11/01/2025

Cổ vật dần biến mất

Nhiều di vật Óc Eo bị mất mát, tuy có nhiều tấm lòng tha thiết lưu giữ lại hồn xưa nhưng nó vẫn tiếp tục thất thoát. Việc bảo vệ các di chỉ khảo cổ cũng khá nan giải.

 

Cổ vật dần biến mất

 

Nhiều di vật Óc Eo bị mất mát, tuy có nhiều tấm lòng tha thiết lưu giữ lại hồn xưa nhưng nó vẫn tiếp tục thất thoát. Việc bảo vệ các di chỉ khảo cổ cũng khá nan giải.


 

Linh Sơn tự bên sườn núi Ba Thê, nơi thờ hai bia đá cổ và pho tượng bốn tay. Các vòng thành trong khuôn viên chùa được đắp gần cả triệu viên gạch cổ Phù Nam - Ảnh: Đức Vịnh
Linh Sơn tự bên sườn núi Ba Thê, nơi thờ hai bia đá cổ và pho tượng bốn tay. Các vòng thành trong khuôn viên chùa được đắp gần cả triệu viên gạch cổ Phù Nam – Ảnh: Đức Vịnh

Theo dân làng, trong Linh Sơn tự trước kia có nhiều hiện vật thuộc văn hoá Óc Eo nhưng rồi dần dà không còn thấy nữa. Đáng tiếc nhất là tượng con voi cao 3 tấc bằng sa thạch đặt bên chánh điện.

Chảy máu cổ vật

Sư Thiện Trí cho biết lúc ông mới đến trụ trì đã có người năn nỉ xin mua tượng voi đó nhưng chùa dứt khoát không bán. Đầu năm 1972, một ông già ngoài 70 tuổi người địa phương tự nguyện xin vô chùa quy y và làm công quả, tiếp đến có một cô gái trẻ hay đem đồ cúng chùa. Một sáng sớm chú voi đá biến mất, từ đó cũng không còn bóng dáng cô gái và ông già.

Mãi sau này dân chơi đồ cổ tiết lộ kẻ tu hành bất đắc dĩ đó giao tượng cho một tay buôn đem bán ở Sài Gòn được hơn 25 lượng vàng. “Hồi dân đến đào tìm vàng trong khuôn viên chùa, gặp cổ vật không ai biết chúng quý giá nên thường vứt bỏ. Chùa có giữ một số, sau đó đều giao cho bảo tàng” – sư Thiện Trí nói.

Nhiều nông dân cho biết họ có đem tượng đá, đồ gốm, nồi, bình bằng đất nung… về cho con cái làm đồ chơi thì sau năm 1990 lần lượt bị ai đó lén lấy mất. Ông Nguyễn Văn Lộ, ấp Trung Sơn, đặt pho tượng trên bàn thờ, bỗng một hôm cũng… không cánh mà bay.

Ông Trần Văn Nghĩa, từng mua bán đồ cổ ở thị trấn Óc Eo, cho hay hơn 20 năm về trước người dân chỉ chăm bẳm tìm vàng, đào gặp đồ gốm, bình và nồi đất, tượng đá, xâu chuỗi bằng đá, mã não… thường bỏ lăn lóc. Bao đồ tùy táng, thờ cúng, trang sức cổ… bằng vàng có chạm khắc tinh xảo đều đem bán mão cho tiệm kim hoàn ở chợ Ba Thê, chúng bị cắt ra đem đốt rồi phân kim để lấy vàng ròng.

Những năm 1990, giới buôn đồ cổ khắp nơi, có cả người Hoa, người Campuchia đổ đến đây săn lùng mua được nhiều món “độc” với giá bèo sau đó bán ra nước ngoài. Chính ông từng đứng ra mua đi bán lại không ít cổ vật mà hiện nay khó tìm thấy ở các bảo tàng. “Nhìn cổ vật vàng bị cắt, mỗi món đồ quý bán đi chỉ vài lượng vàng mà tiếc đứt ruột! Hồi ấy tôi chỉ mua đi bán lại kiếm lời, làm gì có tiền để giữ lại” – ông Nghĩa thở dài.

Sau năm 2000, công an điều tra phát hiện nhiều vụ mua bán và cả đường dây săn lùng cổ vật tuồn ra nước ngoài, có pho tượng bán qua Thái Lan 50.000 USD. Trong vụ án thu hồi 20 món cổ vật có cả một số sĩ quan quân đội móc nối với dân buôn bị xử lý. Người anh của ông Nghĩa cũng bị bắt giam, bị tịch thu toàn bộ cổ vật sưu tầm từ nhiều năm. Từ đó ai có cổ vật đều đem giấu kín, hoạt động mua bán chuyển qua dạng… ngầm.

Nhà trưng bày hiện vật văn hóa Óc Eo ở thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn (An Giang), phần lớn hiện vật từ người dân địa phương đóng góp - Ảnh: Đức Vịnh
Nhà trưng bày hiện vật văn hoá Óc Eo ở thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn (An Giang), phần lớn hiện vật từ người dân địa phương đóng góp – Ảnh: Đức Vịnh

“Bốn cùng” để lưu giữ cổ vật

Bao hiện vật khai quật được, bị tịch thu trước đó đều đưa đi nơi khác lưu giữ nên vào năm 2002, khi xây xong nhà trưng bày trên đỉnh núi Ba Thê thì không có gì để trưng. Huyện Thoại Sơn yêu cầu các ngành… ra quân thu thập, vận động xin cổ vật của người dân. Mỗi hộ hiến tặng được nhận 100.000 đồng và tờ giấy khen.

Lúc ấy giới buôn đồ cổ đang săn lùng ráo riết, người dân cũng nắm được giá trị của chúng nên lén đào bới tìm kiếm, giấu kín để bán. Việc “xin” được hơn 100 hiện vật các loại từ dân là điều không dễ. Cán bộ phải xuống từng xóm tìm hiểu, sau khi dò la biết được hộ nào có cổ vật họ lân la làm quen rồi vận động thuyết phục đủ cách.

“Anh em mình phải “bốn cùng”, nghĩa là ngoài cùng ăn, cùng ở, cùng làm, còn … cùng nhậu để gần gũi với dân. Qua nhiều lần giải thích, bà con dần hiểu ra nên tự nguyện giao, có hộ tặng cả chục món để trưng bày” – ông Đinh Văn Cảnh, phó chủ tịch thị trấn Óc Eo, nói.

Ngày đó, ông Phạm Ngọc Hoa ở Ban quản lý du lịch văn hoá huyện Thoại Sơn phải “nằm vùng” tại Óc Eo. Nhiều người dân bảo do “khoái” cách sống chân tình và vô tư của ông mà họ đã giao tặng cổ vật cho Nhà nước. Với những món “độc” ông đề xuất mua với giá chấp nhận được để bà con đỡ thiệt thòi.

Tuy vậy, do phải giành giật với dân buôn cổ vật có mặt mọi lúc mọi nơi luôn đưa ra giá mua cao ngất, lắm lúc ông Hoa phải vay mượn, cầm cố lấy tiền mua. Một lần hay tin có người bán bình cổ rất đẹp, trưởng ban quản lý lúc đó là ông Nguyễn Văn Be yêu cầu phải mua bằng được.

Thuyết phục mãi chủ mới chịu hạ giá xuống 4 triệu đồng, ông Hoa đem cầm chiếc xe máy lấy tiền trả rồi… lững thững ôm bình về đặt tại cơ quan. Sau đó một tay chuyên chơi đồ cổ từ Cần Thơ lên tận nơi đòi mua lại giá… 400 triệu đồng, sợ mất cắp ông Be cho đem nó gửi bên công an huyện.

Sau đợt “ra quân” đó việc sưu tầm khó khăn hơn khi giá đồ cổ trên thị trường ngầm tăng cao. Đáng nói là nhà trưng bày từng bị đột nhập, rồi đầu năm 2013 huyện kiểm tra thấy thất thoát nhiều cổ vật. Từ đó người dân phân vân: bao nhiêu món sưu tầm từ nhiều nguồn và tịch thu qua các vụ án đang ở đâu và còn, mất bao nhiêu? Chưa bao giờ và không ai cho đối chiếu, công khai!

Khu di chỉ văn hóa Óc Eo rộng 450 ha, xưa nay chỉ mới thám sát, khai quật ở vài điểm, mỗi điểm chỉ vài trăm mét vuông. Nhiều nhà khảo cổ xác định dưới lòng đất còn lắm kiến trúc, hiện vật cổ có giá trị nhiều mặt cần phải bảo vệ nghiêm ngặt. Dù địa phương đã “khoanh vùng” nghiêm cấm xâm phạm, đào tìm cổ vật, thế nhưng diện tích này phần lớn còn thuộc quyền sử dụng của dân nên không thể ngăn cản họ canh tác, hoặc mượn việc trồng trọt, nuôi cá để kiếm cổ vật.

“Với thực trạng đó, việc giữ gìn các di chỉ để tiếp tục khai quật khảo cổ là hết sức nan giải! Rất cần quy hoạch phân bố lại dân cư, đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh để bảo vệ di tích” – ông Nguyễn Hữu Giềng, giám đốc ban quản lý di tích văn hoá Óc Eo, kiến nghị.

Bảo tàng Óc Eo… thu nhỏ

Lâu nay căn hộ của ông Tạ Hoà Thọ (ở Tràng Thọ 1, P.Thốt Nốt, Q.Thốt Nốt, TP Cần Thơ) được dân chơi đồ cổ, nhiều nhà khoa học biết đến như một… bảo tàng thu nhỏ. Ông Thọ sưu tầm được hơn 200 cổ vật, phần lớn là cổ vật Óc Eo rất giá trị.

Ông Thọ cho biết cách đây hơn 30 năm tình cờ đến Ba Thê gặp pho tượng cổ thần Vishnu bằng sa thạch cao 1,5m, nặng gần 100kg ông mua làm kỷ niệm. Sau đó qua tìm hiểu ông càng cảm thấy thích văn hoá Óc Eo.

Các cổ vật Phù Nam ở đây khá đa dạng với đủ chất liệu bằng đá, đồng, đất nung, gỗ và ngọc. Đặc biệt là các pho tượng “độc” như voi thần Ganesha mình người đầu voi, tượng đầu nữ vương Phù Nam bằng đá hoa cương nặng 40kg, các tượng nhỏ như bò thần Nandin, thần Shiva… được chế tác tỉ mỉ đến từng chi tiết. “Nhiều dân chơi, dân buôn đồ cổ đến hỏi mua. Tôi chưa bao giờ bán đi món nào cả, tôi muốn lưu giữ cho mai sau” – ông Thọ chia sẻ.

 

ĐỨC VỊNH