10/01/2025

Mọi đổ vỡ và lựa chọn sai lầm của cha mẹ gây khổ đau cho con cái

Trong gia đình, tất cả đều gắn liền với nhau. Vì thế, mọi lời nói việc làm và thiếu sót của cha mẹ đều gây ra các thương tích trong tâm hồn con cái và để lại các hậu qủa trầm trọng trong cuộc sống của chúng. Khi người lớn mất lý trí, khi mỗi người chỉ nghĩ tới chính mình, khi cha mẹ làm cho nhau đau khổ, tâm hồn của trẻ em đau khổ rất nhiều, nó cảm thấy tuyệt vọng. Và chúng là các vết thương để lại dấu vết trong suốt cuộc đời.

Mọi đổ vỡ và lựa chọn sai lầm của cha mẹ gây khổ đau cho con cái
 

Một bé gái hôn ĐTC trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư 24-6-2015 – OSS_ROM

Trong gia đình, tất cả đều gắn liền với nhau. Vì thế, mọi lời nói việc làm và thiếu sót của cha mẹ đều gây ra các thương tích trong tâm hồn con cái và để lại các hậu qủa trầm trọng trong cuộc sống của chúng. Khi người lớn mất lý trí, khi mỗi người chỉ nghĩ tới chính mình, khi cha mẹ làm cho nhau đau khổ, tâm hồn của trẻ em đau khổ rất nhiều, nó cảm thấy tuyệt vọng. Và chúng là các vết thương để lại dấu vết trong suốt cuộc đời.

Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 40.000 tín hữu và du khách hành hương 5 châu. Trong số hàng trăm đoàn hành hương đến từ các nước Bắc Mỹ và Âu châu cũng có các phái đoàn đến từ các nước Australia, Indonesia, Nhật Bản và một phái đoàn 40 người đến từ Việt Nam. Ngoài ra cũng có các đoàn hành  hương đến từ các nước châu Mỹ Latinh như Brasil.

Trong bài huấn dụ, ĐTC đã khai triển đề tài giáo lý các vết thương trong cuộc sống chung của gia đình. Ngài nói: “Thật là điều xấu, khi trong gia đình người ta làm cho nhau đau khổ. Chúng ta biết là không có lịch sử gia đình nào mà lại không có các thời gian, trong đó sự thân tình của các trìu mến bị xúc phạm bởi thái độ sống của các thành phần trong gia đình.”
 


ĐTC giải thích:

“Các lời nói, các hành động và các thiếu sót, thay vì diễn tả tình yêu thương, thì lại lấy mất đi, hay tệ hại hơn, gây khổ đau cho tình yêu thương. Khi các vết thương này còn có thể sửa chữa được, chúng bị lơ là, trở nên trầm trọng và biến thành các ưu quyền, sự thù nghịch và khinh rẻ. Và lúc đó chúng có thể trở thành các xâu xé sâu đậm, chia rẽ vợ chồng, và dẫn đưa tới chỗ tìm ở nơi khác sự cảm thông, nâng đỡ và an ủi. Nhưng thường khi các “nâng đỡ” ấy không nghĩ tới hạnh phúc của gia đình.

Sự trống rỗng tình yêu hôn nhân làm lan tràn sự oán hận trong các tương quan. Và thường khi sự tan vỡ đổ ập trên con cái. Con cái, đó là điểm tôi muốn đề cập tới một chút. Mặc dù sự nhạy cảm của chúng ta bề ngoài xem ra đã tiến triển, và mọi phân tích tâm lý tinh tế của chúng ta, tôi tự hỏi chúng ta cũng có đang gây mê đối với các vết thương trong tâm hồn các trẻ em hay không. Người ta càng tìm cách bù trừ bằng quà cáp và bánh ngọt bao nhiêu, thì lại càng đánh mất đi ý thức về các vết thương  của tâm  hồn – đau đớn và sâu đậm hơn – bấy nhiêu. Chúng ta nói nhiều về các thái độ hỗn loạn, về sức khoẻ tâm thần, vể hạnh phúc của trẻ em, sự lo âu của cha mẹ và con cái… Nhưng chúng ta có còn biết vết thương của tâm hồn là cái gì không? Chúng ta cảm thấy sức nặng của quả núi đè bẹp tâm hồn một trẻ em, trong các gia đình, trong đó người ta đối xử tàn tệ với nhau và làm cho nhau đau khổ, cho tới chỗ bẻ gãy mối dây liên kết của sự chung thuỷ hôn nhân? Các lựa chọn của chúng ta có sức nặng nào trên tâm hồn của các trẻ em? Có sức nặng nào trong các lựa chọn của chúng ta – các lựa chọn sai lầm chẳng hạn, có sức nặng biết bao nhiêu trên tâm hồn của các trẻ em?

Khi các người lớn mất lý trí, khi mỗi người chỉ nghĩ tới chính mình, khi cha mẹ làm cho nhau đau khổ, tâm hồn của trẻ em đau khổ rất nhiều, chúng cảm thấy tuyệt vọng. Và chúng là các vết thương để lại dấu vết suốt cả cuộc đời.”

Tiếp tục bài huấn dụ, ĐTC nói:

“Trong gia đình, tất cả đều gắn bó với nhau: khi tâm hồn của trẻ em bị thương tích tại một điểm nào đó, thì sự nhiễm trùng lan sang mọi nguời. Và khi một người đàn ông và một người đàn bà dấn thân để trở nên “một thân thể duy nhất” và thành lập một gia đình, nghĩ tới các đòi hỏi riêng của họ liên quan tới sự tự do và tưởng thưởng một cách ám ảnh, thì sự lệch lạc này tấn kích con tim và cuộc sống của con cái một cách sâu đậm. Biết bao lần các trẻ em lẩn trốn để khóc một mình… Chúng ta phải hiểu rõ điều này. Chồng vợ là một thịt xác duy nhất. Nhưng các thụ tạo của họ là thịt xác của thịt xác họ. Nếu chúng ta nghĩ tới sự cứng rắn mà Chúa Giêsu dùng để cảnh cáo người lớn đừng gây gương mù gương xấu cho các trẻ em, như đã nghe trong đoạn Tin Mừng (x. Mt 18,6), thì chúng ta cũng có thể hiểu một cách dễ dàng hơn lời nói của Ngài liên quan tới trách nhiệm trầm trọng phải gìn giữ mối dây hôn nhân khai mào gia đình nhân loại (x. Mt 19,1-9). Khi người nam và người nữ đã trở nên một thịt xác duy nhất, thì mọi vết thương và các bỏ rơi của người cha hay người mẹ ghi đậm dấu vết trên thịt xác sống động của con cái họ.

Đàng khác, cũng đúng thật là có những trường hợp, trong đó sự chia ly không thế tránh được. Đôi khi nó có thể trớ thành cần thiết trên bình diện luân lý, khi người ta tìm lấy khỏi người phối ngẫu yếu đuối hơn, những đứa con còn bé khỏi các vết thương trầm trọng hơn, bị gây ra bởi ưu quyền và bạo lực, sự nhục nhã và khai thác bóc lột, sự xa lạ và thờ ơ.

Nhưng cám ơn Chúa, không thiếu những người được nâng đỡ bởi đức tin và tình yêu thương đối với con cái, làm chứng cho sự chung thuỷ của họ đối với mối dây ràng buộc mà họ đã tin, dù xem ra không thể làm nó sống lại được. Tuy nhiên, không phải mọi nguời ly thân đều cảm thấy ơn gọi này. Không phải ai cũng thừa nhận trong thinh lặng một tiếng gọi của Chúa hướng tới họ. Chung quanh chúng ta, chúng ta tìm thấy các gia đình khác nhau trong những hoàn cảnh bất bình thường. Tôi không thích từ này và chúng ta đặt ra nhiều câu hỏi? Làm sao trợ giúp các gia đình? Làm thế nào để đồng hành với chúng? Làm thế nào để đồng hành với các gia đình để con cái không trở thành con tin của cha hay mẹ?

Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta một đức tin lớn lao để nhìn thực tại với cái nhìn của Thiên Chúa; và một tình bác ái lớn lao để đem con người tới gần trái tim thuơng xót của Chúa.”

ĐTC đã chào một nhóm thành viên Phong trào Đức tin và Ánh sáng Pháp. Ngài khích lệ các anh chị em khuyết tật  ý thức mình rất quý báu đối với Giáo Hội.

Chào các đoàn hành hương Đức, ngài xin Chúa chữa lành các vết thương trong gia đình và biến chúng thành các chứng nhân lòng thuơng xót và tình yêu của Chúa. Với các đoàn hành hương Ba Lan, ĐTC khích lệ mọi người nhớ tới mùa hè như thời gian Chúa ban cho để cho thân xác và tinh thần được nghỉ ngơi, cũng như để củng cố các tương quan giữa gia đình, với bạn bè và với Thiên Chúa; không quên tham dự thánh lễ Chúa Nhật và làm việc bác ái trợ giúp người túng thiếu.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn, ngài nhắc cho mọi người biết hôm qua là lễ Sinh nhật Thánh Gioan Baotixita. Ngài xin thánh nhân giúp các bạn trẻ  noi gương thánh nhân biết can đảm lựa chọn sự thiện. Ngài cầu mong sự mạnh mẽ của thánh nhân trợ lực các anh chị em đau yếu vác thánh giá khổ đau kết hiệp với Chúa, và củng cố tình yêu của các đôi tân hôn.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Toà Thánh ĐTC ban cho mọi người.