11/01/2025

Sứ điệp của Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn gửi người Hồi giáo nhân tháng Ramadan và lễ ’Id al-Fitr(1436 H. / 2015 AD)

Tất cả chúng ta đều ý thức được sự trầm trọng của những tội ác này như thế nào. Nhưng điều làm cho chúng càng thêm ghê tởm là người ta lại nhân danh tôn giáo để biện minh cho các tội ác ấy. Đây rõ ràng là một biểu hiện của việc sử dụng tôn giáo như một công cụ để đạt được quyền lực và sự giàu có.

Sứ điệp của Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn gửi người Hồi giáo nhân tháng Ramadan và lễ ’Id al-Fitr
(1436 H. / 2015 AD)
 
Kitô hữu và người Hồi giáo:
Cùng nhau chống lại bạo lực nhân danh tôn giáo


Quý Anh Chị Em tín hữu Hồi giáo thân mến,

1. Tôi vui mừng gửi đến Anh Chị Em, nhân danh tất cả những người Công giáo trên toàn thế giới và nhân danh tôi, những lời chúc tốt đẹp nhất cho một ngày lễ ’Id al-Fitr bình an và vui tươi. Trong tháng Ramadan, Anh Chị Em thực hiện nhiều thực hành tôn giáo và xã hội, như chay tịnh, cầu nguyện, bố thí, giúp đỡ người nghèo, thăm người thân trong gia đình và bạn bè. Tôi hy vọng và cầu xin cho hoa trái của những thực hành tốt đẹp này làm cho cuộc sống của Anh Chị Em được thêm phong phú.

2. Đối với một số người trong Anh Chị Em và một số người thuộc các cộng đồng tôn giáo khác, niềm vui của ngày lễ này bị lu mờ khi nhớ đến những người thân yêu đã thiệt mạng hay mất mát tài sản, hoặc phải gánh chịu đau khổ về thể chất, tinh thần và cả tâm linh nữa vì bạo lực. Các cộng đồng sắc tộc và tôn giáo ở một số nước trên thế giới đã trải qua nhiều đau khổ bất công to lớn: nhiều thành viên bị giết hại, các di sản tôn giáo và văn hóa bị phá hủy, nhiều người bị buộc phải rời bỏ nhà cửa và thành phố, phụ nữ bị lạm dụng tình dục và cưỡng hiếp, có người bị bắt làm nô lệ, buôn bán, bán nội tạng, và thậm chí các xác chết cũng bị đem bán!

3. Tất cả chúng ta đều ý thức được sự trầm trọng của những tội ác này như thế nào. Nhưng điều làm cho chúng càng thêm ghê tởm là người ta lại nhân danh tôn giáo để biện minh cho các tội ác ấy. Đây rõ ràng là một biểu hiện của việc sử dụng tôn giáo như một công cụ để đạt được quyền lực và sự giàu có.

4. Những người có trách nhiệm về an ninh, trật tự công cộng phải bảo vệ người dân và tài sản của họ khỏi nạn bạo lực mù quáng của những kẻ khủng bố: điều đó không cần phải nói; nhưng đó cũng là trách nhiệm của những người có nhiệm vụ giáo dục: gia đình, trường học, chương trình đào tạo, các nhà lãnh đạo tôn giáo, các phát biểu về tôn giáo, các phương tiện truyền thông. Bạo lực và khủng bố trước hết hình thành trong đầu óc của những người lệch lạc, rồi sau đó mới trở thành hành động.

5. Tất cả những ai tham gia vào việc giáo dục người trẻ và trong nhiều lĩnh vực giáo dục khác nhau phải dạy rằng sự sống có tính thánh thiêng và vì thế nên ai cũng có phẩm giá, không phân biệt sắc tộc, tôn giáo, văn hóa, địa vị xã hội và sự lựa chọn chính trị. Không có cuộc sống nào quý hơn cuộc sống khác vì nó thuộc về một chủng tộc hay tôn giáo nào đó. Vì vậy, không ai được giết người. Không ai được nhân danh Thiên Chúa để giết người; đó là một tội ác kép: vừa chống lại Thiên Chúa vừa chống lại chính con người.

6. Không được có bất kỳ sự hàm hồ nào trong giáo dục. Tương lai của một con người, của cộng đồng và của toàn thể nhân loại không thể được xây dựng trên sự hàm hồ hay chân lý giả tạo như thế. Người Kitô hữu và người Hồi giáo, theo truyền thống tôn giáo của mình, chiêm ngắm Thiên Chúa và tương quan với Ngài như là Chân lý. Đời sống và hành vi của các tín hữu chúng ta phải phản ánh niềm xác tín ấy.

7. Theo Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo dành “ưu tiên cho việc cầu nguyện” (Diễn văn với các nhà lãnh đạo Hồi giáo tại Kaduna, Nigeria, 14-02-1982). Lời cầu nguyện của chúng ta thật khẩn thiết: cầu nguyện cho công lý, hoà bình và an ninh trên thế giới; cầu nguyện cho những ai xa lìa khỏi con đường đích thực của sự sống và nhân danh tôn giáo để gây bạo lực, biết trở về với Chúa và thay đổi đời sống; cầu nguyện cho người nghèo và các bệnh nhân.

8. Trong các lễ hội, những ngày lễ tôn giáo của chúng ta nuôi dưỡng niềm hy vọng cho hiện tại và tương lai. Với niềm hy vọng ấy chúng ta nhìn vào tương lai của nhân loại, nhất là khi chúng ta làm hết sức mình để hiện thực hoá những ước mơ chính đáng của chúng ta.

9. Cùng với Đức giáo hoàng Phanxicô, chúng tôi cầu chúc cho những hoa trái của tháng Ramadan và niềm vui của ngày lễ ’Id al-Fitr sẽ mang lại bình an và thịnh vượng, giúp Anh Chị Em tăng triển về nhân bản và tâm linh.

Kính chúc tất cả Anh Chị Em ngày lễ hạnh phúc!

Vatican, ngày 12 tháng 6 năm 2015

Hồng y Jean-Louis Tauran
Chủ tịch

Linh mục Miguel Ángel Ayuso Guixot, M.C.C.I.
Thư ký
 

Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn