28/11/2024

Sao Khuê phương Đông đã tắt

2 giờ 55 ngày 24.6, GS-TS Trần Văn Khê đã qua đời tại TP.HCM, để lại một sự nghiệp sáng chói về âm nhạc dân tộc truyền thống của VN và nhiều nước Á – Phi.

 

Sao Khuê phương Đông đã tắt

 

2 giờ 55 ngày 24.6, GS-TS Trần Văn Khê đã qua đời tại TP.HCM, để lại một sự nghiệp sáng chói về âm nhạc dân tộc truyền thống của VN và nhiều nước Á – Phi.

 

GS-TS Trần Văn Khê - Ảnh: Gia đình cung cấpGS-TS Trần Văn Khê – Ảnh: Gia đình cung cấp
Năm 1942, anh thanh niên Trần Văn Khê ra Hà Nội học Trường Thuốc (ĐH Y khoa), năm 1949 qua Pháp học Trường Chính trị. Nhưng rồi định mệnh đã đưa đẩy ông chọn ghi danh vào Khoa Âm nhạc học ĐH Sorbonne (Pháp, 1954) để từ cái nôi này, tên tuổi Trần Văn Khê được ghi nhận là vị tiến sĩ âm nhạc đầu tiên người VN. Tên tuổi ấy dần chói sáng, trở thành chuyên gia hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu âm nhạc truyền thống không chỉ của VN mà còn cả các nước Á – Phi…
Năm 1959, Trung tâm nhạc học phương Đông (Centre d’études de musique Orientale, gọi tắt là CEMO) chính thức hoạt động tại Paris. Trung tâm này do GS Chailley (thầy của GS Khê) làm Chủ tịch, Phó chủ tịch là ông Eliseef (Giám đốc Bảo tàng Cernuschi) nhưng trực tiếp điều hành là GS-TS Trần Văn Khê. Suốt 30 năm hoạt động, Trung tâm đã dạy cho hàng ngàn sinh viên thuộc nhiều nước, gây được phong trào tìm hiểu âm nhạc phương Đông qua ngôn ngữ âm nhạc của VN, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Ấn Độ, Iran, Ả Rập, Mông Cổ… Năm 1980, UNESCO thành lập cơ quan mang tên Âm nhạc trong đời sống con người (Music in the life of man), mời 5 giáo sư uy tín làm chủ biên viết lại lịch sử âm nhạc thế giới, mỗi người phụ trách viết về âm nhạc truyền thống của từng châu lục. Riêng âm nhạc châu Á do Trần Văn Khê đảm nhận…
Gần 20 năm trước (tháng 10.1996), người viết đã từng phỏng vấn GS-TS Trần Văn Khê (lúc ấy ông chưa về ở hẳn tại VN), ông chủ trương: “Cần kíp phục hồi Nhã nhạc VN”. Giáo sư bảo: “Nhã nhạc VN có từ thời Lê. Nhiều nước châu Á cũng có Nhã nhạc, Trung Quốc gọi là Dzadzuế, Nhật Bản gọi là Gan ga kư, Triều Tiên là A-ăk… Vậy mà giới nghiên cứu âm nhạc cổ truyền thế giới chỉ biết đến Dzadzuế, Gan ga kư, A-ăk… còn Nhã nhạc VN thì họ mù tịt”. Thấy được sự khiếm khuyết này, GS-TS Trần Văn Khê bằng các mối quan hệ của mình đã vận động được chính phủ Nhật Bản tài trợ, giúp đỡ để ĐH Âm nhạc Huế phục hưng loại hình Nhã nhạc và đến năm 2008, UNESCO chính thức công nhận Nhã nhạc cung đình Huế là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Sự kiện này “mở hàng” cho một loạt loại hình nghệ thuật của VN được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại sau đó, mà GS-TS Trần Văn Khê là tác nhân trực tiếp hay gián tiếp sưu tầm hoặc vận động: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên (2008), Dân ca quan họ (2009), Ca trù (2009), Hát xoan (2011), Đờn ca tài tử Nam Bộ (2013), Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh (2014)…
Nửa thế kỷ sống ở nước ngoài, GS-TS Trần Văn Khê đã tham dự hơn 200 hội nghị âm nhạc tại gần 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Ngoài khả năng thiên bẩm về âm nhạc, uyên bác về từng điệu thức, từng loại nhạc cụ, ông còn có một lợi điểm nữa về khả năng diễn thuyết. Một giọng nói ấm áp, lôi cuốn và một trí nhớ siêu phàm (ông không chỉ nói chuyện về âm nhạc mà còn rất sành về ẩm thực VN và cả tán kinh Phật mà ông là người ngoại đạo). Ngần ấy năm sống ở nước ngoài nên ông cũng rất thông thạo ngoại ngữ (Anh, Pháp). Năm 1958, mới đậu tiến sĩ, Trần Văn Khê đã được thầy Jacques Chailley ưu ái cho tham dự Hội đồng quốc tế âm nhạc do UNESCO tổ chức tại Paris. Trần Văn Khê lãnh trách nhiệm thuyết trình mở đầu hội nghị bằng tham luận Cảm nhận của nhạc sĩ phương Đông đối với âm nhạc phương Tây.
Năm 2000, Nhạc hội Đàn tranh châu Á lần đầu tiên được tổ chức tại VN, phía VN nòng cốt là CLB Tiếng hát quê hương của NSƯT Phạm Thuý Hoan, còn GS-TS Trần Văn Khê là cố vấn ban tổ chức. Suốt 5 đêm diễn tại Cung văn hoá Lao động TP.HCM (từ ngày 10 – 14.9), lúc nào GS-TS Trần Văn Khê cũng có mặt và trước khi khai diễn, ông đã trực tiếp giới thiệu (tiếng Việt và tiếng Anh) về từng nhạc cụ của mỗi đoàn.
Năm 2006, trong chương trình Chân dung VN tại Liên hoan Quốc tế nhạc giao hưởng và nhạc jazz diễn ra tại Ý, ông cố vấn cho đoàn VN tham dự các loại hình: nhã nhạc, rối nước, chèo, ca trù, cồng chiêng Tây nguyên, đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc lễ (từ ngày 18 – 22.9).
Hôm nay, ngôi sao của phương Đông ấy lịm tắt sau khi đã vắt kiệt sức lực để cống hiến cho âm nhạc truyền thống VN đến tận phút cuối đời. Cảm động hơn, khi viết “Bản di nguyện”, ông còn mong mỏi gom hết tiền phúng điếu trong lễ tang của mình để thành lập Giải thưởng Trần Văn Khê dành tặng những nghiên cứu và cống hiến xuất sắc cho âm nhạc truyền thống VN mỗi năm.
Dù ngôi sao ấy có tắt, nhưng chắc chắn ai cũng ngước mắt lên bầu trời đêm, ngưỡng vọng ông…
GS-TS Trần Văn Khê sinh năm 1921 tại Mỹ Tho (nay là Tiền Giang), mất ngày 24.6.2015, hưởng thọ 94 tuổi.
Linh cữu quàn tại tư gia số 32 Huỳnh Đình Hai (Q.Bình Thạnh, TP.HCM).
Lễ nhập quan và phát tang lúc 10 giờ ngày 26.6.2015, lễ viếng bắt đầu từ 12 giờ cùng ngày. Lễ truy điệu lúc 6 giờ ngày 29.6 (thứ hai). Sau đó di quan về hoả táng tại Nghĩa trang hoa viên Chánh Phú Hoà (Bến Cát, Bình Dương).
Thể theo di nguyện của GS-TS Trần Văn Khê (lập Giải thưởng Trần Văn Khê), Ban Tang lễ có những lưu ý quý khách, các đơn vị đến viếng như sau:
Thay vì mua vòng hoa, lẵng hoa ở ngoài vào viếng GS-TS Trần Văn Khê thì số tiền đó sẽ được góp vào thùng phúng điếu nhằm lập Giải thưởng Trần Văn Khê.

 

Hà Đình Nguyên