thức y khoa thông qua những tài liệu, bài tập được cập nhật hằng tháng. Phần mềm lại đơn giản và dễ sử dụng”.
Giỏi toàn diện Cô Bạch Thị Duy Liên – phó hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn – cho biết: Thịnh là học sinh giỏi toàn diện, điểm tổng kết trung bình năm học lớp 7 là 9,94. Trong kỳ thi “Tiếng Anh qua Internet” vừa rồi, mới học lớp 7 nhưng Thịnh đăng ký thi vượt cấp chương trình lớp 9 và đoạt huy chương bạc toàn quốc. Tương tự trong cuộc thi “Toán qua mạng”, Thịnh cũng thi vượt cấp chương trình lớp 9 và đứng nhất tỉnh Hậu Giang. Về phần mềm tin học, năm lớp 5 Thịnh đoạt giải nhất “Phần mềm học toán lớp 5” tin học trẻ cấp tỉnh. Năm lớp 6, Thịnh cũng đoạt giải nhất “Phần mềm học tiếng Anh” thanh thiếu niên sáng tạo cấp tỉnh. Bà Lê Thị Cương – mẹ Thịnh – tâm sự: “Thịnh mê tin học từ nhỏ. Ngoài học ở trường, chúng tôi còn nhờ gia sư kèm thêm. Rồi từ kiến thức nền tảng đó, con bung rộng ra học trên mạng. Khi nghe con tính làm phần mềm để cha mẹ tiện lợi tra cứu, đỡ mất thời gian, công sức khiến chúng tôi rất xúc động và tin tưởng con làm được. Mỗi khi con có ý tưởng gì và dự định bắt tay vào làm, vợ chồng tôi đều đồng lòng ủng hộ, khuyến khích con cứ làm hết khả năng, không đặt nặng chuyện giải thưởng, quan trọng con có môi trường thử sức để sáng tạo những phần mềm hữu ích cho xã hội…”. Ông Lê Thanh Tâm, phó giám đốc Sở Thông tin – truyền thông tỉnh Hậu Giang (thành viên ban giám khảo cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật), nhận xét: “Đây là phần mềm có tính hữu dụng cao trong lĩnh vực y tế. Một học sinh cấp II mà làm được một phần mềm như vậy là điều hiếm thấy ở tỉnh Hậu Giang. Qua đó có thể nói Thịnh là một học sinh đầy triển vọng. Hi vọng em tiếp tục phát huy sở trường của mình để sau này đóng góp phần nào cho sự phát triển công nghệ thông tin của tỉnh nhà nói riêng và đất nước nói chung”. |