Biên Hoà mưa to là ngập
Sông, suối bị lấn chiếm, thu hẹp diện tích, các tuyến đường chính đa phần được bê tông hoá trong khi hệ thống thoát nước lại thiếu đồng bộ, cũ kỹ… được cho là nguyên nhân khiến hễ mưa lớn là cả TP.Biên Hoà (Đồng Nai) bị chìm trong nước.
Biên Hoà mưa to là ngập
Sông, suối bị lấn chiếm, thu hẹp diện tích, các tuyến đường chính đa phần được bê tông hoá trong khi hệ thống thoát nước lại thiếu đồng bộ, cũ kỹ… được cho là nguyên nhân khiến hễ mưa lớn là cả TP.Biên Hoà (Đồng Nai) bị chìm trong nước.
Cơn mưa lớn chiều 21.6 đã gây ngập toàn bộ các điểm giao thông trọng yếu của TP.Biên Hoà khiến giao thông ở thành phố này gần như tê liệt, nước tràn cả vào nhà dân, hàng trăm xe máy bị chết máy, việc đi lại của người dân hết sức khó khăn.
23 “điểm đen”
Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn TP.Biên Hoà có tới 23 “điểm đen” giao thông thường xuyên bị ngập khi mưa lớn. Ngoài ra, còn có một số khu vực dân cư nằm gần các con suối Săn Máu, Linh, Bà Chùa, Bà Lúa (trung tâm TP.Biên Hoà) cũng chìm trong nước.
Các điểm đen giao thông thường xuyên xảy ra ngập lụt nặng khi trời mưa to có thể kể tới là vòng xoay ngã năm Biên Hùng, đường Nguyễn Ái Quốc (đoạn gần Bệnh viện Tâm thần và chợ Phúc Hải), vòng xoay Tân Phong, ngã tư Võ Thị Sáu – Phạm Văn Thuận, đường Đồng Khởi đoạn trước Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT), đường Huỳnh Văn Nghệ đoạn gần Trường ĐH Lạc Hồng… Đặc biệt điểm ngập nặng nhất là khu vực cầu Săn Máu (P.Trảng Dài) và cầu Đen thuộc P.Long Bình Tân.
Ông Trần Như Vũ, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hoà cho rằng TP.Biên Hoà chỉ ngập khi mưa to, còn mưa bình thường thì hệ thống thoát nước hoạt động tốt. Theo ông Vũ, nguyên nhân ngập là do tốc độ đô thị hoá, bê tông hoá quá nhanh khiến mất đi các diện tích thoát nước bề mặt. Các suối bị lấn chiếm, rác thải gây tắc nghẽn dòng chảy. Ngoài ra do nước thoát địa hình và nước thải đều dồn hết vào hệ thống thoát nước của đường gây quá tải. “Hệ thống thoát nước của đường chỉ phục vụ thoát nước cho hệ thống giao thông, nước mưa rơi xuống trên mặt đường, chứ không phục vụ thoát nước địa hình và nước thải. Đây là bất cập của thành phố khi không có hệ thống thoát nước địa hình và nước thải riêng biệt”, ông Vũ giải thích.
Chờ “rót vốn ODA” ?
Năm 2008, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt “Dự án thoát nước và xử lý nước thải” cho TP.Biên Hoà với kinh phí lên đến 600 triệu USD từ nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản. Dự án này có khả năng xử lý, tiêu thoát trên 52.000 m3 nước/ngày, đêm. Tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa khởi động vì phía Nhật Bản vẫn chưa “chuyển tiền”. Nguyên nhân là do hai bên chưa thống nhất việc lựa chọn phương án lắp đặt hệ thống cống thoát nước về nhà máy xử lý.
Trả lời Thanh Niên ngày 24.6, ông Đỗ Bảo Nam, Phó giám đốc Trung tâm thoát nước Đồng Nai – đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện dự án (thuộc Sở Xây dựng Đồng Nai), cho biết đến nay dự án vẫn chưa có tiến triển gì. Phía Nhật Bản vẫn bảo lưu quan điểm là lắp cống ngầm dưới lòng đường bằng phương pháp kích ngầm. Trong khi tỉnh Đồng Nai lại chọn phương án lắp cống dọc theo sông Cái theo phương pháp thường. Ông Nam giải thích: “Phương án này vừa giảm được chi phí gấp ba lần so với phương án kích ngầm mà còn tạo được cảnh quan đẹp dọc bờ sông. Phía Nhật Bản lo ngại chậm giải phóng mặt bằng nên không đồng ý với phương án của Đồng Nai đề xuất”.
“Trong khi chờ đợi “đại dự án” của tỉnh, để tránh tình trạng ngập lụt tồi tệ thêm khi mùa mưa tới, hiện TP.Biên Hoà chữa cháy tạm thời bằng cách cho lắp máy bơm nước ở những điểm ngập”, một cán bộ Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hoà nói.
17 năm chưa xong một dự án
Trong khi đó, dự án nạo vét suối Săn Máu lại đang rất ì ạch. Đây là một trong những dòng suối lớn chảy qua TP.Biên Hoà nên việc nạo vét nhằm tiêu thoát nước mưa và nước sinh hoạt, chống ngập cho 4 phường lớn của TP.Biên Hòa (Trảng Dài, Tân Phong, Tân Tiến, Thống Nhất). Giai đoạn đầu được UBND tỉnh Đồng Nai giao cho UBND TP.Biên Hòa làm chủ đầu tư cách nay 17 năm (1998). Sau 1 năm thực hiện, TP Biên Hoà cho rằng dự án này khá phức tạp nên đã đề nghị UBND tỉnh giao cho Ban Quản lý dự án (BQLDA) chuyên ngành NN-PTNT (thuộc Sở NN-PTNT Đồng Nai) làm chủ đầu tư.
Tổng chiều dài của dự án nạo vét này là 6.052 m, được chia làm 3 đoạn. Đoạn 1 từ cầu Săn Máu đến cầu bê tông vào cư xá Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2 (đường Nguyễn Văn Hoài) dài 3.100 m. Đoạn 2 từ đường Nguyễn Văn Hoài đến hạ lưu cầu Mương Sao có chiều dài 1.532 m và đoạn 3 từ hạ lưu cầu Mương Sao đến cuối nguồn thoát ra sông Đồng Nai dài 1.420 m. Tổng diện tích toàn dự án là 26,55 ha. Tổng mức đầu tư ban đầu là 409 tỉ đồng, sau đó chủ đầu tư đề nghị điều chỉnh vốn lên 554 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Theo kế hoạch, dự án khởi công tháng 12.2011 và hoàn thành cuối năm 2015 nhưng đến nay mới hoàn thành được khoảng hơn 60% hạng mục.
Ngày 24.6, trả lời Thanh Niên, ông Phan Văn Kỉnh, Giám đốc BQLDA chuyên ngành NN-PTNT (thuộc Sở NN-PTNT Đồng Nai), biện minh do vướng bồi thường, giải tỏa mặt bằng (hiện còn 22 hộ tái định cư chưa được giao đất, 3 hộ phải thẩm định chi phí bồi thường theo luật Đất đai mới) nên sẽ mất nhiều thủ tục và thời gian. “Hiện còn lại 400 m Trung tâm phát triển quỹ đất TP.Biên Hoà chưa bàn giao cho chủ đầu tư do các hộ dân trên đoạn này chưa được bố trí tái định cư hoặc chưa chịu nhận tiền đền bù, do vậy chúng tôi chưa có mặt bằng để thi công dự án” – ông Kỉnh nói.
Trong chuyến kiểm tra tiến độ thực hiện dự án nạo vét suối Săn Máu vào ngày 2.6 mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Minh Phúc yêu cầu TP.Biên Hoà nhanh chóng giải quyết những vướng mắc về đất đai để sớm giao đất sạch cho chủ đầu tư thi công dự án. Đối với những đoạn suối xây dựng xong và đã đưa vào sử dụng, ông Phúc đề nghị Sở Tài nguyên – Môi trường và Sở NN-PTNT (chủ dự án) phối hợp với TP.Biên Hoà vận động, tuyên truyền người dân giữ vệ sinh chung, những người dân cố tình xả rác gây ô nhiễm, làm tắc nghẽn lòng suối, phải kiên quyết xử phạt hành chính.
Đức Nguyễn (ghi)
|
Lê Lâm