28/11/2024

18 tuổi biết làm giàu

Họ còn rất trẻ, nhiều người ở tuổi đôi mươi, không chỉ đến liên hoan để được vinh danh mà cùng nhau bàn cách làm giàu chính đáng.

 

18 tuổi biết làm giàu

 

 Họ còn rất trẻ, nhiều người ở tuổi đôi mươi, không chỉ đến liên hoan để được vinh danh mà cùng nhau bàn cách làm giàu chính đáng.


 

Các bạn trẻ trao đổi kinh nghiệm sản xuất với chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng tại liên hoan - Ảnh: Lâm Hoài
Các bạn trẻ trao đổi kinh nghiệm sản xuất với chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng tại liên hoan – Ảnh: Lâm Hoài

Ba ngày qua (từ ngày 18 đến 20-6), 150 thanh niên nông thôn trẻ giỏi trên khắp mọi miền cùng hội tụ về Hà Nội tham dự Liên hoan thanh niên nông thôn toàn quốc lần thứ II.

Không chỉ là làm giàu

Tám năm trước, chỉ mới vừa tròn 18 tuổi nhưng chàng trai người dân tộc Thái Hà Quang Hành (huyện Văn Chấn, Yên Bái) đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mô hình trồng trọt trên chính quê hương mình. Đến nay, Hành đã có trong tay 6.500m2 bí, hơn 1.000m2 mướp đắng và 3.000m2 dưa lấy hạt, mỗi năm thu lãi gần 300 triệu đồng.

Hà Quang Hành cho biết ngoài ruộng vườn của gia đình, giờ đây anh đã vận động thành công 30 hộ đoàn viên thanh niên trong xã phát triển mở rộng diện tích trồng bí lấy hạt lên 2,5ha, trồng mướp đắng lên 4,3ha cho doanh thu hàng trăm triệu đồng, tạo việc làm cho nhiều bà con và thanh niên ở địa phương.

Cùng trẻ như Hành, chàng trai người Mông Má A Nủ, 21 tuổi (huyện Sa Pa, Lào Cai) với sự quyết đoán và thông minh của mình đã lập nên kỳ tích ở vùng đất xa xôi hẻo lánh nơi địa đầu Tổ quốc. Năm 2013, nhận thấy vùng đất quê mình có nhiều cây dược liệu quý mọc tự nhiên, sau khi học được phương pháp chiết xuất tinh dầu, Nủ rủ anh em bạn bè lập ra nhóm hợp tác xã bàn cách làm giàu từ cách làm này.

Giờ đây Nủ cùng các cộng sự của mình đã gây dựng được 1,5ha cây dược liệu trồng tập trung, quản lý khoảng 60ha cây dược liệu mọc tự nhiên khác, mỗi năm thu hoạch 100 tấn nguyên liệu để chiết xuất tinh dầu. Ngoài ra, HTX của Nủ còn mở thêm các dịch vụ tắm ngâm thảo dược, du lịch homestay, tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên, 30 lao động thời vụ. Năm 2014 doanh thu trên 500 triệu đồng, dự kiến năm nay con số đó sẽ nâng lên 1 tỉ đồng.

Nhớ lại thời gian đầu bắt tay vào làm ăn, Nủ cười: “Ban đầu ai cũng lắc đầu ngao ngán nói mình quá liều lĩnh. Mọi người từ chối vì sợ cách làm “lạ hoắc” này sẽ tốn công tốn sức mà chỉ như đánh bạc với may rủi, nhưng sau này thấy mình làm ăn hiệu quả thì nghe theo”.

Theo Nủ, điều cốt yếu là phải biết từ bỏ, không chấp nhận với những lối canh tác cổ hủ, kém năng suất dạng “lấy công làm lãi”. Đổi lại phải chuyển hướng khai thác được lợi thế của khí hậu, thổ nhưỡng và con giống, cây trồng ở địa phương mình, đồng thời phải canh tác, sản xuất theo hướng cho lợi nhuận cao mới mong thoát nghèo và tiến tới làm giàu được.

Cần cái nhìn bền vững

Tọa đàm “Đổi mới tư duy trong sản xuất nông nghiệp” do chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng chủ trì diễn ra ngày 19-6 bất ngờ biến thành một cuộc trao đổi thân tình, cởi mở khi hàng trăm thanh niên vây vòng quanh ông trải lòng những băn khoăn, trăn trở, những kinh nghiệm làm ăn của bản thân.

Đen và nhỏ thó, ngồi nép mình trong đám đông nhưng khi được hỏi về câu chuyện làm ăn của mình, Nguyễn Văn Kỳ (Quảng Nam) bật dậy nói hăng say. Xuất ngũ với bàn tay trắng nhưng chỉ sau chưa đầy hai năm, Kỳ đã sở hữu 150 thùng ong cho thu nhập tới 500 triệu đồng mỗi năm.

Theo Kỳ, sở dĩ anh quyết định nuôi ong bởi vùng quê anh vốn trồng cây keo lá tràm và cao su quy mô lớn. “Mình không trồng hai loại cây này vì phải 4 – 5 năm mới cho thu nhập mà chọn nuôi ong vừa thu hồi vốn nhanh, vừa tận dụng được nguồn thức ăn cho ong từ rừng keo và cao su bạt ngàn”- Kỳ cho hay. Trước đó, anh mang sổ đỏ đi vay vốn, kinh nghiệm chủ yếu tự mày mò và thử nghiệm.

Trong khi đó, Nguyễn Đức Quang (Tân Việt, Thanh Hà, Hải Dương) đang là ông chủ thành công với trang trại có hàng nghìn cây ăn quả, heo, gà, cho doanh thu trên 600 triệu đồng mỗi năm. Chia sẻ về những trải nghiệm trong làm ăn, Quang kể rằng rất nhiều lần bị thất bại do gặp dịch bệnh. “Ban đầu chán lắm nhưng rồi phải tự vực dậy và làm lại từ đầu”- Quang tâm sự.

Nhân câu chuyện của Kỳ, của Quang, chuyên gia Nguyễn Lân Hùng thẳng thắn: “Chúng ta làm giàu nhưng là giàu chưa bền vững”. Lý giải điều này, ông Hùng cho rằng trong số 150 thanh niên được vinh danh đều là những người trẻ, táo bạo và thành công trong làm ăn. Tuy nhiên, không ít trong số này là tự mày mò và thành công do may mắn.

“Các bạn có ý chí, sức trẻ nhưng còn thiếu quá nhiều về kỹ năng và kiến thức về áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt. Cần phải biết khai thác đúng thế mạnh về tự nhiên nơi mình sinh sống, phải bỏ được hủ tục, thói quen manh mún mà sản xuất. Khi nuôi trồng rồi thì phải biết vận dụng khoa học vào để cho hiệu quả cao, phòng tránh tối đa rủi ro. Rồi cần nhận định được đầu tư loại gì là đúng hướng, phù hợp với đầu ra thị trường”.

Theo chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, những điều này là “quá sức” đối với bạn trẻ ở các vùng nông thôn xa xôi. Cần có hình bóng của các tổ chức, trong đó có Đoàn để có thể đưa những thông tin, các ấn phẩm hướng dẫn hoặc các buổi, chương trình tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất cho thanh niên. “Làm việc này phải thường xuyên và quan trọng là thực chất thì mới mang lại thành công cho thanh niên nông thôn được”- ông Hùng nói.

Giải quyết việc làm cho hơn 
400.000 thanh niên nông thôn

Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị sơ kết ba năm triển khai thực hiện phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” và hai năm thực hiện đề án “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013 – 2020”.

Theo đó, từ năm 2013 đến nay, hai phong trào đã góp phần xây mới gần 11.000km đường giao thông nông thôn, trên 89.000km đường giao thông thủy lợi nội đồng, 2.800 nhà văn hóa cùng 5.200 nhà nhân ái, nhà bán trú dân. Chương trình cũng đã hỗ trợ gần 30.000 thanh niên vay vốn sản xuất, giúp tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 2,6 triệu thanh niên, dạy nghề cho trên 351.000 người, giải quyết việc làm cho trên 427.000 đoàn viên thanh niên.

 

LÂM HOÀI